1.
Từ thân của ngươi tuổi đã cao, đối với pháp môn Tịnh độ chưa có thể nhận chân mà tu trì. Nên thường đem nỗi khổ trong sáu nẻo luân hồi, sự vui ở cõi Cực lạc và những lẽ siêu thăng khó, sa đọa rất dễ, giảng nói cho người nghe. Nếu chẳng được về Tây phương, đừng nói là ở cõi người không đủ trông cậy, dù sanh lên cõi trời hưởng sự vui vẻ lâu dài, một khi phước lực đã hết, vẫn trở lại đọa xuống nhân gian và ba đường ác mà chịu khổ. Nếu không biết Phật pháp thì cũng đành vậy, nay đã được hiểu Phật pháp đâu nên đem sự lợi ích lớn lao ấy nhường cho người? Và đâu nỡ tự mình cam chịu chìm nổi mãi trong biển khổ luân hồi, không mong ngày giải thoát ư? Ngươi nên thường giảng nói như thế, may ra có thể khiến cho lệnh từ phát được căn lành đời trước, tin chịu tu hành. Bồ tát ra đời độ sanh đều thuận theo cơ nghi, trước tùy sở dục mà dắt dẫn, sau khiến cho vào trí Phật. Nếu ngươi có thể gắng tu hiếu đạo và đem pháp môn Tịnh độ khuyên dẫn trong hàng quyến thuộc cùng tất cả người hữu duyên, để đồng làm bạn tốt nơi Liên Trì, thì công đức lớn lắm?
2.
Người đời khi có bệnh hoặc gặp những sự nguy hiểm tai nạn, thường thường không biết niệm Phật làm lành, lại lầm lạc muốn cầu cứu với quỉ thần. Do đó nên giết hại sanh mạng gây thêm tội nghiệp, thật rất đáng thương! Bệnh khổ cùng những tai họa, phần nhiều đều do nghiệp đời trước gây ra; nếu niệm Phật, sám hối, làm lành, thì tội chướng sẽ tiêu, bệnh được mau mạnh. Loại quỉ thần kia chính họ hãy còn ở trong biển nghiệp, đâu có thể khiến cho người tiêu nghiệp? Dù cho hạng chánh thần có oai lực lớn chăng nữa, oai lực ấy so với thần lực của Phật, Bồ tát chẳng khác chi lửa đom đóm sánh cùng ánh sáng mặt trời! Người Phật tử không chịu nương tựa Phật, Bồ tát, trở lại cầu cứu với quỉ thần, đó là tà kiến.
Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai, nên thương xót hộ trì. Chớ noi theo tập tục sai lầm, mặc ý giết hại, rồi bảo rằng: phải cần có thức ngon bảo để phụng dưỡng song thân mới là đạo hiếu. Người chưa hiểu Phật pháp, không biết sự lý luân hồi, nên mê mờ lầm lạc chẳng nói làm chi. Nếu kẻ đã nghe Phật pháp, mà còn giết hại cha mẹ đời trước để phụng dưỡng cha mẹ đời này và dùng huyết nhục làm nhu cầu cho sự tang tế, chẳng những không phải hiếu thuận, lại chính là ngỗ nghịch vậy. Cho nên những bậc thông đạt, khi nghe được nghĩa chân thật của đạo Phật, đều không chịu làm theo quyền pháp ở đời, bởi pháp quyền tạm ấy do chiều thuận theo mê tình của thế gian mà lập, không phải là đạo lý thông suốt nhân quả ba đời của Như Lai. Nếu các người muốn nhận thức sâu hơn, hãy xem những bài “giới sát”trong quyển Văn Sao của ta sẽ tự rõ.
3
Người niệm Phật khi có bệnh, phải một lòng đợi chết, nếu thọ mạng chưa dứt, sẽ được an lành. Vì khi buông cả toàn thân mà niệm Phật, thì nghiệp chướng tiêu rất mau, nghiệp tiêu tất nhiên bệnh được lành mạnh. Nếu chẳng buông bỏ muôn duyên, chỉ mong mau lành mạnh, thảng như bệnh không hết, thì phần vãng sanh sẽ phải mất, bởi vì không có tâm nguyện cầu sanh. Như không hiểu rõ đạo lý này, đâu có thể nhờ từ lực của Phật tiếp dẫn ư? Về bệnh căn của lệnh từ, các ngươi nên khuyên người buông bỏ tất cả để cầu vãng sanh. Như thọ mạng chưa dứt, thì cầu vãng sanh trái lại mau bình phục, vì do dùng tâm chí thành, nên được nhờ sức Phật gia bị.
Ngươi nên đem lời lẽ trên đây mà khuyên nhủ từ thân, đừng học theo thường tình, nói những điều không lợi ích.
4
Tiếp được thơ, biết lệnh từ chưa thật phát tâm cầu sanh Cực lạc. Hiện thời người còn đang trong cơn bệnh, thôi hãy tạm hoãn đừng đề cập đến việc ấy. Chỉ nên khuyên người chí thành niệm Phật, để được nhờ từ lực gia bị, khiến cho thân tâm an vui. Đợi đến khi lệnh từ khỏe lại rồi, sẽ dùng lời lẽ khéo léo dẫn giải rành rẽ, làm cho người thật phát tâm cầu sanh thì mới có lợi ích. Nhờ ngươi chuyển lời cùng lệnh từ, nói ta thăm người được an lành. Và nên nói lại rằng: ta khuyên người buông cả muôn duyên một lòng niệm Phật, đó là điều cần yếu để tự cứu độ. Ngoài ra việc chi khác, để phần con cháu lo, nếu còn nghĩ tưởng đến, tức là có hại cho công phu niệm Phật của mình vậy.
5
Châu Quần Tranh xem rõ: Lệnh từ hiện đang có bệnh, quyết không nên đi vắng trong lúc người chưa lành. Nhưng ta xem tình trạng, e người chẳng hưởng thọ được lâu. Vậy phải dùng Mạnh Do và Trí Chiêu mỗi ngày thay phiên nhau ở bên giường bệnh mà niệm Phật, khiến cho người niệm theo, nếu không thể niệm thì khuyên người yên lặng lắng nghe cũng được. Làm như thế, nếu lệnh từ thọ mạng đã hết, quyết định sẽ vãng sanh, như số phần chưa mãn, cũng được tiêu trừ nghiệp chướng thêm lớn căn lành.
Về phần ngươi, nên đổi ý định lên núi Phổ Đà bằng cách vâng theo lời ta mà thực hành là tốt hơn. Như thế mới lưỡng toàn không hại. Hiện thời từ thân của ngươi bệnh chưa mạnh, rất không nên phát tâm nguyện xuất gia, nếu phát thì đối với đời và đạo đều thành trái nghịch. Người sắp mạng chung, như được trợ niệm, chắc có phần vãng sanh; nếu thiếu trợ niệm, hoặc dùng sự khóc lóc làm phát động những niệm tình ái giận hờn, thì khó khỏi đọa lạc. Điều này rất quan hệ, nguy hiểm, nên nhớ kỹ. Nếu ngươi có thành tựu sự vãng sanh cho mẹ, đó cũng là chánh nhân Tịnh nghiệp của chư Phật trong ba đời. Và đó chính là làm Phật sự giữa trần lao, công đức ấy sánh với việc làm tầm thường, muôn phần rộng lớn. Phải bàn tính với Mạnh Do, thực hành phương pháp trợ niệm, và khuyên lệnh từ nên nghe theo những lời của ta. Đến như việc vì mẹ giảng giải Phật pháp, vẫn là điều rất hay, nhưng sự định tỉnh cùng an ủi cũng nên nhiều phần để ý.
