Đời mạt pháp bạc bẽo, con người có xu hướng trá ngụy. Tìm lấy một người chăm chú đạo, giữ lòng thành, tuân thủ lối cổ, chất phác như lão cư sĩ thì có khác gì vẹt sao chọn lấy mặt trăng đâu! Trong số tịnh hữu có ông Công Thần nhà cụ, lại thêm ông Đinh Dã Canh, ông Ông Thuấn Nghi đều là thân thuộc của cư sĩ, có phải là tường lân thụy phượng (13) cùng loại tụ họp đó chăng? Trong số ấy, ông Ông đại hiếu tột bậc, có thể nói là những hạnh khổ, hạnh khó của ông ta tôi chưa hề làm mà cũng chẳng thể làm được nổi. Trong tâm khâm phục, lại chẳng thể dùng ngọn bút để khen thuật nổi.

Đọc bài trường ca [của cư sĩ] ca tụng ông ta đôi ba lượt, càng thấy tinh vi, điêu luyện. Xưa ông Hạ Tri Chương tám mươi tuổi vẫn ham ngâm vịnh, ông Khâu chín mươi tuổi vẫn giỏi làm phú. Nay cư sĩ tuổi xấp xỉ ông Khâu, ông Hạ mà trước tác cũng gồm thâu tài khéo của họ, mong ông hãy tiếc nuối từng phân tấc quang âm, nhạt bớt nỗi ham thích bút mực, dồn tinh lực ấy để chuyên tâm vào Tịnh nghiệp khiến mầm huệ tăng trưởng, đạo chủng thành thục, ngày sau được hóa sanh trong hoa sen trước Phật thì mới chẳng bị chê là giống hệt như bọn ông Khâu, ông Hạ vậy!

Hồi đáp cư sĩ Cố Triệu Trinh

Trước đây đã kính gởi vài hàng, tưởng ông đã hiểu rõ, chợt nhận thư tay có những câu như “trần nghiệp tình duyên chen lẫn, vây hãm, biết bao giờ mới thành diệu quán?” đủ biết ông cầu đạo tha thiết; nhưng theo sự thấy biết bỉ lậu của tôi thì tình trạng nhàm chán trần tình, ham thích diệu quán ấy lại chính là do học đạo có nội chướng bèn lánh ồn tìm tịnh. Ở trong đời chưa hề có chỗ nào để dứt nổi tình trần đâu!

Phải biết rằng: vạn pháp vốn nhàn, chỉ riêng mình gây rối! Ngẫu Ích đại sư từng bảo: “Tuy nói là sáu căn huyễn hoặc rong ruổi, sáu tình chao động tơi bời, nhưng suy xét kỹ, trần đã chẳng thuộc vào tội, há căn cũng biết lỗi đó ư? Căn đã chẳng biết lỗi ấy, lẽ nào riêng tình phải mang lấy tội? Chia chẻ ba khoa (căn - trần - thức) đã không có chủ tể thật sự, dù có gộp chúng lại vẫn nào có thật pháp?” Nhưng đối với pháp hư vọng này, bọn ta bèn chấp ngã đắm nhân, bỏ cái kia, lấy cái này, giống như dụi mắt hoa đốm lăng xăng liền phát sanh. Toan phân biệt tướng hoa cái nào tốt, cái nào xấu, chẳng phải là lầm lẫn ư? Chỉ nên đem toàn thể thân, tâm, thế giới buông xuống hết thì trí nhãn chiếu minh, còn có chỗ nào để chán nhàm trần tình nữa đây?

Nhưng muốn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì khởi tâm chán - ưa mạnh mẽ đúng là nào có trở ngại gì, nhưng nếu chấp vào cái tâm chán - ưa ấy thì lại thành bệnh Hoặc! Hiểu rõ điều đó thì [tâm ấy sẽ] là phương tiện để con người sử dụng mà thôi!

Nói đến “diệu quán cảnh” thì chẳng phải Quán kinh đã từng dạy: “Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh, lúc tâm chúng sanh tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ. Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật” đó ư? Mấy câu này chính là điểm bí yếu của Niệm Phật tam muội, hết thảy quán môn không môn nào chẳng lưu xuất từ đây.

Bởi lẽ, biết “làm” nhưng không biết “là” thì đọa vào trong Quyền Tiểu; biết “là” nhưng không biết “làm” ắt lạc vào ma ngoại. “Làm” chính là Không Giả Quán. “Là” tức là Trung Đạo Quán. Toàn thể “làm” là “là”, toàn thể “là” là “làm”. Một niệm “làm - là” tam quán viên đốn; vì thế, kinh Đại Tập có bài kệ rằng:

Nhược nhân đản niệm Di Đà Phật,
Thị danh vô thượng thâm diệu thiền,
Chí tâm tưởng tượng kiến Phật thời,
Tức thị bất sanh bất diệt pháp.

(Nếu ai chỉ niệm Di Đà Phật,
Đó gọi vô thượng thâm diệu thiền,
Lúc chí tâm tưởng tượng thấy Phật,
Ấy là pháp chẳng sanh chẳng diệt).

Trí Giác thiền sư nói: “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Phật là lý Bổn Giác, niệm là trí Thỉ Giác. Vì thế biết rằng ngay trong lúc niệm Phật thì Bổn Giác ngầm khế hợp với Thỉ Giác, Năng - Sở (người niệm và đức Phật được niệm) cùng mất, tự - tha bất nhị, không có đức Phật ở ngoài niệm để mà được niệm; không có niệm ở ngoài đức Phật để có thể niệm. Siêu tình ly kiến, ly tứ cú, tuyệt bách phi (14), thẳng tắt, viên đốn, không chi hơn được pháp này! Ngoài pháp Niệm Phật ra, há còn có diệu quán nào khác để hòng thành tựu nữa ư?

Tôi thường trộm bàn rằng: “Thuốc chẳng quý - hèn, trị được bịnh là thuốc hay. [Pháp niệm Phật] là thuốc trị cả gốc lẫn ngọn, là thuốc thích ứng cho cả bịnh cấp thời lẫn bịnh kéo dài”. Cư sĩ tuổi già hướng về đạo, dù có được hơn trăm tuổi thì tấc bóng há được mấy chốc? Lẽ nào chẳng nghĩ dồn công vào con đường tối ổn đáng, sao lại cứ “thử hay hỏi diệu”, cứ lẩn quẩn do dự trong đó vậy?

Trước khi thấu hiểu, chẳng những lão nạp không bàn đến diệu quán, mà còn lược bớt nhiều thứ nhật khóa, chỉ đem câu “chân ngôn sáu chữ” ra khuyên nên gắng sức. Đây chính là phương thuốc lạ từ biển cả trị được bệnh gấp, lại còn trị được cả gốc lẫn ngọn, bệnh hoãn hay bệnh gấp đều thích hợp cả; cốt yếu là tin tưởng sâu xa, tận lực hành trì. Cổ nhân đã nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo chi không khai ngộ!” Được vậy thì trần tình nào vây hãm được nữa, tam muội nào mà chẳng hiện tiền?

Hiện tại dù có trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa đều bỏ chẳng dùng, chỉ có mỗi một loại linh đan nhất vị này để tặng nhau. Nếu chẳng chém đinh chặt sắt, kiệt lực chuyên trì, còn cách nào để tự cứu vớt nữa ư? Nếu cho rằng pháp trì danh công hiệu chẳng bằng tu quán thì thân tướng vi diệu của đức Phật kia các kinh luận đã rộng diễn, quán pháp sâu nhiệm, hàng sơ tâm thấp sát đất e chẳng dễ thành tựu được. Rốt cuộc chẳng bằng theo Tiểu Kinh chuyên nhất trì danh là ổn đáng hơn! Lúc trì danh liễu đạt sự - lý nhất tâm bất loạn chính là quán cảnh, cần gì phải cầu môn sâu mầu chi khác.

Tôi nghĩ lão cư sĩ mười phần chân thành, quên mình tuổi tác đã cao, ân cần hạ cố hỏi tới, nên tôi mới dám vét hết cái ngu, giãi bày niềm riêng, không chút húy kỵ gì. Xin cụ hãy xét kỹ mà quyết định thì may mắn lắm thay!

_____________

(13) Tường lân thụy phượng: lân và phượng là hai con vật tượng trưng cho điềm lành quý (tường thụy) nên những nhân vật tư cách cao quý, đức hạnh tốt đẹp thường được ví là “tường lân thụy phượng”.

(14) Tứ cú, bách phi: “Tứ cú” là có, không, vừa có vừa không, chẳng phải có chẳng phải không. “Bách phi” là tiếng phiếm chỉ phủ định tất cả. Nói “tứ cú bách phi” nhằm chỉ tất cả những gì thuộc trong lý luận nhị nguyên.
 
Trích từ: Tịnh Độ Cảnh Ngữ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về