Có người ngu nọ muốn được lòng vua, nên vấn kế người khác, trong số đó có người bầy, muốn được lòng vua, thì cứ xem hành động vua mà bắt chước. Người này nghe vậy quan sát thấy vua hay nháy mắt, liền bắt chước. Vua thấy như vậy nên hỏi « vì sao ông nháy mắt, có bệnh không? Hay bị trúng gío? » Người này thưa « Thần chẳng có bệnh gì, cũng không trúng gío, chỉ bắt chước bệ hạ nháy mắt, để được lòng ngài ». Vua nghe xong nổi giận, bắt chịu đựng mọi thứ hình phạt, rồi đuổi khỏi nước.

Thế nhân cũng vậy, muốn thân cận với bậc Pháp vương, cầu các thiện pháp để tự tăng trưởng, khi được gần rồi, không hiểu ý của Pháp vương đối với chúng sinh, vì hành phương tiện pháp, mà hiện khởi các sai trái. Hoặc nghe các pháp, hoặc thấy văn tự không chính đáng, liền sinh hủy báng, hay nhái theo cái sai đó. Vì lý do này mất hết mọi thiện pháp nơi Phật pháp, phải đọa tam ác đạo, giống như người ngu kia vậy.

Lời Bình:

Phàm muốn thực hiện bất cứ điều gì, cũng cần phải nắm rõ được ba điều, thứ nhất biết điều đó là gì, thứ hai biết nó ở điểm nào, nơi nào và thứ ba biết cách thực hiện. Ví dụ như vua muốn dẹp giặc, trước tiên phải biết giặc là ai, sau đó biết giặc ở nơi nào, và cuối cùng dẹp giặc bằng cách nào. Như người muốn lấy lòng vua, trước nhất phải biết lấy lòng là gì, kế đó lấy lòng ở điểm nào, và sau chót lấy lòng bằng cách nào. Vì nếu không hiểu lấy lòng là gì, thì như người ngu này, lấy lòng sai chỗ và sái cách nên kết quả phản ngược lại điều mong cầu, không những không được lòng vua mà còn làm mất lòng vua nặng nề.

Điều ngu trước tiên là người ngu này căn bản không hiểu rõ lấy lòng là gì, nên khi nghe người khác bầy liền tin theo, dù lời bầy đó không đúng thật với sự lấy lòng. Điều ngu thứ hai là chỉ nghe và làm theo mà không suy nghĩ chín chắn, vì vậy thay vì được lòng lại biến thành mất lòng, đó là do văn rồi tu mà không qua tiến trình tư duy đúng thật, tức tư duy qua ba yếu tố thật, đức và năng. Điều ngu thứ ba là tư duy thiếu thật đức và năng, nên thay vì quan sát cái hay cái đẹp của vua để bắt chước, lại đi học làm cái tật xấu của vua, nên thành tội khi quân nhái vua, cũng chỉ vì từ cái ngu căn bản tức không rõ lấy lòng là gì, nên làm sai chỗ và sai cách, hậu quả thành sai với ý muốn.

Người học đạo có ba xu hướng, thứ nhất là học hỏi giáo lý, thứ hai lễ bái tụng kinh, thứ ba làm công quả, trong cả ba xu hướng này đều có thể đưa đến kết quả tốt hay xấu tùy theo quan niệm hành sử của mỗi người. Tuy nhiên xu hướng có khác nhau, nhưng cứu cánh thì chỉ có một, đó là thành tựu được công đức giải thoát, cho ta và người, như ngài Huệ năng nói, « thuyết tức tuy vạn ban, hợp lý hoàn quy nhất » (nói thì có vạn thứ, nhưng hợp lý thì chỉ về một), hay như cổ đức nói, « phương tiện hữu đa môn, cứu cánh quy nhất lộ » (phương tiện có nhiều môn, cứu cánh chỉ một đường). Như vậy cho dù thích học giáo lý, thích tụng kinh lễ bái hay công quả cũng chỉ nhằm vào mục đích giải thoát, và dĩ nhiên pháp giải thoát có mặt trong mọi sự mọi lý. Như đức Phật tuyên thuyết, « như nước trong biển cả chỉ duy có một vị mặn, đạo ta cũng chỉ duy có vị giải thoát ».

