Home > Khai Thị Niệm Phật > Khai-Thi-Tai-Phat-That-Chua-Linh-Son-Nam-At-Mao
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Ất Mão
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Hình cảnh thập cá thường cân tùy,
Tiền đầu khiên dẫn hậu diện thôi.
Thành tâm niệm Phật xung tha tán,
Lục tự đình thời tha hựu hồi.
(Mười tên cảnh sát thường theo sau,
Phía trước lôi kéo phía sau đẩy
Thành tâm niệm Phật, đuổi họ mất
Khi sáu chữ ngưng, họ lại về)
Chư vị lão sư, chư vị đồng tu:

Thời gian vô cùng quý báu, [hôm nay tôi] sẽ nói sơ lược những điểm chính yếu với quý vị, chỉ cần mọi người nghe hiểu, tin tưởng, và ghi nhớ được thì rất tốt. Nói về đề tài gì? Về sự phân biệt giữa học Phật và không học Phật.

* Phân biệt giữa học Phật và không học Phật

Phần đông người không học Phật đều mê hoặc, điên đảo, dĩ nhiên cũng rất đáng thương. Tại sao nói như vậy? Vì muốn giác ngộ thì phải đi học, khi hấp thụ được nền giáo dục hoàn hảo thì mới có thể giác ngộ. Nếu không cần học vấn gì cả mà có thể giác ngộ, đúng là rất hiếm. Chúng ta đã có cơ hội học Phật, vả lại, đã học rất nhiều năm, chắc có lẽ cũng có giác ngộ đôi chút. Nếu chẳng giác ngộ gì hết thì chẳng phải cũng đáng thương như những người chưa học Phật hay sao?

Không giác ngộ có gì xấu? Giác ngộ có gì tốt? Người không giác ngộ thì hiện tại chẳng có cách nào! Không chỉ hiện tại không tốt, mà tương lai sẽ còn tệ hơn bây giờ. Hiện thời chưa tạo nhân lành, trong tương lai chuyện xấu còn nhiều hơn nữa. Nếu là người giác ngộ, bất kể hoàn cảnh hiện thời như thế nào, tuy khó tránh được tám nỗi khổ của đời người, nhưng nhờ có giác ngộ nên biết đó là quả báo do chính mình đã tạo từ đời trước, dẫu chịu khổ vẫn chẳng oán trời trách người. Nhờ giác ngộ nên biết cách giải quyết nỗi khổ trước mắt, có thể vun trồng thiện căn, phước đức cho tương lai, mong cầu sau này được giải thoát. Đó là sự khác biệt giữa giác ngộ và không giác ngộ, đều là ở điểm này cả.

Người không học Phật chẳng biết, phàm những người tin Phật và biết học Phật, chỉ cần gặp mặt nói chuyện với nhau thì liền biết người này có giác ngộ hay không. Trong một vạn người không học Phật, có đến chín ngàn chín trăm mấy cách suy nghĩ, nhưng cái nhìn đối với ba đời thì đều không ngoài ba loại. Những người nghiên cứu tâm lý học đều biết, đó là nghĩ tưởng về những việc tốt đẹp hồi trước -- nuối tiếc quá khứ; phần đông đều than van bây giờ không bằng lúc trước -- bất mãn đối với hiện tại; mong muốn tương lai chuyển biến tốt đẹp hơn bây giờ -- hy vọng tương lai. Ba cách suy tưởng của người bình thường là nuối tiếc quá khứ, bất mãn hiện tại, và hy vọng tương lai đều là mê hoặc, điên đảo, nếu có cách suy nghĩ như vậy thì không thể khai ngộ được.

