Tôi dạy các bạn đồng tu nguyên tắc giảng kinh, cung cấp tài liệu tham khảo cho các bạn, các bạn chỉ cần lấy một phần mười thì đủ rồi, chín phần còn lại phải chịu buông bỏ, nếu bạn xem câu nào cũng hay, câu nào cũng không chịu bỏ bớt, như vậy thì chuyện phiền phức của bạn rất lớn! Cho nên phải mạnh dạn buông xuống. Ngay cả Phật pháp cũng phải buông xuống, huống hồ là phi pháp? Phải hiểu nguyên lý này! Trong biển cả Phật pháp, chúng ta không có biện pháp gì nuốt hết trong một ngụm, nếu muốn thành tựu trong Phật pháp chỉ có cách múc một giọt nước trong biển cả mà thôi, [nghĩa là] vô lượng pháp môn chỉ chọn lấy một pháp môn, vô lượng kinh luận chỉ chọn lấy một bộ kinh luận mà thôi; thông [hiểu] một kinh rồi thì hết thảy kinh luận đều thông suốt, pháp thế gian và xuất thế gian cũng thông suốt, nếu bạn hỏi tại sao đều thông suốt? Ðó là vì Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác.
Nếu trên một bộ kinh này bạn không đạt được Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, thì bạn chẳng thông [suốt], tiêu chuẩn của sự ‘thông’ là ở đây. Vì vậy mới biết nếu bạn hiểu sơ sơ rất nhiều pháp môn mà muốn đạt được Thanh tịnh, Bình đẳng thì rất khó. Khó vô cùng! Vả lại những gì bạn học được đều biến thành thế trí biện thông (tri thức thế gian). Tại sao vậy? Tại vì bạn có phân biệt, có vọng tưởng, có chấp trước; mục đích của Phật pháp là không ngoài việc đoạn diệt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu bạn hiểu được đạo lý này rồi thì bạn mới hiểu được lòng từ bi của giáo giới của lão sư (thầy), họ thiệt là muốn cho chúng ta thành tựu, mà không phải là dạy sai. Nếu thầy dạy bạn cái gì cũng học, cái này cũng tốt, cái kia cũng tốt, muốn bạn học rộng nghe nhiều, thế thì vị thầy này có hai trường hợp: một là ma, sợ bạn thành tựu, cố ý hại bạn, làm vậy để bạn không thể thành tựu ngay trong đời này; còn trường hợp thứ nhì là vô tri, bản thân của họ cũng không biết, nên dạy sai cho bạn. Nếu đích thật là thiện tri thức thì họ sẽ không dạy bạn như vậy, nếu bạn chịu tiếp nhận, họ nhất định sẽ dạy dỗ bạn, sẽ không dạy sai, đó mới thực sự là thiện tri thức.
Cho nên đặt ra câu hỏi: Phật pháp truy cầu những gì? Truy cầu Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác. Bạn suy nghĩ xem tu học một pháp môn, một bộ kinh thì dễ đạt được Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác hoặc là tu rất nhiều pháp môn, rất nhiều kinh luận dễ đạt được? Chúng ta đều có những kinh nghiệm này, các bạn trong ba tháng ngắn ngủi ở đây, những thể nghiệm trong ba tháng vừa qua đều nói lên [và chứng minh] điều này. Trước kia các bạn học bốn năm trong Phật Học Viện, môn gì trong chương trình học cũng có, ngũ hoa bát môn, hồi tưởng lại kinh nghiệm học trong bốn năm so sánh với đi sâu vào một môn trong ba tháng tại đây thì sẽ biết ngay. Trong ba tháng học một môn có được một chút thành tựu, một chút tâm đắc hay là trong bốn năm trước học nhiều môn có tâm đắc, có thọ dụng? So sánh hai thứ thì liền rõ ràng minh bạch. Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ đấy! Kinh Kim Cang nói: ‘Lòng tin thanh tịnh, ắt sanh Thật Tướng’. Thật Tướng tức là Chánh Giác. Tâm thanh tịnh thì Thật Tướng Bát Nhã sẽ hiện tiền!
Do đó có thể biết buông xuống (buông xả) là một phương pháp vô cùng quan trọng. Chư Phật, Bồ Tát không có bản lãnh gì khác ngoài buông xuống; người thế gian buông xuống không nổi, quý Ngài đều có thể buông xuống hết, bản lãnh của quý Ngài là ở chỗ này. Buông xuống Kiến Tư phiền não tức là buông xuống lục đạo luân hồi; buông xuống tham, sân, si, mạn tức là buông xuống tam ác đạo. [Nếu tôi] nói ‘Buông xuống tam ác đạo’, [thì bạn nói] ‘Ðược, tôi sẽ buông xuống’. Còn nói: ‘Buông xuống tham, sân, si’ thì bạn nhăn nhó mặt mày, cảm thấy rất khó. Bạn không biết tam ác đạo từ đâu đến sao? Nghiệp nhân của tam ác đạo tức là tham, sân, si đấy! Trên ‘quả’ chúng ta không có biện pháp buông xả được, thì phải buông xả từ ‘nhân’, ‘nhân’ buông xuống được rồi thì ‘quả’ sẽ không còn nữa. Thế nên buông xuống Kiến Tư phiền não thì buông xả được lục đạo, lục đạo sẽ không còn nữa; buông xuống Trần Sa, Vô Minh thì thập pháp giới sẽ không còn nữa. Chư Phật, Bồ Tát tu những gì? Quý Ngài tu ‘Nhìn thấu, Buông xả’ đấy!