Đức Phật mở ra pháp môn Niệm Phật là chỉ mong hết thảy chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ ngay trong một đời này. Nếu Như Lai không mở ra pháp này thì chúng sanh đời Mạt pháp chẳng ai có thể liễu sanh tử.
Phải biết Phật pháp có vô lượng pháp môn, nếu nghiệp lực phàm phu muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, ngoài pháp môn ‘tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương’ đức Phật cũng không nói ra được pháp môn thứ hai nào cả.
Người ở ngoài cuộc phần đông là cầu khai ngộ, cầu được các thứ cảnh giới mà chẳng chú trọng quyết định cầu sanh [Tịnh độ], đó gọi là ‘bỏ gốc chạy theo ngọn’.
Nếu có ý niệm mong cầu sanh cõi trời, cõi người thì Tây phương sẽ chẳng có phần của mình. Vì tâm sanh tử quá quen thuộc, một sức lực bé tí có thể chống cự nổi sức mạnh ngàn cân của sanh tử sao?
Nếu không cầu sanh Tây phương, chỉ cầu tiêu tai và cầu chẳng mất thân người; làm vậy cũng giống như dùng một hạt châu Ma ni vô giá để đổi lấy cục kẹo. Người ấy là kẻ ngu si, đáng thương, hoàn toàn chẳng biết tốt xấu!
Pháp niệm Phật này là một đại pháp môn để đức Phật phổ độ hết thảy chúng sanh. Khi gặp nguy hiểm, niệm Phật gặp hung liền được hóa kiết. Niệm Phật lúc vô sự có thể tiêu tai, tăng phước. Nhưng nhất định phải cầu sanh Tây phương mới là lợi ích to lớn rốt ráo.
Niệm Phật nếu không cầu sanh Tây phương, dù sanh đến cõi trời Phi Phi Tưởng tôn quý nhất, đến khi phước trời hết vẫn phải luân hồi vào lục đạo trở lại. Nếu chí thành khẩn thiết niệm Phật, dù sắp đọa địa ngục A Tỳ cũng có thể nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương.
Ngày nay hạo kiếp trước mắt, mọi người đều nên nỗ lực niệm Phật cầu sanh Tây phương, chứ đừng cầu phước báo nhân thiên đời sau. Dù được phước báo cũng chỉ là tạm thời. Phước lớn sẽ tạo nghiệp lớn, đã tạo nghiệp lớn ắt chịu khổ lớn. Nếu sanh tây phương, sẽ vĩnh viễn xa lìa các thứ khổ, chỉ thọ các niềm vui.
Nếu có một niệm cầu phước báo trời người trong đời sau, dù có tu trì tinh thuần cũng gọi là ‘trái nghịch lời Phật dạy’. Tuy có trồng thiện căn, nhưng liễu sanh thoát tử sẽ xảy ra vào năm con lừa, đáng thương biết mấy!
Phật dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây phương là nhằm cho chúng ta liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Nếu mong cầu phước báo trời người đời sau chính là trái nghịch lời Phật dạy. Như đem một hạt châu báu vô giá để đổi lấy một viên kẹo, có đáng tiếc không? Người ngu niệm Phật chẳng cầu sanh Tây phương mà cầu phước báo trời người đời sau chẳng khác gì ví dụ hạt châu vô giá trên.
Pháp môn Tịnh Độ, dùng chân tín thiết nguyện niệm Phật, quyết định cầu sanh Tây phương làm tông chỉ. Nếu người niệm Phật chẳng nguyện cầu sanh Tây phương tức là trái nghịch lời Phật dạy. Ví như vương tử ở nhờ nước khác, chẳng tin chính mình là vương tử, chỉ nguyện cả đời khất thực, chẳng đến nổi chết đói bèn mãn nguyện. Tri kiến thấp hèn đó có thể làm cho người ta không thương xót hay sao?
Phải khởi lòng tin, phát nguyện, cầu sanh Tây phương, ngàn vạn lần chẳng thể cầu phước báo đời sau. Nếu cầu phước báo đời sau chính là phá giới, trái nghịch pháp! Vì pháp môn niệm Phật là pháp môn dạy người cầu sanh Tây phương. Quý vị đã niệm Phật mà chẳng cầu sanh Tây phương, lại cầu phước đời sau là đã chẳng tuân theo lời Phật dạy. Đó là pháp mà Phật dạy người ta phải tuân theo, quý vị chẳng chịu tuân theo, do đó [quý vị đã] ‘phá giới, tráì nghịch pháp’.
Muốn sanh Tịnh độ trước tiên phải nhận thức rõ ràng tông chỉ. Sự tu trì phổ thông chẳng có ai chẳng muốn khai ngộ. Nhưng chuyện khai ngộ không phải là chuyện dễ. Nếu biết tông chỉ của Tịnh độ, tuyệt chẳng dự định kỳ hạn khai ngộ. Nếu không chú trọng tín nguyện, dù khai ngộ vẫn khó liễu thoát. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, chẳng khai ngộ cũng có thể vãng sanh.
Thật sự có thể niệm Phật, chẳng cầu phước báo thế gian nhưng tự nhiên được phước báo thế gian (như trường thọ, chẳng bịnh, gia tộc thanh thái, con cháu phát đạt, các duyên như ý, vạn sự cát tường…) Nếu cầu phước báo thế gian, không chịu hồi hướng vãng sanh, phước báo thế gian có được sẽ lại thấp hèn. Còn tâm không chuyên nhất thì khó quyết định vãng sanh được!
Phải nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định cầu vãng sanh Tây phương. Đừng nói là chẳng mong cầu thân người hèn hạ tầm thường, dù cho thân vua cõi trời người, và thân người xuất gia cao tăng, nghe một hiểu ngàn, được đại tổng trì, đại hoằng pháp hóa, rộng độ chúng sanh, đều coi như sự độc hại, tội ác to lớn, tuyệt chẳng sanh một niệm muốn thọ thân ấy. Quyết tâm như vậy thì tín nguyện hạnh ấy của chính mình mới có thể cảm được Phật. Thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ, cảm ứng đạo giao, mong Phật tiếp dẫn, thẳng lên chín phẩm, vĩnh viễn thoát lìa luân hồi.
Pháp môn Tịnh Độ chú trọng ở Tín và Nguyện. Người chẳng biết chỉ cầu phước báo nhân thiên, hoặc cầu đời sau làm Tăng, hoằng dương Phật pháp, độ thoát chúng sanh. Phải bỏ hết những tâm niệm như vậy, nếu còn mảy may nào bèn chẳng thể vãng sanh. Một khi vãng sanh bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu không vãng sanh, dù cho một đời hoặc hai đời không mê, tuyệt đối khó được vĩnh viễn không mê. Khi mê thì do phước tu trì sẽ tạo nghiệp [to lớn], rất đáng sợ. Đã tạo ác nghiệp thì ác báo tự nhiên tới tấp, cầu mong thoát khỏi tam đồ sợ là chẳng bao giờ được.
Một pháp Niệm Phật quan trọng ở chỗ phải có chân tín, thiết nguyện. Có chân tín thiết nguyện, dù chưa được nhất tâm bất loạn, cũng có thể nương vào từ lực của Phật đới nghiệp vãng sanh. Nếu chẳng có tín nguyện dù cho tâm không vọng niệm thì cũng chỉ là phước báo nhân thiên.Vì chẳng tương ứng với Phật, cho nên phải chú trọng nơi tín nguyện cầu sanh Tây phương.
Chỉ biết niệm mà chẳng sanh khởi tín tâm, phát nguyện, dù được nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu có đủ chân tín thiết nguyện, tuy chưa tới nhất tâm bất loạn cũng có thể nương vào từ lực của Phật mà vãng sanh.
Dù có thể chấp trì danh hiệu, nhưng vì không cầu thoát ly, bèn thành nhân quả trời người, thọ hưởng si phước. Do phước tạo nghiệp nên sẽ chìm đắm trong ác đạo.
Những đoạn pháp ngữ nêu trên được trích lục từ Ấn Quang pháp sư Văn Sao. Mỗi chữ trong lời khai thị của Ấn Tổ đều là bến bờ trong đời Mạt pháp. Lời nào cũng là tấm gương quý báu cho [người tu] Liên tông. Lão nhân gia tự khiêm tốn và nói
“Văn sao của Ấn Quang, lời văn tuy chất phát, mộc mạc, những gì nói trong đó đều là lời của Phật, Tổ, chẳng qua là lấy những ý đó [của Phật, Tổ] rồi tùy cơ nghi mà nói, chứ đâu phải do Ấn Quang tự ý bịa chuyện? Ấn Quang chỉ chuyển đạt lời nói làm cho kẻ sơ cơ dễ hiểu. Tuy vì sơ cơ, nhưng nếu làm đến cùng cực thì cũng không thể bỏ những điều ấy mà tu cách khác. Vì một pháp Tịnh Độ là pháp triệt trên thấu dưới”. “Học thức của Ấn Quang nông cạn, chẳng phát huy gì to lớn, nhưng nếu có thể làm theo đó (chỉ lời dạy trong Văn Sao), quyết định có ích chứ không tổn hại. Chắc chắn có thể liễu sanh tử ngay trong đời này, sau khi vãng sanh được hầu một bên đức Phật Di Đà.”
Ấn Quang đại sư có một đoạn khai thị kinh điển như sau, chúng ta nên ghi nhớ:
“Đức Phật chỉ muốn chúng sanh siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nhưng căn cơ của chúng sanh chẳng đồng, tâm nguyện mỗi người khác nhau. Có chúng sanh cầu phước, cầu thọ, cầu tài, cầu con…, chỉ cần dùng tâm thành mà cầu, có cầu ắt ứng. Đó tuy là pháp thế gian, nhưng tiếp dẫn hạ căn, dần dần trồng thiện căn đều được mãn nguyện. Nếu luận theo bổn ý của Phật, đức Phật chỉ muốn chúng sanh nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, nương nhờ từ lực của Phật lâm chung tiếp dẫn vãng sanh Tây phương. Khi được vãng sanh bèn thoát nỗi khổ luân hồi trong tam giới. Dần dần tiến tới đến khi thành Phật. Đó mới là thật nghĩa rốt ráo của sự niệm Phật”