Home > Khai Thị Phật Học
Tổng Cương Lãnh Của Việc Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Tổng cương lãnh của việc tu hành chẳng qua chỉ là phá bỏ hai thứ chấp trước và đoạn phiền não mà thôi. Người Tiểu Thừa thì vì phá ngã chấp mà phá ngã chấp nên phương pháp của họ còn vụng về. Dùng công phu thiền định thâm sâu để đè nén phiền não, chấp trước, để cho nó chẳng khởi lên. Sau khi chứng được Sơ quả thì phải tới lui trong cõi Trời và cõi Người bảy lần nữa mới đoạn hết Kiến Tư Hoặc, xuất ly tam giới.

Phương pháp của Ðại Thừa vô cùng khéo léo, dạy cho chúng ta phát Bồ Ðề Tâm, chuyển phiền não thành Bồ Ðề, là dùng phương pháp chuyển biến. Thiệt ra phiền não chẳng thể đoạn được, tại vì phiền não là chỗ khởi dụng của tự tánh, nếu đoạn hết phiền não thì đương nhiên tự tánh cũng bị đoạn mất luôn. Cho nên chỗ khởi dụng của tự tánh khi giác ngộ thì gọi là Bồ Ðề, khi mê thì gọi là phiền não, phiền não và Bồ Ðề là một sự việc, chỉ khác nhau ở chỗ mê hay ngộ. Thế nên phương pháp tu hành của Ðại Thừa là chuyển mê thành ngộ; có thể chuyển mê thành ngộ tức là có thể chuyển phiền não thành Bồ Ðề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn. Ðại Thừa dùng phương pháp chuyển biến là tuyệt đối chính xác, đối với lý và sự đều tương ứng. Chỗ này cũng nói rõ người Ðại Thừa cao minh hơn Tiểu Thừa, người Tiểu Thừa chẳng có trí huệ nên phải dùng cách đè nén; người Ðại Thừa có trí huệ nên chuyển biến trở lại.

Gương mẫu tu học của Ðại Thừa là năm mươi ba lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm. Năm mươi ba lần tham vấn này gồm có mọi người trong các ngành nghề, nam nữ già trẻ, thế gian và xuất thế gian, hết thảy đều tu Bồ Tát hạnh, vả lại còn là hạnh Bồ Tát cao cấp -- Phổ Hiền hạnh. Thế thì chúng ta rốt cuộc có học được hay chưa? Trong sanh hoạt mỗi ngày từ sáng đến tối có phải chúng ta đang tu Bồ Tát hạnh hay không? Có tu hạnh Phổ Hiền không? Nếu có thì mới hy vọng thành Phật, nếu không thì vẫn phải chịu sanh tử luân hồi.

Phải tu học như thế nào? Dùng những điểm chính yếu để nói thì là làm thế nào áp dụng Lục Ðộ vào trong đời sống hằng ngày. Làm được Lục Ðộ trong sanh hoạt thì bạn sẽ là Bồ Tát, nếu làm được mười nguyện trong sanh hoạt thì bạn sẽ là Phổ Hiền Bồ Tát rồi đó. Nên biết cội gốc của Ðại Thừa là phát Bồ Ðề tâm, Bồ Ðề tâm là gì? Tức là độ hết thảy chúng sanh. Dùng ngôn ngữ ngày nay thì độ hết thảy chúng sanh nghĩa là dốc toàn tâm, dốc hết sức để giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, tâm ấy là tâm Bồ Ðề.

Làm thế nào để thực hiện? Lục Ðộ và Thập Nguyện là phương pháp. Phải thực hiện Lục Ðộ và Thập Nguyện trong đời sống, sự nghiệp, đó tức là hành Bồ Tát đạo. Lục Ðộ tức là Bồ Tát đạo, Thập Nguyện tức là Phổ Hiền Bồ Tát đạo. Việc hành Phổ Hiền hạnh nói trong kinh Vô Lượng Thọ nghĩa là tu Thập Nguyện vương.

‘Bố thí’ nói theo ngôn ngữ hiện nay tức là ‘hy sinh, cống hiến’. Tự mình chịu hy sinh, chịu cống hiến cho đại chúng, chịu cống hiến cho đoàn thể.

‘Trì giới’ tức là tuân giữ pháp luật, tuân giữ luật lệ, quy củ.

‘Nhẫn nhục’ tức là nhẫn nại. Phải biết nhẫn nại trong công việc, đặc biệt là những sự việc liên quan đến người khác; chúng sanh có phiền não, ân oán, bất bình tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp được nên phải nhẫn nhịn; đối với hoàn cảnh tự nhiên cũng phải biết nhẫn nhịn.

‘Tinh tấn’ tức là cầu tiến bộ. Không thể nào ‘dậm chân tại chỗ’ hoài, lưu lại trong một phạm vi, một giới hạn hoài. Có rất nhiều đại đức học Phật, tu trì tuy rất tốt, nhưng không thể hoằng pháp lợi sanh, nguyên nhân ở tại chỗ nào? Họ cứ ‘dậm chân tại chỗ’, không chịu tinh tấn. Vì thời đại bất đồng cho nên ý thức, hình thái, phương thức sinh hoạt của chúng sanh cũng không giống nhau. Trong thời đại nào có phương pháp hoằng pháp của thời đại đó, cũng có phương pháp thực hiện Lục Ðộ, Thập Nguyện của thời đại đó, cứ giữ chặt phương pháp thời xưa là không được. Sau khi Phật pháp từ Ấn Ðộ truyền sang Trung Quốc liền thay đổi rất nhiều; cách sinh hoạt hằng ngày lúc trước [ở Ấn Ðộ] là đi trì bát (khất thực), ngủ dưới gốc cây, mỗi ngày ăn một bữa mà thôi. Sau khi truyền đến Trung Quốc thì tiếp nhận sự cúng dường của các vị đồng tu tại gia nên chẳng trì bát nữa, tất cả hoàn cảnh sinh hoạt đều thay đổi. Thế nên phải thích ứng với những nguyên tắc ‘hiện đại hoá, địa phương hóa, sanh hoạt hóa’. Ðây mới là ý nghĩa chân chánh của sự tinh tấn. Chúng ta phải suy nghĩ từ phương diện này – trong sanh hoạt thường ngày làm thế nào để cầu Giác, cầu Huệ, tu Lục Ðộ, Thập Nguyện. Khi chư vị xem kỹ năm mươi ba lần tham vấn thì sẽ hiểu rõ đạo lý này.

‘Thiền định’ tức là tự mình làm chủ được mình, có cách nhìn của mình, chẳng bị ngoại cảnh lay động, đó là thiền định.

‘Bát nhã’ tức là đối với hết thảy những điều thiệt giả, tà chánh, thị phi, thiện ác của người, sự, vật đều hiểu rõ ràng, minh bạch, chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo. Như vậy chính là trí huệ Bát Nhã.

Thế nên nếu có thể thực hiện Lục Ðộ, Thập Nguyện trong đời sống của mình thì bạn sẽ vui vẻ. Bất luận làm công việc gì thì cũng là tu Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo. Người hành Bồ Tát đạo này sẽ tràn đầy pháp hỷ, đây tức là chuyển phiền não thành Bồ Ðề, chuyển mê hoặc thành giác ngộ.

Phàm phu thế gian nếu cảm thấy bị áp lực trong công việc làm của mình thì sẽ khổ chẳng thể nói nổi, luôn luôn than phiền, có tâm trạng ấy thì nhất định phải luân hồi trong lục đạo. Pháp Bồ Tát Ðại Thừa cao minh, vừa chuyển biến tâm niệm thì đã thành Bồ Tát. Họ biết làm việc cần cù là để kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh, là để thành tựu Bố Thí Ba La Mật cho mình. Cho nên khi tâm niệm vừa chuyển thì khoái lạc vô cùng, hạnh phúc vui vẻ, liền được thoát khổ.

Nếu cảm thấy chẳng thể hòa đồng khi sinh hoạt cùng đại chúng thì đó là tự mình đang sanh phiền não, chứ chẳng phải là đang học Phật. Học Phật là đem những cành lá tạp nhạp này dung hòa trở lại, làm cho nó hóa giải hết. Những cảnh giới này từ nội tâm của mình phát sanh nên cũng phải hóa giải từ nội tâm của mình, thế nên Phật pháp được gọi là ‘Nội Học’. Phật pháp chẳng phải mong cầu nơi người khác mà là cầu nơi mình, mọi người đều có thể hướng vào trong mà khai phát tự tánh của mình, cái đoàn thể này mới gọi là ‘Tăng đoàn’.

Giới luật trong Phật pháp được dùng để yêu cầu chính mình chứ chẳng phải yêu cầu kẻ khác, đây là một cách rất cao minh, chẳng giống với pháp luật thế gian dùng để kềm chế đại chúng. Thế nên phải học Lục Tổ Huệ Năng đại sư, phải ‘thường thấy lỗi của mình, chẳng thấy lỗi của thế gian’, được vậy thì tâm sẽ chuyển biến thực sự, hướng vào trong và quán chiếu.

Căn bịnh lớn của chúng sanh là ‘chẳng thấy lỗi của mình, chuyên thấy lỗi của kẻ khác’. Chuyên thấy lỗi của kẻ khác thì sẽ tăng trưởng phiền não, sẽ chẳng có cách chi để hướng vào trong mà quán chiếu. Nếu chúng ta chỉ lo hướng vào trong mà quán chiếu, chẳng đếm xỉa đến sự dụ hoặc của ngoại cảnh, ‘chiếu’ như vậy là trí huệ, có thể hoá giải hết phiền não, tập khí.

Chúng ta đọc Lục Tổ Ðàn Kinh sẽ hiểu tại sao những người biết dụng công giống như Lục Tổ đại sư trong nhà bếp xay gạo, chẻ củi, làm những việc nặng nhọc mà khai ngộ. Tại sao vậy? Vì khi xay gạo, chẻ củi họ có đầy đủ Lục Ðộ, Thập Nguyện, nên trong lúc xay gạo, chẻ củi họ tu được hết Lục Ðộ, Thập Nguyện. Những người chẳng biết dụng công dù mỗi ngày tĩnh tọa tham thiền trong Thiền đường cũng không thể khai ngộ, phiền não tập khí vẫn còn cả đống. Nếu chúng ta biết tu thì lúc rửa chén, lau bàn, hết thảy Lục Ðộ, Thập Nguyện đều đầy đủ, vậy thì làm sao chẳng hoan hỷ chứ? Người không biết dụng công sẽ nghĩ rằng những công việc này quá cực nhọc. Thế nên chuyển cảnh giới tức là chuyển tâm -- chuyển biến tâm lý, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi quan niệm. Sự sai khác giữa người biết tu và chẳng biết tu là ở tại chỗ này.

Pháp sư Ðàm Hư trong phần sau của quyển Niệm Phật Luận kể chuyện bà họ Trương ở Thanh Ðảo, chùa Trạm Sơn, bà tu hành như thế nào? Mỗi ngày chủ nhật chùa Trạm Sơn có khóa tu niệm Phật, bà vào nhà bếp rửa chén. Chồng bà làm nghề kéo xe chở khách, chẳng ai coi trọng bà, thoạt nhìn bà chỉ rửa chén trong bếp, nhưng thực sự lúc đó bà đang tu Lục Ðộ, Thập Nguyện. Cho nên bà có thể dự biết ngày giờ ra đi, ngồi mà vãng sanh. Nếu bà chẳng tu tập như vậy thì làm sao có thành tựu như thế? Chỉ có người tu hành mới có thể nhìn biết [ai là] người chân chánh tu hành, người thường trong thế gian chẳng nhìn thấy. Người thế gian chỉ thấy bà là một người chẳng biết chữ, dốt nát, nghe kinh cũng chẳng hiểu, là một người chuyên giúp kẻ khác làm những công việc nặng nhọc. Họ đâu biết người như bà mới đáng gọi là người chân tu, thành tựu của những kẻ nghe kinh, tham thiền chẳng sánh bằng bà. Thế nên phải chân tu, phải hiểu lý, phải thực hiện các nguyên tắc, cương lãnh tu hành ngay trong đời sống thường ngày.