Home > Khai Thị Niệm Phật
Nói Pháp Cần Phải Hợp Cơ
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Võ Mộc tôi niệm Phật đã mười năm, mới biết chút ít ý thú. Thiết nghĩ phương pháp chỉ dạy về môn Niệm Phật của các Ngài Linh Phong, Mộng Đông và bộ Văn Sao của Tôn Sư, đại để đều là phương tiện lập thiết cho hạng ngu tối quê mùa. Như bọn chúng tôi, được thông hiểu chữ nghĩa, hay suy nghĩ tìm tòi, nếu cứ dùng phương pháp ấy, chắc không thể sanh về Tịnh độ! Theo ngu ý, những người niệm Phật cầu vãng sanh, trước tiên phải biết: “niệm Phật đó là ai?”Vì nếu thấy được chủ nhân ông, thì niệm Phật mới có chỗ dùng và sự vãng sanh mới có thể cầm vững! Chẳng riêng gì niệm Phật cần nên như thế, mà tụng kinh trì chú đều phải theo đường lối này. Người đời nay khi nói đến niệm Phật là bảo: phải niệm cho già giặn, tấm lòng như chết, mới có thể vãng sanh. Họ đâu biết, nếu không rõ “niệm Phật đó là ai?”, thì làm sao niệm được già giặn và tấm lòng như chết? Như thế, giả sử mỗi ngày đêm niệm đến mười muôn câu, đối với việc sanh tử có quan hệ gì? Có kẻ lại bảo: “Người xưa phần nhiều chuyên chú về trì danh, không tham cứu trong câu niệm Phật.”Võ Mộc tôi nói: “Đó là việc sau khi tham cứu xong rồi của cổ đức, hạng sơ cơ không nên bắt chước theo.”Người niệm Phật đời nay, mười phần hết chín không rõ ý chỉ ấy, thật đáng thương xót! Tôi thường thường cạn lời khuyên bảo, mà hàng cư sĩ có kẻ lại cho tôi là tà kiến nữa. Nghĩa mầu Phật pháp chìm tối đến thế, nghĩ nên than thở, ngậm ngùi!

Nay xin bày tỏ nỗi lòng, kính cầu Tôn Sư ấn chứng và mong đem nghĩa ấy giải rộng thêm ra. Đó là hạnh phúc của chúng sanh, đâu những riêng cho Võ Mộc!”

Xem rõ ý trong thơ, riêng lòng xiết bao khen ngợi! Các hạ có tâm rất tốt, muốn cho mọi người đều thấy tánh bản lai, để sanh về phẩm sen bậc thượng. Quán Kinh nói: “đọc tụng Đại thừa, hiểu nghĩa thứ nhứt, phát lòng Bồ đề, khuyên nhắc người tu”, âu là bản ý của các hạ đó chăng?

Tuy nhiên, nói Pháp cần phải hợp cơ, nếu không xét căn cơ, lầm cho pháp dược, thì đồng với kẻ dung y dùng thuốc giết người. Nên biết hai tông Thiền, Tịnh, cội nguồn vẫn một, song lối tu khác nhau, bên Thiền lấy sự tánh bản lai làm tông, bên Tịnh dùng tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh làm yếu chỉ. Giả sử người đời là bậc thượng căn, thì lời của các hạ thật có lợi vô cùng. Nhưng xét lại, người thượng căn rất ít, kẻ trung, hạ quá nhiều, nếu không dạy phát tín, nguyện cầu sanh, mà bảo tham cứu câu niệm Phật, đó là điều hại lớn. Vì nếu tham cứu được tỏ ngộ, vẫn là hân hạnh, song còn phải phát thêm nguyện thiết để cầu vãng sanh. Như tham cứu không thành, mà trong tâm thường giữ quan niệm “không biết niệm Phật đó là ai, chẳng thể vãng sanh”, thì quyết khó cùng Phật cảm thông và được nhờ sự tiếp dẫn. Người biết được “niệm Phật đó là ai”, chính là bậc đã tỏ ngộ, thấy suốt chân tánh. Đời nay, tham cứu đến chỗ đại triệt đại ngộ phỏng có mấy người? Đừng nói chi ai, chính như các hạ cũng chưa từng đến địa vị ấy. Tại sao biết được? Vì nếu các hạ đã đến, quyết không khi nào dám nói những câu: “Ngài Linh Phong, Mộng Đông lập thiết để dạy hạng ngu tối quê mùa không biết niệm Phật đó là ai, chẳng được gọi là niệm già giặn, tấm lòng như chết dù cho mỗi ngày đêm niệm mười muôn câu, không quan hệ gì đến việc sanh tử, và người xưa chuyên chủ trì danh là việc sau khi tham cứu, kẻ sơ cơ chẳng nên bắt chước theo.”

Xét ra, tấm lòng các hạ thật muốn cho mình và người đều được lợi ích, song lời nói của các hạ, chính mình đã lầm, lại khiến cho người lạc lầm. Từ đây xin chớ nói những lời ấy nữa, bằng chẳng thế, pháp môn rộng lớn độ khắp chúng sanh của Như Lai, sẽ bị các hạ vùi sâu, đóng kín, không được mở thông. Lỗi ấy đồng với tội khinh báng Phật, Pháp, Tăng, phải nên dè dặt! Chỗ thấy hiểu của các hạ, vì không khéo tùy căn cơ, đem pháp thượng căn khuyên mọi người tu tập, nên thành ra thiên chấp, sai lầm. Các hạ chẳng biết, lại cho mình hiểu đúng với nghĩa chân thật của Phật pháp, cầu xin ấn chứng. „n Quang tuy hèn kém, đâu dám lầm hứa nhận khen giúp theo, để chính mình và các hạ đều sa vào tội khinh báng Tam bảo hay sao? Như cho lời của kẻ dung tăng này không đúng, xin cứ tùy ý mỗi người tự đi riêng đường lối là xong. „n Quang đâu dám ép kẻ khác bỏ sở kiến để theo ý hèn của mình. Chẳng qua vì các hạ hỏi đến, nên bất đắc dĩ phải thẳng lời dâng chút ngu thành đó thôi.

Rất hân hạnh mong nhờ sự xét nghĩ xa rộng.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long