6
Lệnh từ phát nguyện gởi tiền cho ta để tùy ý làm các việc công đức và giúp phần ấn loát bộ Văn Sao. Theo ý ta, làm việc công đức phải lấy sự mở mang trí thức của người làm điều cần yếu, nên ta định đem số tiền ấy in quyển Quán Âm Tụng để phổ biến khắp xa gần. Việc này có mục đích khiến cho mọi người được biết đức Quán Âm Đại sĩ là đấng nương tựa của chúng sanh trong pháp giới. Đại sĩ tùy loại hiện thân, tìm tiếng cứu khổ, và phụ giúp đức A Di Đà tiếp dẫn người niệm Phật sanh về Cực lạc. Hiện nay nhân loại đang ở trong đường hoạn nạn, không biết phương pháp chi phòng ngừa, nếu mọi người được xem quyển sách ấy, sẽ cảm ân đức của Đại sĩ, muốn nhờ oai lực của Ngài để thoát khỏi tai họa. Và, một khi đã phát tâm tín ngưỡng nương tựa nơi Đại sĩ, tất sẽ giữ lòng từ thiện sửa lỗi làm lành, để mong cho được cảm thông với Ngài mà nhờ sự chở che giúp đỡ. Cõi đời chẳng yên, vì lòng người hiểm ác, nếu mọi người đều ngưỡng mộ đức từ bi của Đại sĩ thì thế giới lần lần chuyển ra cảnh vui vẻ thanh bình. Cho nên quyển sách này nếu được lưu thông, sự lợi ích sẽ vô cùng, sánh với các loại sách hữu ích tạm thời, thật cách nhau rất xa. Hơn nữa lệnh từ cũng nương nhờ công đức ấy, tiêu tội nghiệp, thêm phước huệ, khi sống được an vui, lúc chết sanh về Cực lạc. Đến như quyển Văn Sao, mọi người xem rồi phát tâm làm lành niệm Phật rất nhiều, ở đây không thể nói hết.
7
Lệnh từ vì sao bệnh không được lành? Âu là do túc nghiệp gây ra, khiến đổi quả nặng thành nhẹ, chuyển hậu báo làm hiện báo, để trả cho xong tất cả đó chăng? Thuở xưa, Huyền Trang Pháp sư khi lâm chung cũng bị chút ít bệnh khổ, Ngài nghi ngờ cho những kinh mình phiên dịch hoặc có chỗ sai lầm. Đang khi suy nghĩ như thế, thoạt thấy một vị Bồ tát an ủi rằng: “Do sự khổ nhỏ này, tội báo kiếp trước của ông đều được tiêu diệt, chớ đem lòng hoài nghi.”Vậy ngươi hãy đem duyên sự này an ủi lệnh từ, khuyên người nên vui mừng, chớ sanh lòng buồn giận. Như thế, quyết định có thể nhờ Phật gia bị, thọ mạng chưa dứt sẽ mau an lành, số phần đã mãn được sanh về Cực lạc. Con người trong cơn bệnh khổ, nên tưởng thối lui một bước, sẽ thấy an vui không cùng! Gần đây binh lửa liên miên, chúng ta may mắn chưa gặp tai nạn ấy, dù bị bệnh khổ còn có thể nhân đó tự thức tỉnh để tìm đường giải thoát. Trong trường hợp ấy chỉ nên cảm khích chuyên tu, tự nhiên sẽ được lợi ích. Thế chẳng hơn là oán trời trách người để gây thêm tội nghiệp cho mình ư? Nên khuyên thân mẫu ngươi đừng ôm lòng oán trách, gắng định tâm niệm Phật thì nghiệp tiêu mau như tuyết gặp nước sôi.
Ta từ khi trở về núi, mỗi ngày trong thời khóa tụng đều có hồi hướng cầu nguyện Tam bảo gia bị cho lệnh từ, nếu thọ mạng chưa dứt, được mau an lành, như số phần đã mãn, sớm sanh về Tịnh độ.
