Home > Khai Thị Niệm Phật
Học Phật Phải Cầu Thành Phật Thành Phật Phải Nhờ Di Đà
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Năm nay tôi đã chín mươi tám tuổi, làm việc thường là sẵn tâm nhưng chẳng có sức. Hôm nay may mắn gặp gỡ, nói chuyện chỉ lựa những điều quan trọng để nói, nói xong thì điều quan trọng nhất vẫn là do mọi người thực hành.

Tại sao chúng ta học Phật? Học Phật nghĩa là mọi người đều cầu thành Phật. Nếu không thể thành Phật thì học Phật để làm gì? Nhưng muốn thành Phật thì phải bắt chước làm theo hành vi của đức Phật, bắt chước làm theo sẽ có ích lợi gì?

Chư vị nên biết, từ trước tới nay mọi người đều luân chuyển trong sáu nẻo luân hồi không bao giờ ngưng dứt. Sáu nẻo tức là cõi trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, và A Tu La. A Tu La hơi đặc biệt, chia ra khắp bốn cõi trời, người, súc sanh, ngạ quỷ. Phàm những chúng sanh trong cõi Sa Bà chúng ta hễ có sanh bèn có diệt, bất kể là thánh nhân hay là hảo nhân (người tốt), ai cũng chẳng thoát khỏi sanh tử, đều phải luân chuyển trong sáu nẻo luân hồi. Vả lại, nhân quả thông ba đời, nợ đời trước thì đời sau phải trả. Trả xong nợ cũ rồi bèn đầu thai sanh vào cõi trời, cõi người. Trong cõi trời người, lại khởi Hoặc, tạo nghiệp, đương nhiên sẽ sanh tử tiếp nối không dứt y như cũ. Do đó, người ta chết đi không thể bảo đảm là đời sau sẽ sanh làm người trở lại. Ngay cả Ngọc Hoàng Đại Đế chết đi cũng có thể biến thành heo, chó, bò, dê, huống chi là người thường! Còn người học Phật thì sao? Đời này không thể thoát ra sáu nẻo luân hồi, đã đầu thai bèn bị mê muội khi chuyển sanh sang đời sau, nhất định sẽ quên hết những đạo lý chính mình đã tu trong đời trước; cũng nhờ đời trước có tu hành nên đời này sẽ hưởng phước. Nhưng giàu sang học đạo khó lắm! Đã hưởng giàu sang, lại làm quan, cơ hội tạo nghiệp càng lớn, kỳ vọng có thể thoát ly sanh tử, thành tựu Phật đạo trở thành rất viễn vông, không thể nào thực hiện được!

Trong sáu nẻo, lúc thì sanh lên trời, lúc thì đọa xuống cõi súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Sanh tới cõi lành (trời, người) cũng như trong biển cả, ngoi đầu lên hít một hơi khoẻ khoắn một lát rồi thôi. Đợi có cơn sóng đánh ụp tới liền bị ngập đầu, chìm xuống biển sâu thẳm chẳng còn lưu lại dấu vết. Đúng như câu “đầu ngoi lên hụp xuống”. Vì thế, con người nhất định phải biết tìm giải thoát, cầu thoát ra khỏi biển khổ. Giống như [bị chìm] giữa biển và gặp được tàu cứu vớt, liền phải leo lên tàu để được chở qua tới bờ bên kia, bờ bên kia tức là bờ giải thoát. Nhưng ai được giải thoát? Trừ Phật ra, ngay cả Bồ Tát cũng chưa thật sự được giải thoát, do đó học Phật nhất quyết phải cầu thành Phật, nếu không thành Phật thì là tự phụ bạc, tự ruồng rẫy chính mình.

Tại sao nói thành Phật mới thật sự là giải thoát? Chữ Phật nghĩa là Giác. Giác nghĩa là hiểu rõ tất cả, phải tu tới mức hiểu rõ tất cả [bất cứ sự việc gì cũng phải hiểu rõ]. Nếu tính thời gian thì một ngày, một năm có thể làm nổi hay không? Một trăm năm, một ngàn năm, một vạn năm cũng chưa làm nổi! Còn nói theo phương diện không gian, dùng mảnh đất Đài Loan nhỏ nhoi này để tính, những học giả nghiên cứu thực vật, động vật có thể biết rõ hết tất cả những thực vật, động vật sanh sản ở Đài Loan này hay không? Người Đài Loan từ một tuổi tới một trăm tuổi [đã là rất nhiều], tên của các thứ cây cỏ, chim chóc, thú vật đã là rất nhiều [làm sao biết hết cho được]! Do đó, muốn thành Phật phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp. Sau khi thành Phật, ở ngoài tam thiên đại thiên thế giới ở chỗ nào có mưa, có bao nhiêu giọt mưa, Phật đều biết rõ ràng. Đúng là không có việc gì Ngài không biết, không có vật gì Ngài không rõ. Còn phàm phu chúng ta, trước mắt có một tờ giấy che kín là chúng ta không nhìn thấy rồi, nói chi những chuyện khác!

Nói như vậy thì thành Phật là chuyện rất khó phải không? Đúng là rất khó! Nhưng đức Phật vô cùng từ bi, trong muôn vàn khó khăn, Ngài đặc biệt mở ra một pháp môn giúp cho mọi người nhanh chóng được giải thoát thật sự.

Mọi người đều biết đi học cần phải vào trường, trường học lại có trường hay, trường dở. Hiện nay, muốn học Phật phải kiếm một trường hay. Kiếm được một trường hay rồi, được đức Phật A Di Đà làm hiệu trưởng, Quán Thế Âm Bồ Tát làm Chủ Nhiệm Giáo Vụ, Đại Thế Chí Bồ Tát làm Chủ Nhiệm Huấn Đạo, đúng là một ngôi trường quá tốt đẹp! [Trường ấy là trường nào vậy?] Trường ấy chính là thế giới Cực Lạc. Nơi đó “chẳng có sự khổ, chỉ có điều vui”. Tới đó muốn làm gì thì làm, đó là một nơi thanh tịnh chẳng ô nhiễm. Nhưng vì nó quá đặc biệt, trong một vạn người chẳng tìm ra được một người thật sự tin tưởng, chẳng hoài nghi; do đó, pháp môn Tịnh Độ gọi là pháp khó tin

Phần đông người ta vì chẳng tin chân thật, miệng niệm Phật nhưng tâm rong ruổi theo duyên bên ngoài. Đúng như câu nói “miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn”, [hét toạc cổ họng cũng luống công], niệm như vậy sáu trăm vạn kiếp cũng không thể thành công. Xét về số lượng thì niệm Phật nhiều sẽ được khẩu thiện, đời sau sanh làm người mà thôi! Như vậy là vẫn chưa rốt ráo. Rốt ráo nhất vẫn là thật sự tin tưởng, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Sanh tới Tây Phương, tiếp tục tu học trong trường, khi tốt nghiệp ra trường sẽ được tự do, thật sự được giải thoát.

Pháp môn Tịnh Độ, ngàn kinh vạn luận chỗ nào cũng chỉ quy. Tam Tạng mười hai bộ kinh điển, bộ kinh nào nói tới pháp môn mà không phải bất cứ ai cũng có thể hiểu trọn vẹn được, liền dùng sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” để khuyên chúng sanh. Trong sáu chữ này, chữ nào cũng liên quan tới Tam Tạng kinh điển. Chữ Tín là cội nguồn của hết thảy công đức, đương nhiên muốn tin tới mức không lay động thì Bát Địa Bồ Tát mới làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể miễn cưỡng tin. Đức Phật là thánh nhân, tuyệt đối sẽ không bao giờ nói dối; hãy tin vào Thánh Ngôn Lượng, cho dù không hiểu lý lẽ cũng thành công. Nếu mọi người có thể không hoài nghi, y giáo phụng hành, có thể vãng sanh về cõi Cực Lạc, nhất định có thể thành Phật, đạt được giải thoát thật sự.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch