Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Trung-Dinh-Tay-Phuong-Cong-Cu

Trùng Đính Tây Phương Công Cứ

Lời Trần Tình Của Người Chuyển Ngữ


Tịnh Ðộ là một pháp môn thật đặc biệt: Hầu như người Phật tử nào cũng biết đến pháp môn này, cũng hiểu khái niệm Tịnh Ðộ tư lương cũng như cách hành trì pháp môn này; nhưng thật ít người thấu hiểu tường tận những điểm thâm áo, huyền diệu, siêu việt sự tướng của một pháp môn mà nếu chỉ nhìn bề ngoài sẽ dễ ngộ nhận nó là một pháp thiên trọng sự tướng, hoàn toàn mang tính chất tiêu cực, van xin, quỵ lỵ!

Do đó, không ít những người tu Tịnh Ðộ chúng ta đôi khi cảm thấy tự ti mặc cảm vì pháp môn này quá giản dị, quá đơn giản nên dễ bị chao động, chạy theo tu tập những pháp môn khác có vẻ “trí thức, cao siêu” hơn đến nỗi lơ là Tịnh nghiệp. Ngay cả mạt nhân cũng từng vướng phải khuyết điểm này trong khi đang dò dẫm trên bước đường tu tập. Do phước thừa, mạt nhân được đọc những sách giảng dạy tường tận về Tịnh Tông của chư tổ và thiện tri thức Trung Hoa do hội Tịnh Tông Ðài Loan ấn hành nên niềm tin vào Tịnh Ðộ lại được củng cố, lại dốc lòng chuyên tu Tịnh nghiệp.

Khi trò chuyện cùng các liên hữu thân quen, mạt nhân giật mình thấy không những chỉ riêng mình mắc phải căn bịnh “đứng núi này trông núi nọ   ấy” mà hầu như không ít thì nhiều, đa phần Tịnh nghiệp hành nhân cũng từng mắc phải căn bịnh oái ăm ấy. Bởi vậy, mạt nhân bèn đánh liều chuyển ngữ những văn bản Tịnh Ðộ giá trị bằng tiếng Hán sang Việt ngữ chỉ với tâm nguyện chia sẻ pháp lạc cùng các liên hữu cũng như giúp cho những bạn đồng tu được tăng thêm tín tâm, hạnh nguyện thêm kiên cố.

Chuyển ngữ một tác phẩm thông thường đã khó, huống hồ là phiên dịch những tác phẩm đặc thù của Phật giáo. Muốn chuyển ngữ thành công một văn bản Phật giáo từ tiếng Hán, người dịch phải thấu hiểu nội điển lẫn văn hóa Trung Hoa cũng như thấu hiểu sâu sắc cả Hoa ngữ lẫn Việt ngữ. Tiếc thay, mạt nhân không hề hội đủ   những điều kiện ấy.

Bản dịch nháp tác phẩm Trùng Ðính Tây Phương Công Cứ được hoàn thành vào tháng 6 năm 200, nhưng do mức độ hiểu biết về đạo học lẫn thế học của người dịch quá nông cạn, bản dịch nháp ấy không tránh khỏi những sai lầm ấu trĩ khó thể tha thứ. May mắn sao, vào tháng sáu năm nay (2002), nhờ sự giúp đỡ tận tình của đạo hữu Minh Lập và sư cô Như Hạnh chùa Dược Sư (Sài Gòn), bản dịch nháp thô vụng này đã được Hòa Thượng chùa Long Sơn (Nha Trang) hoan hỷ giảo chánh, hiệu đính và ấn khả.

Xin mượn lời trần tình này để dâng lời cảm tạ chân thành lên: Hòa Thượng   thượng   Ðỗng   hạ   Minh chùa Long Sơn (Nha Trang) kiêm trưởng ban phiên dịch Pháp Tạng Việt Nam, dù bận rộn trăm công ngàn việc vẫn từ bi dành thời gian giảo chánh và chứng minh bản dịch, Hòa Thượng   thượng Trí   hạ   Tịnh đã sách tấn, cổ vũ; Hòa Thượng   thượng   Tịnh   hạ   Không và các đạo hữu trong hội Tịnh Tông Ðài Loan đã hoan hỷ ban bố pháp thí khiến cho con có được các tài liệu Tịnh Ðộ quý giá này.

Xin đặc biệt cảm tạ sư cô Như Hạnh (chùa Dược Sư, Bình Thạnh, Sài Gòn) đã bỏ nhiều công sức giúp cho con có được cơ duyên trình các bản dịch nháp lên Hòa Thượng Long Sơn .

Bản dịch này không thể hoàn thành được nổi nếu không có sự sách tấn, khuyên nhủ, cổ vũ của bổn sư là Thượng Tọa   thượng   Giải   hạ   Thắng (viện chủ chùa Bửu Quang, Sài Gòn) và sư cô Ðàm Nhật (chùa Ðức Viên, California) cũng như của các đạo hữu Từ Hỷ, Tuệ Cường, Huệ Toàn, Không Châu; xin đặc biệt cảm tạ các đạo hữu Minh Lập, Vạn Từ và Huệ Trang đã dành nhiều thời gian duyệt bản thảo và góp ý sửa chữa.

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo thường gia hộ cho các vị ân sư, liên hữu trên đều luôn được thân tâm an lạc, đạo hạnh tinh tấn, một hậu cùng sanh Cực Lạc quốc, diện kiến từ phụ A Di Ðà. Nếu như việc phiên dịch này có chút công đức nào thì đều xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh Cực Lạc, chóng thành Phật quả.

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa kính bái.