Home > Khai Thị Phật Học > Doi-Tra
Dối Trá
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch


Gồm sáu phần: Lời dẫn, Giả làm thân gần, Dùng độc mưu hại, Giả làm phú quý, Giả làm can đảm, Loài vật dối trá.

XXIV.1. Lời dẫn

Đạo lớn không ngăn cách, quý ở lời ngay. Cho nên, nói lời thiện thì xa nghìn dặm còn có người hưởng ứng, buông lời bất thiện thì gần trong gang tấc cũng chẳng ai nghe. Đời mạt pháp, người và pháp đều trở thành gian dối, hoặc dựa vào điều phải mà làm thành quấy, hoặc tô điều giả để biến thành thật. Do lòng người có chính tà, nên pháp có giả thật, vướng vào danh lợi thì nhơn ngã càng lớn. Người thân trước mắt còn không nương tựa được, huống là kẻ xưa nay xa lạ, vì thế mà khó kết bạn. Cho nên trong kinh có dạy: “Trực tâm là đạo tràng”, quả đúng như vậy!

XXIV.2. Giả làm thân gần

Kinh Tạp bảo tạng[43] ghi: “Tất cả sự gian trá, giả dối, mê hoặc, nhìn bề ngoài giống như ngay thẳng, nhưng bên trong lại ẩn chứa những điều bất chính. Thế nên, người trí phải phân rõ chân, ngụy.

Thuở xưa, có ông bà-la-môn tuổi đã già, nhưng lại cưới được vợ trẻ. Vì chê chồng già, nên người vợ nài nỉ chồng mở tiệc mời các bà-la-môn trẻ tuổi cường tráng đến dự. Nghi vợ có tà ý, nên người chồng không bằng lòng.

Ngày kia, đứa con trai riêng của ông chẳng may sẩy chân té vào đống lửa, người vợ trẻ nhìn thấy, nhưng [148b] không kéo ra, người chồng tức giận quát:

– Tại sao thấy con té mà không chịu kéo ra?

Người vợ liền Đáp:

– Từ nhỏ tới giờ, tôi chỉ gần gũi với chồng, chứ chưa bao giờ qua lại với người đàn ông nào khác, thế thì tôi đâu thể kéo đứa con trai này?

Nghe vậy, người chồng già tin là thật, bèn mở tiệc lớn, mời các bà-la-môn trai trẻ đến dự. Bấy giờ, ông ta chứng kiến cảnh vợ mình tư tình với họ, nên rất giận dữ, liền lấy hết báu vật, bỏ vợ ra đi. Trên đường, ông gặp một người bà-la-môn và kết bạn. Đến tối, hai người ngủ chung, sáng lại lên đường. Bà-la-môn kia nói:

– Chỗ ngủ hôm qua có một lá cây dính vào áo của tôi. Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa hề lấy một vật gì của ai, tôi muốn trả lại cho chủ nhân của nó. Ông hãy đợi ở đây, tôi trả xong sẽ trở lại.

Nghe lời này, bà-la-môn già càng tin tưởng và thương kính bội phần, nên bằng lòng đứng đợi. Người bà-la-môn kia dối đem lá cây vào trong khe rồi nằm chơi, một lát sau trở lại nói là đã trả xong. Khi đó, bà-la-môn già mắc tiểu, nên đem báu vật gởi cho bà-la-môn kia. Thời cơ đã đến, người kia ôm lấy của báu trốn đi. Biết người trộm lấy vật báu của mình, bà-la-môn già rất tức giận và tiếc nuối.

Sau đó lại lên đường, ông ta dừng nghỉ dưới một gốc cây. Nhìn thấy con chim sếu, miệng ngậm cọng cỏ, nói với các chim khác:

– Chúng ta thương yêu lẫn nhau, nên cùng tập hợp ở một nơi!

Bấy giờ, các loài chim khác đều tin thật, nên bay đến tụ tập. Đợi sau khi các loài chim rời khỏi tổ, sếu liền bay đến mổ trứng chim ăn. Khi thấy các chim kia về, thì nó lại ngậm cỏ. Biết được sếu gian, nên tất cả đều bỏ đi. Rồi cũng tại gốc cây ấy, ông lại thấy một người xuất gia ngoại đạo, thân mặc áo vá, bước đi chậm rãi, miệng nói:

– Chúng sinh, tránh ra!

Thấy thế, bà-la-môn già Hỏi:

– Tại sao ông vừa đi vừa nói ‘tránh ra’?

Ngoại đạo Đáp:

– Là người xuất gia, tôi thương xót tất cả. Sở dĩ nói vậy, là vì tôi sợ làm tổn thương trùng kiến.

Nghe thế, bà-la-môn già tin là thật, nên đến chiều tối tìm tới nhà ông ta. Đến nơi chỉ nghe tiếng ca múa và thấy một phụ nữ bước ra từ căn hầm trong phòng đến giao hoan với ngoại đạo xuất gia, trong tiếng đàn hát, đùa giỡn. Thấy vậy, bà-la-môn già suy nghĩ: ‘Muôn vật trong thiên hạ đều không đáng tin’, và nói kệ:

Chẳng chạm đàn ông khác
Đem cỏ trả lại chủ
Chim sếu giả ngậm cỏ
Ngoại đạo sợ hại trùng
Miệng luôn nói tránh ra
Dối trá như thế đấy
[148c] Đều không đáng tin cậy
Đời sau khổ khôn lường”.

Cho nên, kinh Niết-bàn ghi: “Đức Phật dạy: Như bài kệ ngày xưa Ta từng nói:

Tất cả dòng sông,
Đều có khúc quanh,
Tất cả rừng cây,
Đều có gỗ quí.
Tất cả người nữ,
Đều có gian dối,
Tất cả không vướng.
Liền được an vui.

XXIV.3. Dùng độc mưu hại

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đề-bà-đạt-đa dùng đủ mọi cách để sát hại Phật, nhưng không được. Gặp lúc một bà-la-môn người Nam Thiên Trúc rất giỏi chú thuật, pha chế thuốc độc đến, Đề-bà-đạt-đa liền nhờ ông ta pha chế, rồi tự tay mình rải lên Đức Phật, nhưng bị gió thổi ngược rơi trở lại trên đầu, nên bất tỉnh, ngã lăn ra đất sắp chết, không phương cứu chữa.

A-nan bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Đề-bà-đạt-đa trúng độc sắp chết!

Vì thương xót, Đức Phật nói thật với A-nan:

– Từ lúc hành đạo Bồ-tát cho đến khi thành Phật, ta thường thương xót Đề-bà-đạt-đa, không hề oán ghét. Nếu đúng như vậy, thuốc độc sẽ tự tiêu.

Vừa dứt lời, thuốc độc liền được giải. Thấy vậy, các thầy tì-kheo thưa:

– Hi hữu thay! Bạch Đức Thế Tôn! Đề-bà-đạt-đa luôn khởi lòng ác đối với Như Lai, vậy mà tại sao Như Lai còn cứu sống?

Đức Phật nói:

– Không chỉ ngày nay Đề-bà-đạt-đa có ác tâm với Ta, mà quá khứ cũng vậy.

Các thầy tì-kheo lại Hỏi:

– Bạch Đức Thế tôn! Ngày xưa, Đề-bà-đạt-đa có ác tâm với Ngài như thế nào?

Đức Phật kể: ‘Vào đời quá khứ, trong thành Ba-la-nại, nước Ca-thi có hai vị tể tướng: một vị tên là Tư-na, vị kia tên là Ác Ý. Tư-na thường làm theo luật pháp, còn Ác Ý luôn làm việc ác, thích dèm pha. Một hôm, Ác Ý tâu với nhà vua:

– Tư-na muốn tạo phản.

Nhà vua liền cho người bắt nhốt Tư-na. Lúc ấy, các vị trời và thiện thần ở giữa hư không nói:

– Người hiền này quả thật không có tội, cớ sao lại bắt ông ta?

Lần thứ hai, Ác Ý cướp kho nhà vua, rồi đổ oan cho Tư-na, nên nhà vua không còn tin tưởng nữa, bèn ra lệnh bắt Ác Ý giao cho Tư-na định tội. Tư-na liền khuyên Ác Ý đến sám hối nhà vua. Biết mình có tội, Ác Ý liền trốn sang nước của vua Tì-đề-hê, làm một chiếc hộp báu đựng hai con rắn độc. Nếu người thấy rắn này thì sẽ bị khí độc làm hại. Thế nên Ác Ý nhờ vua Tì-đề-hê sai sứ giả đem hộp báu này dâng cho vua nước Ca-thi và Tư-na, và dặn: ‘Chỉ cho hai người này xem, không cho người khác thấy’. Nhìn chiếc hộp báu trang sức quá đẹp, vua rất vui mừng, liền sai Tư-na mở hộp ra xem. Tư-na thưa:

– Vật từ xa đem đến thì không nên tự mở xem, [149a] thực phẩm từ xa đem lại cũng không nên ăn vội. Vì sao? Vì nước kia có kẻ ác, có thể dùng vật độc để hại chúng ta.

Vua nói:

– Nhưng trẫm quyết muốn xem!

Tư-na ân cần can gián đến ba lần, nhưng nhà vua vẫn một mực đòi xem. Thấy vậy, Tư-na nói:

– Tâu đại vương! Nếu không tin lời hạ thần, thì đại vương tự mở xem, hạ thần không dám!

Vừa mở hộp ra, nhà vua bị chất độc làm mù hai mắt. Tư-na vô cùng đau buồn, xót thương, liền cho người đi khắp bốn phương tìm thuốc hay về chữa trị cho vua. Vua được bình phục như cũ.

Nhà vua bấy giờ là Xá-lợi-phất, Tư-na chính là Ta, còn Ác Ý là Đề-bà-đạt-đa vậy”.

XXIV.4. Giả làm phú quý

Luật Tăng-kì[44] ghi: “Phật bảo các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ tại thành Ba-la-nại, nước Ca-thi, có bà-la-môn học rộng tên Phất-lô-hê, là thầy của vua, có năm trăm học trò. Bấy giờ, bà-la-môn nuôi một nô bộc tên là Ca-la-ha, có nhiệm vụ cung cấp đồ dùng cho các đồng tử. Nô bộc này căn tính lanh lợi, nghe nhớ tất cả các lời dạy.

Một hôm, nô bộc xích mích với các đồng tử, liền đến nước khác, giả xưng là con của bà-la-môn Phất-lô-hê nước Ba-la-nại[45], tên là Da-nhã-đạt-đa. Nô bộc đến nói với quốc sư nước này:

– Tôi là con của bà-la-môn Phất-lô-hê, quốc sư nước Ba-la-nại, cố ý đến đây học pháp bà-la-môn.

Quốc sư bảo:

– Được!

Nô bộc này thông minh, vốn đã từng nghe, hôm nay nghe lại, nên ghi nhớ tất cả. Quốc sư này rất vui mừng, liền bảo dạy cho năm trăm học trò của ông. Ông nói:

– Ngươi hãy dạy thay ta, ta phải lo việc triều chính.

Vị quốc sư này không có con trai, chỉ có một người con gái, nên bảo nô bộc:

– Này Da-nhã-đạt-đa! Nếu ngươi nghe lời, đừng trở về nước, ta sẽ gả con gái ta cho ngươi.

Thưa:

– Con xin vâng lời.

Thế rồi, họ cùng ở chung một nhà, cuộc sống rất đầy đủ, sung sướng. Là người khó tính, mỗi khi người vợ làm thức ăn, Da-nhã-đạt-đa thường chê sống chín, không vừa miệng. Người vợ suy nghĩ: ‘Nếu có người từ nước Ba-la-nại đến, ta sẽ hỏi họ cách thức ăn uống của nước ấy để cung phụng cho chồng’.

Bấy giờ, bà-la-môn Phất-lô-hê của nước kia nghe việc này liền nghĩ: ‘Nô bộc Ca-la-ha của ta trốn sang nước ấy, ta nên đến đó để gặp’. Bà-la-môn liền sang nước ấy. Khi đó, nô bộc đang dạo chơi trong vườn với các học trò. Từ xa nhìn thấy người chủ cũ, nô bộc sợ hãi, nói nhỏ với các học trò:

– Các con hãy trở về, [149b] mỗi người tự học thuộc.

Sau khi học trò đi về, nô bộc đến trước người chủ cũ, lễ bái và thưa:

– Con đến nước này, nói đại gia[46] là cha của con, rồi theo vị quốc sư ở đây học thông các kinh điển. Quốc sư gả con gái cho con. Hôm nay, mong ngài đừng kể việc của con, con sẽ làm đúng bổn phận nô bộc, hầu hạ đại gia.

Bà-la-môn chủ là người hiểu rành việc đời, liền bảo:

– Ngươi thật là con ta, hãy mau đứng dậy!

Nô bộc liền về nhà vợ, nói với mọi người trong nhà:

– Cha tôi đã đến.

Nghe chồng nói vậy, người vợ vui mừng, làm các thức ăn uống. Dọn thức ăn xong, người vợ thừa lúc rảnh rỗi, âm thầm lễ bái bà-la-môn và thưa:

– Con hầu hạ chồng, nấu nướng thường không vừa ý. Mong cha dạy con biết, khi còn ở nhà, anh ấy thường ăn những gì để con làm thức ăn uống như thế.

Bà-la-môn khách liền nổi giận và suy nghĩ: ‘Như thế thật là khốn khổ cho con gái người ta’, rồi bảo:

– Con hãy mau đứng dậy. Trước khi trở về, ta sẽ dạy con một bài kệ để chồng con không còn nói nữa.

Nghe vậy, người vợ vui mừng, từ biệt lui ra, rồi về nói với chồng:

– Cha của chàng từ xa cố ý đến đây, phải trở về sớm.

Người chồng suy nghĩ: ‘Như lời vợ nói, nên để ông ta về sớm, chớ cho ở đây lâu, e rằng nói năng sơ hở, tiết lộ làm tổn hại lớn cho ta’. Người chồng liền đưa nhiều tiền, bảo vợ làm thức ăn, rồi hầu hạ bà-la-môn. Người chồng là tào chủ[47], bận họp bạn bè, nên không có ở nhà. Dâng thức ăn xong, người vợ lạy chào từ biệt, xin cha nói kệ.

Thế là, bà-la-môn liền nói:

Không cha, đến xứ khác,
Dối trá gạt mọi người,
Thường ăn các thứ dở,
Sao lại chê món ngon?

– Nay ta cho con bài kệ này. Mỗi khi chồng con nổi giận, chê thức ăn dở, con đứng một bên, quay lưng lại, đọc nhỏ bài kệ đủ để cho chồng con nghe.

Chỉ dạy xong, bà-la-môn trở về nước. Nô bộc ra tiễn chủ về. Sau đó, mỗi khi đến giờ ăn, chồng lại nổi sân. Người vợ đứng bên cạnh, đọc thử bài kệ. Người chồng nghe bài kệ này, trong lòng không vui, thầm nghĩ: ‘Ôi! Lão già này đã nói điều xấu của ta ra rồi!’

Kể từ ngày đó, người chồng thường nói nhẹ nhàng, mong vợ đừng giận, sợ vợ sẽ nói với người khác những điều bí mật của mình.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Bà-la-môn Phất-lô-hê, người chủ cũ nay chính là Ta, nô bộc Ca-la-ha thuở ấy nay là tì-kheo Xiển-đà. Xiển-đà trước đây đã từng cậy thế lực của Ta dối gạt người khác, nay cũng lại như thế”.

XXIV.5. Giả can đảm

[149c] Luận Đại trí độ ghi: “Tất cả các pháp đều không thật. Vì ngu si nên chúng sinh không nhận ra người quen kẻ lạ, đến nỗi giận mắng, sát hại, gây nhiều tội nặng, nên đọa vào ba đường ác[48], chịu khổ vô lượng.

Như tại căn phòng của một ngôi chùa trong núi, ma thường đến quấy phá, khiến tăng chúng không dám ở. Bấy giờ, một vị khách tăng đến xin ngủ nhờ, thầy duy-na[49] xếp cho ở ngay căn phòng trống này và nói:

– Căn phòng này có ma quỷ ưa hại người, thầy ở được thì ở.

Tự cho mình là người trì giới, đa văn, vị khách tăng tuyên bố:

– Tiểu quỷ này thì có thể làm được gì? Ta sẽ thu phục nó.

Nói xong, vị khách tăng liền vào phòng. Chiều tối, có thêm một vị khách tăng đến chùa xin ngủ, thầy Duy-na cũng lại đưa vị này đến căn phòng kia và cho biết là có ma thường đến hại người. Vị khách tăng này cũng nói:

– Tiểu quỷ này thì có thể làm được gì? Ta sẽ thu phục nó.

Vị tăng đến trước vào phòng, đóng cửa, ngồi yên chờ ma. Đêm tối, vị tăng đến sau gõ cửa xin vào. Vị tăng trước cho là ma nên không mở cửa, vị tăng sau dùng toàn lực phá cửa. Vị ở trong cố sức chống lại, vị ở ngoài mạnh hơn nên xô được cửa xông vào. Thế là đánh nhau đến sáng, hai vị này mới nhận ra là bạn học cũ, cả hai đều hổ thẹn, xin lỗi nhau. Mọi người tụ tập cười chê”.

Chúng sinh cũng như thế, năm ấm không thật, không nhân không ngã, do chấp tướng mà sinh ra tranh đấu, rồi tàn hại lẫn nhau. Nếu mang ra mổ xẻ thì cũng chỉ có xương, thịt mà thôi, không nhân, không ngã. Thế nên, bồ-tát dạy chúng sinh: “Nơi nguồn gốc trống rỗng chớ đấu tranh, thân người còn không có, huống chi muốn gặp Phật”.

XXIV.6. Loài vật dối trá

Kinh Cựu tạp thí dụ[50] ghi: “Xưa, có một phụ nữ giàu có tư tình với một người nam khác, rồi gom hết vàng bạc của cải, cùng nhau bỏ trốn. Khi đến bờ sông, nước đang chảy xiết, người đàn ông nói:

– Cô đưa của cải đây, tôi qua sông trước, rồi quay lại đón cô.

Người đàn ông qua sông, nhưng không quay trở lại. Người phụ nữ ngồi một mình sầu khổ, không người cứu giúp, thì thấy một con chồn bắt được con chim nhạn. Thấy cá dưới sông, con chồn liền bỏ chim nhạn lao xuống nước bắt cá, đã không bắt được cá mà còn mất luôn chim nhạn. Người phụ nữ nói với chồn:

– Sao ngươi ngu quá, tham bắt hai con, nên chẳng được con nào.

Con chồn mắng lại:

– Tôi ngu còn ít hơn bà!

Luật Tăng-kì ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ, có một năm nọ mưa trái mùa liên tục bảy ngày, [150a] các loài gia súc không được chăn thả. Lúc ấy, có con sói đói đi tìm thức ăn, lê la khắp bảy làng mà không tìm được, nên tự trách mình: ‘Sao ta bạc phận, đi giáp hết bảy làng mà không có gì ăn, chi bằng ở trong núi rừng này mà trì trai’. Nghĩ thế rồi, sói ở trong hang và phát nguyện: ‘Mong cho tất cả chúng sinh đều được an ổn’. Sau đó, sói giữ thân ngồi thẳng, nhắm mắt.

Đến ngày trai, Đế Thích[51] cưỡi voi trắng Y-la[52], đi xem xét những ai giữ giới, phá giới trong nhân gian. Khi đến hang núi kia, thấy sói nhắm mắt tư duy, Đế Thích suy nghĩ: ‘Ôi chao! Con sói này thật là kỳ lạ, loài người còn không có tâm này, huống gì là sói?’. Bấy giờ, muốn thử xem hư thật thế nào, Đế Thích liền biến làm một con dê đứng trước hang, lớn tiếng gọi đàn. Thấy dê, sói nghĩ: ‘Lạ thay! Phúc báo giữ trai giới đã ứng nghiệm. Mình đi khắp bảy làng tìm thức ăn không được, nay chỉ tạm giữ trai giới mà thức ăn ngon tự dâng tới miệng. Mình ăn xong rồi sau giữ trai giới cũng được’.

Nghĩ vậy, sói liền ra khỏi hang, đến chỗ của dê. Thấy sói đến gần, dê kinh hãi tháo chạy. Sói rượt đuổi theo, nhưng không bắt được. Chạy một đoạn xa, dê lại biến thành con chó, miệng rộng tai to, quay ngược lại sủa vang và đuổi sói. Thấy chó hung hãn, sói sợ hãi chạy. Chó đuổi theo, nhưng không kịp, sói mới thoát. Về tới hang, sói nghĩ: ‘Mình muốn ăn thịt nó, mà nó trở lại muốn ăn thịt mình’.

Bấy giờ, Đế Thích lại biến làm con dê què đứng trước mặt sói kêu gào. Sói liền suy nghĩ: ‘Hồi nãy là con chó, vì đói quá hoa mắt nên mình thấy là dê. Bây giờ, con này đây mới đúng là dê’. Nhìn kỹ từ tai, sừng cho đến lông thì quả thật là dê. Sói liền ra đuổi, dê lại hoảng chạy. Rượt đuổi đoạn xa, dê liền biến thành chó, quay ngược lại đuổi cắn sói. Cảnh tượng lại giống như trước. Đế Thích liền biến thành con dê non kêu đàn, gọi mẹ, đứng trước mặt sói. Sói tức giận nói:

– Ngươi có biến thành miếng thịt, ta cũng không thèm ra, huống là con dê non mà muốn lừa ta ư!

Sói trở lại giữ trai giới, tĩnh tâm, tư duy như trước. Khi ấy, Đế Thích biết tâm niệm sói giữ trai giới, nhưng vẫn biến làm dê non đứng trước mặt sói.

Lúc ấy, sói liền nói kệ:

Nếu đúng thật là dê,
Còn chẳng muốn bước ra,
Huống chỉ là giả dạng,
Dọa ta sợ như trước,
Thấy ta giữ trai giới,
Lại còn đến thử ta,
[150b] Cho dù là miếng thịt,
Ta cũng vẫn không tin,
Huống nữa là dê non,
Mà dối trá gọi đàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu có người xuất gia,
Trì giới, tâm loạn động,
Không xả bỏ lợi dưỡng
Giống như sói trì trai”.

Luật Ngũ phần[53] ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Thuở xưa, có một ma-nạp[54] thường tụng kinh sách của Sát-đế-lợi[55] trong hang núi. Bên cạnh có một con chồn luôn nghe tụng kinh, nên cũng hiểu được nghĩa lý. Con chồn suy nghĩ: ‘Ta hiểu được lời của kinh này, xứng đáng làm vua trong các loài thú’. Suy nghĩ như vậy, chồn liền bắt đầu chuyến du hành. Gặp con chồn ốm yếu khác, nó bèn muốn giết. Con chồn ốm Hỏi:

– Vì sao lại giết tôi?

– Ta là vua của loài thú, ngươi không phục ta thì phải chết.

– Xin đừng giết, tôi sẽ theo ông! Chồn ốm van xin.

Thế là hai con chồn cùng đi. Lại gặp một con chồn khác, nó toan muốn giết, hỏi đáp cũng như vậy, con chồn ấy tình nguyện xin theo. Cứ như vậy, chồn ta lần lượt thu phục hết tất cả loài chồn, rồi dẫn bầy chồn đi thu phục hết tất cả voi, lại dẫn đàn voi đi thu phục hết tất cả hổ, lại dẫn đàn hổ đi thu phục hết tất cả sư tử, cuối cùng được làm vua.

Khi làm vua rồi, nó suy nghĩ: ‘Nay ta làm vua trong các loài thú, chẳng lẽ lấy thú làm vợ’. Bấy giờ, nó cưỡi voi trắng dẫn vô số đàn thú bao vây quanh thành Ca-di đến mấy nghìn vòng. Nhà vua sai sứ Hỏi:

– Tại sao đàn thú các ngươi làm như thế?

Chồn trả lời:

– Ta là vua loài thú, phải cưới con gái nhà vua. Nếu gả cho ta thì tốt, bằng không thì ta sẽ diệt nước của ngươi!

Sứ về tâu như vậy, nhà vua triệu tập quần thần cùng bàn. Chỉ có một vị đại thần không đồng ý, còn tất cả đều cho là nên gả. Vì sao? Hiện nay cả nước chỉ nhờ vào voi, ngựa để chiến đấu, nhưng chúng lại có sư tử. Voi, ngựa nghe tiếng sư tử ắt kinh hoàng té ngã, nếu đánh ắt bị loài thú ấy tiêu diệt. Tiếc gì một người con gái mà mất cả quốc gia.

Bấy giờ, một đại thần thông thái tâu vua:

– Từ xưa tới giờ, thần chưa từng nghe con gái của vua lại gả cho súc sinh. Tuy là ngu muội, nhưng thần sẽ giết được con chồn này, khiến cho các đàn thú bỏ chạy tan tác.

Nhà vua Hỏi:

– Kế sách thế nào?

Đại thần Đáp:

– Chỉ cần đại vương hẹn ngày chiến, trước đến gặp con chồn kia đưa yêu sách: ‘Xin cho sư tử đánh trước, rống sau’. Chúng cho rằng ta sợ, nên chắc chắn sẽ bảo sư tử rống trước, đánh sau. Đến ngày giao chiến, đại vương ban sắc lệnh cho người và gia súc trong thành đều [150c] bịt tai.

Nhà vua áp dụng phương kế này, ra lệnh cho sứ giả đưa chiến thư và yêu sách. Đến ngày giao chiến, vua lại sai đưa thư yêu cầu lần nữa rồi mới xuất quân. Lúc cánh quân tiên phong sắp giao chiến, con chồn quả nhiên cho sư tử rống trước. Chồn nghe tiếng rống vang trời của sư tử, tim vỡ thành bảy mảnh, từ lưng voi rơi xuống đất, cả đàn thú kia đồng loạt bỏ chạy. Từ câu chuyện này, Đức Phật nói kệ:

Chồn kia rất kiêu mạn,
Muốn tìm cầu vợ đẹp,
Liền đến thành Ca-di,
Tự xưng là vua thú,
Người kiêu mạn cũng thế,
Ưa thống lãnh đồ chúng,
Tại nước Ma-kiệt-đà[56],
Tự xưng là pháp chủ.

Vua Ca-di bấy giờ chính là Ta, còn vị đại thần thông minh là Xá-lợi-phất, con chồn kia chính là Điều-đạt.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Xưa kia, Điều-đạt đã dối làm quyến thuộc, ngày nay cũng như vậy.

Đức Phật nói kệ:

Cùng thiện dễ tụ hội,
Thiện, ác thật khó thân,
Cùng ác dễ tụ hội,
Ác, thiện cũng khó gần”.

Kinh Phật bản hạnh[57] ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Ta nhớ thuở xưa có một dòng sông tên Ba-lợi-da-đa. Lúc ấy, bên bờ sông có một người làm nghề kết tràng hoa và là chủ của một khu vườn bên cạnh con sông. Một hôm, có con rùa từ sông nổi lên, đến vườn hoa tìm thức ăn. Rùa đi đến đâu thì cỏ hoa đều bị phá nát. Thấy rùa phá hoa, ông chủ bắt nhốt trong cái giỏ tre, định mang về làm thịt. Rùa suy nghĩ: ‘Làm sao thoát được nạn này, tìm cách nào để gạt ông chủ vườn?’. Nghĩ xong, rùa liền nói:

Tôi từ nước lên, thân lấm bùn,
Ông dẹp hoa đi, rửa thân tôi,
Thân này vấy bùn thật nhơ nhớp,
Sợ làm bẩn hết giỏ và hoa.

Bấy giờ, ông chủ vườn nghĩ: ‘Tốt quá! Con rùa này khéo chỉ bày cho ta. Nay ta nên nghe theo, tắm rửa cho nó để bùn không bẩn giỏ hoa’. Nghĩ vậy, ông ta đem con rùa xuống sông để rửa. Ông lấy rùa ra khỏi giỏ, đặt lên tảng đá, rồi múc nước định rửa. Lúc ấy, rùa ta dồn hết sức lao mình xuống nước. Thấy vậy, ông thợ kết tràng hoa nói:

[151a] – Lạ quá! Con rùa này có thể gạt ta như thế, nay ta phải gạt nó lên bờ. Ông liền nói kệ:

Rùa ngoan hãy lắng nghe lời ta,
Cùng ngươi quen biết đã lâu mà,
Ta kết vòng hoa tặng ngươi đó,
Về gặp người thân vui lắm a!

Nghe vậy, rùa suy nghĩ: ‘Ông thợ kết tràng hoa này nói dối để gạt ta. Mẹ của ông đang bệnh nằm liệt giường, vợ ông hái hoa về kết thành tràng đem bán để kiếm sống. Nay ông ta nói thế thì nhất định là muốn ăn thịt ta, nên dụ ta lên bờ’. Rùa bèn nói kệ:

Nhà ngươi nấu rượu họp người thân,
Làm nhiều món ăn đầy cả mâm,
Ngươi trở về nhà và hãy nói,
Đầu rùa nấu cháo, thịt mỡ hầm.

Đức Phật bảo các tì-kheo: Các ông nên biết, con rùa lúc đó chính là Ta, ông thợ kết tràng hoa là ma Ba-tuần. Ma Ba-tuần lúc ấy muốn dối Ta mà không được, nay lại muốn gạt nữa, làm sao được!

Lại nữa, Đức Phật bảo các tì-kheo: Ta nhớ xưa kia có con rồng lớn sống trong biển cả. Vợ nó đang mang thai, bỗng nhiên muốn ăn tim khỉ. Vì thế, thân nó gầy ốm, vàng vọt, đi đứng không vững. Thấy vợ như thế, rồng chồng Hỏi:

– Này nàng! Lo lắng điều gì, hay muốn ăn gì? Sao ta không thấy nàng đòi ăn gì cả?

Rồng vợ im lặng, không trả lời. Rồng chồng lại Hỏi:

– Sao hôm nay nàng chẳng nói gì?

Rồng vợ Đáp:

– Nếu phu quân cho thiếp được như ý, thiếp mới chịu nói. Nếu không thì thiếp chẳng nói!

Rồng chồng Đáp:

– Nàng cứ nói xem, nếu lo được, ta sẽ tìm mọi cách kiếm cho.

Rồng vợ liền nói:

– Nay thiếp muốn ăn tim khỉ. Chàng tìm được không?

Rồng chồng trả lời:

– Món nàng đòi hỏi thật là khó tìm. Bởi vì, chúng ta sống trong biển lớn, còn khỉ ở rừng xanh thì làm sao có được?

Rồng vợ nói:

– Vậy bây giờ phải làm sao? Nếu không tìm được tim khỉ, thì sẽ trụy thai, mạng sống của thiếp cũng chẳng còn bao lâu.

Nghe nói vậy, rồng chồng trả lời:

– Này nàng! Hãy ráng chờ đợi. Nay ta đi tìm. [151b] Nếu thành công, thì ta và nàng đều vui, không còn gì hơn.

Thế rồi, rồng chồng liền vào bờ. Cách bờ không xa, có một cây lớn tên là Ưu-đàm-bà-la. Trên cây ấy, có một con khỉ lớn đang hái quả ăn. Thấy vậy, rồng chồng từ từ tiến đến gốc cây, dùng lời ngon ngọt, hỏi thăm:

– Lành thay, lành thay! Này Bà-tư-sư-tra! Ngài đang làm gì trên cây thế? Có vất vả, cực nhọc chăng? Tìm thức ăn dễ được, không mệt nhọc lắm chứ?

Khỉ đáp lời:

– Đúng thế, nhân giả! Tôi nay không có gì khổ cực cả!

Rồng lại Hỏi:

– Ở đây, anh ăn những thứ gì?

Khỉ trả lời:

– Tôi ăn quả Ưu-đàm-bà-la.

Rồng lại nói:

– Nay gặp anh, tôi rất vui, không nén được lòng, nên muốn kết bạn với anh. Chúng ta thương yêu lẫn nhau. Anh nhận lời tôi, thì không cần ở đây, bởi quả trên cây này không nhiều, đâu thể vui được? Anh nên xuống đây, đi theo tôi. Tôi sẽ đưa anh vượt biển, đến bờ kia có khu rừng lớn, đủ các loại cây, hoa quả sung túc.

Khỉ Hỏi:

– Làm sao tôi qua được bờ kia? Biển sâu rộng, khó qua, làm sao có thể qua được?

Rồng trả lời:

– Tôi sẽ cõng anh đưa sang bờ kia. Chỉ cần anh xuống đây, leo lên lưng tôi.

Khi ấy, tâm còn do dự, nhưng bởi ngu si, nên khỉ vui mừng, liền nhảy xuống đất, leo lên lưng rồng. Khi ấy, rồng suy nghĩ: ‘Hay lắm, hay lắm! Điều ta mong muốn đã thành’. Rồng liền đưa khỉ đến chỗ ở của mình, cả hai cùng lặn xuống biển. Thấy lạ, khỉ hỏi rồng:

– Này anh bạn! Vì sao chúng ta lại lặn xuống nước?

Rồng trả lời:

– Vợ tôi mang thai, muốn ăn tim ông. Vì vậy, tôi đưa ông đến đây.

Nghe điều này, khỉ suy nghĩ: ‘Than ôi! Ta nay thật xui xẻo, tự chuốc họa vào thân. Giờ phải làm sao để vượt qua nguy ách, bảo toàn tính mạng?’. Khỉ lại nghĩ: ‘Vậy ta phải gạt rồng’. Suy nghĩ xong, khỉ nói với rồng:

– Này anh bạn tốt! Tim tôi để trên cây Ưu-đàm-bà-la, không mang theo. Sao hồi nãy [151c] anh không nói thật. Biết anh cần quả tim, tôi đã mang theo rồi. Giờ anh hãy đưa tôi trở về lấy tim, rồi sẽ quay trở lại.

Nghe nói vậy, rồng đưa khỉ trở về chỗ cũ. Thấy rồng sắp đến bờ, khỉ dùng hết sức, từ trên lưng rồng nhảy xuống, rồi phóng lên cây Ưu-đàm. Đứng đợi một hồi dưới gốc cây, thấy khỉ trì hoãn không xuống, rồng gọi:

– Này bạn thân! Anh mau xuống đây, cùng về nhà tôi!

Khỉ im lặng, không chịu xuống. Thấy khỉ đã lâu vẫn không xuống, rồng nói kệ:

Bạn khỉ thân ơi, lấy tim rồi!
Mau xuống lưng tôi, ta đi thôi.
Tôi đưa bạn đến khu rừng ấy,
Hoa trái dồi dào, ngọt lịm môi.

Khi ấy, khỉ suy nghĩ: ‘Con rồng này thật ngu’, liền nói kệ:

Rồng ngươi mưu kế tuy khá sâu
Nhưng trí xem ra thật ngu đần
Ngươi hãy nghĩ suy cho thật kỹ
Hết thảy muôn loài, ai không tâm (tim)?
Rừng kia hoa trái nhiều thật đấy
Cho đến quả ngọt như Yêm-la
Nhưng ta chẳng muốn đi cùng nữa
Thà rằng ăn quả ưu-đàm-bà.

Phật bảo các tì-kheo:

– Con khỉ lớn thuở ấy chính là Ta, rồng là ma Ba-tuần. Ma Ba-tuần trước đây đã từng dối gạt Ta mà không được, nay lại muốn dùng năm dục thế gian để dụ dỗ, nhưng đâu thể lay động chỗ ngồi này của Ta?”

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, quạ và cú rất ghét nhau. Quạ đợi ban ngày cú không nhìn thấy, đến tàn sát bầy cú. Cú thì lợi dụng ban đêm quạ không thấy, lại tấn công bầy quạ, mổ ruột, xé xác ăn. Như vậy, kẻ này sợ ngày, kẻ kia sợ đêm, kéo dài mãi như thế.

Bấy giờ, có một con quạ thông minh nói với bầy quạ:

– Chúng ta và loài cú đã kết thù hận, không mong gì hòa giải, rốt cuộc tàn hại lẫn nhau, cả hai đều diệt tận. Chúng ta nên tìm cách diệt hết bầy cú, sau đó chúng ta mới được yên thân. Nếu không, cuối cùng chúng ta cũng bị loài cú tiêu diệt.

Bầy quạ Hỏi:

– Bằng cách nào để diệt kẻ thù?

Con quạ thông minh nói:

– Này các bạn! Hãy nhổ lông cánh và mổ vào đầu tôi, tôi sẽ lập kế để tiêu diệt bọn chúng.

Bầy quạ liền nghe lời, làm cho thân hình nó đầy thương tích. Sau đó, [152a] nó đến hang cú, kêu rên thảm thiết. Nghe tiếng quạ kêu, bầy cú Hỏi:

– Vì sao hôm nay ngươi bị thương tích đầy mình, bay đến chỗ chúng tôi?

Quạ trả lời:

– Bầy quạ ghét tôi, không cho sống chung, nên tôi đến đây nương nhờ để tránh oán ghét.

Nghe quạ nói, bầy cú thương xót, nuôi dưỡng nó, thường cho thịt dư. Ngày tháng trôi qua, lông cánh bình phục. Quạ bèn lập kế, đem củi khô và cỏ vào trong hang cú, như để báo ơn. Cú hỏi quạ:

– Đem củi vào làm gì?

Quạ Đáp:

– Ở trong hang toàn là đá lạnh, dùng cây cỏ này để chống gió lạnh.

Cú cho là phải, nên im lặng. Từ đó, quạ cứ tha vào hang, giả dạng báo ơn nuôi dưỡng. Bấy giờ, gặp lúc giá rét, tuyết phủ dày đặc, toàn bộ bầy cú nấp vào trong hang. Cơ hội thuận tiện đã đến, quạ rất vui mừng, ngậm đốm lửa của kẻ mục đồng đốt cháy hang. Bầy cú đồng loạt bị chết cháy trong hang. Khi ấy, chư thiên nói kệ:

Đã có hiềm khích trước
Chớ nên tin tưởng nhau
Như qụa dối thân thiện
Thiêu chết bầy cú kia”.

Lục độ tập kinh ghi: “Ngày xưa, lúc bồ-tát làm vua loài khổng tước[58], có năm trăm chim vợ, nhưng đều bỏ, lại lấy thanh tước[59] làm vợ. Thanh tước chỉ uống nước ngọt, ăn quả ngon. Vì thương vợ, hàng ngày khổng tước đi kiếm đem về.

Bấy giờ, hoàng hậu nước ấy bị bệnh, nằm mộng thấy thịt khổng tước có thể trị bệnh. Tỉnh dậy, hoàng hậu tâu vua. Vua sai thợ săn mau đi tìm bắt. Hoàng hậu nói:

– Ai bắt được khổng tước, ta sẽ gả con gái út và thưởng cho một nghìn cân vàng.

Các thợ săn trong nước chia nhau đi tìm, thấy khổng tước thường từ chỗ thanh tước bay đến lấy thức ăn, họ liền dùng mật trộn với gạo rang, bôi khắp thân cây. Khổng tước bèn lấy đem về cho vợ. Hôm sau, thợ săn lại bôi lên người, rồi ngồi đợi. Khổng tước đến lấy, thì liền bị bắt. Khổng tước nói với thợ săn:

– Ông chịu khó nhọc, ắt vì lợi lộc. Tôi chỉ cho ông núi vàng là của báu vô tận. Xin ông tha mạng cho tôi!

Thợ săn trả lời:

– Bắt được ngươi, nhà vua sẽ ban cho ta một nghìn cân vàng và gả con gái út, sao tin lời của ngươi được. Ta phải dâng ngươi cho vua thôi!

Trước mặt vua, khổng tước nói:

– Đại vương có lòng từ thấm nhuần tất cả, mong hãy nghe lời kẻ hèn này. Cho xin chút nước, tôi sẽ dùng lòng từ chú nguyện, rồi cho hoàng hậu uống, thì bệnh sẽ khỏi; nếu không hiệu nghiệm, chịu tội cũng chưa muộn.

Vua thuận theo. Hoàng hậu uống vào, bệnh tật đều lành, [152b] dung nhan diễm lệ, mọi người trong cung cũng như thế. Cả nước khen vua lòng từ rộng lớn, không giết khổng tước để trị bệnh cho mọi người. Khổng tước nói:

– Xin được ngâm mình vào hồ lớn và chú nguyện vào nước ấy để khắp cả muôn dân, ai có bệnh đều được trị lành. Nếu sợ dối gạt, thì hãy lấy gậy đánh vào chân tôi.

Vua nói:

– Được!

Khổng tước chú nguyện rồi, người dân uống nước đều được khỏe mạnh, điếc thì nghe được, kẻ mù nhìn thấy, câm thì nói được, chân què được thẳng, các bệnh đều hết. Hoàng hậu lành bệnh, người dân trong nước cũng hết bệnh. Bấy giờ, vua không có ý hại khổng tước. Biết rõ điều đó, khổng tước đến trình bày:

– Nhờ ơn vua tha mạng, tôi cứu sống mọi người cả nước; báo đáp xong, xin được lui về.

Vua nói:

– Được.

Khổng tước liền vỗ cánh bay thẳng lên cây, lại nói với vua:

– Trong thiên hạ có ba người ngu.

Vua Hỏi:

– Là những người nào?

Khổng tước nói:

– Một là tôi, hai là thợ săn, ba là vua.

Vua nói:

– Ngươi hãy giải thích.

Khổng tước nói:

– Giới trọng của chư Phật cho sắc đẹp là lửa dữ, thiêu thân mất mạng đều là do ham muốn sắc đẹp. Tôi bỏ năm trăm chim vợ ngày đêm hầu hạ, vì thích thanh tước, tìm thức ăn cung cấp cho nó như kẻ đầy tớ, nên bị sa lưới, nguy hại đến thân mạng. Đó là tôi ngu. Thợ săn ngu là tôi thành thật muốn đổi mạng bằng cả núi vàng, mà kẻ kia lại bỏ của báu vô tận, tin lời hư dối của phu nhân, mong cưới công chúa làm vợ. Xét người đời cuồng ngu đều giống như vậy. Bỏ lời răn chân thành của Phật, mà tin lời dối trá của quỷ mị, vui trong rượu chè dâm loạn, hoặc chịu họa tan nhà nát cửa, hoặc chết đọa vào Thái Sơn[60], chịu khổ vô cùng, sau trở lại làm người, như chim không cánh, muốn bay lên trời, há chẳng khó sao? Phụ nữ mê hoặc ví như yêu quái, khiến cho mất nước hại thân, mà người ngu lại xem trọng. Muôn lời không một câu thành thật, mà thợ săn lại tin theo. Còn nhà vua được thuốc trời, chữa lành bệnh cho muôn dân, các độc đều hết, dung nhan như hoa, lớn nhỏ đều vui mừng, mà vua lại thả đi. Đây gọi là vua ngu.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Từ đó về sau, khổng tước vương đi khắp nơi, dùng thuốc thần và với lòng từ bố thí, chữa lành bệnh cho chúng sinh. Khổng tước vương thuở ấy chính là Ta, quốc vương là Xá-lợi-phất, thợ săn là Điều-đạt[61], hoàng hậu là vợ Điều-đạt.

Bồ-tát có lòng từ và trí tuệ ba-la-mật đã thực hành bố thí như vậy”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật bảo:

– Vào thời quá khứ, trong một ao sen kia có rất nhiều loài chim nước cư ngụ. Trong đó, cũng có một con chim sếu, nó bước đi một cách thảnh thơi. [152c] Các chim khác đều nói: ‘Chim này đi đứng an tường, không quấy nhiễu loài thủy tộc[62]’. Khi ấy, ngỗng trắng nói kệ:

Cất bước đi thong thả
Tiếng hót thật dịu êm
Lừa dối cả thế gian
Ai chẳng biết xảo trá.

Chim sếu Đáp:

– Sao nói như vậy? Chúng ta kết bạn với nhau đi!

Ngỗng trắng trả lời:

– Tôi biết anh dối trá, quyết không kết bạn thân.

Đức Phật bảo:

– Tì-kheo nên biết, ngỗng trắng bấy giờ chính là Ta. Chim sếu thuở ấy nay là Đề-bà-đạt-đa”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật dạy:

– Vào thời quá khứ, bên dãy Tuyết sơn[63] có một gà rừng chúa, mồng nó đỏ rực, toàn thân màu trắng, có đàn gà tùy tùng rất đông. Gà chúa nói với cả đàn:

– Các ngươi nên xa rời thành ấp, xóm làng, chớ để dân chúng bắt ăn thịt. Chúng ta bị nhiều kẻ oán ghét, phải cẩn thận tự bảo vệ.

Khi ấy, trong xóm có một con mèo, biết núi kia có gà. Nó liền đến, đi chậm rãi nơi gốc cây, mặt cúi xuống, nói với gà chúa:

– Tôi là vợ anh, anh là chồng tôi. Thân anh đoan chính, đáng yêu, đầu có mồng đỏ, thân thể toàn trắng. Tôi đến đây để cùng anh an hưởng vui thú.

Gà chúa liền nói kệ:

Mèo kia mắt vàng, loài ngu si
Lòng muốn ăn thịt chẳng ngại chi
Chưa thấy cô vợ nào như thế
Mà chồng sống thọ chẳng hiểm nguy.

Gà chúa bấy giờ chính là Ta, con mèo thuở ấy là Đề-bà-đạt-đa. Ngày xưa, Đề-bà-đạt-đa đã từng dụ gạt Ta, nay cũng lại như thế để chia rẽ đồ chúng của Ta”.

Bài kệ tổng kết:

Lòng gian trá, ngu si
Khiến người tin, không nghi
Giả hiện làm thân thiện
Vờ nhận nương tựa nhau.
Ngoài thân, trong ngầm hại
Sớm tối giết lẫn nhau
Nếu ở chung lâu ngày
Mới biết rõ mối nguy.

——————————————–
[43] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, mười quyển, do ngài Cát-ca-dạ và ngài Đàm Diệu dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung nói về các sự tích liên quan đến Đức Phật và đệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[44] Luật Tăng-kì (Tăng-kì luật 僧祇律; S: Mahāsaṅghavinaya): luật, nói về hai trăm năm mươi giới tì-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới tì-kheo-ni. Đây là bộ luật của Đại Chúng bộ thuộc Phật giáo Bộ phái.

[45] Nước Ba-la-nại (Ba-la-nại quốc 波羅柰國; S:Vāraṇasī, Varāṇasī, Varaṇasī): nước Ca-thi khi xưa, thời cận đại có tên Benares, nay là bang Varanasi của nước Ấn Độ. Đây là một trong sáu địa điểm lớn mà Phật đã từng đến thuyết pháp.

[46] Đại gia 大家: người giàu sang, quyền thế trong xã hội.

[47] Tào chủ 曹主: người phụ trách hoặc chủ trì một tổ chức nào đó.

[48] Ba đường ác (tam đồ 三塗): ba nơi thống khổ. Đó là hỏa đồ, đao đồ và huyết đồ, đồng nghĩa với tam ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

[49] Duy-na 維那 (S: karma-dāna): một chức vụ quản lý, điều hành, lo liệu các việc của đại chúng trong chùa. Ngày nay gọi là tri sự.

[50] Kinh Cựu tạp thí dụ (Cựu tạp thí dụ kinh 舊雜譬喻經): kinh, hai quyển, do ngài Khương Tăng Hội dịch vào đời Ngô, Trung Quốc. Ngài tập họp tất cả các thí dụ trong kinh, vì dịch sau đời Hán, nên gọi lạ cựu.

[51] Đế Thích thiên 帝釋天 (S: Śakra-devānām-indra): vua cõi trời Đao-lợi, là một trong mười hai vị trời trấn giữ phương đông, chuyên thủ hộ Phật pháp.

[52] Voi trắng Y-la (y-la bạch long trượng 伊羅白龍象): voi trắng đầu đàn mà trời Đế Thích cưỡi, một trong mười bốn thứ báu do nhũ hải khuấy động sinh ra; cũng có thể do sấm động khiến mây biến hiện thành và nhân cách hóa mây này là động vật.

[53] Luật Ngũ phần (Ngũ phần luật 五分律): luật, ba mươi quyển, do ngài Phật Đà Thập và Trúc Đạo Sinh cùng dịch vào đời Lưu Tống, Trung Quốc.

[54] Ma-nạp 摩納 (Hd: tiên nhân): vị tiên trong đời quá khứ, là tiền thân của Đức Phật Thích-ca, khi còn ở địa vị tu nhân.

[55] Sát-đế-lợi (Sát-lợi 剎利; S: kṣatriya): giai cấp thứ hai trong bốn giai cấp của Ấn Độ, là giai cấp vương tộc, quý tộc, sĩ tộc, nắm giữ việc quân sự, chính trị.

[56] Nước Ma-kiệt-đà (Ma-kiệt-đà quốc 摩竭之國): một quốc gia thời xa xưa của Ấn Độ, tức là vùng Bihar ngày nay. Đây là một trong mười sáu nước lớn vào thời Đức Phật còn tại thế. Nước này có quan hệ rất sâu sắc với sự phát triển của Phật giáo.

[57] Kinh Phật bản hạnh (Phật bản hạnh kinh 佛本行經; S:Abhiniṣkramaṇasūtra): kinh, sáu mươi quyển, do ngài Xà-na-quật-đa dịch vào đời Tùy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 3. Nội dung nói về sự tích đản sinh, xuất gia, thành đạo…. của Đức Phật, và nhân duyên giáo hoá các đệ tử của Ngài.

[58] Khổng tước 孔雀: chim công.

[59] Thanh tước 青雀: chim công xanh.

[60] Thái Sơn 太山: ở đây chỉ địa ngục.

[61] Đề-bà-đạt-đa 提婆達多 (S: Devadatta): vị tì-kheo phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối nghịch với Phật. Ông là con nhà chú bác của Phật.

[62] Loài thủy tộc (thủy tính 水性): loài động vật sinh sống trong nước.

[63] Tuyết Sơn 雪山: rặng núi vắt ngang phía tây bắc Ấn Độ.