Pháp môn Tịnh độ lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tông; Tín, Nguyện có sâu thiết, Hạnh mới được tinh cần. Khi tai họa gấp rút, siêng năng thành khẩn, lúc bình thường không việc, chậm trễ biếng lười, là sự tu hành không chí quyết, và đó cũng là bệnh chung của phàm phu. Nhưng sống trong tình thế hiện giờ, ví như người nằm yên trên đống củi to, ở dưới lửa đã phát cháy tuy chưa đốt đến thân, trong giây phút khói lửa sẽ mịt mù, không phương trốn tránh. Nếu còn lơ láo qua ngày, không chuyên chí cầu cứu nơi câu niệm Phật, sự thấy hiểu cũng là cạn cợt lắm!
Trong Phật pháp, tu về các môn khác, tất phải đến chỗ hạnh khởi giải tuyệt mới thật có ích, chẳng riêng gì phép quán tưởng của Tịnh độ tông. Người tu thiền lấy một câu thoại đầu không nghĩa vị làm bổn mạng ngươn thần, để tất cả tâm trí vào đó, thường thường tham cứu chẳng kể ngày tháng, đợi đến khi tiêu hết tình kiến đối với cảnh trong ngoài, mới gọi là đại triệt đại ngộ. Đó chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt ư? Đức Lục Tổ bảo: “chỉ xem Kinh Kim Cang cũng được tỏ lòng thấy tánh.”Đó chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt ư? Chữ khởi đây phải hiểu nghĩa là cực. Duy dùng sức cùng cực mới có thể quên cả thân tâm thế giới, lặng suốt một màu. Nếu công chưa cùng cực, tuy quán niệm, song vẫn còn có kia đây, toàn là việc của tình phàm, toàn là sự thấy hiểu phân biệt, đâu được chân thật lợi ích? Cho nên người xưa khi tham thiền, đầu não như cây khô, do đó đạo phong truyền rộng khắp nơi, đời sau còn ngưỡng mộ. Sự lợi ích ấy đều do ở nơi một chữ cực mà thôi.
Người đời nay ưa nói suông, ít hay thực hành. Tu Tịnh nghiệp phải gồm cả lý sự, mà sự lại càng nên chuyên hơn. Tại sao thế? Vì người thông hiểu lý, toàn sự đều lý, trọn ngày sự trì tức là lý trì. Kẻ chưa rõ lý, khi nghe nói lý trì, cảm thấy nghĩa ấy mầu nhiệm, lại hợp với ý biếng trễ không thích phiền nhọc của mình, liền chấp lý bỏ sự. Đâu ngờ khi bỏ sự, lý cũng thành ra việc suông! Mong các hạ đem việc tu hành kiêm cả sự lý khuyên bảo mọi người, công đức sẽ lớn lắm!