Home > Khai Thị Niệm Phật
Công Ðức Bố Thí
Hòa Thượng Thích Đức Niệm


Kính thưa quý vị,

Bố thí là hạnh dễ làm mà ai cũng có thể làm được, dù ở trong hoàn cảnh nào. Nhưng lại có biết bao người không làm được, thật đáng thương. Công đức bố thí thật là to lớn, có khả năng hoán cải được vận mạng con người. Vì thế nên bố thí đứng đầu trong sáu hạnh Ba la mật của lục độ Bồ Tát.

Thường thì con người hay tham tiếc. Ngay ở cái tuổi bé thơ lòng tham tiếc cũng đã nẩy nở và nẩy nở phát triển theo thời gian, hoàn cảnh và cơ thể của con người.

Ðứa hài nhi đang ngậm bú vú mẹ, bị mẹ lấy ra để chuyển qua vú khác, đứa hài nhi liền giãy giụa la khóc ngất lên, vì tức giận tưởng rằng mất bú. Câu bé đang chơi những đồ chơi của mình, bị người khác đến lấy, cậu bé liền giận tức la lên, giậm chân giựt lại muốn đánh người lấy đồ của cậu. Người giàu có thì muốn giàu thêm không mấy khi đem lòng thương giúp đỡ kẻ nghèo thiếu. Kẻ nghèo thiếu thì suốt ngày lo cơm no áo ấm, muốn phát tâm làm việc phước đức, nhưng lại không đủ sức phương tiện. Nghĩa là con người sống trong lẩn quẩn, nghèo thì không đủ phương tiện, giàu thì keo kiết, cứ thế triền miên quanh quẩn trong tham lam lẫn tiếc keo kiết bỏn sẻn không lúc nào thôi.

Trong kinh Bách Dụ, Ðức Phật kể một câu chuyện như thế này: “Có một anh nhà giàu muốn mời bạn bè đến nhà đãi tiệc, để khoe khoang sự giàu có sang trọng của mình. Anh có tánh lo xa, đã tốn bao nhiêu ngày để trang hoàng nhà cửa lộng lẫy, và đã chọn mua những con bò sữa tốt đem về nuôi để lấy sữa tươi đãi bạn bè với dụng ý khoe mình giàu sang.

Ngày đãi khách chưa đến, nên anh không vắt sữa bò. Thay vì hằng ngày nên vắt sữa uống để cho bò sanh thêm sữa mới tốt tươi, thì trái lại anh cũng không dám làm. Anh nghĩ bụng rằng, ta để dành sữa trong bụng bò, đến ngày đãi tiệc, lúc đó vắt thì sữa chẳng những tươi thơm mà còn sẽ được nhiều gấp mấy lần hơn! Không ngờ, đến ngày yến tiệc, bạn bè đến đông đảo, anh cho người giúp việc đem bò đi tắm rửa sạch sẽ rồi dắt đến trước bạn bè với dụng ý khoe bò mập tốt, sữa tươi ngon. Rồi anh chọn lấy những chiếc bình pha lê cổ kính quý giá đem ra để đựng sữa, nhưng không ngờ, khi vắt sữa thì sữa bò đã khô cạn từ lúc nào rồi! Anh ngạc nhiên trố mắt nhìn thấy làm quái lạ, bối rối nói với các bạn bè của anh rằng: “Mấy ngày trước đây sữa bò căng đầy, tôi không dám vắt uống, vì ý định để đợi đến hôm nay vắt sữa tươi mừng đãi các bạn. Nhưng không ngờ sữa đã khô cạn!” Bạn bè ai nấy nghe qua đều thầm bụng cười chê anh ta là kẻ ngu ngốc, tiếc của không đúng cách, kết quả là không dám uống dùng mà cũng không còn sữa!

Có ai khùng điên chứa sữa trong bụng bò mà bò lại có thể tiếp tục sanh sữa mới bao giờ! Cũng vậy, trên đời này có biết bao người hôm nay có khả năng làm việc bố thí mà cứ nói kẹt hẹn chừng nào khá dư sẽ làm. Nhưng đâu có ngờ thời gian sau đó xảy ra tai nạn, cướp giựt, con cháu phá hại hoặc nhà nước tịch thu hoặc chết, nên không dịp làm được việc bố thí phước thiện. Hoặc có kẻ vì ích kỷ chỉ lo cho chồng vợ con cái được no cơm ấm áo, giàu có dư để, mà phải chạy đôn chạy đáo dối láo chụp giựt lường gạt người khác, để cho gia đình mình được hưởng, mà rốt cuộc chỉ một mình chịu tội. Ăn chung mà chịu tội riêng.

Có kẻ cúng tiền vào việc làm phước thiện lại kể công kể nghĩa. Thậm chí có kẻ đã cúng tiền vào ngôi Tam Bảo để nuôi nấng tăng chúng, in kinh sách ấn tống, đúc tượng Phật, xây cất chùa viện với ý đồ để được người khen, hoặc muốn có được quyền danh, hoặc sau đó thay lòng đổi dạ làm khó dễ để đòi tiền lại, hoặc cúng giúp ít mà khoe khoang kể lể cúng nhiều. Nghĩa là lòng người luôn luôn thay đổi khó lường, lại không dám nhận thực mình năm nay khá hơn năm rồi. Bây giờ mình có tiền hơn lúc trước. Cứ luôn luôn dối lòng dối người nói mình nghèo. Bởi con người luôn luôn xem nặng tiền bạc của cải mà che dấu phủ nhận phước báo của mình có được, che dấu sự thật về sự khá giả của mình. Tuy được khá giả giàu có mà cứ dối, than nghèo nói kẹt, vô tình tạo thành cái nhơn tâm địa nghĩ nghèo, lời nói nghèo, việc làm keo kiết bỏn sẻn, do đó vô tình đã tạo thành cái nhơn chủng tử nghèo thiếu nơi tâm thức. Như thế trước sau chậm mau gì những người ấy cũng sẽ phải chịu cái quả nghèo thiếu.

Dù cho có người nào do nhờ tu phước đời trước mà đời này được giàu có, nhưng với tâm địa, lời nói, hành động bỏn sẻn keo kiết dối người lợi mình như trên đây, rồi cũng sẽ rơi vào những kiếp nghèo đói tiếp theo sau đó. Bởi nhân nào thì sẽ lãnh quả nấy, như bóng theo hình, như vang theo tiếng. 

Tâm tánh của chúng sanh thường là bất nhứt, uẩn khúc bất trắc, không sống đúng với sự thật, hay nói quanh co, viện lý do lý do khác để thối thác việc làm từ thiện lợi tha, nên Ðức Phật động lòng thương đã mở ra phương pháp tu bố thí để thoát kiếp nghèo đói bởi lòng bỏn sẻn tạo ra, ngõ hầu để cho mọi người trở thành giàu sanh và từ đó trở thành bậc Bồ Tát sống tự tại giải thoát. Phương pháp tiêu trừ nghèo đói bần cùng do lòng bỏn sẻn gây nên, không phương pháp nào hơn là bố thí.

Bố thí là pháp hạnh đứng đầu trong sáu pháp Lục độ Ba la mật của người tu hạnh Bồ Tát. Người muốn thực hành hạnh Bồ Tát để đạt thành quả vị Bồ Tát thì trước hết phải tu hạnh bố thí. Có thực hành hạnh bố thí mới dẹp được lòng bỏn sẻn keo kiệt, mới mở rộng lòng từ bi tế độ, mới thông cảm được nỗi nghèo khổ của mọi người. Có bố thí mới thoát được cái khổ nghèo đói của mình và người. Ðức Phật đã xác định rằng, việc bố thí tiền tài dễ làm và được hưởng phước báo giàu có của nhơn thiên. Phước báo này có ngày sẽ hết, nếu chỉ hưởng  mà không biết tiếp tục tu hạnh bố thí. Còn bố thí pháp thì khó làm, nên được phước báo trí tuệ giải thoát vô tận.

Nhưng làm thế nào để thực hiện được bố thí pháp? Bất cứ ai trong chúng ta đều cũng có thể thực hiện được tài thí. Vì người sống trên đời này bất luận nghèo giàu sang hèn, dù ít dù nhiều, ai cũng có tiền của vật dụng. Tùy theo hoàn cảnh khả năng của mình mà thực hành hạnh bố thí.

Chẳng hạn như cậu bé nhín bớt tiền mẹ cho mua quà bánh để giúp người ăn mày cũng là bố thí. Tài thí là đem tiền của giúp đạo giúp đời. Ðó là cách tạo cái nhơn giàu sang cho mình mà cũng là một cách kết thiện duyên với mọi người. Khéo hơn nữa, nếu biết đem tiền của nuôi dưỡng tăng ni chân chánh để ngày ngày họ yên tâm tu tập. Một khi những vị này trở thành người trí thức đạo đức đi khắp đó đây hoằng pháp độ đời, đó là cách trồng nhơn bố thí pháp. Hoặc đem tịnh tài cúng vào việc in kinh sách Phật để truyền bá cho mọi người nghiên cứu đọc tụng tu niệm thì đó cũng là cách bố thí pháp. Bố thí pháp thì cao quý lợi ích rộng khắp, được phước giác ngộ vô lậu. Bố thí pháp tuy ít thấy hình thức, không có bề nổi, ít người để ý thực hành, nhưng công đức tuyệt diệu siêu đẳng. Thế thường hễ có hữu hình là hữu hoại. Hữu hình thì dễ sanh hữu danh, hữu lợi dễ sanh ra tranh chấp. 

Lại nữa, nếu vì cảm tình, vì mê tín, vì thương hại tội nghiệp mà giúp đỡ hạng tà sư, thầy dốt không giới hạnh cũng mang y mặc áo đội lớp xuất gia, để xây chùa cất am dung dưỡng tà tâm dị đoan, mê hoặc lòng người, làm tăng thêm tự cao danh lợi, thì việc bố thí đó vô tình làm hại đến chánh pháp, không những tốn công hao của mà rốt cuộc tự mình không được phước đức gì, lại còn làm hại đến niềm tin của người khác, như thế thì mắc tội lỗi to lớn bằng như tội tiêu diệt Phật Pháp. Vì sao? Vì tiếp tay với chúng ma âm thầm phá đạo. Cho nên bố thí phải dùng trí tuệ nhận định đâu là chánh nên làm, đâu là tà nên tránh. Có như thế mới mong gặt được nhiều phước đức, đạt được đạo quả giác ngộ giải thoát.

Nhân đây, tôi xin lược dẫn trong các kinh luận Phật giáo nói về sự lợi ích của tài thí và pháp thí để quý vị liễu tri.

– Kinh Ðại thừa Lý Thú Lục Ba La Mật quyển bốn nói: “Tiền tài càng bố thí càng ít, cuối cùng có lúc dùng hết. Pháp thí càng giảng nói càng to, càng bố thí càng rộng khắp không bao giờ hết. Người tiếp nhận tài thí thì chỉ được lợi ích trong hiện tại, còn người tiếp nhận pháp thí thì hiện tại và tương lai đều được lợi ích. Tài thí chỉ có người bố thí thì mới được lợi ích, còn người thọ của bố thí thì không được lợi ích phước báo. Pháp thí thì người bố thí cũng như người thọ thí đều được lợi ích. Bởi vì người được nghe Phật Pháp thì hay phát tâm Bồ để, mau chóng phát sanh trí tuệ vô thượng”.

– Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa quyển bảy nói: “Trong các thứ bố thí, chỉ có bố thí Pháp là được phước đức thù thắng vi diệu hơn cả”.

– Kinh Ðại Tập nói: “Bố thí tiền của nhiều đến mấy cũng không bằng đem tâm chí thành khẩn thiết trì tụng một câu kinh, một bài kệ trong kinh”.

– Kinh Kim Quang Minh Tối thắng Vương quyển ba nói: “Nguồn tài thí và sức ảnh hưởng của nó thì vô cùng. Tài thí chỉ được phước báo của cõi người cõi trời, còn pháp thí mới có thể siêu xuất tam giới luân hồi. Tài thí chỉ có thể làm cho người bố thí tăng thêm phước lành, còn pháp thí thì làm cho người bố thí cũng như người thọ thí đồng thời tăng trưởng phước đức. Tài thí chỉ có lợi ích cho thân thể, còn pháp thí thì lợi ích cả thân và tâm, cả thần trí và tánh tình, thanh tịnh hóa tâm linh và hoàn cảnh”.

– Luận Ðại Trí Ðộ quyển thứ mười một nói: “Tài thí chỉ có thể làm giảm bớt phiền khổ cho riêng mình trong giai đoạn nào đó, còn pháp thí mới có thể triệt để đoạn trừ phiền não. Tài thí có thể thọ được phước báo của cõi nhơn thiên, còn pháp thí thì đạt được quả vị của ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Không luận là ngườì thông minh hay ngu dốt đều có thể làm việc tài thí, nhưng người trí huệ mới có thể thực hành việc pháp thí. Loại động vật ngu muội từ côn trùng cho đến loài súc sanh đều có thể tiếp thọ tài thí, còn pháp thí thì chỉ có hạng người tai mắt thông tuệ thiện căn mới có thể tiếp nhận được. Tài thí có lúc làm cho người thọ nhận tăng thêm lòng tham ái, còn pháp thí thì hay khiến cho người nhận trừ phiền não, tham ái, oán hận, ngu si. Tài thí làm vui thân thể, còn pháp thí làm vui tâm linh. Người làm việc tài thí thì được người đời quý kính. Quả báo của tài thí thì thanh tịnh ít mà cấu uế nhiều, quả báo của pháp thí thì thanh tịnh nhiều mà cấu uế ít. Làm việc tài thí lớn thì cần phải nhiều người hợp lực xuất nhiều tiền của thì việc mới thành, còn làm việc pháp thí lớn thì chỉ cần xuất tâm trí là đủ, không cần phải phiền cực đến thầy bạn góp sức, đợi chờ nhiều thời gian. Người làm việc tài thí thì tương lai được giàu có tiền của, người làm việc pháp thí thì tương lai được giàu có trí tuệ”.

– Kinh Vị Tằng Hữu nói: “Bố thí tài vật của báu chỉ có thể cứu giúp người nghèo thiếu một lúc. Còn bố thí pháp thì có thể khiến cho chúng sanh trọn đời thọ dụng an vui”.

– Luận Ðại Trượng Phu phẩm thứ mười bốn nói: “Ðể thích hợp với kẻ tham ái thì trước nên làm việc bố thí tiền tài để tạo sự quan hệ với họ, rồi sau đó thuyết pháp cho họ, như thế thì họ dễ dàng tiếp thọ hơn. Tài thí là phương tiện còn pháp thí là mục đích. Ðối với kẻ tham ái thì nên nói bố thí tài, đối với kẻ ngu si thì nên nói bố thí pháp. Nói cách khác, tài thí làm đầy đủ tham dục của muôn loại. Người bố thí tài thì sẽ được giàu có vô tận, còn người bố thí pháp thì sẽ được trí huệ vô cùng. Người bố thí tài làm cho kẻ ngu ưa thích, người bố thí pháp thì làm cho kẻ trí mến mộ. Tài thí làm giảm trừ sự bần cùng, pháp thí hay giải trừ sự thiếu thốn của tâm linh”.

– Luận Du Ðà Sư Ðịa quyển bảy mươi nói: “Tài thí có khi khiến cho người tạo nghiệp ác, còn pháp thí nhất định khiến cho người phát tâm làm việc lành. Tài thí có lúc làm cho người sanh khởi phiền não. Tài thí có thể khiến cho người an vui trong tội ác, còn pháp thí thì không ngừng khiến cho người sản sanh tâm thuần tịnh lương thiện an vui. Tài thí thì dễ, không luận thánh hiền xuất thế hay không xuất thế, lớn bé đều có thể làm được, nhưng pháp thí thì chỉ khi nào Phật xuất thế mới có thể làm được. Nếu không có Phật xuất thế thì rất khó có được Phật Pháp. Vì vậy, pháp thí so với tài thí thì quý giá hơn, khó làm hơn”.

Muốn đoạn tuyệt cội nguồn khổ đau, muốn tận trừ hậu quả bần cùng nghèo đói, muốn tạo cho mình cuộc sống giàu sang phước thiện, muốn tiến bước trên đường đạo hạnh thênh thang sáng ngời của Bồ Tát, thì cần phải tu hạnh bố thí. Ðạo Phật không chú trọng lý thuyết suông. Người thực hành hạnh tài thí chẳng khác nào tự mình đem hạt giống các loại lúa, bắp, đậu, hoa gieo trồng trên ruộng đất phước đức phì nhiêu. Trái lại, người keo kiết bỏn sẻn thì chẳng khác nào như kẻ để dành sữa trong bụng bò không dám lấy uống, như kẻ sợ hao mất các hạt giống lúa, bắp, đậu, hoa không dám gieo trồng, cứ lẩn tiếc giữ cho đến hư mục. Người tu hạnh bố thí pháp là người tự mình cầm lấy đuốc sáng và đồng thời thắp nhiều đuốc trao cho những kẻ khác cùng cầm. Như thế, chẳng những đuốc mình tiếp tục rực sáng không tổn hại chút nào, mà bao ngọn đuốc của những người khác cũng cùng rực sáng phá tan màn lớp tăm tối vô minh sâu dày từ đáy thẳm của tâm thức mang lại cho cuộc đời.

Bố thí mang đặc tính quan trọng quyết định trong bước đường tiến đến đạo quả Bồ Tát như thế, nên Đức Phật đã nói: “Bố thí đứng hàng đầu trong sáu pháp tu lục độ của Bồ Tát”. Sáu pháp Lục Độ là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ. Pháp bố thí là bước đầu khai mở hạnh nguyện Từ Bi Hỷ Xả, diệt trừ ma nghèo đói thiếu thốn. Nên xưa nay những đệ tử của Đức Phật muốn đạt thành đạo quả Bồ Tát thì trước nhất phải tu hạnh bố thí.

Những người thực hành tài thí, là những người biết đem tiền của vật chất giúp đỡ kẻ khốn cùng tàn tật bệnh hoạn, hoặc đem tiền của cúng chùa để xây dựng ngôi Tam Bảo. Những người như thế kinh sử còn ghi rõ, và đã được tăng tín đồ Phật giáo kính trọng, như tấm gương soi sáng muôn đời cho những ai muốn thoát khỏi kiếp nghèo đói, để đạt đến giàu sang và quả vị sáng ngời của Bồ Tát. Một trong những tấm gương sáng đó là cư sĩ Cấp Cô Độc, người đã mua đất cất tinh xá dâng cúng cho Đức Phật và tăng chúng để làm nơi an trú hành đạo. Vua A Dục một bậc đế vương vô tiền khoáng hậu thâm sâu thực hành hạnh bố thí, dầy công ủng hộ Phật Pháp.

Theo nhiều kinh sử ghi chép thì tiền thân của vua A Dục vốn là một cậu bé sanh trong thời Đức Phật tại thế. Lúc cậu bé đang bốc đất chơi với đám trẻ ngoài đường, bỗng nhiên thấy Đức Phật và chư tăng đi khất thực, cậu khởi tâm vui mừng liền lấy mấy cái bánh đất đang chơi thành tâm quỳ dâng cúng Phật. Nhờ thành tâm đảnh lễ cúng dường mà cậu được phước báo đặc thù, sau khi Phật nhập Niết Bàn, cậu bé đã đầu thai trở lại làm vua A Dục, hết lòng ủng hộ Phật Pháp.

Cư sĩ Thuần Đà làm nghề thợ rèn nhờ cúng dường Phật Pháp và chư tăng bữa cơm trước khi Phật nhập Niết Bàn mà được phước báo thành bậc trưởng giả giàu sang đời đời tận tâm ủng hộ sự nghiệp hoằng pháp và cuối cùng đạt đến quả vị Thập Địa Bồ Tát.

Nàng Su Già Ta, một thôn nữ chăn bò, thấy thái tử Tất Tạt Đa thân hình ốm gầy tiều tụy té qụy, trước khi lần bước đến gốc cây Bồ Đề, trên đường từ bỏ rừng già sau sáu năm tu khổ hạnh, nàng đã dâng cúng thái tử Tất Tạt Đa bát sữa, nhờ đó mà có đưọc phước báo đời đời làm hoàng hậu hiền đức thành tâm hộ trì Tam Bảo và đời sau chứng được đạo quả Bồ Tát.

Trong kinh điển Phật giáo nhất là bộ kinh Đại Bát Niết Bàn còn ghi rõ, rất nhiều người nhờ tu hạnh bố thí mà được phước báo giàu sang, đạt thành đạo quả Bồ Tát, được Phật thọ ký thành Phật trong tương lai.

Ta cũng thấy rằng, xưa nay chưa có ai tu hạnh bố thí mà trở nên sạt nghiệp phải lâm vào cảnh bần cùng nghèo đói. Thực tế của thế gian này, kẻ nghèo đói đầy dẫy khắp trên mặt đất, trong lúc đó người giàu sang số lượng ít oi. Nếu chúng ta bình tâm suy nghiệm sẽ không có gì khó hiểu, tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ như vậy. Điều này, nguyên do là bởi phần đông người đời nhiều tham lam bỏn sẻn, mà người rộng lượng hỷ xả bố thí lại quá ít! Nhất là đa số kẻ giàu có thì khó làm việc bố thí cúng dường. Thường thì người giàu có xem tiền của giữ tom góp để được giàu thêm, mà chính cả bản thân họ cũng không dám tiêu dùng!

Nhơn nào quả nấy như bóng theo hình. Người nghèo khó có tâm bố thí, nhờ tạo nhơn bố thí nên được giàu có. Đến khi giàu có thì lại keo kiết bỏn sẻn bo bo giữ của, nên trở lại nghèo khổ. Cứ như thế luân hồi đổi thay mãi mãi. Những ai muốn thoát khỏi kiếp nghèo đói để được giàu sang, muốn thánh thiện hóa đời mình đến quả vị Bồ Tát, Phật, thì nên nghe lời Phật dạy, phát tâm Bồ Đề cố gắng tu hạnh Bố Thí.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch