Home > Khai Thị Niệm Phật
Ý Nghĩa Vô Lượng Thọ Của Hồng Danh Đức Phật A Di Đà
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Việt Dịch


Chữ A Di Ðà, nguyên tiếng Phạn đọc là Amita, dịch ra chữ Hán là “Vô Lượng”, tức là nhiều lắm, chẳng thể nào nói hết được. Ðức Phật Thích Ca chỉ dùng một nghĩa Quang và một nghĩa Thọ mà thâu nhiếp được hết thảy vô lượng nghĩa vào trong Quang (sáng suốt). Ánh sáng thì phải sáng khắp cả mười phương, chỗ nào cũng sáng. Thọ (sống lâu), thì phải sống mãi suốt vô lượng kiếp, kiếp nào cũng vẫn sống. 

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy thọ mạng của Phật A Di Đà và nhân dân nơi thế giới Cực Lạc của Ngài đều vô lượng vô biên, trường cửu, không thể tính toán được và hoàn toàn tùy theo bản nguyện. Chúng sinh không bị lão bệnh tử làm trở ngại công phu, khỏi phải vô thường làm gián đoạn đạo hạnh. Bởi vậy nhân dân cõi nước Cực Lạc đều dự ngôi Bất thoái, nghĩa là đã vượt ra ngoài vòng sinh tử. Đây là pháp thân thường hằng chứ không là thân hữu vi.

Tâm tính của con người nó soi sáng (là Chiếu) mà nó thường yên lặng (là Tịch), cho nên nó tạo thọ mạng (sống lâu). Nay Phật đã chứng thực được triệt để cái thể chất vô lượng của tâm tính, cho nên thọ mạng của Phật cũng vô lượng (sống lâu mãi suốt cả 3 chiều thời gian, không biết đến ngày nào là hết).

Thọ mạng của Pháp thân không có lúc bắt đầu (là vô thủy), không có lúc cùng tận (là vô chung). Thọ mạng của Báo thân thì có khởi thủy, mà không có chung cùng. Hai Thọ mạng ấy, thời vị Phật nào cũng giống nhau, nhưng thọ mạng của Ứng hóa thân thì phải tùy nguyện, tùy cơ của mỗi vị mà có dài ngắn, chẳng giống nhau. Trong 48 đại nguyện của ngài Pháp Tạng, tiền thân của Đức Phật A Di Đà, có một nguyện rằng: “Thọ mạng của Phật và của dân cõi Phật đều phải vô lượng”. Nay Ngài đã thành Phật, Ngài được như nguyện của Ngài, cho nên Ngài còn có danh hiệu là Vô Lượng Thọ.

Lược giải lời dạy của Đức Phật về danh hiệu Vô Lượng Thọ

Hán văn: Hựu, Xá Lợi Phất! Bỉ Phật thọ mệnh, cập kỳ nhân dân vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, cố danh A Di Ðà.

Việt dịch: Lại còn đây nữa Xá Lợi Phất ơi! Phật kia cùng với nhân dân của Ngài, sống lâu vô lượng vô biên cho đến a tăng kỳ kiếp không thể kể xiết. Vì thế nên hiệu là A Di Ðà.

Chữ “a tăng kỳ” là tiếng Phạn, chữ Hán là vô lượng, vô biên, đều là những danh từ số đếm. Ứng hóa thân đây tuy nói là vô lượng (không có hạn lượng) nhưng thực ra vẫn có một hạn lượng. Nhưng đã biết 3 thân của Phật chẳng phải là một, chẳng phải là khác nhau, thì Ứng hóa thân của Phật A Di Ðà đây cũng có thể là thân sống lâu vô lượng!

Chữ “cập” là “lược qua không nói đến”, nghĩa là: Ở dưới Phật còn có nhiều vị Bồ Tát từ ngôi Ðẳng Giác trở xuống, rồi mới đến nhân dân.

Chữ “kỳ” là “đồng thể”, “thể chất”, nghĩa là thọ mạng của người dân Phật cũng giống như thể chất thọ mạng của Phật.

Vậy ta nên hiểu rằng: Danh hiệu A Di Ðà (là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ) đều do căn bản của chúng sinh mà lập ra. Vì rằng chúng sinh với Phật là bình đẳng ngang nhau, thì mới khiến cho người trì niệm danh hiệu Phật A Di Ðà được phần Chiếu của tâm mình cùng với Quang minh của Phật tương ưng làm một, và được thọ mạng của mình cùng một thể chất với phần Tịch của Phật.

Cũng vì có nghĩa Vô Lượng Thọ như thế, cho nên người dân ở thế giới Cực Lạc đều là Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ, nghĩa là: Chỉ một lần sinh sang đấy rồi sống lâu mãi cho đến ngày thành Phật, không còn phải sinh đến lần thứ hai! Đây chính là điều kiện toàn hảo nhất để thực hành trưởng dưỡng tâm linh, thành tựu Phật quả!

Trích từ: Kinh A Di Đà Yếu Giải