8
Tiếp được thơ, biết lệnh từ đã niệm Phật vãng sanh vào ngày mùng hai. Là đệ tử Phật, các ngươi phải y theo Phật pháp khiến cho thần thức của từ thân được lợi lạc, chẳng nên quá buồn thương, thành ra kẻ còn người mất đều luống vô ích. Đến như việc tang tế phải dùng toàn đồ chay, chớ nên tùy theo tập tục. Dù có những người không hiểu Phật pháp, bài xích nói là sai quấy, cũng mặc cho họ chê cười. Trong đám táng không nên quá phô trương bày vẽ, và làm Phật sự chỉ nên niệm Phật mà thôi. Anh em ngươi phải đốc xuất người nhà đều khẩn thiết niệm Phật, thì thần thức của lệnh từ, cả trong gia quyến, cho đến bà con bè bạn, sẽ được sự lợi ích, chân thật. Nếu tài lực có dư, cũng nên làm các điều công đức; như sự độ dụng vừa đủ, chỉ lo xong việc táng là được. Chớ nên làm quá long trọng, để rồi sau phải thiếu thốn là điều không hay.
9
Được thơ, thấy lệnh từ khi lâm chung rất tốt. Đó âu cũng là sự hiệu nghiệm do căn lành bản nguyện của người, và công trợ niệm của anh em ngươi cùng trong quyến thuộc. Thuở bình sanh, con người có thể che giấu các việc, duy lúc sắp chết quyết không thể giả dối. Lệnh từ đã không lòng ái luyến, có sắc vui tươi ngồi yên mà qua đời, nếu Tịnh nghiệp chẳng thành thục, đâu được như thế ư? Mong anh em ngươi và toàn gia quyến nên niệm Phật để truy tiến. Như thế chẳng những thân mẫu các ngươi được lợi ích, mà công đức niệm Phật của chính mình lại càng lớn thêm. Đức Phật đã dạy: “Khi tụng kinh, trì chú, niệm Phật hoặc làm các công đức, nên hồi hướng cho pháp giới chúng sanh.”Lúc bình thời còn vì chúng sanh không can thiệp chi đến mình mà hồi hướng, huống chi mẹ mất đâu nỡ chẳng hết lòng niệm Phật cầu nguyện cho người ư? Nếu có thể vì chúng sanh hồi hướng, tức là hợp với thệ nguyện Bồ đề của chư Phật, như đem một giọt nước gieo vào biển thì giọt nước ấy đồng sự sâu rộng như biển cả. Như chưa được dung hợp cùng biển, đừng nói một giọt nước, dù cho sông dài hồ rộng, đối với biển vẫn cách biệt như đất với trời. Thế thì, khi đem công đức hồi thí cho cha mẹ và tất cả chúng sanh, chính là bồi cội phước cho mình. Biết được nghĩa này, người hiếu thảo lòng hiếu càng tăng thêm, kẻ kém hiếu tâm cũng phát lòng thảo thuận.
Thỉnh chúng Tăng tụng niệm trong bảy tuần thất, việc ấy rất tốt, nhưng khi đó anh em các ngươi cũng phải có người đồng tụng niệm theo. Những phụ nữ trong nhà bất tất phải theo thứ lớp đứng sau chư tăng mà tụng niệm, vì e lâu ngày thân thiện nhau, sẽ gây mối hiềm nghi cho người ngoài. Hàng phụ nữ nếu có tụng niệm, nên ở sau màn hoặc lập riêng một chỗ khác, các cửa ra vào hai bên đều không thấy nhau. Đó là nêu khuôn phép và mở thông nghi thức cho người trong hương ấp. Nếu thờ ơ không phân giới hạn, kẻ khác sẽ bắt chước theo, về sau sanh mối tệ. Cách lập pháp của người xưa, dù bậc thượng thượng cũng lấy pháp thức của kẻ hạ hạ mà làm phạm vi, nên không có sự tệ hại. Nếu các ngươi có thể y như thế vì mẹ niệm Phật, lại kiêm ấn thí các quyển Quán Âm Tụng, Văn Sao, thì chẳng những khiến cho từ thân phẩm sen thêm cao, mà ông bà cho đến thân phụ các ngươi cũng được đồng nhờ pháp lợi, siêu sanh Cực lạc. Mấy điều ta nói vẫn căn cứ đúng theo tình lý, không phải là những lời bông lông cốt để vừa lòng đẹp ý các ngươi đâu!
10
Về phép hỏa táng, thuở đời Đường, Tống, Phật pháp còn thạnh, người tại gia phần nhiều cũng có dùng. Nhưng hiện thời, nên theo thông tục mà chôn cất, vì e có chấp nê sanh ra nhiều điều nghị luận. Thật ra thì thiêu hóa thi hài mau tiêu tan hơn, và qua bốn mươi chín ngày thiêu hóa lại càng ổn tiện. Còn chôn cất, hoặc khi lâu năm hài cốt bị bộc lộ. Tang chế ba năm không làm lễ nhạc, điều ấy vẫn nên tuân giữ. Đời nay luân thường hiếu đạo bị gác bỏ một bên, phép tắc giữ gìn trong kỳ tang chế còn đáng chi để luận bàn? Tuy nhiên, cũng nên nương theo lễ giáo xưa châm chước mà làm, đừng vội sửa đổi hoặc quá nê chấp. Cách dò thăm hơi nóng để nhận định thần thức thác sanh về cõi nào, thật đáng y cứ. Nhưng ta sợ những kẻ không biết, cứ mãi thăm dò, nên ý nói: “người đủ tín nguyện, khi lâm chung chánh niệm rõ ràng, thì có thể vãng sanh, chẳng cần phải y theo một lệ, lấy sự lạnh nóng làm bằng cứ.”Điều này cần nên để ý, vì nếu cứ rờ thăm hơi nóng, e phát động đến tâm luyến ái, giận hờn của người sắp chết, làm cho hỏng mất sự vãng sanh.
Những thuyết “thai sanh, nghi thành”trong Kinh Đại Bảo Tích, nơi pháp hội của đức Vô Lượng Thọ Như Lai nói, là chỉ cho người niệm Phật đọa vào lỗi hối hận, nghi ngờ. Đây chính là ước theo nghĩa bị ngăn che, cách ngại, mà lập tên “thai sanh, nghi thành”, vì bị ở trong hoa sen năm trăm năm không được thấy Phật nghe pháp, chớ đâu phải có sự thật? Sao lại cứ chấp chặt theo chữ mà giải nghĩa, cho rằng hạng người ấy không thuộc vào chín phẩm sen? Nên biết ở Tây phương không có thai sanh cũng không thành quách, đó là ước theo nghĩa: không được liền ra khỏi liên bào, bị cách ngăn với Phật, để thí dụ cho thai và thành thế thôi? Bởi ngươi chấp định danh từ nên mới cho là ngoài chín phẩm, nếu quả vậy thì bậc hạ trung cùng hạ hạ bị ngăn cách sáu kiếp và mười hai kiếp thai và thành lại càng dày đặc biết bao nhiêu? Mười hai kiếp kia còn thuộc về chín phẩm, huống nữa là chỉ có năm trăm năm đó ư? Sao ngươi không xem tiếp tám chữ: “Ở trong hoa sen không được xuất hiện...”hoa sen ấy không liệt vào sen chín phẩm hay sao?
Phật pháp nghĩa rộng vô cùng, nếu chấp định thì không việc sanh việc, thành ra phí hết bút mực thôi. Đó đều bởi tự mình để chân vào trong thành nghi, thành ấy còn dầy hơn ngục Thiết Vi nữa. Nếu hiểu biết rõ ràng, tự nhiên cõi đất lặng chìm, ngục Thiết Vi tiêu tan mất cả. Thầy Mạnh Tử nói: “Dùng ý nghịch chí, đó gọi là được”; chữ nghịch đây cũng là nghi thành. Nếu biết nghịch tức là ý nghĩa nghinh hiệp, thì nghi thành sẽ rã tan. Một hạng người vì cố chấp, nên tuy giảng nói, trọn ngày vẫn ở trong vòng mâu thuẫn. Đó là bởi căn bệnh chấp trước chưa tiêu, thành ra khó được sự lợi ích thiết thực.