A) Dẫn nhập
Người tu Tịnh độ ví như người muốn đóng thuyền vượt biển để thoát khỏi cõi Ta bà đầy đau khổ mà đi về cõi Cực lạc hoàn toàn thanh tịnh và an vui. Vậy chúng ta phải chuẩn bị và hành sự thế nào để chuyến vượt biển được thành công? Kinh nói chúng ta cần tu đủ ba môn Tín, Nguyện và Hành thì mới có thể được vãng sanh. Ở đây, chúng tôi xin lấy thí dụ chuẩn bị một chuyến vượt biển để cho dễ hiểu.
B) Chánh đề
Đức Phật từng nói: “Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước đại dương.”
Người tu Tịnh độ phải phát tâm đại bi thương xót tất cả chúng sanh đau khổ, kể cả bản thân, mà nhứt quyết niệm Phật để cầu vãng sanh, chứng ngôi bất thối. Sau đó cỡi thuyến đại nguyện trở lại Ta bà để phổ độ chúng sanh, đúng như bổn hoài của Đức Đại Từ Phụ. Đây gọi là phát tâm Bồ đề, ví như mình cần một vị Thuyền trưởng tài ba để giúp mình lèo lái con thuyền về bến bờ Tịnh độ.
Sau đó phải ráo riết chuẩn bị mọi việc cần thiết cho chuyến hải hành nhiếu gian nan. Đó là Tín, Nguyện và Hành,
1) “Tín” tức là Lòng tin và tâm Bồ đề.
Muốn vượt biển thì trước hết phải sắm một chiếc thuyền tốt. Ðây chính là thuyền đại nguyện của Đức Phật A di đà. Ngài đã phát ra 48 lới đại nguyện và kiến tạo một thế giới hoàn toàn tốt đẹp để cứu độ chúng sanh về đó. Nếu chúng ta không tin có Đức Phật A di đà và cõi Cực lạc, tức là ta không sắm được thuyền, thì đừng nói chi đến chuyện vượt biển. Dầu ta có niệm Phật giỏi đến đâu mà vẫn còn lòng nghi thì cũng không được vãng sanh. Bởi vì nếu thuyền không vững chắc thì khi sóng gió nổi lên, thuyền sẽ tan rã và chúng ta sẽ bị chìm đắm ngoài biển khơi. Do đó có thể nói lòng Tin như ghe thuyền để vượt biển.
2) “Nguyện” như bánh lái của thuyền.
3) “Hành” ví như gắn máy cho thuyền, chuẩn bị xăng dầu và lương thực.
Tâm Bồ đề có thể ví như vị Thuyền trưởng giỏi, công phu niệm Phật (hay quán tưởng Tịnh độ) có thể ví như máy chánh của thuyền, những công phu khác ví như phụ kiện đem theo. Muốn niệm Phật mau được nhứt tâm, chúng ta nên theo lời dạy của Đức Bồ tát Ðại Thế Chí trong Kinh Lăng nghiêm: “Nhiếp cả Sáu căn, tịnh niệm nối luôn, vào Tam ma địa, đó là thứ Nhứt”. Ngoài ra, người tu Tịnh độ cần mang theo Ba món lương thực để khỏi đói khát dọc đường. Ðó là:
- Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ Sư trưởng.
- Từ tâm không giết hại, tu Mười điều lành.
- Tụng đọc kinh Ðại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Những người già cả yếu đuối hay trí lực kém, thì chỉ nên chuyên tâm niệm Phật để dễ nhứt tâm mà vãng sanh (Xem thêm “Lão Bà Niệm Phật”). Còn những người có trí lực khá, theo kinh nghiệm và thiển ý của Phước Thiệt, mình có thể tu thêm những công phu phụ trợ rất hữu ích sau đây:
3.1) Thường ngày lễ lạy danh hiệu Phật đồng thời phát nguyện cầu vãng sanh. Thí dụ như niệm ra tiếng: “Nam mô A di đà Phật, nguyện con và tất cả chúng sanh đều được vãng sanh” (1 lạy). Mỗi ngày, nếu ta có thể lễ lạy nhiều lần như thế, rất tốt cho chí nguyện vãng sanh của mình.
3.2) Thường ngày trì tụng ít nhứt 5 biến chú Ðại bi, tốn khoảng 15 phút, suốt đời không thiếu sót. Ðức Quán Thế Âm Bồ tát trong kinh Ðại bi tâm Ðà ra ni có hứa sẽ đến rước người đó về Tịnh độ khi lâm chung. Ðây là cái máy phụ rất tốt cho thuyền vượt biển, nếu ta có khả năng trang bị thêm.
3.3) Trì tụng và lễ lạy thường ngày Mười điều nguyện lớn của Đức Bồ tát Phổ Hiền. Kinh nói người nào làm được vậy thì lúc lâm chung không bị mê muội, được Đức Bồ tát Phổ Hiền hiện thân hướng dẫn vãng sanh về cõi an lành, theo như bổn nguyện.
3.4) Những người trí lực khá hơn nữa có thể tu thêm phép quán tâm để thấy được lỗi lầm của mình và dùng vạn đức hồng danh của Đức Từ Phụ A di đà làm lợi khí sắc bén để chặt đứt phiền não, tu sửa bản tâm. Thí dụ như để trừ tánh hay nóng giận, có thể lễ lạy Phật và niệm “Nam mô A di đà Phật, nguyện con sớm dứt trừ tánh nóng giận” (càng nhiều lần càng tốt). Ðây là phép tu Trí Huệ vừa tự nhắc nhở vừa nương oai lực của Đức A di đà, tức là tự tha gồm đủ, nên rất chóng có kết quả. Khi công phu thuần thục, Đức Phật sẽ là vị thiện tri thức hướng dẫn ta tu hành. Người nào kiêm tu được pháp môn trí huệ nầy, rất có hy vọng được vãng sanh ở phẩm vị cao.
Các trợ hạnh nầy không mất nhiều thì giờ, và cũng đặt cơ sở trên việc trì niệm hồng danh của Đức Phật A di đà và chư Thánh Tịnh độ – nên sẽ không làm loãng công phu niệm Phật chánh yếu của ta, như một số người có thể nghi ngại.
C) Kết luận
Vượt biển được thành công không phải là chuyện dễ làm. Nên kinh nói không phải chỉ do chút ít phước đức nhơn duyên mà được vãng sanh Cực lạc, vĩnh viễn thoát khổ và thẳng đến Phật vị. Tuy nhiên đối với người Tín Nguyện đầy đủ và biết cách hành trì, thì vãng sanh Cực lạc không phải là chuyện quá khó. Chư Tổ nói: “Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện, còn phẩm vị cao thấp là do công phu Hành trì của mỗi người.” Ưu điểm đặc biệt của pháp môn Tịnh độ là ở chữ Tín, nếu chúng ta có đầy đủ đức tin và biết cách kết thiện duyên thì sẽ được sự giúp đỡ đắc lực của chư Phật và Bồ tát, có rất nhiều hy vọng được mãn nguyện thành công, vãng sanh Cực lạc và vĩnh viễn thoát khổ.