Xưa kia, hòa thượng Tịch Thất bảo: “Người đời muốn tu Tịnh nghiệp chẳng thể nói tôi nay bận rộn phải đợi đến lúc nhàn hạ, tôi nay nghèo túng hãy đợi đến lúc giàu có, tôi nay trẻ mạnh hãy đợi đến lúc già cả. Nếu viện cớ bận rộn, viện cớ nghèo túng, viện cớ non trẻ thì là vô duyên tu tập Tịnh nghiệp, lỡ đột nhiên chết mất có hối cũng chẳng kịp! Sao không thừa dịp thân đang mạnh mẽ mà nỗ lực tu đi, lại cứ nói như thế?”
Người đời nay, đừng nói là người tin ưa [pháp này] đã ít, ngay cả những người tin tưởng sâu xa vào pháp môn Tịnh Độ vẫn cứ do dự, lần chần đến nỗi uổng phí một đời, đa phần là như vậy. Cư sĩ thiên tư tinh thuần, cẩn trọng, gặp gỡ lão nạp chưa lâu liền giác ngộ vô thường, trường trai thờ Phật, ắt là phải sẵn túc duyên!
Nhưng cư sĩ nhà không sẵn của, năm nào cũng phải trông vào lương bổng, cày cấy để chi dụng. Phàm nhà không sẵn của cải thì chi dụng chẳng đủ là điều dễ hiểu. Thân lãnh quan chức đương nhiên chẳng rảnh rỗi, tuổi mới năm mươi đương nhiên cũng chưa già suy, đột nhiên từ quan bỏ chức, giã biệt đàn em dưới tay, trì mãn phần Ưu bà tắc giới, đóng cửa quanh năm, tận lực chuyên tu Tịnh nghiệp, thậm chí đối với lương thực, củi nước trọn chẳng quan tâm đến nữa; nếu chẳng phải là bậc trượng phu dũng mãnh dễ hồ làm được như vậy ư? Dùng một gian nhà nhỏ hẹp lép ngăn đôi thờ kinh tượng, ẩn trong đó lánh ồn náo, náu mình rèn chí chuyên tu, khác nào đang ở trong một căn nhà rộng rãi, khoảng khoát. Nếu chẳng phải là bậc tri túc, sao lại có thể chịu đựng lâu dài như thế được?
Chao ôi! Phu nhân sống ngoài đời sao mà cũng an định vậy thay! Tôi thường lén nhận xét: Nhàn thì không nhàn nhưng chẳng bỏ phí thời gian, giàu thì không giàu nhưng thường biết đủ, mạnh thì không mạnh nhưng siêng tinh tấn; nay cư sĩ đủ cả ba điều ấy! Trong thiên hạ, dù có kẻ nhàn hạ, kẻ giàu có, kẻ mạnh mẽ có sức, so với cư sĩ, tôi thấy họ chỉ là hữu danh vô thật! Làm được như vậy ắt phải sanh Tịnh Độ có gì lạ đâu!
Tôi lại có một lời xin nhắc nhở ông. Ví như con thuyền chở được cả vạn hộc, muốn đi đến nơi nào đó, dẫu cho cột buồm chẳng phải là không cao, bánh lái chẳng phải là không ngay, lương thực, vật dụng chẳng phải là không hoàn bị, ý chí ra đi chẳng phải là không nhất quyết, có cái thế nương gió căng buồm chớp mắt đi được cả ngàn dặm, nhưng nếu chưa chịu nhổ cây cọc đầu thuyền lên thì thuyền vẫn bị một sợi dây neo buộc chặt, dù đun đẩy đủ cách há thuyền có đi được chăng?
Hiện tại, hành nhân Tịnh nghiệp suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện, vẫn còn cách xa Tây Phương, khó chắc được vãng sanh thì không gì khác hơn là chưa nhổ được cọc Ái, chưa dứt được dây Tình. Nếu có thể xem chuyện ân ái cõi Sa Bà giống như nhai sáp, chẳng quản rảnh bận, động tịnh, khổ sướng, buồn vui, dựa vào một câu Phật hiệu hệt như ngọn núi Tu Di, hết thảy cảnh duyên chẳng thể dao động; mỗi khi biết mình mệt mỏi, biếng nhác, hoặc khi tập khí hiện tiền liền dũng mãnh đề khởi nhất niệm như vung thanh trường kiếm Ỷ Thiên khiến cho phiền não ma quân không nơi trốn núp, lại cũng giống như lò to lửa hừng, khiến cho vô thỉ tình thức cháy sạch chẳng sót thì người ấy tuy đang sống trong cõi ngũ trược, nhưng toàn thân đã ngự trong cõi nước liên hoa, nào còn phải chờ Di Đà đưa tay, Quán Âm khuyên lơn, khen tặng, mới tin mình sẽ được vãng sanh nữa ư?
Nếu có kẻ bảo: “Vị cư sĩ nọ dũng mãnh tinh tấn như thế, há còn bị tình ái buộc ràng nữa ư? Bỗng dưng không bệnh lại cho thuốc ư?” Tôi Đáp: “Chẳng phải thế! Cổ nhân nói: ‘Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà’, lại nói: ‘Đạo niệm nếu giống như tình niệm thì thành Phật lắm dịp’ . Ngũ Thông tiên nhân tinh tấn bao kiếp còn chưa trừ được dục lậu, mất sạch công hạnh. Vì thế biết rằng: Chưa chứng thánh quả vẫn hiếm ai không bị tình ái gây hệ lụy!
Nếu quả thật cư sĩ ý niệm thế gian mỏng nhẹ, đạo niệm dũng mãnh, sắc bén, thấy dục như tránh hầm lửa, nhớ Phật như quyến luyến mẹ hiền, trai giới, khóa tụng thanh tịnh, lời thề vĩnh viễn chẳng biến đổi thì người khỏe mạnh không bệnh dù thường uống thuốc hay nào có trở ngại chi? Há chẳng phải là đi đứng nhanh nhẹn, càng thêm mạnh mẽ ư?
Nói chung, phiền não vô tận, nhưng căn bản sanh tử chỉ là tham ái; nó có thể làm cho hành nhân bị chìm đắm, là pháp chướng ngại vãng sanh. Bởi thế, trước kia, trong các kinh chỗ nào Phật cũng quở trách. Cứ hễ đạm bạc được một phần tình ái thì tịnh nghiệp lại được thành thục thêm một phần hòng được giải thoát nơi bờ sanh tử vậy! Xin cư sĩ hãy cố gắng!