Home > Khai Thị Niệm Phật
Phép Tham Thiền Chẳng Phải Là Cơ Duyên Của Người Đời Nay,
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Được thơ, biết nơi quí địa còn có tâm pháp của Nho, Phật, các hạ lại hết sức đảm đương, tôi rất lấy làm vui đẹp! Đến như những lời khen tôi, thật là đưa ngọn cỏ khỏi lầu cao, khoe mắt cá hơn châu ngọc, quá dùng theo lối khách sáo ngoài đời, khiến cho người xiết bao hổ thẹn! Ấn Quang vẫn một kẻ dung tăng, hằng đón lấy canh thừa cơm hẩm nơi nhà bậc phú trưởng giả để tự nuôi sống, nếu có ai không chê rằng nặng mùi, cũng đem để chia sớt cho nhau. Nhưng cư sĩ Từ Huất Như bảo rằng thức ăn ấy có ích cho người đói, nên mấy phen đem lời kẻ quê mùa này in ra lưu bố, tuy về ý có phần khả thủ, song văn chương không đáng để nhìn. Chẳng dè bộ Văn Sao của tôi lại làm lờn mắt xanh của các hạ, thật nghĩ cảm thẹn không cùng! Trong ấy, những điểm: chánh tâm, thành kính, dùng để đối trị sự tìm cầu bên ngoài, sự không biết kiêng sợ của người đời nay, cũng có đôi phần ích lợi cho kẻ sơ học. Nhưng, nếu bậc thông Tông hiểu Giáo được trông thấy, chắc không khỏi bắt nhợn ra. Tuy nhiên, nếu mửa hết những thức ăn khó tiêu của Tông Giáo, thì canh thừa cơm hẩm ấy cũng có thể bồi bổ ngươn khí, đợi đến khi sức khỏe phục hồi, lại dùng thứ cao lương mỹ vị mới được thật ích.

Về các pháp môn: Luật, Giáo, Thiền, Tịnh, thứ nào hợp cơ, xin xem kỹ bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận trong Văn Sao của tôi sẽ tự rõ. Bậc đại thông gia tuy gồm tu Thiền, Tịnh, song tất lấy Tịnh độ làm chủ. Nếu như hạng người thường không cần phải nghiên cứu khắp kinh luận sâu xa, chỉ nên làm lành dứt dữ, một lòng niệm Phật cầu về Tây phương mà thôi. Hạng người ấy vẫn sinh sống theo đời mà gồm tu đạo xuất thế, tuy tợ hồ bình thường không chi kỳ lạ, song được sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Vì kẻ quê mùa dốt nát chỉ dùng lòng chơn thành tin tưởng niệm Phật, nên có thể thầm hợp cùng đạo mầu, cảm thông với trí Phật. Người thông hiểu giáo lý, nơi tâm thường hay tính toán suy lường, nên trọn ngày thức thần ở trong vòng phân biệt, so lại không bằng sự chơn thành của hạng ngu tối kia. Cho nên, kẻ quê dốt niệm Phật rất dễ được lợi ích. Bậc đại thông gia như có thể buông bỏ tất cả cũng dễ được lợi ích; trái lại nếu chỉ suy lường nghĩa lý, chẳng những không đắc ích, e có khi trở thành bệnh, hoặc chưa được cho là được, lạc vào phái ngông cuồng.

Phép tham thiền chẳng phải là cơ duyên của người đời nay, dù có học cũng thành sự hiểu biết về văn tự, quyết không thể tỏ suốt tâm tánh. Tại sao thế? Vì thiếu bậc Thiện tri thức dắt dìu chỉ định, lại người học chẳng biết tham thiền là thế nào, phần nhiều tuy gọi tham thiền, song thật ra là ngộ nhận. Trong bài luận “Tông cùng Giáo không nên lẫn lộn”“Tịnh Độ Quyết Nghi”, tôi đã chỉ phần đại khái về việc trên đây. Người đời nay, không luận căn cơ thượng, trung, hạ, đều phải gìn luân thường, giữ lòng thành kính, tin chắc lý nhân quả, làm những điều lành và chuyên niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Nhân quả là cái lò lớn để nung phàm luyện Thánh trong đạo pháp thế và xuất thế gian. Nếu trước tiên không nghiên cứu về nhân quả, sau khi thông hiểu Tông Giáo, e cho còn sự lỗi lầm đối với vấn đề này, và đã lỗi lầm tất có phần sa đọa. Vì thế, chớ cho nhân quả là cạn cợt mà xem thường. Phàm phu vì tâm lượng nhỏ hẹp nên không hiểu thấu những chỗ nói về nhân quả trong kinh, thật ra, các đấng Như Lai thành Chánh giác, chúng sanh đọa tam đồ, đều chẳng ngoài đạo lý ấy. Nên lấy pháp thiển cận ở đời để làm phương tiện vào đạo mầu, như các thiên: Văn Xương Âm Chất, Thái Thượng Cảm Ứng chẳng hạn. Mấy quyển ấy, nếu xem kỹ và thực hành theo thì mỗi người đều có thể thoát nẻo luân hồi, hoặc ít ra cũng làm được hạng dân lương thiện. Niệm Phật tuy trọng ở sự vãng sanh, nhưng khi niệm đến cùng cực cũng ngộ được chân tâm, chẳng phải đối với đời hiện tại hoàn toàn không lợi ích. Thuở xưa, Thiền sư Minh Giáo Tung mỗi ngày niệm Thánh hiệu Quán Âm mười muôn câu, về sau những kinh sách ở đời, Ngài không đọc mà biết cả. Nên xem Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, sẽ biết niệm Phật là nhiệm mầu. Về điều này, trong Văn Sao của tôi cũng thường nói đến. Các hạ bảo: “Niệm Phật không được lợi ích ngay trong đời hiện tại”, đó là bởi chính mình chưa nghiên cứu các kinh luận của Tịnh Tông. Cho đến quyển Văn Sao của tôi, có lẽ các hạ cũng đọc qua như người chạy ngựa xem đèn, không tế tâm tìm hiểu.

Đến như giới luật, chẳng những chỉ riêng về hình thức bên ngoài, mà nếu không giữ lòng thành kính cũng là trái phạm. Nhân quả chính là trụ cốt của luật, nếu không biết hoặc mù mờ đối với đạo lý này, tức đã trái luật, lỗi lầm. Người niệm Phật, như giữ được tâm niệm hợp với chánh lý, thì trong một hạnh gồm đủ cả: Luật, Giáo, Tịnh, Thiền. Nên biết, tu các pháp môn kia đều phải dứt hết hoặc nghiệp không còn mảy tơ, mới được giải thoát. Riêng môn Tịnh độ, nếu người trừ sạch phiền não được vãng sanh, tất mau chứng pháp thân, kẻ nghiệp chướng còn nặng, khi về Cực lạc, cũng đã lên cõi Thánh. So lại hai phương diện, một bên toàn dùng sức mình, một bên nương nhờ sức Phật, sự hơn kém cách xa như vực với trời. Có nhiều kẻ thông minh, mỗi khi đọc sách về tông Thiền thấy có ý vị, liền tự cho mình là thiền khách, muốn làm bậc cao nhân. Hạng ấy không biết Thiền, Tịnh là thế nào, lầm chuốc lấy lỗi tự tôn tự đại. Những kẻ có kiến giải như thế, quyết không nên bắt chước. Nếu noi theo, thì với việc thoát sanh tử, e cho trải qua kiếp số như bụi cũng khó mong cầu.

Xin xem kỹ lại quyển Văn Sao của tôi sẽ tự rõ.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long