Home > Khai Thị Niệm Phật > Cay-Nao-Qua-Nay
Cây Nào Quả Nấy
Hòa Thượng Thích Đức Niệm


Thưa quý vị,

Mỗi tuần quý vị về Phật Học Viện Quốc Tế để nghe giảng kinh thuyết pháp tu tập, chắc quý vị cảm thấy lòng vơi nhẹ đi bao nỗi nặng nhọc suốt tuần lặn lội với đời vì kế sinh nhai. Những lời giảng kinh Phật là những liều thuốc bổ tinh thần vô giá. Tôi còn nhớ một đoạn trong kinh Bách Dụ, Đức Phật nói:

“Xưa có một thanh niên, lúc nào cũng tỏ vẻ hiên ngang hào hiệp, lịch thiệp để cho mọi người chú ý tán khen. Một hôm trên đường ngao du, bụng đói, đói lắm, anh đến tiệm bánh mua một lượt sáu cái, ăn luôn một hơi mà vẫn chưa thấy đã no. Anh lại mua thêm một cái bánh nữa, nhưng chỉ ăn mới một nửa thôi, anh cảm thấy quá no, lại ngán không cách nào nuốt thêm được nữa. Lúc đó lòng anh sanh buồn não, thầm trách mình, rồi tự lấy tay đánh lên đầu mà nói rằng: Sao ta ngu quá không biết tính toán tiết kiệm gì hết. Nếu như ta biết nửa cái bánh cuối cùng mà có thể làm cho ta no như vậy, thì ta chỉ cần mua nửa cái bánh ấy thôi, ăn đủ no rồi, cần gì phải mua chi đến sáu cái cho tốn kém tiền bạc!”

Câu chuyện trên nhắc nhở cho những ai thường hay trách trời oán người, lòng luôn luôn so đo thắc mắc. Ở đời có hạng người thắc mắc oán trách so đo với người khác mà không xoay lại kiểm điểm quán xét mình. Họ trách rằng tại sao các nhà tu hành được mọi người kính trọng, cúng dường, ủng hộ? Khi nói vậy nhưng họ có biết đâu những vị này, trước đã nhiều đời tu phước, và ngày nay khi mình chưa quen biết, thì họ cũng đã trải qua bao nhiêu năm tháng hành đạo khắc khổ, thức khuya dậy sớm, tương chao đạm bạc, công quả, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền. Họ đã chuyên tâm âm thầm tích lũy phước đức. Nhờ công đức hành đạo đó, họ mới được mọi người kính ngưỡng bái phục vâng theo.

Rồi lại thấy có người hiện đời làm điều bất chính, bất lương, mà lại vẫn được sung sướng giàu sang danh vọng. Điều đó nào phải tự nhiên giàu sang danh vọng như vậy đâu! Hiện đời tuy họ có thể hưởng giàu sang danh vọng, có thể hưởng một giai đoạn nào đó trong đời họ, hoặc có thể hưởng suốt đời họ đều tùy theo phước đức họ đã gieo trồng từ bao đời trước nhiều hay ít. Còn hành vi tâm niệm xấu ác của họ ngày nay thì họ sẽ phải trả đời họ ngay trong đời này, hoặc đời sau.

Do đó, xã hội này mới có người giàu kẻ nghèo, người đẹp kẻ xấu, người sang kẻ hèn, người khôn kẻ dại, chứ nào phải tất cả những người giàu sang danh vọng là bất chính bất nhân hết đâu? Và có ai dám chắc mình hưởng giàu sang suốt đời? Như người làm vườn, ta thấy vườn anh A hoa trái sum sê, nhiều người đến mua, tiền bạc vô hằng ngày. Anh và vợ con anh áo quần mới mẻ, nhà xe tốt đẹp, chúng ta đâu có biết cách đây bảy năm, anh đã cùng vợ con ngày ngày dãi dầu mưa nắng, chân lấm tay bùn, cần mẫn canh tác, ăn cơm nguội canh lạnh, áo quần cũ rách bụi nhơ, làm việc đầu tắt mặt tối. Lúc đó tất cả tâm huyết năng lực của anh dồn cho khoảnh vườn, nên ngày nay khoảnh vườn của anh hoa trái xanh tươi. Sự giàu sang của anh ngày nay là kết quả của bao lam lũ công phu vun trồng trong những năm trước.

Cũng vậy, chân giá trị của vị bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà bác học đâu phải cố gắng một ngày, một tháng, một năm mà thành đạt? Ngày nay họ được đời trọng vọng, chúng ta đâu có biết những vị này đã trải qua bao năm tháng nhịn ăn nhịn ngủ, đói khổ nhọc nhằn chuyên cần học tập nghiên cứu mới được văn bằng chức phận ngày nay. Bởi thế, kinh Phật dạy rằng:

“Dục tri tiền thế nhơn, kim sanh thọ giả thị.

Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”.

Có nghĩa là:

Muốn biết đời trước họ tạo nhơn gì, thì cứ nhìn đời nay họ được hưởng.

Muốn biết đời sau họ chịu quả báo như thế nào, thì xem việc làm của họ đời nay“.

Muốn thành công trên đường đời hay đường dạo, phải kiên trì bền chí một lòng theo đuổi lý tưởng của mình với suốt tháng năm, mới mong được như ý nguyện. Nhưng người đời thiếu trầm tĩnh suy tư, nên thường thấy hai hiện trạng tâm lý:

1) Thấy người người ác mà được giàu, người lành mà phải nghèo, rồi sanh ra chán nản oán trách. Nào có biết sự tương quan nhân quả suốt cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

2) Khi nghèo khổ thì có lòng nghĩ về đạo đức, lo làm việc thiện, tu phước, sống đời sống khiêm tốn, ít bạn bè, lo nghe kinh thuyết pháp, tụng niệm. Nhưng khi khá giả giàu sang thì lại lo làm giàu thêm, lơ là việc tu học, làm phước đức. Ngày ngày đâm đầu bận kiếm cho được nhiều tiền, đuổi bắt danh vọng, thù tạc bạn bè. Do đó, dần dần tâm đạo sa sút, xa Phật xa Thầy. Khi cực khổ vun phân tưới nước thì cây phước được xanh tươi. Đến khi cây ra hoa kết trái, thì lại chỉ lo ngồi hưởng thụ, không biết tiếp tục săn sóc bón phân tưới nước, thì cây phước phải cằn cỗi, hoa trái phước lộc phải xơ xác điêu tàn là lẽ tất nhiên. Cũng vậy, khi còn nghèo khó còn thì giờ để tâm làm phước đức. Đến khi khá giả giàu có thì mãi miết lo làm giàu thêm, kết bạn hưởng thụ, đuổi bắt lợi danh, xa dần việc phước thiện. Rồi khi tai nạn xảy đến lại đi cầu khẩn Phật trời thánh thần! Thật là tội nghiệp cho người đời lẩm cẩm! Không muốn trồng cây mà chỉ muốn ăn quả. Không chịu ra công vun sới bón phân tưới nước nhổ cỏ, mà cứ muốn hái trái tốt hoa đẹp. Chẳng khác nào kẻ nấu cát muốn thành cơm.

Để kết luận bài này, tôi xin xác quyết rằng: “Đời người sáng sủa hay tối tăm, đều do chính con người trọn quyền quyết định lấy, chứ không ai khác”. Khéo sử dụng bàn tay và khối óc của mình với cõi lòng rộng mở, thì đời mình trở nên sáng sủa an lành.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch