Hỏi: Quang minh của A Di Đà Phật chẳng bị chướng ngại. Đã là chiếu trọn khắp mười phương thế giới, đương nhiên là sẽ chiếu thấu thế giới Sa Bà. Cớ sao chúng ta chẳng trông thấy?
Đáp: Chướng ngại chẳng ở nơi Phật, mà thuộc về phía chúng ta. Cổ nhân có nêu một thí dụ: “Ánh mặt trời trọn khắp thiên hạ, nhưng kẻ mù chẳng thấy, chẳng phải là ánh mặt trời không trọn khắp”. Giống như ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp địa cầu, nhưng kẻ “sanh manh” chẳng trông thấy. “Sanh manh” (生盲) là người mù từ lúc lọt lòng, chưa từng thấy ánh sáng mặt trời, vậy thì có thể trách móc ánh nắng mặt trời chẳng chiếu đến kẻ ấy hay sao? Vì mắt kẻ ấy chẳng thấy, do vậy, chướng ngại thuộc về phía người sanh manh, chẳng phải do nơi mặt trời! Trong kinh Phật còn có một thí dụ: “Dương quang biến chiếu, bất chiếu phúc bồn” (ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp, chẳng chiếu chậu úp), [nghĩa là] cái chậu úp xuống, ánh sáng mặt trời chẳng thể soi thấu. Đó là vì quý vị đã úp chụp cái chậu xuống đất, ánh sáng mặt trời mới chẳng chiếu thấu. Trong thí dụ về kẻ sanh manh, chính là chúng sanh chẳng có con mắt trí huệ, chẳng trông thấy quang minh của đức Phật. Chúng ta có tròng mắt là nhục nhãn của phàm phu, bị nghiệp chướng ngăn ngại, chẳng thể khải phát trí huệ được. Vì thế, Phật có quang minh mà quý vị chẳng trông thấy. “Chẳng chiếu vào cái chậu úp” có nghĩa là trái nghịch giác, xuôi theo trần lao. Quý vị chẳng thấy quang minh của Phật, tức là quý vị đã trái nghịch giác quang của đức Phật, thuận theo trần lao, tâm của quý vị chẳng ứng hợp tâm Phật, cho nên chẳng trông thấy quang minh.
Nói đến quang minh của Phật, giống như nói chuyện thần thoại, có chứng nghiệm. Quý vị hỏi đệ tử Phật tu hành, chỉ cần thiết thực dụng công tu hành, đã mở mắt trí huệ, sẽ đều có thể thấy quang minh của Phật. Chẳng phải là con mắt “ngũ nhãn viên minh” của đức Phật, mà là mắt của lũ phàm phu chúng ta, hễ quý vị khai trí huệ Phật được nhiều hay ít, sẽ đều có thể thấy quang minh của Phật. Tuy trí huệ chẳng khai tí nào, nhưng quý vị nghiêm túc, thiết thực tu hành, tâm của quý vị luôn trái nghịch trần lao, ứng hợp giác, ứng hợp với sự giác ngộ của Phật, quý vị sẽ trông thấy quang minh của Phật.
Trích từ: Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Giảng Ký