Con người ở đời, gặp cảnh thuận thì lòng vui thích an ổn, gặp cảnh nghịch thì tâm tư ưu sầu muộn chẳng yên. Song mà, thuận chưa phải là hạnh phúc, nghịch chưa phải là bất hạnh. Nếu ham mê sự thuận lợi thì chẳng phát sinh tâm xuất thế, buồn bã không đắc chí, sau đó mới chán nản sự ràng buộc của cõi đời mà mong cầu giải thoát.
Thế nên, muôn điều đau khổ qua lại ở trước mắt, chỉ dùng trí tuệ chân chính quan sát:
Khổ từ đâu phát sinh? Từ thân phát sinh.
Thân từ đâu phát sinh? Từ nghiệp phát sinh.
Nghiệp từ đâu phát sinh? Từ mê lầm phát sinh.
Do mê lầm mà tạo nghiệp, do nghiệp mà thành thân, do có thân mà chịu khổ. Chỉ cần phá trừ mê lầm thì tất cả đều rỗng lặng. Dám hỏi phương pháp để phá trừ mê lầm? Chỉ cần ở nơi câu thoại đầu mà mình tham cứu, thể hội “người niệm Phật là ai?”. Tiêu tan mối nghi này thì mọi sự mê lầm đều phá vỡ. Nên xét kỹ điều ấy chớ lơ là!
Phải tin, muôn việc đều là nhân duyên đời trước. Không chỉ những việc thuận nghịch, cùng đường, thông thoát, cho đến sự sinh tử đều ném hết xuống biển cả, đừng sinh khởi lo sợ. Thâu nhiếp thân tâm, nhìn lại câu thoại đầu mà mình tham cứu. Nên nhớ kỹ đừng quên!
* Niệm Phật không chỉ thấy rõ tâm tánh mà còn trị lành các bệnh. Nếu có người khuyên làm đạo thuật thì không cần tin theo, e mất sự thấy biết chân chánh. Thế nên, tôi đặc biệt nói rõ việc này trước. Thân bệnh đến thế cũng rất nguy, nên đem những điều muốn nói, muốn làm viết hết ra giao cho chồng và cha mẹ, để cho trong lòng không vướng bận, nhất tâm chánh niệm. Nếu thường ngày tin được pháp môn niệm Phật thì có thể dùng mắt tâm soi sáng bên trong, bốn chữ A-di-đà Phật rõ ràng sáng tỏ không gián đoạn. Dù cho hôm nay hoặc ngày mai ra đi cũng được. Hay là không đi, sống đến một trăm hai mươi tuổi cũng được. Đây là lời nói khẩn yếu.
Trích từ: Tịnh Độ Vựng Ngữ