Cách nhìn như vậy đều cho rằng hiện giờ không bằng lúc trước, hy vọng tương lai tốt hơn bây giờ. Nhưng trải qua một thời gian sau thì lại nuối tiếc những việc tốt bây giờ và bất mãn đối với những gì đã hy vọng trong tương lai. Do đây có thể biết: Càng về sau càng chẳng bằng lúc trước, ngày càng tệ hơn, đây là lời chân thật. Nếu hy vọng tương lai có thể hưởng phước tức là mê hoặc, điên đảo. Hôm nay [tôi sẽ] trình bày những gì trong kinh đã nói, người đã nghe kinh sẽ hiểu được, mà người chưa nghe kinh cũng có thể nói đã biết việc này, có thể hiểu được tình huống ngày càng tệ này thì hãy mau siêng năng tinh tấn niệm Phật.

* Trạng huống thực trong tương lai

Bây giờ tôi sẽ nêu vài thí dụ trước, rồi sau mới nói đến kinh văn. Vạn pháp trong thế gian đều vô thường. Thí dụ như bốn mùa trong một năm, mùa Xuân và Hạ còn rất tốt, mùa Thu và Đông tệ hơn. Một năm như vậy, mà trăm ngàn năm cũng vậy, chỉ có điều ngày càng tệ hơn! Trong kinh Phật nói rõ: Thọ mạng con người bắt đầu từ lúc mười tuổi, mỗi một trăm năm tăng thêm một tuổi, cứ thế tăng mãi đến lúc tám vạn tuổi (nói số chẵn cho dễ nhớ), đây gọi là Kiếp Tăng. Trong Kiếp Tăng thì thọ mạng và phước báo của con người ngày càng tăng trưởng, đấy là lẽ tự nhiên. Ðến lúc tám vạn tuổi trở về sau, mỗi một trăm năm lại giảm một tuổi, giảm mãi đến lúc tuổi thọ con người chỉ còn mười tuổi thì thôi, đây là Kiếp Giảm. Trong Kiếp Giảm, thọ mạng và phước báo của con người cũng giảm theo. Giảm đến lúc mười tuổi, có thể nói là lúc xấu đến cùng cực. Chúng ta hiện nay đang trong Kiếp Giảm, đang lúc tuổi thọ con người giảm đến một trăm tuổi. Từ tám vạn tuổi giảm xuống một trăm tuổi, tình huống ngày càng tệ hơn. Mọi người hãy xem lịch sử Trung Quốc thì biết. Tình hình thời Hiên Viên Hoàng Đế hoàn toàn khác với tình hình hiện nay. Không bàn chuyện xa xôi, chỉ bàn về chuyện ở Ðài Loan trong hai mươi mấy năm nay thì cũng vậy. Mỗi năm đều chẳng bằng năm trước, hiện nay bề ngoài dường như ngày càng giàu có, hoa lệ, nhưng những vật sanh trưởng tự nhiên ngày càng ít, những vật nhân tạo ngày càng nhiều. Những vật chưng diện bên ngoài phần nhiều đều tạo thêm phiền não, ngũ dục, lục trần, có gì tốt đẹp đâu nhỉ? Phần nhiều các thức ăn hiện nay đều giảm bớt thọ mạng của con người, phần nhiều đều dùng chất hóa học, ăn vào sẽ sanh bệnh, sanh ung thư. Hiện nay, ngay cả bánh chiên dầu cũng có thêm Amonia, nước uống cũng có chất tẩy. Người ta chẳng thể không ăn cơm, không uống nước. Mọi người hãy thử suy nghĩ kỹ, hiện thời tuổi thọ trung bình của con người là một trăm tuổi mà còn như vậy, từ nay về sau chỉ có ngày càng tệ hơn mà thôi! Sau chín ngàn năm, tuổi thọ sẽ giảm chỉ còn mười tuổi sẽ xấu ác đến cùng cực, sau đó, cứ một trăm năm sẽ tăng lên một tuổi trở lại. Thật sự muốn hưởng phước thì phải đợi đến lúc tuổi thọ tăng đến hai vạn tuổi, lúc bấy giờ mới thực sự hưởng phước, vậy thì còn lâu lắm! Những gì nói trên đây đều dựa theo kinh Phật, những gì không có trong kinh, tôi chẳng dám nói bừa, nếu không, sẽ đọa địa ngục. Cho nên nếu mọi người muốn hưởng phước trong tương lai, phải ráng chờ đợi cho qua khoảng thời gian dài đăng đẳng này!

Từ đây về sau sẽ có rất nhiều tai họa, người học Phật đều biết sẽ có đại tam tai, hỏa tai, thủy tai, phong tai. Lúc đại tam tai xảy ra, ngay cả hai mươi tám tầng trời cũng phải bị hủy diệt. Trong khoảng thời gian trước khi đại tam tai xảy ra sẽ có tiểu tam tai. Nguyên nhân chánh yếu tạo nên tam tai là do tâm con người. Trong Kiếp Tăng, tâm người hướng thiện, đạo đức ngày càng tăng trưởng. Trong Kiếp Giảm, nhân tâm và đạo đức ngày càng suy sụp. Người chưa học Phật chẳng cần phải nói, nhưng người đã học Phật cũng bao gồm trong ấy. Nếu tâm không tốt thì sau này làm thế nào mới vãng sanh được? Không chỉ chẳng thể vãng sanh, mà trong tương lai muốn lìa đời một cách an lành cũng chẳng dễ. Người ngoại quốc cũng chẳng phải là ngoại lệ, ai cũng sẽ gặp phải tai kiếp, tất cả đều do nhân tâm tạo nên. Hiện tại không tốt, sau này sẽ càng ngày càng tệ hơn!

* Nhân tâm xấu ác trong Kiếp Giảm.

Nói tóm lại, căn nguyên của hết thảy xấu tốt đều do tâm con người tạo nên, tâm ấy là tâm tham, sân, si. Trong kinh đã nói rõ: Nếu có tâm tham thì sẽ chiêu cảm nạn đói kém, vật dùng và thức ăn ngày càng ít. Có tâm sân hận sẽ sanh ra kiếp đao binh, xảy ra chiến tranh. Ngày xưa dùng đao kiếm, một đao chỉ chém bị thương một người, ngày nay có súng ống, súng đại bác, vừa bắn một tràng bèn có thể giết hàng chục người. Ðộc hại hơn nữa là bom nguyên tử, ngày nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có; một khi chiến tranh bộc phát, số người chết sẽ không thể nào tính nổi, như trái bom nguyên tử thả ở Nhật trong thế chiến thứ hai làm chết hàng trăm ngàn người. Ngày nay, sức tàn phá của bom hạt nhân so với bom nguyên tử còn lớn hơn nhiều, tai hại của kiếp đao binh này đều do tâm sân hận gây nên.

Nói tiếp về si, tâm ngu si tạo nên tật bệnh. Ngày xưa chẳng có những bệnh kỳ quái như hiện nay. Ngày xưa chỉ cần dùng những cây thuốc thông thường đều có thể trị nhiều bệnh. Hiện nay phần nhiều đều là bệnh ung thư, mang bệnh này rồi thì chẳng có thuốc hay gì để chữa. Sau này, những bệnh kỳ quái sẽ ngày càng nhiều. Những thứ này đều do nhân tâm tạo nên, tâm tham tạo nên nạn đói kém, tâm sân hận gây ra kiếp đao binh, tâm ngu si tạo nên những bệnh quái lạ, đây là tiểu tam tai. Do đó, mọi người đừng tưởng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, thực sự là tương lai sẽ tệ hơn bây giờ rất nhiều.

Những sự việc vừa nói trên đây đều là nỗi khổ con người phải chịu đựng trong đời sống. Con người sau khi chết thì đối với những tội nghiệp đã tạo ra khi chết sẽ như thế nào? Có người nói: “Chết rồi là hết chuyện!” Chẳng đơn giản như vậy đâu nhé! Sau khi đã chết, vẫn còn linh hồn, vẫn còn luân hồi, ngày nay tạo nhân gì, tương lai sẽ hứng chịu quả báo đó. Vì vậy, mọi người phải nên niệm Phật, chế ngự phiền não (chế ngự phiền não), đừng tạo nghiệp thêm nữa!

* Phương pháp niệm Phật chế ngự phiền não

Hôm nay tôi nói với quý vị về phương pháp Phục Hoặc (chế ngự phiền não). Trong kinh nói đến mười thứ Hoặc, đó là Kiến Hoặc: Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, Tà Kiến. Tư Hoặc là tham, sân, si, mạn, nghi. Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử, Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm, đoạn một phẩm cũng chẳng dễ. Mười thứ Hoặc này được gọi là Thập Sử cũng giống như “hình cảnh” (công an mật vụ) ngày nay, ngày đêm theo dõi, coi chúng ta tạo nghiệp, kéo chúng ta vào luân hồi chịu khổ.

Một phen rơi vào luân hồi mà muốn được thân người trở lại, trong hàng vạn người khó được một kẻ! Phần đông đều đọa vào ba đường ác chịu khổ, nên vừa nghĩ đến tương lai phải chịu khổ đúng là rất đáng sợ. Hiện nay, nếu bom nguyên tử rớt xuống đây, con người chết liền tức khắc, sau đó đọa vào ba đường ác, đọa địa ngục. Lúc chịu khổ, mong đến ngày thoát khỏi chẳng biết đến bao giờ, đau đớn không thể nào diễn tả nổi, cái khổ này lớn gấp ngàn vạn lần nỗi khổ của con người hiện nay. Người chưa học Phật cả ngày rượu chè trác táng, tạo nghiệp mù mịt, tương lai nhất định sẽ đọa vào ba đường ác chịu khổ, trong kinh gọi là Lưu Chuyển Môn. Nghĩa là nếu chúng sanh chẳng giác ngộ, cứ tạo nghiệp mãi, nhất định sẽ như dòng nước chảy xuôi, chảy ngay vào tam đồ chịu khổ. Ngược lại, nếu có thể giác ngộ thì sẽ không tạo nghiệp, có thể dừng lại, chảy ngược dòng trở lại, có thể giải thoát, lìa khổ được vui.

Người không học Phật tạo nghiệp thọ khổ, lẽ đương nhiên rất đáng thương. Người học Phật đã được nghe pháp, nếu còn không tin, còn chẳng y giáo phụng hành, tương lai cũng sẽ luân hồi thọ khổ, vậy thì có phiền phức lắm không, có trách ai được không? Nếu nói “[tôi] nghe chẳng hiểu”, tại Ðài Trung trong vòng hai mươi mấy năm nay mỗi tuần đều có giảng kinh, nếu quý vị còn chưa đi nghe giảng, mặc cho thời gian luống trôi, lãng phí cuộc đời, rốt cuộc có ích gì cho mình? Phật Thất khi trước, mỗi ngày tôi đều đến nói chuyện, hiện nay chỉ có thể đến hai lần, sau này đến một lần chắc cũng chẳng dễ. Dù đến nghe giảng mà nếu chẳng dụng tâm để nghe thì cũng chẳng có ích gì, tại sao không thâu nhiếp tâm lại, lắng lòng nghe giảng, cầu được giải thoát trong tương lai!

Trong phần trước nói mười Hoặc giống như mười gã cảnh sát theo dõi chúng ta, coi chúng ta tạo nghiệp, kéo chúng ta vào ba đường ác. Thế nên chúng ta phải chế ngự phiền não, làm cho chúng chẳng khởi tác dụng, làm thế nào để chế ngự phiền não? Phật pháp không cần nhiều, quý ở nơi thực hành, tức là “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo thêm tai ương mới”. Chúng ta sanh trưởng trong hoàn cảnh xấu ác như hiện nay, chỉ có thể tùy duyên nhận chịu quả báo để tiêu nghiệp cũ. Ðã biết phải tiêu nghiệp cũ thì phải giác ngộ sửa sai, sửa mười nghiệp ác thành mười nghiệp thiện, luôn luôn “giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt”, như vậy thì mới có thể tiêu nghiệp cũ.

Lúc tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi khởi lên, lập tức dùng câu Phật hiệu đè nén chúng, khiến cho ác niệm ấy chẳng khởi. Được như vậy thì mới mong tương lai được giải thoát; nếu không, bom nguyên tử ở trước mắt cũng chẳng tránh khỏi. Trong kinh có nói: “Có chung cộng nghiệp thì thọ chung nghiệp báo”. Chúng ta cùng sống trong thời đại ngày nay thì chắc chắn ai cũng sẽ hứng chịu nguy cơ này, nếu chúng ta có thể y giáo phụng hành “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo thêm tai ương mới” và “giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt”, tuy cùng ở trong hoàn cảnh xấu ác do cộng nghiệp cảm thành, nhưng sẽ không phải chịu quả báo của cộng nghiệp ấy. Cho dù nghiệp báo hiện tiền, chúng ta cũng sẽ chuyển biến, sẽ chẳng thọ chung nghiệp báo, trước mắt là có thể thoát khỏi nỗi khổ bom nguyên tử, tương lai có thể vãng sanh Tây Phương. Vì chúng ta có thể sửa đổi thì [những tai ương ấy] sẽ chẳng nằm trong kiếp số, trong tương lai nhất định có thể giải thoát.

Vì vậy, chế ngự phiền não là việc chúng ta nhất định phải làm, phải nghĩ tham, sân, si, mạn, nghi như Ma, lúc những tâm niệm ấy vừa khởi, lập tức dùng câu Phật hiệu để đè nén chúng. Nhưng Ma cũng có sức mạnh, càng đè sẽ càng khó, nên chúng ta cần trợ lực. Làm mười nghiệp thiện tức là trợ lực cho công phu niệm Phật. Nếu làm mười nghiệp ác tức là tăng thêm sức lực cho Ma con, Ma cháu. Vừa làm nhiều việc thiện vừa niệm Phật, sẽ chẳng sợ Ma.

Khi ta vừa khởi lên một vọng niệm liền lập tức dùng mười câu Phật hiệu đè nén nó. Do đó: “Một vọng niệm khởi liền dùng mười câu Phật hiệu, vọng niệm chẳng [thể chống cự] nhiều Phật hiệu”. Mọi người có thể về nhà thí nghiệm. Thí dụ như lấy đậu đen tượng trưng cho vọng niệm, lấy đậu nành tượng trưng cho câu niệm Phật. Vừa khởi vọng niệm bèn lấy một hạt đậu đen [bỏ vào hộp], sau đó liền lấy mười hột đậu nành đè nén và bỏ mười hột đậu nành [vào hộp. Mười hột đầu nành này sẽ che kín hột đậu đen]. Dụng công như vậy lâu ngày chầy tháng, đậu nành sẽ nhiều, đậu đen sẽ ít, có thể đè nén vọng niệm, đó là phương pháp chế ngự phiền não.

Dùng đậu đen tượng trưng cho vọng niệm và đậu nành tượng trưng cho Phật hiệu. Dụng công lâu dài thì Phật hiệu nhiều, vọng niệm ít, giống như đậu nành nhiều, đậu đen ít. Chúng ta tùy tiện quơ một cái, cơ hội nắm được đậu nành lớn, cơ hội nắm được đậu đen sẽ rất nhỏ. Giống như lúc lâm chung, những hạt giống trộn lẫn trong thức điền thứ tám, những hạt giống vọng niệm lộn xộn bị những hạt giống niệm Phật đè nén bao phủ vì hạt giống niệm Phật nhiều hơn, vọng niệm khởi lên chẳng dễ, Phật hiệu khởi lên dễ hơn. Lúc hạt giống niệm Phật vừa khởi lên, chúng ta liền có thể nhờ vào sức Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh, tu hành sẽ được thành công.

Hôm nay, tôi nói về phương pháp chế ngự phiền não này vô cùng quan trọng, nếu mọi người chẳng dụng tâm ghi nhớ, bây giờ tuổi tác của tôi đã lớn rồi, năm tới chẳng biết còn sống hay không. Dù còn sống, tôi có giảng thêm mười năm thì cũng chỉ giảng những điều quan trọng về phương pháp niệm Phật chế ngự phiền não này [mà thôi]. Hy vọng mọi người hãy siêng năng niệm Phật, ráng đè nén phiền não, để có thể vãng sanh. Nếu muốn đoạn dứt Hoặc thì nói thành thật là ngày nay chẳng ai có thể làm được!

Ðoạn vừa nói được gọi là Hoàn Diệt Môn, môn này chẳng giống với Lưu Chuyển Môn ở phía trước. Hoàn Diệt Môn là không để cho nó lưu chuyển, có thể đè nén Hoặc, chẳng để mặc cho cơn sóng đẩy đưa, quay lại tự mình làm chủ. Hiện thời là tiêu tai miễn nạn, trong tương lai bèn có thể vãng sanh, sẽ được giải thoát.

Sau cùng, nói thêm bài kệ để kết thúc:

Hình cảnh thập cá thường cân tùy (Mười tên cảnh sát thường theo sau): Bất cứ người nào cũng có vọng niệm, mười Hoặc là tham, sân, si, mạn, nghi, giống như mười người cảnh sát luôn luôn theo sát chúng ta.

Tiền đầu khiên dẫn hậu diện thôi (Phía trước lôi kéo phía sau đẩy): Ông cảnh sát ở phía trước kéo chúng ta vào ba đường ác chịu khổ, những người cảnh sát đi theo sau còn thúc hối chúng ta sao đi chậm vậy!

Thành tâm niệm Phật xung tha tán (Thành tâm niệm Phật, đuổi họ mất): Chế ngự phiền não cần phải chánh tu và trợ tu, niệm Phật là chánh hạnh. Thập thiện nghiệp là trợ hạnh giống như mười người hầu giúp đỡ công phu niệm Phật của chúng ta. Tuy mười người cảnh sát mật vụ theo sát, muốn đẩy chúng ta vào ba đường ác, nhưng chúng ta một mực niệm Phật với tâm chân thành, ý chân thành, đức Phật sẽ phóng kim quang phá tan, đuổi họ đi, họ chẳng thể theo sát chúng ta nữa.

Lục tự đình thời tha hựu hồi (Khi sáu chữ ngưng, họ lại về). Nhưng lúc chúng ta không chú tâm niệm Phật, sáu chữ hồng danh vừa ngưng lại, lập tức mười tên cảnh sát liền trở về, theo sát chúng ta, trói buộc chúng ta, đẩy chúng ta vào ba đường ác chịu khổ.

Tôi nói tới đây là dứt lời, quan trọng nhất là mọi người phải niệm Phật cho đàng hoàng, thực nghiệm phương pháp chế ngự phiền não. Người thượng căn dụng công trong Phật Thất có thể đè nén Hoặc, cho nên mọi người đừng nên khuấy nhiễu, chớ nên tùy ý đi tới đi lui, chớ nên nói chuyện xen tạp. Nếu không, sẽ nhiễu loạn tâm người hành đạo, tạo thêm tội nghiệp.

Xin mời những người hộ thất nghiêm chỉnh chấp hành quy củ trong Phật thất để có thể thành tựu đạo nghiệp cho mọi người! Bây giờ bắt đầu niệm Phật, không thể vọng động nữa.

Hãy cầu nhất tâm! Buông xuống vạn duyên! Một câu Di Ðà! Niệm tới cùng!

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Hương Thơm Niệm Phật, Thượng Tọa Thích Phổ Huân
4.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
5.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
6.    Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Đại Sư Hàm Thị | Thích Phước Hảo, Việt Dịch
7.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
8.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
9.    Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội, Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Lão Cư Sĩ Định Huệ, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
13.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Niệm Phật Kính, Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
16.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
17.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
18.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
20.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch