Cách nay hơn 26 thế kỉ, tại phía Nam chân núi Hi mã lạp (Himalaya)(1) của miền cực Bắc bán đảo Ấ độ (India), có một vương quốc nhỏ tên là Thích ca (Sakya)(2), đương thời được trị vì bởi quốc vương Tịnh Phạn Cồ Đàm (Suddhodana Gotama) và hoàng hậu Ma Ha Ma Da (Maha Maya)(3). Kinh đô của vương quốc là thành Ca tì la vệ (Kapilavatthu). Cả quốc vương và hoàng hậu đều là những bậc đức hạnh, nhân từ, nhưng về đường con cái thì thật là hiếm muộn. Mãi đến khi ngoài bốn mươi tuổi, một buổi sáng trời trong mát, sau giấc ngủ an lành, hoàng hậu đã thức dậy trong niềm hân hoan khó tả. Rõ ràng là tiếng hát ca chúc tụng và nhạc trời êm dịu vẫn còn đang vang vọng trong tai bà. Với niềm vui đầy ắp trong lòng, hoàng hậu đến ngay tẩm điện của đức vua để kể cho ngài nghe niềm vui ấy, để ngài cùng chia sẻ với bà. Hoàng hậu kể rằng, trong đêm qua, bà nằm mơ thấy một con voi trắng sáu ngà, từ trên trời đi xuống, có tiếng hát chúc tụng của chư thiên, có hương thơm ngào ngạt. Con voi đến sát hông bên phải của bà, rồi chui mất vào trong bụng bà. Bà không hề sợ hãi, mà cảm thấy thanh thản vô cùng, và bà đã thức giấc trong niềm vui thanh thản đó... Thật là một giấc mơ kì diệu! Nghe giấc mộng của hoàng hậu, đức vua cũng cảm thấy hân hoan vô hạn.

Ngay sáng hôm đó, đức vua đã cho mời các vị đạo sĩ Bà la môn (Brahaman) nổi tiếng trong kinh thành, vào hoàng cung để đoán mộng. Họ đều tâu: Đây là điềm hoàng hậu thọ thai và về sau sẽ sinh một vị hoàng nam lỗi lạc. Vua và hoàng hậu đều vui mừng khôn xiết, bèn truyền lệnh mở kho tổ chức cứu tế cho những thần dân bệnh tật và nghèo khó trong nước, làm cho ai ai cũng cảm thấy ấm áp trong tình thương yêu đùm bọc của bậc cha mẹ muôn dân.

Gần đến ngày sinh, theo tục lệ của Ấn độ thời đó, hoàng hậu phải về quê hương mình ở kinh thành Lam mạt (Ramagama)(4) của vương quốc Câu lị (Koliya) để sinh nở. Từ Ca tì la vệ về Lam mạt chỉ mất chừng một ngày đường.

Đó là một buổi sáng mùa xuân thật đẹp, hoàng hậu và đoàn tùy tùng đã rời Catì la vệ rất sớm để về quê. Ra đến vùng ngoại ô kinh thành, bà cảm thấy hơi mệt, nên ghé vào vườn Lâm tì ni (Lumbini) nghỉ chân. Buổi sáng trời trong tươi mát, muôn hoa đang lúc nở rộ đầy vườn, chim hót rộn rã vang lừng, tất cả như đều lộ vẻ tươi vui, hân hoan đón mừng bậc mẫu nghi hiền đức. Hoàng hậu cũng cảm thấy niềm vui dâng lên tràn ngập trước ảnh thiên nhiên mầu nhiệm ấy. Bà bỗng chú ý tới cây Vô ưu ở giữa vườn, hoa đang nở rực rỡ đầy cành, vẻ tươi đẹp nổi bật hẳn lên giữa vườn hoa vốn đã tươi đẹp. Bà khoan thai bước tới gần. Nhưng bỗng dưng bà thấy người hơi lảo đảo. Bà vội nắm chặt lấy một cành Vô ưu để đứng được vững hơn; liền lúc ấy bà hạ sinh thái tử. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng thứ hai (Vesaka) theo lịch Ấn độ(5) (nhằm ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch, tức ngày Rằm tháng Tư lịch Việt nam), năm 624(6) tr. TL.

Hoàng hậu và thái tử liền được đưa ngay trở lại Ca tì la vệ để được săn sóc kịp thời. Được tin cấp báo, vua Tịnh Phạn vui mừng không xiết kể, lập tức vào thăm ngay. Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama)(7).

Sự ra đời của thái tử đã là niềm vui lớn cho cả vương triều và thần dân khắp vương quốc. Vua Tịnh Phạn cho mời các đạo sĩ Bà la môn thông thái nhất vào cung để xem tướng cho thái tử. Họ đều đoán rằng, thái tử sau này sẽ trở thành một vị hoàng đế vĩ đại nhất thế gian, cai trị cả bốn phương thiên hạ; nhưng một vị lỗi lạc nhất trong số ấy đã quả quyết rằng, thái tử sau này sẽ xuất gia và thành bậc chánh giác.

Bấy giờ có một vị đạo sĩ bác học đa văn tên là A Tư Đà (Asita)(8), từ một vùng núi xa xôi, nghe tin thái tử giáng trần, cũng tức tốc tìm đến kinh thành Ca tì la vệ để xin được xem tướng cho thái tử. Sau một lúc nhìn thái tử chăm chú, bỗng nhiên ông bật khóc. Cử chỉ lạ lùng ấy của đạo sĩ A Tư Đà đã làm cho đức vua sửng sốt, không biết tai họa gì sẽ xảy đến cho thái tử đây! Nhưng đạo sĩ đã kịp thời trấn an đức vua. Ông lau nước mắt tâu: “Tâu bệ hạ! Thần khóc không phải vì có điềm gì xấu, mà vì tủi cho số phận của thần! Thần biết rõ, thái tử sau này sẽ không làm vua, mà sẽ đi tu và trở thành một bậc đạo sư cao cả, trí tuệ vẹn toàn, thấu suốt mọi lẽ huyền vi của vũ trụ. Tình thương của Ngài thật bao la, coi tất cả chúng sinh là thân tộc, và lấy việc truyền bá chân lí làm sự nghiệp cứu độ muôn loài. Thần khóc là vì thần sẽ không còn sống được bao lâu nữa để được nghe lời dạy từ miệng bậc trí tuệ siêu phàm. Quả là phúc lớn cho bệ hạ! Phúc lớn cho vương quốc! Và phúc lớn cho nhân loại!” Nói xong, ông cáo từ lui gót.

Sau khi sinh thái tử được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da băng. Vua Tịnh Phạn bèn giao thái tử cho bà di mẫu (mà cũng là kế mẫu) của thái tử là hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati cũng gọi là Kiều Đàm Di Gotami) nuôi dưỡng và dạy dỗ thành người. Đức vua hết sức lưu tâm đến việc giáo dục cho thái tử. Các danh sư Bà la môn tiếng tăm lừng lẫy đã được mời vào cung để dạy học. Thái tử cực kì thông minh, các môn triết, văn, lí, số, và cả võ nghệ, môn nào cũng học mau chóng, xuất sắc, trội hẳn các vị vương tử khác trong triều, làm cho các vị giáo sư đều kinh ngạc và bái phục.

Năm chín tuổi, thái tử được theo phụ vương đi dự lễ cày ruộng đầu năm (tức lễ “hạ điền”). Chính trong buổi lễ này, thái tử đã chứng kiến thảm cảnh con người phải đổ bao mồ hôi nước mắt để có miếng ăn; trâu bò vừa phải kéo cày, vừa phải chịu những lằn roi đau điếng trên lưng; những con trùn bị lưỡi cày cắt đứt nhiều đoạn, đau đớn quằn quại trên luống cày; các loài chim thú rình rập, cắn xé ăn thịt nhau... Đây là lần đầu tiên thái tử thấy tận mắt, và cảm nhận được nỗi đau khổ của đời sống, và bắt đầu tư duy về cuộc đời từ thuở ấy. Cái quang cảnh đó, sự tư duy đó sẽ giúp thái tử thật nhiều sau này, khi Người quyết tâm ra đi tìm đạo giải thoát.

Cũng trong năm ấy, một hôm thái tử đang thơ thẩn một mình trong vườn ngự, thì có một con ngỗng trời từ trên không rơi xuống trước mặt, với một mũi tên ghim xuyên qua cánh. Nó nằm giãy giụa trên đất có vẻ đau đớn lắm. Thái tử bèn chạy đến ôm nó lên để cứu chữa. Thình lình, người em chú bác của thái tử là vương tử Đề Bà Đạt Đa (Devadatta)(9) xuất hiện với cung tên trong tay. Vương tử đòi thái tử phải giao trả con chim lại cho chàng, nhưng thái tử từ chối. Vương tử nói là chim do mình bắn được; thái tử thì bảo chim do mình cứu sống nên có quyền giữ nó. Một bên viện dẫn hành vi ác độc của mình để giành quyền làm chủ; một bên thì viện dẫn tình thương yêu bảo bọc để giành quyền làm chủ. Cuộc tranh chấp đó giữa hai người, cuối cùng phải nhờ đến triều đình phân xử. Và thái tử được thắng cuộc, được quyền giữ con ngỗng trời. Thái tử vui lắm, vì khỏi phải giao con chim cho Đề Bà Đạt Đa. Thái tử biết chắc chắn, nếu giao cho Đề Bà Đạt Đa thì thế nào con chim cũng sẽ bị giết chết. Mấy ngày sau, thấy vết thương trên cánh chim đã lành, thái tử ôm nó ra giữa vườn, nói mấy lời trìu mến, rồi thả nó bay trở về với trời xanh bao la.

Càng lớn thái tử càng học giỏi. Ngoài những môn học thường thức về văn học, thiên văn, võ nghệ, thái tử còn đặc biệt chăm chú đến tư tưởng hàm chứa trong các kinh Vệ Đà (Veda), Phạm Thư (Brahmana) và Áo Nghĩa Thư (Upanisad)(10) tất cả đều là sản phẩm của đạo Bà la môn.

Thái tử quả là một thiếu niên thông minh xuất chúng. Tuy còn nhỏ tuổi, thái tử đã có những suy nghĩ chín chắn, sâu sắc đối với giáo lí Bà la môn. Càng đi sâu vào nội dung của các kinh điển trên, thái tử càng thấy rõ những điều vô lí, bất công hàm chứa trong giáo lí ấy. Bởi vậy, trong tâm tư thái tử đang có khuynh hướng không chấp nhận ba giáo điều căn bản của đạo Bà la môn(11). Thái tử cũng không thể chấp nhận cái trật tự xã hội với bốn giai cấp đầy bất công(12) đã được xây dựng bằng luật Mã Nỗ (Manu) của Bà la môn. Từ những ý tưởng ấy, cộng với những hình ảnh đau thương đã mục kích trong ngày lễ hạ điền năm xưa, thái tử đã ấp ủ trong lòng một hoài bão, làm thế nào để tìm ra một con đường mới mẻ, có thể thay đổi cái truyền thống ứng xử bất công trong xã hội hiện tại, đồng thời giúp cho mọi người và mọi loài thoát khỏi những nỗi khổ đau, bất hạnh triền miên trong cuộc sống. Nỗi bận tâm đó đã làm cho thái tử thường có dáng vẻ trang nghiêm, nét mặt lúc nào cũng trầm ngâm tư lự.

Thấy thái độ ấy của thái tử, vua Tịnh Phạn cũng đoán biết được tâm ý thái tử đang nghĩ ngợi gì, cho nên rất lấy làm lo lắng. Đức vua nhớ tới lời tiên đoán năm xưa của đạo sĩ A Từ Đà, thì lại càng sợ sệt. Để đánh tan những ý tưởng “bất thường” trong tâm tư thái tử, đức vua cho tổ chức thường xuyên các cuộc vui như hòa nhạc, vũ hội, du ngoạn v.v..., cho thái tử vui chơi. Đức vua cũng khuyến khích thái tử và các vương tử thuộc bộ tộc Thích Ca chuyên cần luyên tập thể thao và võ nghệ, cốt làm cho ý chí của thái tử hăng say phấn chấn lên. Đồng thời, thái tử cũng được phụ vương hướng dẫn thực tập chính trị để sẵn sàng kế vị sau này. Và một việc vô cùng quan trọng khác là chuẩn bị cưới vợ cho thái tử. Với tất cả những việc làm đó, nhà vua đều nhằm tạo các mối dây ràng buộc quấn chặt thái tử, để tránh việc thái tử “có thể bỏ nhà đi tu” như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà.

Từ lâu, vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Kiều Đàm Di đều đã có ý cưới công chúa Da Du Đà La (Yasodhara)(13) làm chánh phi cho thái tử. Nàng là một công chúa nhan sắc diễm lệ, cốt cách đoan trang, dáng vẻ thùy mị, tính tình lại ôn nhu, giản dị, không kiêu kì, có lòng bao dung, hay thương người nghèo khó, bệnh tật. Theo hoàng hậu thì nàng chính là người xứng đáng và thích hợp nhất để làm vợ thái tử. Các vị hoàng thúc của thái tử, cũng như song thân của công chúa là vua Thiện Giác (Suppabuddha) và hoàng hậu Cam Lộ (Pamita) của nước láng giềng Câu lị, đều rất tán thành cuộc hôn nhân này.

Thế là đám cưới của thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La đã được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan vô bờ của cả triều đình và dân chúng khắp vương quốc Thích ca. Riêng vua Tịnh Phạn thì rất lấy làm thỏa mãn, vì tin tưởng rằng mình đã dùng được sợi dây tình ái để cột chân thái tử vĩnh viễn nơi vương cung.

Để làm cho niềm tin ấy càng thêm vững chắc, đức vua đã cung cấp cho thái tử đủ mọi thứ dục lạc của một đời sống đế vương. Ngài truyền dựng cho hai vợ chồng thái tử ba tòa cung điện cao sang lộng lẫy: một cung để ở vào mùa nóng, một cung cho mùa mưa, và một cung cho mùa lạnh. Trong cung nào, kẻ hầu người hạ cũng đông đúc. Những buổi đàn ca xướng hát được tổ chức liên miên, bao nhiêu vũ nữ, nhạc công tài giỏi trong nước đều được tuyển dụng để thường trực giúp vui cho hai vợ chồng thái tử. Và dĩ nhiên, đức vua rất hài lòng về cái công trình tuyệt hảo ấy của mình!

Nhưng không vì thế mà thái tử bị đắm chìm trong nếp sống xa hoa nhung lụa và uy quyền địa vị. Thái tử sống rất nhiều về nội tâm, lúc nào cũng tư duy về cuộc thế. Thái tử nhận thấy, cuộc sống hạnh phúc mà mình đang có, chỉ là cái hạnh phúc tạm bợ, giả dối. Có một động lực nào đó, cứ thôi thúc thái tử phải đi tìm một nếp sống hạnh phúc chân thật. Bên cạnh đó, công nương Da Du Đà La quả là một người vợ hoàn toàn tâm đầu ý hợp của thái tử. Nàng là một người đầy nhân hậu và cực kì thông minh. Dù thái tử chưa dám đường đột thổ lộ điều gì, nhưng nhìn thấy dáng vẻ, cử chỉ của thái tử, nàng cũng hiểu được tâm sự ấy. Tuy không rõ rệt lắm, nhưng nàng cũng thấy được những ưu tư đang dằn vặt trong lòng thái tử. Không những hiểu được tâm ý chồng, công chúa còn tỏ ra ủng hộ ý chí của chồng. Nàng tin tưởng rằng, một người như thái tử, nếu quyết tâm tìm kiếm một con đường sáng, thì nhất định chàng sẽ thành công...

Thế rồi, nhân những lần ra khỏi hoàng cung để du ngoạn phố phường làng xóm đó đây, được trực tiếp nhìn thấy nhiều hơn nữa những thực trạng đau khổ của kiếp người như già nua, bệnh tật, chết chóc, thái tử càng thấy xót xa cho thân phận con người; và cái lực thôi thúc kia cũng càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Giữa lúc đó thì hoàng tôn La Hầu La (Rahula)(14) ra đời. Ái tình đã là một sợi dây ràng buộc, vương vị là một sợi dây ràng buộc khác, và bây giờ đây, với bé thơ La Hầu La, thì lại thêm một dây ràng buộc khác nữa. Nhưng thái tử vẫn quyết tâm tháo gỡ những ràng buộc này.

Một hôm, khi vừa nhìn thấy hình bóng thanh thoát của một vị sa môn, thái tử liền cảm thấy tâm hồn rúng động. Trong phút chốc, chàng như thấy rõ con đường đi chính đáng của mình. Ý tưởng xuất gia tìm đạo giải thoát vụt sáng trong lòng thái tử.

Thái tử xin phép phụ vương đi xuất gia học đạo. Đức vua cương quyết chối từ, lại còn tìm mọi cách để ngăn chận, cản trở, không để cho thái tử ra đi. Nhưng ý chí đã quyết, nhân một đêm khuya trăng sáng, mọi người trong cung đều đã ngủ say, thái tử bảo người đánh xe trung thành là Xa Nặc (Channa), thắng yên cương cho con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka), rồi hai thầy trò cùng yên lặng ra khỏi hoàng thành, giục ngựa thẳng về phương Nam. Thái tử đã cương quyết xa lìa vợ đẹp con yêu, cha mẹ họ hàng, từ bỏ nếp sống vương giả và cả một tương lai rực rỡ nơi cung vàng điện ngọc, để đi xuất gia tìm đạo giải thoát. Năm đó thái tử được 29 tuổi.

Thái tử phi ngựa suốt đêm không nghỉ, đến tảng sáng hôm sau thì đã vượt khỏi ranh giới vương quốc Thích ca, tiến vào địa phận vương quốc Mạt la (Malla). Sau khi vượt qua sông A nô ma (Anoma) thì thái tử dừng lại, xuống ngựa, lấy kiếm tự cắt tóc, rồi giao kiếm, áo bào và mớ tóc cho Xa Nặc đem về hoàng cung báo tin thái tử xuất gia cho mọi người biết. Xa Nặc đi rồi, thái tử đổi chiếc áo quí giá đang mặc trên mình để lấy tấm vải màu chàm của người thợ săn, khoác lên người, một mình đi vào rừng sâu... Từ đây, thái tử tự nguyện sống đời tu sĩ, biến mình thành sa môn Cồ Đàm, chấp nhận nếp sống kham khổ về vật chất, không tiền bạc, cửa nhà, đầu không đội nón, chân không dầy dép, chỉ có một quyết tâm dũng mãnh là tìm thầy học đạo. Trước tiên sa môn Cồ Đàm theo học với các vị đạo sĩ lừng danh đương thời như A La Lam (Alara Kalama) ở gần kinh thành Tì xá li (Vaisali) của vương quốc Lêxa (Licchavi), và Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta) ở gần kinh thành Vương xá (Rajagaha) của vương quốc Ma kiệt đà (Magadha)(15). Không bao lâu, Ngài đã thấu triệt giáo lí vi diệu nhất của các vị này, và chứng đắc quả vị cao nhất ngang bằng với họ, nhưng vẫn không thấy thỏa mãn, vì đó chưa phải là quả vị giải thoát rốt ráo, giác ngộ cùng tột, niết bàn tịch tịnh. Vì vậy, Ngài đã từ tạ các vị này ra đi, không theo học với vị đạo sư nào nữa, mà một mình nỗ lực để tự phát huy ánh sáng giác ngộ nơi chính bản tâm mình. Ngài dừng lại ở một khu rừng bên bờ sông Ni liên (Neranjara), cạnh thôn Ưu lâu tần loa (Uruvela), thuộc vương quốc Ma kiệt đà. Tại đây, cùng với năm vị đạo sĩ bạn hữu, Ngài đã thực hành phép tu khổ hạnh, tự khép mình trong nếp sống cực kì kham khổ, ròng rã gần sáu năm trường, hình vóc khô gầy, nhưng rồi vẫn không có một tia hi vọng nhìn thấy chân lí. Một ngày kia, Ngài suy nghĩ, lối tu khổ hạnh chắc chắn không đem lại lợi ích gì, mà còn làm cho mỏi mệt tinh thần, giảm suy trí tuệ. Ngài bèn dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia Ngài đã từ bỏ nếp sống đế vương. Ngài quyết định dùng vật thực tối thiểu để giữ cho thân thể có sức khỏe thì tinh thần mới sáng suốt được. Ngài lần ra bờ sông, thọ nhận bát sữa do một thôn nữ cúng dường. Sức khỏe hồi phục nhanh chóng, Ngài xuống sông tắm rửa rồi trở lại rừng, tìm một gốc cây để bắt đầu cuộc phấn đấu mới. Năm người bạn cùng tu, thấy Ngài bỏ phương pháp khổ hạnh, bắt đầu ăn uống, cho rằng Ngài đã thối chí, trở lại con đường lợi dưỡng, bèn cùng nhau bỏ Ngài mà đi sang vườn Lộc dã (Migadava), phía Bắc thành Ba lanại (Baranasi) thuộc vương quốc Ca thi (Kasi)(16). Biết là họ đã hiểu lầm mình, nhưng sa môn Cồ Đàm vẫn giữ im lặng.

Còn lại một mình, Ngài quyết tâm tu tập thiền quán, vì, bằng những kinh nghiệm đã có của chính mình, Ngài nhận định rằng, chỉ có thiền quán mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Với quyết tâm hạ thủ công phu, Ngài chọn một cây tấtbát la (pippala) to lớn, cành lá sum sê ở gần bờ sông để thiền tọa. Ngài lập lời thề mạnh mẽ, nếu không thấy được đạo giác ngộ thì nhất quyết sẽ không rời khỏi cội cây này.

Thế rồi, trải qua 49 ngày suy niệm chân lí, quán chiếu thực tại, cuối cùng, buổi khuya hôm ấy, khi sao mai vừa xuất hiện, thì tâm trí Ngài cũng chợt bừng sáng, màn vô minh che lấp tâm trí từ lâu đời, nay đã hoàn toàn bị quét sạch. Ngài đã dứt sạch mọi tham ái, ô nhiễm, chứng nhập thật tướng của vạn pháp. Ngài biết rõ là mình vừa tìm thấy được đạo lớn, thành quả giải thoát giác ngộ trọn vẹn từng ôm ấp bấy lâu, nay đã đạt được. Ngài đã trở thành một bậc “tối chánh giác”, một đấng toàn giác, một đức Phật, trong thế gian không có ai sánh bằng, và cũng chưa có người thứ hai. Cây tất bát la từ đó cũng được gọi là cây bồ đề. Năm đó Ngài được 35 tuổi đời. Sau khi thành đạo, đức Phật đã lưu lại tại cây bồ đề 49 ngày nữa để an hưởng sự tịnh lạc của hương vị giải thoát, và chiêm nghiệm lại những chân lí vừa khám phá được. Rồi Ngài quán sát căn tánh chúng sinh. Biết rằng đã đến lúc phải trở lại với xã hội loài người, phải cho bánh xe chánh pháp chuyển động để gieo rắc hạt giống giải thoát giác ngộ cho chúng sinh, Ngài bèn từ giã cây bồ đề, từ giã dòng sông Ni liên, từ giã thôn Ưu lâu tần loa để ra đi. Khi biết được năm người bạn đồng tu với Ngài thuở trước, nay đang tu tập tại khu vườn Nai (Lộc dã), Ngài bèn đi về hướng đó. Tại đây, Ngài đã nói pháp Bốn Sự Thât để hóa độ cho năm vị này đều chứng quả A la hán, giải thoát khỏi ba cõi. Họ là những vị tì kheo và cũng là những thánh tăng đầu tiên trong giáo đoàn của Phật; đó là các vị: Kiều Trần Như (Kondanna), A Thuyết Thị (Át Bệ, A Xả Bà Thệ Assaji), Bà Sa Ba (Thập Lực Ca Diếp Vappa), Ma Ha Nam (Ma Ha Nam Câu Li, Ma Nam Câu Li Mahanama) và Bạt Đề (Bhaddiya). Chính nơi vườn Nai này, ngôi Tam Bảo đã xuất hiện lần đầu tiên ở thế gian: đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) là Phật Bảo, giáo pháp Bốn Sự Thật là Pháp Bảo, và năm vị tì kheo là Tăng Bảo.

Cũng tại vườn Nai này, sau đó đức Phật đã độ cho vị công tử con nhà quyền quí ở thành Ba la nại là Da Xá (Yasa), cùng 54 bạn hữu con nhà quyền quí khác của Da Xá đều trở thành những vị tì kheo chứng quả A la hán. Như vậy, trong vòng hai tháng đầu tiên sau ngày thành đạo, đức Phật đã có tổng cộng 60 vị đệ tử thánh tăng. Cha, mẹ và vợ của Da Xá cũng qui y, và trở thành những vị đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật đã thọ lễ qui y với đầy đủ Ba Ngôi Báu.

Với 60 vị A la hán đầu tiên của thế gian, đức Phật đã thành lập Giáo hội Tăng già đó là giáo hội của những tu sĩ độc thân xưa nhất của lịch sử nhân loại, vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Nửa năm sau đó, khi nhận thấy quí vị tì kheo đã đạt được trọn vẹn về cả trí tuệ cũng như phạm hạnh, đủ tư cách của một người hành đạo để truyền bá chánh pháp, đức Phật đã quyết định gửi họ đi các nơi, đến tận các làng quê hẻo lánh, để truyền đạt giáo pháp mới mẻ ấy, để gieo rắc hạt giống giải thoát giác ngộ đến mọi người trong tình thương yêu bao la và bình đẳng. Do sự tận tụy, cần mẫn của các ngài, chẳng bao lâu, nhiều người trong hai vương quốc Ca thi và Ma kiệt đà đã nghe biết về đức Phật và giáo pháp của Ngài. Họ kéo nhau rất đông về vườn Nai để xin qui y tu học.

Đức Phật rất hoan hỉ đối với công việc hoằng pháp rất thuận lợi và tốt đẹp của các vị đệ tử. Sau đó, Ngài một mình ôm bình bát đi về thăm lại thôn Ưu lâu tần loa ở nước Ma kiệt đà. Tại đây, Ngài đã hóa độ cho ba anh em đạo sĩ Ca Diếp (Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp Uruvela Kassapa, Na Đề Ca Diếp Nandi Kassapa, và Già Da Ca Diếp Gaya Kassapa) cùng một nghìn đệ tử của họ, đều chứng quả A lahán và trở thành tì kheo. Rồi Phật tiến về kinh thành Vương xá. Vua Tần Bà Ta La (Bimbisara trị vì nước Ma kiệt đà) đã xin qui y Tam Bảo, trở thành vị đệ tử tại gia đầu tiên của Phật trong hàng vua chúa. Nhà vua đã xây tu viện Trúc lâm (Veluvana) gần thành Vương xá để cúng dường Phật và giáo đoàn. Đây là ngôi đạo tràng to lớn và qui mô đầu tiên được dâng cúng cho giáo đoàn làm nơi tu học và hành đạo. Đó là năm thứ hai sau ngày Phật thành đạo. Trong thời gian này, đức Phật cũng đã thu nhận hai vị đệ tử lỗi lạc là các tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Moggallana). Mùa mưa năm đó, Phật và chúng tăng tổ chức an cư tại Trúc lâm. Truyền thống an cư của chúng tăng bắt đầu được thiết lập từ đó. Sau mùa an cư, đức Phật trở về thăm cố hương Ca tì la vệ. Vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Kiều Đàm Di, công chúa Da Du Đà La, hoàng tôn La Hầu La, các hoàng thân, vương tử, triều thần và nhân dân trong thành đều được Phật giáo hóa và thấm nhuần chánh pháp. Trong dịp này, người thợ cạo Ưu Ba Li (Upali), hoàng tử Nan Đà (Nanda em cùng cha khác mẹ của Phật), hoàng tôn La Hầu La, và các vương tử Đề Bà Đạt Đa, A Nan Đà (Ananda), A Na Luật (Anuruddha), v.v... đều theo Phật xuất gia. La Hầu La trở thành chú sa di đầu tiên và nhỏ tuổi nhất của giáo đoàn.

Phật giáo hóa ở vương quốc Thích ca trong nửa năm, rồi trở về lại tu viện Trúclâm. Trong mùa an cư tiếp theo, đức Phật lại thu nhận một vị đệ tử lỗi lạc khác nữa là tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakassapa), con một thương gia giàu có vào bậc nhất của nước Ma kiệt đà.

Sau mùa an cư này, đức Phật nhận lời thỉnh cầu của trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika, tức Tu Đạt Sudatta) lên mở đạo tràng hoằng hóa ở kinh thành Xá vệ (Savatthi) của vương quốc Kiều tát la (Kosala), tại đó, trưởng giả dùng vàng mua khu vườn của thái tử Kì đà (Jeta, con vua Ba Tư Nặc Pasenadi) để xây cất tu viện Kì viên (Jetavana, cũng gọi là tu viện Cấp cô độc, hoặc Kì thọ Cấp cô độc) dâng cúng cho Phật và giáo đoàn. (Kì viên và Trúc lâm là hai đạo tràng to lớn, qui mô và quan trọng nhất của giáo đoàn thời Phật tại thế; và trưởng giả Tu Đạt đã là vị thí chủ quan trọng nhất của giáo đoàn.) Nhờ có đạo tràng Kì viên này mà vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lị (Mallika) của nước Kiều tát la đã trở thành những Phật tử thuần thành của Phật.

Năm thứ năm sau ngày thành đạo, đức phật về quê hương Ca tì la vệ lần thứ hai trước khi vua Tịnh Phạn băng. Sau tang lễ của vua, đức Phật thu nhận lệnh bà Kiều Đàm Di, cùng một số đông mệnh phụ phu nhân trong dòng Thích Ca, làm đệ tử xuất gia phái nữ, thành lập giáo đoàn tì kheo ni. Quí bà đều chứng quả A la hán. Ni sư Kiều Đàm Di được Phật ủy nhiệm làm ni trưởng để coi sóc ni chúng. Công nương Da Du Đà La cũng được Phật nhận cho xuất gia sau đó, và cũng chứng quả A la hán. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo Ấn độ mà phái nữ được tham dự trực tiếp vào các sinh hoạt tôn giáo, và cũng là đoàn thể nữ tu sĩ độc thân đầu tiên của nhân loại mà ngày nay vẫn còn tồn tại.

Đến đây thì tiếng tăm của Phật đã vô cùng lừng lẫy, giáo đoàn của Ngài gồm đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi lứa tuổi, cả phái nam lẫn phái nữ, có mặt khắp mọi nơi, từ hang núi, rừng sâu, đến thôn quê, thành thị, không chỗ nào là không có chư tăng hành đạo. Trừ miền Nam Ấn độ ra, còn thì các vương quốc từ miền Trung đến miền Bắc, từ miền Đông đến miền Tây, nơi nào cũng có đạo tràng tu học và hành đạo của giáo đoàn. Cứ như thế, bước chân của Phật trải khắp mọi nẻo đường, không ngừng nghỉ, suốt 45 năm ròng rã. Sức hoạt động của Phật, từ trước tới nay chưa có vị đạo sĩ nào sánh kịp. (Chỉ có một lần, vì phải đi gấp để về Ca tì la vệ kịp trước khi vua Tịnh Phạn băng, và do lời thỉnh cầu tha thiết của sứ giả triều đình, đức Phât mới phải ngự chung xe với sứ giả, còn ngoài ra, Ngài hoàn toàn đi bộ chân trần, cho đến ngày nhập diệt.) Tăng đoàn của Phật đông hàng vạn, mà số thánh chúng chứng quả cũng không phải là ít. Đệ tử tại gia của Phật thì nhiều không xiết kể.

Cho đến một hôm, khi cảm thấy còn không bao lâu nữa mình sẽ nhập niết bàn, tại tu viện Trùng các (Kutagarasala) ở ngoại ô thành Tì xá li, đức Thế Tôn đã thông báo quyết định nhập niết bàn của Ngài cho chư tăng ni biết. Rồi đó, có hai tôn giả A Na Luật và A Nan Đà hầu cận, Ngài cùng với khoảng 300 vị tì kheo, đã rời thành Tì xá li đi về phương Bắc. Phật vừa đi vừa nghỉ lại tại nhiều thị trấn, nơi nào Ngài cũng thuyết pháp và dặn dò những lời cuối cùng cho chư tăng ni địa phương. Buổi chiều nọ, Ngài và chư tăng đi đến thành Câu thi na (Kusinara, của vương quốc Mạt la Malla) thì dừng lại. Ngài cảm thấy người đã yếu lắm, bèn dẫn chư tăng vào trú trong khu rừng cây ta la ở ngoại ô kinh thành. Đêm ấy, sau khi đã dạy những lời cuối cùng cho chư tăng, Ngài an nhiên vào thiền định, rồi nhập niết bàn. Năm đó Ngài được 80 tuổi đời.
CHÚ THÍCH

(01) Hi mã lạp (Himalaya): tức là núi Tuyết, tên một rặng núi cao, quanh năm tuyết phủ, ở miền Trung Á. Núi này từ Tây sang Đông trải dài hơn 2.400 cây số, bắt đầu từ sông Ấn (Indus Phạn ngữ là Sindhu) ở phía Bắc Pakistan, qua vùng Kashmir của Bắc Ấn độ, tiếp đến, một phần nằm vắt sang Tây tạng, và phần lớn còn lại thì trải dọc theo Nepal, Sikkim, và Bhutan; chiếm một diện tích rộng lớn khoảng 594.400 cây số vuông. Đó là rặng núi đồ sộ, hùng vĩ nhất thế giới, với hơn 30 ngọn cao tối thiểu từ 7.620 thước trở lên, trong đó, ngọn Everest được coi là cao nhất thế giới (8.848 thước).

(02) Thích ca (Sakya): tên một bộ tộc, có nghĩa là “có khả năng”. Lãnh thổ Ấn độ thời bấy giờ gồm rất nhiều vương quốc, mỗi vương quốc do một bộ tộc cai trị. Bộ tộc Thích Ca chiếm cứ vùng đất nằm giữa chân núi Hi mã lạp ở phía Bắc, các vương quốc Câu lị (Koliya) ở phía Đông, Mạt la (Malla) ở phía Nam, và Kiều tát la (Kosala) ở phía Tây. So với một số vương quốc khác đương thời, thì vương quốc Thích ca rất nhỏ, đất đai cũng không phì nhiêu lắm. Hết phân nửa lãnh thổ về phía Bắc là vùng cao nguyên, toàn đồi núi; phân nửa còn lại ở phía Nam là vùng đồng bằng. Kinh đô Ca tì la vệ (Kapilavatthu) của vương quốc nằm trong vùng đồng bằng ấy. Vương quốc này ngày nay là địa phận nước cộng hòa Nepal.

(03) Tịnh Phạn Cồ Đàm (Suddhodana Gotama) và Ma Ha Ma Da (Maha Maya): tên của quốc vương và hoàng hậu trị vì vương quốc Thích ca vào giữa thế kỉ thứ 7 trước Tây lịch. Các ngài là song thân của thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) mà về sau trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni). Vua Tịnh Phạn thuộc bộ tộc Thích Ca, là con trưởng của tiên vương Sư Tử Giáp (Simhahanu). Ngài có ba người em trai là các hoàng đệ Bạch Phạn (Sukkodana), Cam Lộ Phạn (Amitodana), Hộc Phạn (Dotodana), và một người em gái là quận chúa Cam Lộ (Pamita). Hoàng hậu Ma Ha Ma Da là em gái của vua Thiện Giác (Suppabuddha), trị vì vướng quốc Câu lị, nước láng giềng phía Đông của vương quốc Thích ca. Bà còn có một người em gái là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati). Hai vương quốc Thích ca và Câu lị đã giao hảo với nhau, và cũng từng là thông gia của nhau từ lâu đời, cho nên họ vừa là láng giềng mà cũng vừa là họ hàng của nhau. Như vào thời đại đó chẳng hạn, mẹ của vua Tịnh Phạn là cô ruột của vua Thiện Giác, trong khi đó, mẹ của vua Thiện Giác cũng lại là cô ruột của vua Tịnh Phạn; cả hai bà vợ của vua Tịnh Phạn (Ma Da và Ba Xà Ba Đề) đều là em ruột của vua Thiện Giác, và vợ của vua Thiện Giác cũng lại là em ruột của vua Tịnh Phạn.

(04) Thành Lam mạt (Ramagama) cũng gọi là thành Thiên tí (Devadaha). Hai vương quốc Thích ca và Câu lị là láng giềng của nhau, ngăn cách bởi con sông nhỏ Lô hề đa (Rohini). Hai quốc gia ấy vừa là thông gia, vừa là họ hàng với nhau từ lâu đời. Tuy nhiên, vì cả hai đều lấy nông nghiệp làm nguồn lợi chính, đều lấy nước từ sông Rohini để làm ruộng, mà Rohini chỉ là một con sông nhỏ, ít nước, cho nên các cuộc tranh chấp trầm trọng về vấn đề thủy lợi giữa hai bộ tộc cũng rất thường xảy ra; thậm chí có lần đức Phật phải đích thân can thiệp hòa giải.

(05) Tháng Vesaka (hay Vaisakha) là tháng thứ hai của lịch Ấn độ. Lịch Ấn độ cũng tính theo tuần trăng, chia một năm làm 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày. 12 tháng lần lượt có tên tiếng Phạn như sau: Caitra (tháng đầu), Vaisakha (tháng thứ hai), Jyaistha (tháng thứ ba), Asadha (tháng thứ tư), Sravana (tháng thứ năm), Bhadrapada (tháng thứ sáu), Asvayuja (tháng thứ bảy), Karttika (tháng thứ tám), Margasirsa (tháng thứ chín), Pausa (tháng thứ mười), Magha (tháng thứ mười một), Phalguna (tháng thứ mười hai). Về thời tiết thì có ba mùa: mùa Nóng (Grisma), tương đương với mùa Xuân, gồm bốn tháng, bắt đầu từ ngày 16 tháng Caitra đến ngày 15 tháng ravana; mùa Mưa (Varsakala), tương đương với mùa Hạ, gồm bốn tháng, bắt đầu từ ngày 16 tháng Sravana đến ngày 15 tháng Margasirsa; và mùa Lạnh (Hemanta), tương đương với mùa Đông, gồm bốn tháng, bắt đầu từ ngày 16 tháng Margasirsa đến ngày 15 tháng Caitra.

(06) Các nước theo Phật giáo trên thế giới đã thống nhất lấy năm Phật nhập niết bàn làm năm thứ nhất Phật lịch. Theo đó, các niên đại quan trọng trong cuộc đời đức Phật được công nhận như sau: Đức Phật nhập niết bàn năm 544 (Phật 80 tuổi); thành đạo năm 589 (35 tuổi); xuất gia năm 595 (29 tuổi); và đản sinh năm 624.

(07) Thích Ca (Sakya) là tên chủng tộc, còn Cồ Đàm (Gotama) là họ (thị tộc) của thái tử Tất Đạt Đa. Về sau, trong thời gian xuất gia, người ta thường gọi Ngài là sa môn (hay đạo sĩ) Cồ Đàm. Lại nhân Ngài xuất gia sống đời tu sĩ, cho nên người ta đã tôn xưng Ngài là Mâu Ni (Muni), nghĩa là bậc ẩn sĩ, bậc cao thượng, bậc thánh “Thích Ca Mâu Ni” nghĩa là bậc ẩn sĩ của bộ tộc Thích Ca.

08) A Tư Đà (Asita), quê quán ở vương quốc A bàn đề (Avanti), thuộc miền Tây Ấn độ, là một trong mười sáu nước lớn ở Ấn độ thời Phật tại thế. Ông là một vị đạo sĩ Bà la môn, vừa có học lực uyên bác, vừa chứng đắc thần thông. Ông lại là cậu ruột của tôn giả Ca Chiên Diên (Katyayana), một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật.

(09) Đề Bà Đạt Đa (Devadatta): một vị vương tử thuộc dòng Thích Ca, con trưởng của hoàng thân Bạch Phạn, anh ruột của vương tử A Nan Đà (Ananda), và là em chú bác của thái tử Tất Đạt Đa. (Xin xem thêm chú thích số 3 ở trên.)

(10) Vệ Đà (hay Phệ Đà Veda): kinh điển căn bản của đạo Bà la môn. Khoảng 1.500 năm trước TL, giống dân du mục Arya từ miền Trung Á tràn vào vùng Tây Bắc Ấn độ. Họ đã chiến thắng dân bản xứ (Dravida), chiếm cứ vùng đất rộng lớn từ Punjab xuống đến lưu vực sông Hằng. Họ tự đặt mình ở địa vị chủ nhân ông, và biến người dân bản xứ thành hàng nô lệ. Sau khi mọi việc đã được bình định, giai cấp lãnh đạo tinh thần của giống Arya là các giáo sĩ Bà la môn, đã sưu tập lại tất cả những bài ca tán tụng thần thánh đã có từ trước và trong suốt thời kì chinh phục Ấn độ, làm thành bộ thánh thư xưa nhất của Ấn độ là Vệ Đà, gồm có bốn tập: 1) Lê Câu Vệ Đà (Rigveda): gồm những bài ca nói về sự sáng tạo vũ trụ, giải thích về số mạng dài ngắn của con người, cùng các cách tu dưỡng để bảo tồn tính lành. 2) Sa Ma Vệ Đà (Samaveda): gồm những bài ca dùng trong việc tế tự, cầu đảo chư thần linh. 3) Dạ Nhu Vệ Đà (Yajurveda): gồm những bài kệ dùng trong các việc như cưới gả, chôn cất, tiệc tùng v.v..., cùng đề cập đến các cách bói toán, binh pháp, quân trận. 4) A Thát Bà Vệ Đà (Artharvaveda): gồm những thần chú dùng để giải trừ tai nạn.Trong bốn tập trên thì Rigveda được thành hình sớm nhất, khoảng từ thế kỉ 14 đến thế kỉ 11 trước TL, được coi là cuốn thánh thư tối cổ của nhân loại; ba tập sau xuất hiện trong mấy thế kỉ kế tiếp. Bốn tập Vệ Đà này đã là nền tư tưởng và học thuật căn bản và dành riêng cho giới thượng lưu (Bà la môn, vua chúa, công hầu khanh tướng) của Ấn độ trước khi Phật giáo xuất hiện; và theo truyền thống, chỉ có các giáo sĩ Bà la môn mới có quyền giảng giải các thánh thư ấy mà thôi. Sau đó, trong khoảng từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 4 tr. TL (tức trong khoảng thời gian Phật giáo xuất hiện), lại có thêm Phạm Thư (Brahmana) và Áo Nghĩa Thư (Upanisad) ra đời. Nội dung của Phạm Thư gồm những bản “anh hùng ca”, được xem là phần nối dài của bộ Vệ Đà. Trong khi đó thì nội dung của Áo Nghĩa Thư hàm chứa những giáo lí cực kì uyên áo của đạo bà la môn, mà các triết thuyết về “tự ngã”, “không hai”, “nghiệp báo luân hồi” và “giải thoát” là những đặc điểm vô cùng quan trọng, ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của Phật.

(11) Ba giáo điều căn bản của đạo Bà la môn: 1. Phạm Thiên là đấng tối cao sáng tạo và ngự trị muôn loài; 2. Kinh Vệ Đà là do chính thiên chúa Phạm Thiên (Brahma) mặc khải riêng cho dòng giống Bà lamôn; 3. Tế lễ có công hiệu vạn năng.

(12) Bốn giai cấp: 1. Giai cấp Bà la môn (Brahmana cũng gọi là giai cấp Tăng lữ). Các giáo sĩ Bà lamôn bảo rằng, khi Phạm Thiên sinh ra loài người thì dòng giống của họ đã được sinh từ miệng ngài. Chỉ có họ mới có thể tiếp xúc trực tiếp với thần linh; vì vậy, chỉ có họ mới thông hiểu được các kinh Vệ Đà, và cũng chỉ có họ mới có quyền cúng tế, xướng tụng và giảng dạy các kinh điển ấy. Để củng cố địa vị và áp chế các giai cấp khác, họ đã tạo ra bộ luật Mã Nỗ (Manu), tự cho mình là giai cấp trên hết và tôn quí nhất trong xã hội, phải nắm độc quyền về tôn giáo, tư tưởng, học thuật và giáo dục, bắt buộc ba giai cấp dưới phải tuân phục. 2. Thứ đến là giai cấp Sát đế lị (Ksatriya), đã được sinh ra từ hai tay của Phạm Thiên. Họ là lớp người thuộc các dòng họ vua chúa, quí tộc, tướng quân, được nắm các quyền hành về chính trị và quân sự, nói chung là quyền cai trị. Họ có toàn quyền sinh sát đối với nhân dân và xem lãnh thổ cai trị như vật tư hữu của dòng giống họ. 3. Đứng hàng thứ ba là giai cấp Phệ xá (Vaisya), đã được sinh ra từ bắp đùi của Phạm Thiên, gồm những thành phần giàu có thuộc lớp thượng lưu và trung lưu trong xã hội. Họ thường được gọi là trưởng giả, là những thương gia, địa chủ, hương chủ, hoặc là chủ nhân các xưởng tiểu công nghệ. 4. Giai cấp thấp nhất là Thủ đà la (Sudra), đã được sinh ra từ bàn chân của Phạm Thiên. Đây là giai cấp của thợ thuyền, lao động, nông dân, binh lính. Giới này chiếm đại đa số dân chúng, nhưng cũng là giới nghèo khổ nhất trong bốn giai cấp. Họ phải làm mọi công việc nặng nhọc và nguy hiểm mà ba giai cấp trên không bao giờ phải đụng tay tới. Ngoài ra, dưới bốn giai cấp trên còn có giới “ngoại cấp”, được gọi là Ba lị a (Pariah) hay Chiên đà la (Candala). Thủ đà la đã là giai cấp thấp nhất rồi, nhưng vẫn còn có “cấp”; đàng này, Chiên đà la không được thuộc cấp nào cả. Họ gồm những bộ lạc thổ dân đã từng bị thua trận trong các cuộc xâm lăng của giống người Arya thuở trước. Họ là lớp người nghèo hèn nhất, có số phận bi đát nhất, bị áp bức tàn nhẫn nhất. Luật Mã Nỗ nói rằng, Chiên đà la là loại người sinh ra chỉ để làm nô lệ. Bởi vậy, họ phải làm tất cả mọi công việc cực nhọc, dơ dáy như chăn trâu, nuôi và giết súc vật, thợ cạo, hốt phân, tôi tớ, ăn mày v.v... Cũng theo luật ấy, giới này bị coi là giống ti tiện, ô trược, cho nên họ không được vô tình hay cố ý đụng vào người hoặc nói năng đụng chạm đến những người ở các giai cấp trên, nhất là Bà la môn và Sát đế lị. Nếu lỡ phạm phải, họ có thể bị đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có thể bị giết chết mà không ai bênh vực cả. Tất cả các giai cấp đều có tính cách “cha truyền con nối”; ai sinh ra ở giai cấp nào thì phải chấp nhận và ở yên trong giai cấp đó, không thể thay đổi tình trạng được!

(13) Da Du Đà La (Yasodhara): là công chúa con vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ của vương quốc Câu lị. Bà Cam Lộ là em út của vua Tịnh Phạn, cho nên thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La là anh em cô cậu. Theo luật lệ thời đó ở Ấn độ, phải những người cùng chủng tộc (vừa là giai cấp, vừa là bộ tộc, và vừa là thị tộc) mới được kết hôn với nhau, mục đích là để khỏi bị lai giống và lai giai cấp. Tuy nhiên, luật vẫn không cho anh em ruột kết hôn.

(14) “Rahula” có nghĩa là sợi dây trói buộc, là chướng ngại, là nguyệt thực, là nhật thực. Kinh chép rằng, La Hầu La đã ra đời nhằm vào lúc có nhật thực toàn phần.

(15) Ma kiệt đà (Magadha) cùng với Kiều tát la (Kosala) là hai vương quốc lớn nhất và hùng mạnh nhất trong toàn lãnh thổ Ấn độ thời Phật tại thế. Những thế kỉ trước ngày Phật ra đời, nền văn minh Ấn độ (được hiểu là nền văn minh Bà la môn giáo) đã tập trung tại miền Tây Bắc Ấn độ, bao gồm vùng thượng lưu hai con sông Hằng hà (Ganga) và Ấn hà (Sindhu). Các bộ tộc hùng mạnh đều lấy vùng này mà lập nên các vương quốc phú cường, như Kamboja (Kiếm phù sa), Gandhara (Càn đà la), Kuru (Cư lâu), Matsya (Bà sa), Pancala (Bàn xà la) và Surasena (Tô la ta), là 6 nước lớn nhất (mà đặc biệt, Gandhara và Kuru được xem là căn cứ địa của văn minh Bà la môn). Các khu vực khác đều còn bị coi là man rợ. Đến thế kỉ thứ 7 tr. TL, các vương quốc ở các vùng phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên phát triển mạnh mẽ về mọi lãnh vực, vượt hẳn các vương quốc trên kia, và chiếm địa vị trung tâm. Mười vương quốc mới nổi tiếng được nhắc tới nhiều nhất là Kosala (Kiều tát la), Malla (Mạt la), Licchavi (Lê xa cũng gọi Vrji Bạt kì), Asvaka (A thấp ba), Kasi (Ca thi), Vatsa (Bạt sa), Avanti (Abàn đề), Cedi (Chi đề), Anga (Ương già) và Magadha (Ma kiệt đà); cộng chung với sáu vương quốc trên kia, là mười sáu vương quốc lớn nhất (thập lục đại quốc) của Ấn độ thời Phật tại thế. Tất cả 16 nước lớn này đều nằm trong lãnh thổ nửa phía Bắc Ấn độ. Dưới thời đại của Phật, nền văn minh vẫn chưa phát triển xuống nửa phía Nam của bán đảo Ấn độ.Từ khi các vương quốc kém phát triển ở phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên vùng dậy mạnh mẽ trở thành các cường quốc, thì uy thế của Bà la môn giáo truyền thống lại bắt đầu suy yếu tại các khu vực đó. Các hệ phái triết học khác đua nhau bộc phát, làm cho tư tưởng giới đương thời trở nên rối ren, phức tạp. Một cách tổng quát, tư tưởng giới lúc đó chia làm hai xu hướng: Xu hướng trung thành với truyền thống Vệ Đà và xu hướng phản Vệ Đà. Xu hướng thứ nhất gồm có ba trào lưu: Bà la môn chính thống, tín ngưỡng tập tục (sùng bái nhiều vị thần nhân cách hóa), và triết học (lấy Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư làm chủ yếu). Xu hướng thứ hai bao gồm các trào lưu chủ trương nghiên cứu các vấn đề triết học một cách tự do, độc lập, phủ nhận hoàn toàn uy thế cũng như đặc quyền của Bà la môn truyền thống. Các nhà tư tưởng (hay tôn giáo) này được gọi là “sa môn” (samana). Họ tổ chức thành từng giáo đoàn, được gọi là “sa môn đoàn”. Các vương quốc mới phát triển như Kiều tát la, Lê xa, Ca thi, A bàn đề, Ma kiệt đà v.v... là địa bàn hoạt động rất nhộn nhịp của các đoàn sa môn này. Các đạo sĩ A La Lam (Alara Kalama) và Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta) chẳng hạn, đều là thủ lãnh lớn của các đoàn sa môn ấy, và đã lấy vùng lưu vực sông Hằng làm căn cứ địa, mở các đạo tràng hướng dẫn đồ chúng.

(16) Ba la nại (Baranasi) là kinh đô của vương quốc Ca thi (Kasi), một trong các vương uốc vùng lưu vực sông Hằng mà sự phú cường bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ thứ 7 tr. TL. Sáu đô thị nổi tiếng phồn thịnh nhất của các vương quốc thời Phật tại thế là: Xá vệ (Savatthi) của Kiều tát la, Vương xá (Rajagaha) của Ma kiệt đà, Kiều thưởng di (Kosambi) của Bạt sa, Tì xá li (Vesali) của Lê xa, Chiêm ba (Campa) của Ương già, và Ba la nại (Baranasi) của Ca thi. Ca thi là vương quốc nổi tiếng có nhiều loại tơ lụa và trầm hương tốt nhất.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị