Home > Khai Thị Niệm Phật
Học Phật Tức Là Học Làm Người
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Học Phật tức là học làm người, học làm một người tốt, học làm một người minh bạch. Nhà Nho nói: “Đạt đến mức tốt lành tột bậc”, Phật pháp đích thật đã làm câu này được viên mãn. Chí thiện là thiện đến mức cùng cực, đạt đến cứu cánh viên mãn. Nhà Nho và nhà Phật đều có phương pháp đạt đến chí thiện, cơ sở của phương pháp này có thể nói là hoàn toàn tương đồng. Nhà Nho dạy học trước hết đề ra ‘Tam Cương, Bát Mục’. Nhà Phật dạy học trước hết đề ra ‘Tứ Hoằng, Lục Ðộ’, tinh thần và nội dung của hai thứ này rất giống nhau. Thế nên tư tưởng, kiến giải, giáo học, hành trì của Khổng Lão phu tử và Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng hẹn mà hợp với nhau, đúng là ‘Cái nhìn của anh hùng đại lược giống nhau’.

Việc đầu tiên trong sự tu học là phải phát nguyện, nhà Nho nói phải lập chí, lập chí làm thánh hiền, làm đại sự, chẳng phải lập chí làm quan phát tài, hưởng vinh hoa phú quý. Ðại sự là gì? Nhà Phật nói: ‘Tử sanh đại sự’, câu này nói rõ ý nghĩa của đại sự. Trong Phật pháp, đại sự nhân duyên nói đến chỗ cứu cánh viên mãn tức là phổ độ chúng sanh và cũng là nguyện thứ nhất trong Tứ hoằng thệ nguyện: ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’. Ðộ là ví dụ, độ qua biển khổ sanh tử, độ qua lục đạo luân hồi, đây mới là đại sự.

Vô lượng kiếp đến nay chúng sanh kẹt mãi trong sanh tử luân hồi đời này sang kiếp khác, vĩnh viễn chẳng thể thoát ly; trong kinh gọi chúng sanh trong lục đạo là ‘người đáng thương xót’. Tình trạng trong lục đạo chỉ có Phật, Bồ Tát mới rõ ràng, phàm phu mê trong đó và chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật này tức là chân tướng của sanh tử và chân tướng của đời sống chúng ta.

Ðức Phật nói khi chúng ta ở trong luân hồi thì nhất định thời gian trong ba ác đạo dài, thời gian trong ba thiện đạo ngắn. Thọ mạng dài nhất trong tam thiện đạo là cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ở trời Vô Sắc Giới, thọ mạng là tám vạn đại kiếp; một đại kiếp bằng thời gian thế giới chúng ta trải qua ‘thành trụ hoại không’ một lần, tám vạn đại kiếp là thời gian thế giới chúng ta thành, trụ, hoại, không tám vạn lần, họ có thọ mạng dài như vậy. Thời gian dài trong ác đạo càng dễ sợ hơn. Kinh Ðịa Tạng dạy: ‘Thọ mạng trong địa ngục là vô số kiếp’. Cho dù là trong cõi súc sanh tuy thọ mạng chẳng dài nhưng súc sanh ngu si, kiên cố chấp trước thân hình này là của mình cho nên rất khó thoát ra. Lúc Thế Tôn còn tại thế, tại Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên có một ổ kiến, Thế Tôn nói với đệ tử: ‘Ðã trải qua bảy vị Phật rồi, cả ổ kiến này cũng chưa thoát thân làm kiến, đời đời kiếp kiếp cứ làm kiến hoài’. Thời gian này dài hơn thọ mạng của Phi Phi Tướng Xứ Thiên quá nhiều, quá nhiều!

Cho nên Phật, Bồ Tát thường nhắc nhở chúng ta, cảnh cáo chúng ta, tam ác đạo tuyệt đối chẳng thể đi vào, đọa tam ác đạo rất dễ dàng, thoát ly tam ác đạo thì quá khó. Tuy Phật, Bồ Tát từ bi ứng hóa trong ác đạo độ chúng sanh, nhưng ác đạo chúng sanh ngu si đến cùng cực, còn thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nặng nề, so với độ người còn khó gấp nhiều lần. Tuy vậy nhưng Phật, Bồ Tát cũng chẳng buông bỏ, các Ngài thực sự là từ bi đến cùng cực.

Trong lục đạo chúng sanh dễ độ nhất là loài người, thế nên Bồ Tát thị hiện thành Phật cũng ở tại cõi người. Nguyên nhân là gì? Phật, Bồ Tát thị hiện ở chỗ nào là do cảm ứng đạo giao với chúng sanh nơi đó, chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát liền có ứng. Do đó mới biết cõi người có sức cảm ứng rất lớn với chư Phật, Bồ Tát, thế nên quý Ngài ứng hóa trong cõi người, thị hiện làm Phật, làm Bồ Tát, đây là chân lý.

