Sự chướng ngại về thân thể có nhiều chủng loại, nhiều cấp độ đồng thời cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những tật bệnh, chướng ngại về thân thể bẩm sinh như mù, điếc, câm ngọng, quái thai, dị tật. Có những chướng ngại do điều kiện môi trường hoặc tai họa sau khi sinh như do chiến tranh, tật bệnh, tai nạn.

Những người mang tật bẩm sinh đã đành chấp nhận số phận còn người tàn tật do nguyên nhân ngoại tại sau khi sinh thì rất có thể họ sẽ mất hết niềm tin và ý chí để tiếp tục sống. Tuy nhiên, với những người như thế, nếu chúng ta biết cách hướng dẫn, khích lệ thì họ chỉ là người tàn thân chứ không tàn tâm. Thậm chí những người khuyết tật thường phát huy được những khả năng tiềm tàng hơn những người khổe mạnh, đấy chính là phần bù trừ. Tuy nhiên, chúng ta phải biết quan tâm thương yêu và giúp đỡ họ.

Tôi gặp rất nhiều người tàn tật, có rất nhiều bạn tàn tật như họa sĩ Hồng Thánh Côn chẳng hạn. Ông là họa sĩ nổi tiếng Đài Loan, Mĩ... Tôi còn quen thân với một bác sĩ tai mũi họng nổi tiếng bị điếc. Tuy điếc nhưng ông là một bác sĩ nổi tiếng, có chuyên môn cao.

Những người khuyết tật muốn lấy lại niềm tin, làm lại cuộc đời rất cần chúng ta quan tâm ủng hộ, nhất là về phương diện tâm lí. Theo tôi, đấy là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng gì người thân của họ. Chúng ta phải giúp họ bằng lòng với những gì không thể thay đổi được, thân có thể tàn tật nhưng tâm tuyệt đối không thể tàn tật theo, vẫn có quyền hiểu biết, quyền tự do và những quyền cơ bản khác không kém gì người bình thường, không nên tự ti, mặc cảm. Một người tàn tật, thiếu sót một bộ phận nào đó trên thân thể sẽ sinh tâm lí tự ti, mặc cảm. Đó cũng là phản ứng tâm lí tự nhiên vì họ không thể không so sánh họ với những người bình thường khác được. Nên chúng ta cần khuyên họ rằng “tàn tật và giá trị con người là hai khái niệm hoàn toàn tách bạch nhau, quan trọng là tâm trí bạn, sự cống hiến của bạn không thua kém gì so với một người bình thường, thế nên bạn đừng tự ti mặc cảm”.

Chúng ta không những giúp họ về phương diện quan niệm, niềm tin với đời mà quan trọng hơn chúng ta cần giúp họ có niềm tin tôn giáo, vì qua niềm tin tôn giáo, họ sẽ hiểu và giảm bớt phần nào gánh nặng tâm lí, giúp họ điều chỉnh quan niệm sống, thay đổi chính mình.

Trong “nhân duyên” của Phật giáo có cái gọi là “tăng thượng duyên”, tăng thượng duyên tức là sự giúp đỡ từ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân chính phát triển. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó tăng thượng duyên có lúc là những nhân tố có lợi tác động trực tiếp đến đối tượng nhưng có lúc lại là những nhân tố xấu gọi là “nghịch tăng thượng duyên”, tức là tạo nghịch cảnh để thách thức, tạo điều kiện ngăn cản giúp đối tượng khẳng định mình trong nghịch cảnh. Vì thế, theo quan điểm đạo Phật, mọi trở ngại về mặt thân thể của con người đều là “tăng thượng duyên”, thế nên chúng ta cần bình tĩnh gánh chịu, đối diện và chuyển hóa chúng nhằm giúp mình trưởng thành hơn. Khi một người tàn tật có niềm tin tôn giáo, tin theo Phật giáo, chúng ta sẽ giúp họ biết cách tụng niệm, sám hối, bố thí để giảm bớt mâu thuẫn, xung đột trong lòng họ. Khi lòng họ khôi phục trạng thái bình thường, xóa hết tự ti, mặc cảm, rở nên phóng khoáng, tự tin thì họ có khả năng khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình, nhờ thế thực hiện được tôn chỉ “thân tàn nhưng tâm không phế” của mình.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm