Đấng đại trượng phu Chánh-biến-tri thành đẳng chánh giác, thánh chúa Thế-Tôn từ cung trời Đâu-suất ứng cơ giáng thần ở thế gian này, bốn mươi chín năm thuyết giáo hơn ba trăm hội, muốn chúng sanh đồng chứng đạo chơn thường, cuối hội Linh-sơn mới nói kinh Pháp-Hoa để khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, theo hoài vọng xuất thế của đấng Từ-Tôn. Sự xuất thế độ sanh không phải chỉ có đức Thích-Ca mà chư Như-Lai ba đời cũng đều như vậy.

Trong sự giáo hóa một đời của đức Thích-Ca theo cơ nghi tương cảm sanh khởi Phật duyên, nên pháp hết sức giản dị mà đạt nhiều kết quả thì không pháp môn nào hơn pháp môn cầu sanh Tịnh-độ.

Pháp môn niệm Phật đầu tiên nhơn tỳ-kheo Pháp-Tạng trong vô lượng kiếp về trước làm đại Quốc-vương nhơn nghe đức Phật Thế-Tự-Tại-Vương thuyết pháp liền từ bỏ ngôi vua xuất gia thành Tỳ-kheo. Đức Phật ấy lại rộng nói các cảnh thiện ác, tốt xấu những cõi nhơn thiên và sự trang nghiêm của hai trăm mười ức cõi nước Phật. Tỳ-kheo Pháp-Tạng nghe rồi liền đối trước đức Phật phát bốn mươi tám đại nguyện: Nguyện khi con thành Phật, trong nước con không có các chướng nạn như ba đường dữ, ba độc, tám nạn, tám khổ, chín não, mười triền v.v… Những người sanh vào nước con đều an trụ trong chánh định, đắc nhẫn, tâm giải thoát được thắng trí, mười niệm là được vãng sanh, nếu không được vậy thề không thành Chánh-giác.
Bấy giờ đại địa chấn động, trời mưa diệu hoa, âm nhạc tự trổi, được Phật thọ ký, chứng quả Phật đến nay đã mười đại kiếp. Nhơn trước phát nguyện thù thắng nên công đức thần thông quang minh hơn cả mười phương không ai sánh bằng, danh hiệu là Phật A-Di-Đà.

Cõi nước của đức Phật A-Di-Đà từ thế giới Ta-bà này thẳng đến phương Tây trải qua mười vạn ức cõi Phật gọi là Cực-Lạc, hay An-Lạc. Do đại nguyện và sức thần thông, Ngài hằng thuyết pháp nhiếp thủ những chúng sanh niệm Phật khắp mười phương thế giới. Chúng sanh sanh về cõi đó đều được bất thối chuyển. Sát na còn không tính được huống là nhiều kiếp độ thoát, nên chúng sanh sanh về đó vô hạn lượng, số nhiều như vi trần không thể ví dụ được.

Quốc độ của đức Phật trang nghiêm thắng diệu hơn cả mười phương. Có các ao báu lớn nhỏ tùy ý, do bảy báu hiệp thành, hoặc có ao rất lớn ở chính giữa, đáy trải cát vàng, thềm đường bao quanh, trên ao có những lầu các cung điện cao ngàn vạn từng rộng lớn huy hoàng, sáng lạng chiếu diệu không thể tả xiết. Nước trong ao tràn đầy, đủ tám công đức thơm ngát trong sạch ấm áp, lại có mười bốn vòi nước phun lên rất đẹp, trong ao phát ra những âm thanh diễn nói vô lượng pháp môn. Trong nước vi diệu ấy lại có sáu mươi ức hoa sen bảy báu tròn đầy bằng phẳng. Nước chảy trên lá có bốn màu và bốn ánh sáng, ba bậc chín phẩm như lớp thẳng hàng, hương thơm vi diệu tỏa khắp cả nước. Đất báu bằng phẳng, bảy lớp lan can, bảy hàng cây báu, tràng phan bảo cái bủa giăng cùng khắp, tất cả rất thù thắng vi diệu, ấy do nguyện lực của Ngài tạo thành để trang nghiêm quốc độ.

Giữa hư không lại còn có các y phục, hương hoa thơm ngát, âm nhạc các cõi trời vô số kể vang rền cùng khắp không trung. Những thứ trang nghiêm ấy đều bằng vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ-phách, các trân bảo v.v…hiệp thành không thể nghĩ bàn. Các trân bảo ấy phát ra vô lượng trăm ngàn vạn ức ánh sáng xen nhau rực rở chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, khắp cõi hư không không cùng tận. Trên hư không còn có nhạc trời, hương hoa trân cầm linh võng trổi lên những âm thanh hòa điệu réo rắc du dương khắp nơi liên tục không gián đoạn, vang rền những pháp khổ, không, vô ngã ba-la-mật, ca ngợi đạo bồ-đề, tán thán Phật Pháp Tăng, hoặc nói tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, các bồ-tát hạnh, tứ đế, thập nhị nhơn duyên, tứ hoằng thệ nguyện, lục độ, thập lực, tứ vô sở úy, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi đại hỷ đại xả, vô lượng pháp môn không thể nghĩ bàn. Những lời pháp ấy ba đời mười phương y chánh sắc thân dung thông không ngại, và khuyên tinh tấn như Phật nói không khác. Chúng sanh cõi ấy nghe rồi mỗi mỗi niệm sanh tâm vui mừng, mau ngộ nhập tam thừa thắng hạnh tất cả đạo phẩm, được vô lượng giải thoát, như trực tiếp nghe đức Phật giảng. Dù là phàm phu khi nghe những pháp âm này tự nhiên tinh tấn không còn ý niệm mỏi mệt nữa thì làm sao thối chuyển được?

Lại nữa, cõi nước ấy toàn là nam nhân không có nữ nhân, hóa sanh từ trong hoa sen không từ bào thai ra, không có sự nóng lạnh, ngày đêm, không sanh già bệnh chết, không đất đá gò núi, không tam đồ ác đạo, đi lại trên hư không, kinh hành hay ngồi dưới gốc cây thiền quán. Muốn làm Phật sự tâm khởi liền thị hiện thần thông; thọ mạng không cùng tận, sung sướng không kể xiết nên gọi là Cực-lạc.

Công đức quang minh oai thần, tám vạn bốn ngàn tướng hảo của đức A-Di-Đà Thế-Tôn to lớn không thể nói hết được. Đức Phật ngự tọa trên tòa sư tử liên hoa lớn như núi vàng, trang nghiêm rạng rỡ hơn cả hư không, rộng hơn biển cả. Công đức tướng bạch hào ở chặn mày thù thắng hơn cả ánh sáng mặt trời tỏa chiếu khắp nơi, Trong hào quang ấy có vô số hóa Phật, Bồ-tát, Thanh-văn và quang minh chiếu khắp các cõi để nhiếp thọ chúng sanh niệm Phật. Hai vị đại sĩ ở cõi ấy cũng lại như vậy. Đại trí Văn-Thù và đại hạnh Phổ-Hiền Bồ-tát cùng chư vị đại Bồ-tát đều ở tại cõi đó. Bậc nhứt sanh bổ xứ số nhiều vô lượng, các bậc thượng thiện nhơn tụ hội một nơi đều là bạn lành. Nương Phật làm thầy, gần gũi đấng Từ Tôn nghe giảng đệ nhứt nghĩa, đốn ngộ ba cõi liền chứng vô sanh, thập địa cao siêu, viên mãn nhị giác (1) huống là trong mỗi mỗi niệm cúng dường mười phương Tam Bảo, thành tựu tất cả pháp môn. Dùng thần thông đi khắp cõi nước Phật, vào ba đường sáu nẻo phóng quang phá ám cứu khổ chúng sanh, hoặc phân thân các cõi tùy cơ hóa độ, tùy bệnh cho thuốc, rộng mở từ tâm như Phật. Mỗi niệm mỗi niệm viên mãn hạnh nguyện Phổ-Hiền, đầy đủ thắng trí, có đại thế lực như Quán-Thế-Âm, đồng chứng bồ-đề an trụ cõi Phật. Những chúng sanh tánh tuy hôn ám khi nghe những điều này ai lại không hoan hỷ sanh tâm vui mừng tin tưởng. Những sự trang nghiêm vi diệu ở cõi ấy tuy đủ ngã tâm nếu không phải do đức A-Di-Đà Như-Lai ở đời quá khứ vì độ chúng sanh hành vô số hạnh Bồ-tát mà thành tựu được. Phải hiểu rằng đức Phật ấy có hạnh nguyện vô biên, Như-Lai ở quốc độ đó do đại nguyện viên mãn nên thành tựu bảo độ. Chánh báo viên mãn trang nghiêm nên có cảnh giới trang nghiêm như vậy. Giả sử hằng sa vi trần Bồ-tát, Thanh-văn khắp mười phương cõi dùng sức biện tài như thật xưng tán tận đời vị lai cũng không hết được. Nên những thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe như vậy rồi phải hết lòng tin cầu sanh về cõi ấy, y lời Phật dạy, phát ba tâm (2), chuyên trì cấm giới, không phạm oai nghi, sau đó chí tâm quán tưởng cõi đó đầy đủ y chánh trang nghiêm, cảnh giới thanh tịnh vi diệu thù thắng. Thân tướng đức Như-Lai cõi ấy có tám vạn bốn ngàn tướng hảo, công đức trang nghiêm thanh tịnh. Hoặc chọn lấy một cảnh tượng và hào quang sáng ngời tại giữa hai chơn mày của đức Phật mà quán tưởng. Bặt dứt vọng tưởng, chí tâm niệm từ một đến mười niệm hay từ một đến bảy ngày, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay liền được vãng sanh. Nếu ai hết lòng tin tưởng cõi đó và nguyện lực oai thần của đức Như-Lai ấy không chút nghi hoặc, xưng niệm danh hiệu đến nhứt tâm bất loạn, không chút dừng nghỉ chắc chắn được vãng sanh, tại sao phải đợi đến khi báo thân chấm dứt để được vãng sanh.

Nên nhớ rằng đức Phật A-Di-Đà hằng độ thoát chúng sanh xa lìa bể khổ. Lòng từ của Ngài trong những kiếp tu nhân và đã phát nguyện lớn, nên không khổ nào không nhận, không hạnh nào không theo, không nguyện nào không lập, không pháp nào không nói. Vì cứu độ chúng sanh nên lập trăm ngàn phương tiện, hằng đưa tay rõi mắt đợi chờ chúng ta đã mười đại kiếp. Niệm niệm không rời, cương quyết vào trong sanh tử, dạo khắp ba đường, cả đến địa ngục hầm lửa cũng không từ khổ nhọc. Chúng ta nếu biết hồi tâm hướng Phật như con nhớ mẹ mong mỏi từng giây, ngay trong niệm đầu liền được vãng sanh, há phải đủ mười niệm mới được vãng sanh sao?

____________________
1. Nhị giác: tự giác và giác tha
2. Ba tâm: tâm chí thành, thâm tâm và hồi hướng tâm.
Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
5 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
8 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Quy Nguyên Trực Chỉ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
10 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
11 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
12 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
13 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
14 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Nếu cõi Ta bà có đủ bốn độ thì cần chi phải cầu sinh Cực Lạc...?
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần

Phạm Vi Cõi Cực Lạc
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Cực Lạc Thế Giới
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Cực Lạc Và Ta Bà
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