Home > Khai Thị Niệm Phật
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Mậu Ngọ
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Hôm nay là ngày kết thất thứ nhất. Việc đầu tiên là phải hiểu ý nghĩa của việc kết thất chính là “khắc kỳ cầu chứng”. Tu pháp môn Niệm Phật của Tịnh Ðộ thì phải đạt Nhất Tâm Bất Loạn mới có thành tựu. Kết thất niệm Phật bảy ngày, nếu khéo công phu thì niệm một ngày liền đắc Nhất Tâm. Muốn được vậy phải tu nhiều năm, phải là người hiểu giáo lý mới có thể làm được. Thứ đến là hai, ba, bốn, năm, sáu ngày chẳng nhất định. Tiếp đó là phải niệm đến ngày thứ bảy mới chứng Nhất Tâm. Ðấy là nói về những người thanh tịnh cả bảy ngày, ngày đêm niệm Phật không ngừng, trong bảy ngày liền đoạn được Kiến Tư Hoặc. Chỉ có người đoạn được Kiến Tư Hoặc mới là người thực sự đắc Nhất Tâm.

Nhưng đoạn được Kiến Tư Hoặc rất khó, vì thế, có một phương pháp đặc biệt: Trước hết, chỉ cầu chế ngự được Hoặc mà thôi. Nghĩa là lúc Hoặc khởi dậy thì liền dùng Phật hiệu chế phục nó. Công phu luyện đến thuần thục thì hễ Hoặc khởi liền chế ngự được. Ðược vậy thì cũng gần giống như đắc Nhất Tâm, cũng có thể đới nghiệp vãng sanh.

Các tông tu hành chẳng ngoài việc “chánh trợ song tu”. Chánh công phu là trừ khử vọng niệm, thấu triệt tâm tánh; trợ công phu là công phu giúp hiển lộ tâm tánh, trừ khử những ma chướng phát sanh bởi dụng công. Nay tôi theo thứ tự nói sơ lược những pháp tu Chánh và Trợ của Tịnh Ðộ.

Trước hết nói về Chánh Công Phu. Trong vòng bảy ngày, lúc nào cũng phải giữ lòng cung kính. Một phen bước vào cửa chùa thì cũng như vào gặp Phật. Pháp Thân của Như Lai ở khắp mọi nơi, chẳng phải chỉ mình tượng Phật trên đại điện mới xem là Phật, mà thật ra một sắc, một hương không thứ nào chẳng phải là diệu sắc, diệu tâm của Phật. Ðối với mỗi hoàn cảnh, nơi chốn như thế đều xem như là Phật thì ngôn hạnh tự nhiên cung kính, chẳng còn lười nhác nữa. Cung kính chính là bí quyết để hướng đến Bồ Ðề. Ðây là tầng công phu thứ nhất.

Khi đã ngồi yên rồi thì phải buông xuống vạn duyên, quét sạch mọi vọng niệm tạp sự thường ngày. Sau đấy mới gom tâm về một chỗ, buộc tâm nơi câu hồng danh. Giống như nơi dòng nước chảy xiết phải buộc chặt thuyền bè vào cột thì mới khỏi bị nước cuốn. Ðây là tầng công phu thứ hai.

Kế đó, trong khi trì danh, phải giữ sao cho sáu chữ hồng danh từ tâm tưởng khởi, từ miệng phát ra, nghe lọt vào tai, ví như ba cái bánh xe xoay vần qua lại, cốt sao tâm tưởng thật trong sáng, rõ ràng, miệng niệm được rõ ràng, tách bạch, tai nghe rõ ràng, rành mạch. Tự niệm, tự nghe như thế, từng chữ dựa chặt vào nhau, trong khi niệm đừng đánh mất một câu nào. Ðây là tầng công phu thứ ba.

Thêm nữa, lúc chúng ta niệm Phật, chẳng luận là miệng tụng hay ý trì, hãy nên giữ cho không có tạp âm, chỉ còn mỗi mình tiếng niệm Phật. Do A Di Ðà Pháp Thân ở khắp mọi nơi, Phật quang cũng chiếu thấu khắp nơi. Vì thế lúc niệm Phật, từ nơi ta phát ra tâm thanh (âm thanh phát xuất từ tâm), tâm thanh hòa nhập vào Phật quang, Phật quang lại nhập vào tâm thanh. Tâm thanh và Phật quang dung thông như thế thì ta chính là Di Ðà, Di Ðà chính là ta. Ðây là tầng công phu thứ tư.

Theo đúng những điều vừa nói ở trên, tinh tấn tu tập từng tầng, khiến cho chỗ chín biến thành chỗ sống, chỗ sống chuyển thành chỗ chín. Ðến khi đạt đến tầng thứ tư thì chính là ngày thành tựu Nhất Tâm vậy.

Tiếp đến nói về Trợ Công Phu. Chánh Công Phu cố nhiên là thẳng chóng, ổn thỏa, thích đáng, nhưng chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay quen thói phiền não đã sâu, vọng niệm tơi bời; nay muốn dùng một câu Phật hiệu đè nén chúng cho khỏi tạo nghiệp, không còn vọng tưởng, thì tuyệt đối chẳng thể thực hiện được điều đó trong một thời gian ngắn. Vì thế, phải dùng Trợ Hạnh để giúp sức.

Nếu có thể hằng ngày tự cảnh tỉnh, quan sát lỗi ác của chính mình, thành tâm sám hối, mong tiêu nghiệp chướng, thấy người khác làm lành liền tùy hỷ, tán thán để tăng phước đức; tùy hỷ, sám hối như thế đều hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì đấy chính là Trợ Hạnh thứ nhất.

Tiếp đến là pháp Hân Yếm (ưa thích và nhàm chán). Trong các sanh hoạt thường nhật, chẳng luận là ăn, mặc, đi, đứng, đối với mọi thứ trong cõi Sa Bà đều nhất loạt coi là ô uế mà chán lìa. Ðối với các thứ trang nghiêm được diễn tả trong ba kinh Tịnh Ðộ đều tưởng là thanh tịnh, sanh lòng ưa thích. Chán lìa thì không tâm tham luyến. Vui mừng, hâm mộ thì tự tăng thêm ý nguyện cầu sanh. Ðến khi hân yếm cùng cực thì thân tuy ngụ Sa Bà, nhưng chẳng còn là khách trọ lâu ngày trong cõi Sa Bà nữa; tuy chưa chứng Cực Lạc, nhưng đã sớm là người thường trú chốn Liên Bang. Ðây chính là yếu quyết mầu nhiệm của Tịnh Tông, chẳng thể nói là giống như những lời lẽ “bất hân, bất yếm” của các tông khác. Ðây chính là Trợ Hạnh thứ hai.

Thêm nữa, về pháp phương tiện để chế ngự Hoặc, nên biết rằng niệm Phật chẳng được Nhất Tâm là do vọng niệm làm loạn. Nhưng vọng niệm chính là Hoặc, mà cũng chính là Ma. Kinh Niết Bàn dạy: “Tu Ðà Hoàn đoạn Kiến Hoặc như cắt đứt dòng sông chảy mạnh rộng bốn mươi dặm”. Vì thế muốn đoạn ngay được Hoặc thật chẳng dễ dàng. Nay có cách tạm cầu chế ngự Hoặc. Cổ đức bảo: “Bất phạ niệm khởi, đản khủng giác trì” (chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm). Nếu cứ hễ ý niệm khởi liền có thể nhận biết, biết rồi liền dùng Phật hiệu chế ngự nó. Ma đến, Phật chế ngự như thế, ví như dùng đá đè cỏ. Ðè lâu ngày, Hoặc chẳng thể tự khởi, cũng được “phương tiện Nhất Tâm”, đợi đến khi sanh về Tây Phương rồi sẽ lại đoạn Hoặc. Ðây chính là pháp đặc biệt của Tịnh Ðộ, chẳng thể dùng lý lẽ của các tông khác để cật vấn được. Ðây chính là Trợ Hạnh thứ ba.

Hy vọng mọi người bảy ngày sau đây, bất luận là đang ở trong đạo tràng hoặc đang trên đường về nhà đều tu như thế. Tiếp theo đây tôi dùng một bài kệ để kết luận:

Tịnh Ðộ nan tín khước dị hành,
Toàn do nhị lực chánh trợ công
Tất đắc Nhất Tâm phương hữu hiệu,
Phương tiện phục Hoặc tức cảm thông
(Tịnh Ðộ khó tin nhưng dễ hành,
Toàn do hai lực Chánh và Trợ,
Phải đắc Nhất Tâm mới hữu hiệu,
Phương tiện chế Hoặc liền cảm thông)

Sau cùng xin mọi người buông xuống vạn duyên, thẳng thét mà niệm một câu A Di Ðà Phật!



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch