Home > Khai Thị Niệm Phật
Một Bữa Vô Thường Đến Mới Biết Ta Đang Mơ
Đời Thanh, Triết Giang, Từ Vân Hương Nghiêm | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Một bữa vô thường đến,
Mới biết ta đang mơ,
Muôn thứ đành bỏ lại,
Riêng mình nghiệp theo thân.

Thế nào là “muôn thứ đành bỏ lại?” Quan tước, của cải, đồ quý giá, nhà cửa, ruộng vườn, quần áo, món ăn, cho đến vợ đẹp, con yêu, hễ vô thường xảy đến đều không mang theo được. Thế nào là “riêng mình nghiệp theo thân?” Các ác nghiệp tham, sân, si, mạn, Ngũ Nghịch, Thập Ác do con người đã tạo, các thiện nghiệp Giới, Định, Huệ, Ngũ Giới, Thập Thiện con người đã hành, hễ vô thường xộc tới, chúng đều theo quý vị cả. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Khi lâm chung, lúc hơi nóng chưa tan hết, sự thiện điều ác trong cả một đời đều cùng một lúc nhanh chóng hiện ra. Ác thì liền cảm khổ báo trong tam đồ. Thiện thì cảm quả báo vui trong cõi trời người”. Nếu trong thiện tâm lại còn kèm thêm tín nguyện niệm Phật cầu vãng sanh ắt sẽ hiện cảnh tướng cõi Cực Lạc của Phật. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện dạy: “Khi người ấy chết, hết thảy các căn thảy đều hư hoại, hết thảy thân thuộc thảy đều bỏ lìa, hết thảy oai thế thảy đều biến mất, voi, ngựa, xe cộ, trân bảo, kho đụn, không còn thuộc về kẻ ấy nữa. Chỉ có nguyện vương này là trong hết thảy lúc thường dẫn đường trước mặt, trong một sát-na liền sanh về thế giới Cực Lạc, thấy A Di Đà Phật và các thánh chúng”. Đã là như thế, sao chẳng giành ngay lúc khỏe mạnh này nỗ lực siêng năng tu tập? Ngài Thiện Đạo nói: “Dẫu cho vàng ngọc đầy nhà, khó khỏi suy tàn già bệnh! Dẫu ngươi khoái lạc ngàn muôn, rốt cuộc vô thường xảy tới, chỉ có nẻo tắt tu hành, chỉ niệm A Di Đà Phật”. Nếu đợi lâm chung mới hối, dẫu hối còn kịp hay chăng? Kính khuyên mọi người hãy kịp thời tấn tu. Sanh tử là chuyện lớn, vô thường mau chóng, hãy hết sức cẩn thận đối với chuyện này, xin hãy gắng lên nhé!

Hơn nữa, người tu Tịnh nghiệp phải có đủ ba thứ tư lương:

1) Một là Tín: Tin luân hồi khổ nhất, tin niệm Phật mầu nhiệm nhất, tin rằng tu hành trong cõi này khó thể thành tựu đạo quả. Tin rằng nguyện sanh về cõi kia, thậm chí mười niệm, quyết được vãng sanh. Tin rằng với quả báo được sanh trong cõi trời người thì khi hết phước sẽ lại đọa. Tin rằng hễ sanh về cõi Cực Lạc, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, sẽ thành Chánh Giác. Tin rằng hễ xưng danh hiệu Phật một tiếng sẽ diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Tin rằng người niệm Phật được Phật Di Đà gia hộ, dắt dìu, khi bị bệnh sẽ được Ngài cứu vớt, che chở, khi lâm chung được Phật đến đón.

2) Hai là Nguyện: Nguyện tiêu nghiệp chướng, nguyện diệt các khổ, nguyện tâm mở mang, nguyện thấy Phật. Nguyện tịnh nghiệp thành tựu. Nguyện sanh về cõi An Dưỡng, nguyện được Phật thọ ký, nguyện độ sanh.

3) Ba là Hạnh: Thân lễ tượng Phật, miệng xưng danh, tâm quán tưởng, đều phải sao cho chuyên nhất, trọn chẳng tán loạn. Phải hiểu biết rằng khi tín nguyện chính là đã vun trồng hoa sen; khi chuyên niệm thì hoa sen bèn vượt khỏi mặt nước. Lúc công lao thành tựu, hoa sen bèn nở trên không. Nếu dấy lòng nghi ngờ, hối tiếc, hoa sen lại héo đi.

Do vậy, ngày đêm sáu thời không có một niệm nào tham luyến Sa Bà. Phàm đi đứng, ăn ở, ăn uống, nói năng, im lặng, động, tịnh, đều chẳng quên Tịnh Độ. Tới lúc lâm chung, hãy nên niệm Phật phát nguyện, chẳng được sợ chết, tham sống. Thường tự nghĩ rằng: Cái thân hiện tại của ta đây mọi thứ khổ chen nhau buộc ràng, những món bất tịnh tràn trề, nếu bỏ được cõi này, gởi thân nơi ao sen, hưởng vô lượng vui, mọi chuyện tột bậc vừa ý, như trút được cái áo hôi xấu, được mặc quần áo quý báu, sang cả, buông xuống vạn duyên, thân tâm giải thoát. Hễ vừa bị bệnh, chẳng cần biết là nặng hay nhẹ, liền nghĩ tới vô thường, một lòng đợi chết, liền dặn dò hết thảy mọi người: “Phàm ai đến gặp tôi đều niệm Phật cho tôi, chớ đừng nói tạp nhạp chuyện đời, tình cảnh gia đình hay dở!” Lại mời pháp sư nhiều lượt tới khuyên nhắc, nương theo kinh để chỉ dạy. Cho đến lúc bệnh nặng xả báo, người nhà thân thuộc chẳng được khóc lóc, thốt ra tiếng than thở buồn bã, áo não vì vẫn sợ làm cho tâm thần người sắp mất bị lầm lẫn, rối loạn, quên mất chánh niệm, chỉ lớn tiếng niệm A Di Đà Phật. Giữ như vậy cho đến khi người ấy tắt hơi, thần thức đã rời khỏi xác rồi mới được cất tiếng khóc. Nếu được như thế thì vạn người cầu, vạn người vãng sanh, ắt chẳng còn ngờ chi nữa!

Lại có kẻ gặp phải chướng nạn, chẳng thể chánh niệm vãng sanh, [chẳng hạn] như trúng phong, cấm khẩu, cuồng loạn mất trí, nước lửa, sét đánh, bị trùng thú quỷ ăn, trúng phải độc dược, chết trận, oán tặc, nạn vua, cũng phải sám hối sẵn, ắt sẽ được Phật che chở. Bởi lẽ người niệm Phật có sáu thứ lợi ích thù thắng:

1. Chư Phật, Bồ Tát hộ niệm. Đức Di Đà đứng trên đỉnh đầu phóng quang. Chư thiên, thần tướng ngày đêm ngầm gia hộ.
2. Ác quỷ, độc dược đều chẳng thể làm hại được.
3. Tam tai bát nạn thảy đều tiêu trừ. Chướng duyên đời trước tiêu tan, được thoát khỏi kẻ thù oán đòi mạng.
4. Khí lực sung mãn, không mắc phải các thứ bệnh tật ngang trái.
5. Đêm nằm mộng tốt lành, thấy hình tượng Phật. Không bị những thứ phi nhân đoạt mất tinh khí.
6. Trong hiện tại được hết thảy lễ kính, lâm chung Tam Thánh tiếp dẫn.

Do vậy, biết: Hằng ngày thường một dạ niệm Phật hiệu chính là pháp chuẩn bị sẵn để ngăn ngừa lo sầu. Như người vào thành làm việc, ắt trước hết phải kiếm chỗ an cư, ngõ hầu khi trời đêm tối om sẽ có chỗ để ngủ. “Kiếm chỗ để ở” chính là tu sẵn Tịnh nghiệp. “Khi trời đêm tối om” chính là khi đại hạn xảy tới. “Có chỗ để ngủ” chính là sanh trong hoa sen, chẳng gặp chướng ngại. Nếu con người y theo đó để dụng tâm, lúc lâm chung chắc chắn được vãng sanh. Đây lại là điều dặn dò thiết tha dành cho người tu Tịnh Độ vậy.

 
Tam Tai: ba tai nạn lớn khi thế giới sắp bước vào kiếp Hoại: Thủy Tai, Hỏa Tai và Phong Tai.

Bát nạn (Astāvaksanāh): Tám thứ chướng nạn gồm: Sanh trong địa ngục, sanh trong loài ngạ quỷ, đọa làm súc sanh, sanh trong chốn Biên Địa hoặc sanh vào châu Uất Đan Việt (trong châu này quá sướng, tuổi thọ quá dài, nên không có lòng mong muốn tu tập), tàn tật (đui, ngọng, câm, điếc), Thế Trí Biện Thông, và sanh trước Phật hay sau Phật. Nếu hiểu đặc biệt theo nghĩa thọ giới của Tăng sĩ (như trong Tứ Phần Luật đã quy định) thì tám nạn là tám thứ chướng nạn khiến tăng chúng không thể thọ giới, tụng giới hay Tự Tứ được tức là nạn vua, nạn giặc cướp, lụt lội, hỏa tai, bệnh tật, bị kẻ xấu quấy nhiễu, bị phi nhân ngăn trở, bị độc trùng ngăn trở.
 
Trích từ: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao