Nguyên nhân của bệnh tật gồm ba loại:
Thứ nhất là bệnh về thể chất sinh lý. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng tất cả pháp trong hư không pháp giới thảy đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (tâm hiện, thức biến). Đây là cơ sở, là gốc rễ của Phật pháp. Tất cả chư Phật đều dựa trên cơ sở này mà kiến lập Phật pháp, vì chúng sinh tuyên nói vô lượng vô biên pháp môn. Vì vậy, chân tướng sự thật chính là “y báo chuyển theo chính báo”. Chính báo là tâm thức. Cái có thể biến, có thể hiện là chính báo; thứ biến hiện ra là y báo. Nếu hết thảy y báo đều có thể tùy thuận theo chính báo thì đó được gọi là “tùy thuận sinh thái tự nhiên”, đó là khỏe mạnh nhất, tốt đẹp nhất.
Thân thể con người là một tiểu vũ trụ, mỗi cơ quan, mỗi mao mạch, mỗi tế bào nếu như có thể tùy thuận sinh thái tự nhiên thì sẽ không sinh bệnh. Ngược lại, nếu không thể thuận theo tự nhiên thì sẽ sinh bệnh, đây là nguyên nhân bệnh thuộc về mặt sinh lý thể chất. Cái tự nhiên này chính là tâm tính của chính mình, Phật gọi là “chân tâm ly niệm”, chân tâm không hề có một vọng niệm thì đó chính là tự nhiên. Do đây có thể biết, nếu khởi tâm động niệm là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đã trái ngược với tự nhiên, trái ngược với tâm tính, cho nên đã phá hoại tổ chức của các cơ quan bộ phận, huyết mạch, tế bào của chúng ta. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Vì vậy, tâm càng thanh tịnh thì sẽ ít đau bệnh, nghiệp chướng cũng sẽ giảm nhẹ. Tất cả phiền não đều từ vọng tưởng mà sinh ra. Đây không những là nguồn gốc của bệnh khổ mà còn là nguyên nhân của sinh tử luân hồi trong lục đạo. Chúng ta hiểu rõ được đạo lý này thì cần phải tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, quay trở về với tự nhiên, trở về với pháp tính/tánh.
Quay trở về pháp tính/tánh đó chính là Pháp Thân Bồ-tát, vĩnh viễn không có sinh tử, không có phiền não, không có đau bệnh. Cảnh giới như vậy chính là pháp giới Nhất Chân, là thế giới Hoa Tạng, là thế giới Cực Lạc, cùng với báo độ của chư Phật Bồ-tát đều như nhau. Chúng sinh đã mê mất tự tính/tánh, trái ngược lại với tự nhiên cho nên mới gặp phải muôn trùng khổ nạn. Người thật sự có chí khí, có trí huệ thì sẽ truy tìm nguyên nhân của khổ nạn rồi tiêu trừ chúng đi, do đó sẽ khôi phục lại trường thọ, khỏe mạnh và hạnh phúc, thậm chí còn đạt được “vô lượng thọ” mà trong Kinh Vô Lượng Thọ nói đến. Vô lượng thọ là thứ mà mỗi người đều vốn có, nhưng bởi vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới biến thành sinh tử luân hồi, tạo thành các loại tướng xấu.
Thứ hai, bệnh do oan nghiệp, chính là oan gia trái chủ theo thân. Từ Bi Tam-muội Thủy Sám chính là ví dụ rõ ràng nhất, ghi chép về công án của Quốc sư Ngộ Đạt thời Đường. Quốc sư Ngộ Đạt là vị cao tăng trong mười đời, công phu tu hành rất tốt, trì giới tinh nghiêm, thiện căn không mất, liên tục mười đời xuất gia tu hành. Đến đời thứ mười, trí huệ, phúc đức đều rất thành tựu, thế nên Ngài được làm thầy của Vua. Trí huệ, phúc đức này không phải có được từ sự tu hành trong một đời mà là tích lũy từ sự tu hành trong rất nhiều đời của Ngài. Nếu như Ngài có thể gặp được pháp môn Tịnh Độ thì đã sớm đến thế giới Cực Lạc làm Phật rồi.