Ðời này chúng ta có thể sanh vào cõi người, cơ hội này vô cùng hiếm hoi và quý báu, quý ở chỗ cõi người dễ giác ngộ, dễ được độ, cho nên chúng ta nhất định phải nắm vững cơ duyên. Vả lại cơ duyên này chẳng lâu dài vì thọ mạng của cõi người rất ngắn, cho dù sống đến một trăm tuổi thì cũng như búng ngón tay, một sát na ngắn ngủi mà thôi. Thọ mạng ngắn nói lên cơ duyên này đặc biệt quý báu, vì vậy được thân người nếu chẳng nghe được Phật pháp thì rất đáng tiếc. Số người được thân người nhưng chẳng có cơ duyên nghe Phật pháp đích thật là chiếm đại đa số. Trong thời đại hiện nay Phật pháp nương vào khoa học kỹ thuật phổ biến truyền đến khắp thế giới, bất luận là tin hay không, chỉ vì ‘một phen lọt vào tai, vĩnh viễn là hạt giống đạo’, đây là người thế gian có phước. Nếu ở trong đời này thiệt có thể thoát ly lục đạo luân hồi thì là thực sự thành tựu. Ngược lại đời này chẳng thể thoát ly lục đạo, đời sau không cách chi tránh khỏi luân hồi như cũ; một khi đã luân hồi thì chẳng biết phải trôi lăn đến kiếp nào mới có thể gặp được Phật pháp. Nhất định chẳng thể đời nào cũng gặp được Phật pháp, nếu đời nào cũng được gặp thì chúng ta đã thành Phật sớm rồi, bởi vậy mới biết việc này chẳng dễ.

Gặp được Phật pháp mọi người đều hy vọng ngay trong đời này được thành tựu, chuyện này cũng chẳng phải khó, đích thực mỗi người đều có thể làm được, mấu chốt là ở chỗ giác ngộ. Biết được khuyết điểm của mình chính là giác ngộ; sửa khuyết điểm cho đúng trở lại là tu hành. Nếu chẳng biết khuyết điểm của mình thì không biết bắt đầu sửa đổi từ đâu. Nhưng một người biết được khuyết điểm của mình rất khó, ai cũng tưởng là mình đúng hoàn toàn. Lý do phàm phu vẫn cứ là phàm phu vì họ chẳng biết lỗi lầm của mình, cứ cho rằng mình đúng. Bồ Tát khác với phàm phu là vì Bồ Tát chẳng có quan niệm mình đúng, chỉ biết rằng lỗi lầm của mình quá nhiều, mỗi ngày đều phản tỉnh, ngày ngày đều sửa lỗi, đây là người giác ngộ. Người mê thì cứ tưởng là mình đúng, cho dù phản tỉnh thì cũng nghĩ mình chẳng có lỗi, lỗi đều ở nơi người khác. Nhưng họ chẳng biết khi thấy lỗi người khác thì chính là lỗi của mình; khi nào chẳng thấy lỗi của người khác thì lỗi của mình cũng chẳng còn.

Huệ Năng đại sư dạy: ‘Nếu là người tu đạo chân thật chẳng thấy lỗi thế gian’. Nhìn thấy người khác có lỗi tức là phiền não tập khí của mình hiện ra. Bên ngoài là duyên, duyên giúp cho phiền não tập khí của mình khởi lên, đây là lỗi lầm lớn. Cho nên người biết tu hành, hết thảy ngoại duyên đều là thiện tri thức, gặp người thiện, chuyện thiện thì có thể học tập, gặp người ác, chuyện ác giúp mình phản tỉnh sửa lỗi lầm, thuận hay nghịch đều là thiện tri thức. Trong lúc phản tỉnh ‘có lỗi thì sửa, không thì nhắc nhở để đừng phạm’, lý do Bồ Tát tu hành có thể thành Phật là ở tại điểm này.

Nếu chẳng hiểu đạo lý và chân tướng sự thật, học Phật mà chẳng thực sự thay đổi trên tâm địa, tức là học Phật nhưng vẫn tạo tội nghiệp y như cũ thì đúng như lời người xưa nói ‘Trước cửa địa ngục có nhiều Tăng sĩ’. Chữ Tăng này không nhất định chỉ người xuất gia, người tại gia cũng bao gồm trong đó; Tăng là đoàn thể, bất luận là xuất gia hay tại gia, đoàn thể học Phật đều xưng là Tăng đoàn.

Hiện nay tu học pháp môn Niệm Phật có thể giúp chúng ta đoạn phiền não, tăng trưởng trí huệ, thoát ly sanh tử luân hồi, viên thành Phật đạo. Trong vô lượng pháp môn đây là pháp môn hy hữu thù thắng hạng nhất, chẳng dễ gì gặp được. Ðặc biệt là đạo tràng có tổ chức tu tập chung như vầy chẳng phải do sức người tạo nên, mà là do chư Phật, Bồ Tát gia trì nên đạo tràng có chư Phật hộ niệm, Long thiên ủng hộ. Mọi người ở trong đạo tràng này tu học phải đặc biệt trân trọng cái nhân duyên hiếm có, khó gặp này, phải hết lòng nỗ lực, nhất định nội trong một đời này viên mãn thành tựu.