Home > Khai Thị Niệm Phật
Sự Trọng Yếu Của Lòng Tin
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Chúng sanh nơi thế giới Ta Bà này, nhân vì ở vào đời ác năm trược, phiền não nặng nhiều, hoàn cảnh bên ngoài ác liệt, sự tu hành không dễ gì tiến bộ. Lại mỗi khi chuyển sanh thường bị lạc mê, nên sự chứng đạt rất khó. Tiên đức hằng than: “Số xuất gia nhiều như lông trâu, nhưng người đắc đạo như sừng thỏ.” (Xuất gia như ngưu mao, đắc đạo như thố giác). Lời này có thể hình dung cho điều vừa nói trên. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là bậc đã kinh nghiệm qua con đường thành Phật, biết rõ lối nào dễ bước, nẻo nào khó đi. Vì thế Ngài mới vận lòng bi trí, đặc biệt mở ra pháp môn Niệm Phật. Người tu môn này tuy chưa dứt phiền não, mà có thể đới nghiệp vãng sanh. Khi về đến Tây Phương rồi, nhờ nhiều thắng duyên của cảnh ấy, sự tiến tu chứng đạo rất dễ dàng như cầm lấy món đồ trước mắt.

Đức Thế Tôn đã có lòng đại bi như thế, lẽ ra mọi người đều được đắc độ với pháp môn này, nhưng kẻ vãng sanh lại có phần ít là tại sao? Đó là bởi chúng sanh trí kém nghiệp nặng, hoặc nghi lời Phật nói không chịu tu, hoặc tuy tu mà lòng tín nguyện không chí thiết, hoặc tuy niệm Phật mà chỗ dụng công không đúng với lời Phật dạy. Vì thế tuy có tu hành vẫn không đem đến thành quả. Đó là lỗi ở người, chớ không phải ở pháp.

* Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của của tất cả công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin hay tựu quả Bồ Đề của Phật.” Thế nên đối với người tu, đức tin có tính cách rất trọng yếu. Nếu mất đức tin, chẳng những nền tảng tiến đạo phải bị sụp đổ, mà tất cả công hạnh giải thoát cũng không thành. Đức tin này không phải mê tín, chính là lòng tin nương theo trí huệ, là sự đặt trọn vẹn niềm tin vào lời của Phật, Bồ Tát và chư vị Tổ Sư đã dạy trong kinh điển. Tạo sao đã nương theo trí huệ lại còn phải đặt trọn vẹn niềm tin vào lời dạy của những bậc ấy? – Bởi môn Tịnh Độ thuộc pháp Đại Thừa, đã là đại pháp tất nói nhiều cảnh giới siêu việt khác thường, nên có những điều mà trí huệ phàm phu không thể suy lường nổi. Khi xưa trên hội Linh Sơn, đức Thế Tôn nói Kinh Pháp Hoa, có năm ngàn bậc Đại Đức Thanh Văn, đã chứng từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến đệ tứ quả A La Hán, không tin tưởng lui ra khỏi Pháp tịch. Đối với cảnh chính đức Phật còn tại thế thân nói pháp, với các vị Thanh Văn thánh giả trí huệ đã siêu thường, mà còn có sự không tin, thì ta thấy pháp Đại Thừa chẳng phải dễ tin hiểu. Cho nên trong kinh Đại Thừa, có nhiều chỗ đức Phật bảo đừng nói cho kẻ nhiều kiến chấp, thiếu lòng tin nghe, vì e họ sinh lòng khinh báng mà mang tội. Đến khi Đại Thừa pháp được lan truyền rộng, các vị cổ đức khuyên người học Phật khi nghiên cứu về loại kinh này, chỗ nào dùng trí huệ hiểu được cố nhiên là tốt, chỗ nào suy gẫm không thấu triệt vẫn đặt trọn vẹn niềm tin nơi lời của đức Thế Tôn. Như thế mới tránh khỏi tội lỗi khinh báng đại pháp, và không mất phần lợi ích.

Trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà, đức Bổn Sư đã đôi ba phen nhắc nhở về lòng tin, như các đoạn: “Cho nên Xá Lợi Phất! Các ông phải nên tin nhận lời ta và lời nói của chư Phật!… Xá Lợi Phất! Như ta hôm nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật. Các đức Phật kia cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của ta, mà nói lời như sau: ‘Phật Thích Ca Mâu Ni hay làm được việc rất khó khăn ít có! Ngài đã có thể ở trong đời ác năm trược là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược của quốc độ Ta Bà, chứng quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì các chúng sanh nói ra pháp môn mà tất cả thế gian đều khó tin ấy.’ – Xá Lợi Phất! Nên biết ta ở trong đời ác năm trược làm việc khó khăn sau đây, là đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì tất cả thế gian nói ra pháp khó tin này, thật là điều rất khó!”

Đức Thế Tôn trí huệ nhiệm mầu, mà đã nói những lời ấy, thì biết pháp Tịnh Độ thật khó tin, và lòng tin là điều rất quan hệ! Nhiều vị cổ đức cũng bảo: “Pháp môn Tịnh Độ rất khó thâm tín, duy hạng phàm phu đã gieo căn lành niệm Phật và bậc Đăng Địa Bồ Tát mới tin nhận được mà thôi. Ngoài ra những chúng sanh khác cho đến hàng Nhị Thừa hoặc quyền vị Bồ Tát đôi khi cũng không tin nhận pháp môn này.” Khi xem những lời như trên, ban sơ bút giả cũng lấy làm lạ tự hỏi: “Tại sao đệ tử Phật lại không tin lời của Phật? Hàng Nhị Thừa và quyền vị Bồ Tát trí huệ siêu việt, chỗ tu chứng đã cao, sao lại không tin pháp môn Tịnh Độ?” Nhưng về sau, khi thấy trong hàng xuất gia có những vị giảng giáo lý tinh thông, song lại không tin có cõi Cực Lạc và bài bác sự niệm Phật vãng sanh, chừng đó mới công nhận lời kia là đúng. Nhân đây lại tìm trong kinh, thấy nói đạo nhãn của bậc A La Hán và Bích Chi Phật chỉ ở trong phạm vi tam thiên đại thiên thế giới, gồm một ngàn triệu thái dương hệ. Mà môn Tịnh Độ thuộc về giới ngoại đại pháp, cõi Cực Lạc ở ngoài đại thiên thế giới, như vậy làm sao hàng cực quả Nhị Thừa có thể thấy biết tin nhận được? Còn hàng quyền vị Bồ Tát chưa chứng vào cảnh giới đại phương đẳng, chưa thấy được mười phương Tịnh Độ, nên có vị không tin nhận lẽ dĩ nhiên.

* Điểm căn yếu của môn Niệm Phật là: Tín, Nguyện, Hạnh. Ba điều này tương quan với nhau như cái đảnh có ba chân, thiếu một tất phải sụp đổ. Trong đây tín lại là nền tảng, nếu thiếu nhu yếu này, thì không thể khởi sanh Nguyện và phát động Hạnh tu trì cho thiết thật. Riêng về điểm Tín, đại khái có ba điều: Trước tiên, phải tin lời đức Thế Tôn nói, nhận chắc cõi Cực Lạc từ nhơn vật đến cảnh giới đều có thật. Kế đó, phải tin đức A Di Đà không có lời nguyện dối, chúng sanh dù nghiệp nặng, nếu niệm đến danh hiệu Ngài, quyết định sẽ được tiếp dẫn vãng sanh. Thứ ba, phải tin ta niệm Phật, nguyện về cõi Phật, quyết sẽ được thấy Phật được vãng sanh, nhân nào quả ấy không thể sai lạc. Ba điều này chỉ là khái yếu, nếu suy diễn ra rộng, trong ấy gồm có sáu phần: tin mình, tin Phật, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý. Điều thứ nhất bao gồm tin lời Phật và tin sự, lý Tịnh Độ đều có thật. Điều thứ hai bao gồm tin đại nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài. Điều thứ ba bao gồm tin bản tâm mình, nguyện lực mình, và nhân cùng quả của công hạnh niệm Phật. Nhân chắc ba điều vừa nói, mới gọi là tin sâu. Lại tin sâu không phải thuộc lời nói bên ngoài hay ý nghĩa phân biệt mà là sự thể nhận, là tâm trong sạch không còn một điểm nghi ngờ. Cho nên khi xưa ông Vương Trọng Hồi hỏi một vị thiện trí thức: “Làm sao quyết chắc được sanh về Cực Lạc?” Vị ấy đáp: “Chỉ tin nhận sâu, là chắc chắn được vãng sanh.” Ông ghi nhận và ngộ giải lời nói ấy, quả nhiên về sau được toại thành như ý nguyện.

Sự tin sâu có ích lợi là như thế.

Trích từ: Niệm Phật Thập Yếu