Quốc sư Ngộ Đạt đã tiếp nhận chiếc ghế trầm hương (dùng gỗ trầm hương mà khắc chạm thành chiếc ghế Quốc sư) do hoàng đế cúng dường, vì thế mà sinh tâm hoan hỷ (tâm hoan hỷ là phiền não, thuộc về thất tình ngũ dục (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn. Vừa khởi niệm vui mừng thì thần Hộ Pháp liền rời khỏi, oan gia trái chủ tìm đến thân, Ngài bị ghẻ mặt người, khổ không lời nào diễn tả nổi. Hoàng đế đã tìm thầy thuốc giỏi nhất chữa trị cho Ngài nhưng vẫn không chữa được. Nhiều đời nhiều kiếp Ngài chân thật dụng công, chỉ vì tiếp nhận sự cúng dường ở đời này rồi tâm sinh vui thích, nên phiền não liền hiện tiền. Thế nên, đức Phật dặn dò đệ tử xuất gia phải “lấy khổ làm thầy” thật vô cùng có đạo lý. Rất nhiều người tu hành khi tiếp nhận sự cúng dường thuộc về ngũ dục lục trần của tín đồ thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Do vậy, Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện ra tấm gương ba y một bát, dưới mỗi gốc cây ngủ một đêm, giữa ngày ăn một bữa, tuyệt đối sẽ không thoái chuyển đọa lạc.
Ghẻ mặt người là oan gia trái chủ đời quá khứ của Quốc sư Ngộ Đạt, năm xưa là đồng sự của Ngài, bị Ngài hại chết, nên kết oán hận thâm sâu. Vì Ngài là người tu hành, có thần Hộ Pháp bảo hộ, mặc dù oan gia nhiều đời nhiều kiếp chờ sẵn bên mình nhưng vẫn không thế nào tiếp cận được. Đến kiếp thứ mười, cuối cùng cũng đã có được cơ hội, oan gia liền nhập vào người Ngài. Ngài bị chướng nạn này, Phật Bồ-tát đều biết. Trong Kinh Kim Cang, Phật Thích-ca Mâu-ni đã dặn dò những vị đại Bồ-tát phải thường chăm sóc những tiểu Bồ-tát. Năm xưa, khi Quốc sư Ngộ Đạt còn là tiểu hòa thượng, Ngài đã gặp một người ăn xin bị ghẻ độc, hôi thối khó ngửi, không có người nào chịu lại gần người ăn xin này. Sau khi nhìn thấy, Ngài đã khởi tâm từ bi đến chăm sóc, đồng thời còn dùng miệng hút độc ra. Về sau, bệnh của người ăn xin đã có phần thuyên giảm, liền nói với Ngài: “Tương lai nếu Ngài gặp phải khổ nạn thì hãy đến tìm tôi. Tôi sống trên một ngọn núi ở Tứ Xuyên, trên núi có hai cây tùng”.
Sau khi Quốc sư Ngộ Đạt bị ghẻ mặt người thì đột nhiên nhớ đến lời nói của người ăn xin này, liền đến Tứ Xuyên tìm ông ấy. Theo lời chỉ đường của ông, quả nhiên nhìn thấy hai cây tùng. Ngài đến bên đó cầu khẩn, bỗng nhiên Ngài nhìn thấy một đạo tràng lớn. Người ăn xin bị bệnh trước đây chính là tôn giả Ca-nặc-ca thị hiện, Ngài là một vị đại A-la-hán, đến để thử xem Quốc sư Ngộ Đạt có tâm đạo, tâm từ bi hay không, đồng thời cũng biết rằng tương lai Ngài Ngộ Đạt sẽ bị nạn ghẻ mặt người. Sau đó tôn giả Ca-nặc-ca đã dùng nước Từ Bi Tam-muội rửa ghẻ mặt người, ghẻ mặt người đã mở miệng nói ra nghiệp duyên vào đời quá khứ, Quốc sư Ngộ Đạt lúc đó mới hoàn toàn hiểu rõ. Tôn giả Ca-nặc-ca đã điều giải cho hai người. Sau khi oan gia rời khỏi, bệnh của Quốc sư Ngộ Đạt cũng hết.
Cho nên, người trong thế gian không được kết oán với người khác. Đây là điều vô cùng quan trọng. Người khác hủy báng ta, nhục mạ ta, hãm hại ta, ta hãy cam tâm nhẫn chịu, nhất định không được có một chút ý niệm báo thù nào. Nếu có mảy may ý niệm báo thù thì sẽ oan oan tương báo không bao giờ dứt. Họ ngày nay nhục mạ ta, hãm hại ta, thậm chí là giết hại ta, nhất định là trong đời quá khứ ta đã từng hại họ, nhục mạ họ, cho nên ngày nay họ mới đối xử với ta như thế. Hãy để món nợ này được thanh toán sạch sẽ. Vì vậy, phải có ý nghĩ trả sạch nợ, đời sau nếu gặp lại thì sẽ là bạn tốt, sẽ không còn là oan gia đối đầu nữa. Nhất định không thể có tâm mảy may muốn làm hại người khác, không được có chút hành vi làm hại người khác. Đây chính là tu hành, bạn mới chân thật có phúc.
Không được kết oán với hết thảy chúng sinh, ngay cả với tất cả động vật cũng không được kết oán. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Người chết làm dê, dê chết làm người”, người ăn thịt dê, sau khi người chết thì biến thành dê, dê chết biến thành người, người lại ăn thịt dê, đời đời kiếp kiếp ăn tới ăn lui, oan oan tương báo không bao giờ dứt. Quả báo nhận được không chỉ vừa đủ, mà thường thì sẽ có dư, mỗi kiếp đều sẽ dư ra, đến sau cùng sẽ tạo thành đại kiếp nạn. Trong Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn có một đoạn lớn nói rõ về những nghiệp sát mà Văn Xương Đế Quân đã tạo trong đời quá khứ. Từ một nghiệp sát rất nhỏ mà tích lũy qua mười mấy kiếp đã trở thành nghiệp sát nghiêm trọng, quả báo là ở địa ngục A-tỳ. Đây là nguyên nhân thứ hai của bệnh tật. Nếu như mắc phải loại bệnh này, hãy dùng công đức tu tích từ việc tụng Kinh, niệm Phật mà hồi hướng, đây chính là điều giải [với oan gia]. Họ tiếp nhận rồi thì vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu như họ không chịu tiếp nhận, thì phiền phức vẫn còn.
Thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không thuộc về thể chất sinh lý, cũng không thuộc về oan nghiệp, mà vì chính mình đã tạo ra quá nhiều ác nghiệp. Loại bệnh này uống thuốc chữa trị cũng không hiệu quả. Tụng kinh, bái sám, hồi hướng cũng không có hiệu quả. Chỉ có dùng tâm chân thành sám hối thì mới có thể cứu. Nói một cách khác, cần phải dùng tâm chân thành mà tu pháp sám hối, sửa lỗi tự làm mới, “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, mới có thể tiêu trừ loại bệnh khổ này. Thế nên, hễ có đau bệnh thì ắt có nguyên nhân, đoạn dứt được cái nhân rồi mới khôi phục khỏe mạnh bình thường được.
Trong xã hội hiện nay thường gặp phải ba loại bệnh này, người mắc bệnh nếu như biết được nguyên nhân của căn bệnh, theo lời dạy mà tu hành thì không ai mà không được cứu cả. Những việc này, duy chỉ có Phật pháp mới nói được thấu triệt, viên mãn. Chúng ta học Phật cũng cần phải biết đến việc này. Có thân thể khỏe mạnh, tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì chướng ngại trên đường Bồ-đề sẽ giảm bớt, tu hành chứng quả mới có thể thuận buồm xuôi gió được.