Thứ nhất về mặt học hỏi giáo lý, sau khi nghe pháp, tư duy pháp có đúng thật đức và năng rồi, khi ấy thực hành các pháp sẽ cho ta kết quả rất thật, rất đức và rất năng, ví bằng pháp không đúng thật đức và năng thì không nên thực hành, để tránh bị hậu quả đạt được một kết quả thiếu thật đức và năng. Người học đạo chỉ chú trọng vào nghe (văn), mà không qua tiến trình chính tư duy (thật đức năng), nếu thực hành tất có thể sinh hậu quả thiếu thật đức năng, như người ngu nhái vua vậy. Vì thiếu chính tư duy, sẽ hiểu lầm pháp, như người ngu hiểu lầm lời của người bầy, hơn nữa chỉ văn mà không tư, tất hiểu lầm văn là hiểu, mà không biết tư mới thật là hiểu. Mọi cái hiểu của văn vẫn chỉ là sự hiểu của người thuyết, người nghe chỉ nghe và biết được cái hiểu của người thuyết, khi đó ngộ nhận lấy cái hiểu của người cho là của mình, vì vậy không buồn tìm hiểu nữa. Do đó nên mới biết cái hiểu của nghe, chỉ là một thứ hiểu giả mạo, nó trở thành một thứ hiểu gây chướng ngại cho sự hiểu chân thật, gọi là sở tri chướng.

Những người học đạo bằng văn mà không tư, thường thu thập được nhiều kiến thức của người khác qua đa văn, ngỡ là ta đã có sự hiểu biết to tát về Phật pháp, thế nhưng sự hiểu biết to tát này có vấn đề lớn ở chỗ, nó chỉ hiểu biết to tát những gì nó đã thâu thập được, và nó chẳng có chút hiểu biết tẻo teo nào về những gì nó chưa từng được nghe (giảng dậy). Như vậy kiến thức to tát đó chung quy chỉ là một đống kiến thức vô dụng, khác nào lời phê của Luân biển khi thấy Tề Hoàn công đọc sách thánh hiền, là chẳng khác gì gậm nhấm lại cặn bã của thánh nhân. Sao gọi là cặn bã ? Bởi chẳng dùng được, không dùng được tất là rác rến cặn bã, người đa văn nhưng thiếu tư cũng như vậy, mọi thứ lấy văn làm hiểu tức nghe người thuyết lên cái hiểu của họ, lấy hiểu đó làm hiểu của mình, thứ hiểu này không phải hiểu đúng thật, nên giống như lượm rác của người về chất trong nhà mình, vì những thứ hiểu này không soi sáng cho mình trong các vấn đề khác. Chư vị Tổ sư ngộ đạo tức sau khi nghe pháp được sáng tỏ nhờ vào tư duy chân chính, sức tư duy chân chính này giúp quý ngài soi chiếu hết mọi pháp mà không cần phải nghe pháp nữa. Đó mới thực là hiểu biết. Chỉ có tư mới thực sự đưa đến hiểu biết, văn chỉ là trợ duyên cho tư.

Y vào văn là y cú, y vào tư là y nghĩa. Văn là văn cú, tư là tư nghĩa. Vì vậy Như lai dậy, y nghĩa bất y cú. Nếu chỉ văn bỏ tư tức chỉ y vào văn cú ngôn thuyết mà bỏ qua nghĩa, cũng vì vậy Mạnh tử nói « Tận tín ư thư bất như vô thư » (tín chắc vào sách thì thà đừng có sách).

Thứ hai về mặt lễ bái tụng kinh. Kinh là pháp khế lý và khế cơ, vì vậy kinh là pháp bảo có hai công năng là thượng cầu tức khế lý và hạ hóa tức khế cơ. Phật dùng kinh khế cơ để giúp chúng sinh khế chân lý, chúng sinh nhờ kinh khế cơ khai thị, nên ngộ nhập được chân lý (khế lý). Phật và chúng sinh đều cần đến kinh, nên kinh là pháp bảo phải được duy trì và lưu thông, vì vậy phải trì tụng, giảng thuyết cho kinh được lưu bố khắp nơi không mất. Khi tụng niệm thường tư duy nghĩa lý để thực hành, thì càng tụng càng khế được lý của kinh, tụng kinh như vậy là khế cơ, công phu này đến một lúc nhân duyên thuần thục, hiểu rõ được thực nghĩa của kinh, công đức tự giác giác tha sẽ thành tựu bằng tam đức là pháp thân đức, bát nhã đức và giải thoát đức. Bấy giờ thọ trì một kinh mà liễu được nghĩa của vô lượng kinh, như chư Tổ sư chỉ ngộ một kinh mà liễu được nghĩa vô lượng pháp. Như vậy kinh đó được gọi là liễu nghĩa kinh, như đức Phật dậy « y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh » (y vào kinh liễu nghĩa đừng y vào kinh không liễu nghĩa).

Cùng một bộ kinh, nếu trì tụng đúng cách, công đức năng sinh thành quả tối thượng, bằng như trì tụng sai cách tất hậu quả cũng sai vạn dặm, khi đó kinh thành bất liễu nghĩa. Đa phần tụng kinh chỉ biết khẩu tụng, tâm không tụng do thiếu tư duy, vì vậy tụng kinh lâu năm vẫn không hiểu được nghĩa kinh, chẳng khác gì nhái lời đức Phật như người ngu nhái vua. Nếu lấy công phu tu tập chính yếu là tụng niệm, mà chẳng màng đến tư duy thật nghĩa, thì không những biến liễu nghĩa kinh thành bất liễu nghĩa, mà còn là y cú bất y nghĩa, trái lời Phật dậy. Như Pháp Đạt tụng kinh Pháp hoa lâu ngày không giác ngộ, cho đến khi được ngài Huệ năng khai thị mới hiểu được thật nghĩa của tụng kinh chính là nhận ra thật nghĩa này không chỉ ở trong những trang giấy mà còn ở khắp nơi, không đâu không phải kinh Pháp hoa, và bấy giờ vừa biết tụng kinh giấy (phương tiện) mà còn biết tụng kinh không giấy (cứu cánh).

Thứ ba về mặt công quả. Công quả bao gồm mọi sự, từ làm việc chùa, phóng sinh, bố thí, cúng dường, cho đến từ thiện. Hành mọi công quả đều phổ giai hồi hướng, cho mình và đối tượng chúng sinh đều trọn thành Phật đạo, tức thành tựu thượng cầu, như vậy công quả là hành pháp hạ hóa chúng sinh. Hạ hóa có nghĩa hành mọi pháp bố thí, từ pháp thí, vô úy thí cho đến tài thí đến với nhất thiết chúng sinh để hồi hướng cho ta và người đều trọn thành Phật đạo, thay vì chỉ mượn chúng sinh làm đối tượng cầu phúc cho bản thân. Người biết thực nghĩa công quả tất coi công quả như hình thức tu tập hạ hóa, hành từ bi bố thí nhất thiết cho chúng sinh, để kết duyên lành với Phật và pháp cho ta và người, hầu nhờ nhân duyên này ta và người đều thành Phật đạo. Đa phần người công quả đã không biết thật nghĩa này, chỉ làm công quả kiếm phúc cho ta, mượn chúng sinh làm chỗ mua phúc, nhằm tăng trưởng gia duyên theo chiều thuận với ngũ dục, mà không biết ngũ tổ Hoằng nhẫn nói, « tự tính nhược mê, phúc hà khả cứu » (mê mất tự tính thì phúc nào cứu nổi). Vì vậy khiến công quả thành nhân duyên tìm cầu và tăng trưởng ngũ dục, do đó lục tổ Huệ năng nói, « mê nhân tu phúc bất tu đạo, chỉ ngôn tu phúc tiện thị đạo » (người mê chỉ lo tu phúc, không tu đạo, và cho tu phúc chính là tu đạo).

Học pháp, tụng niệm hay công quả cốt để chứng được thật nghĩa, thật nghĩa này là vô lượng nghĩa, từ thật nghĩa là khế lý, ứng hiện vô lượng nghĩa khế cơ độ hóa chúng sinh. Phàm phu không có chân trí, dùng thức phân biệt thị phi, thuận nghịch theo ngã chấp, nên khởi tâm khen chê, so đo các pháp, hoặc chỉ biết nhái theo một cách không hiểu biết, đều thành nghiệp hủy báng giáo pháp Như lai, như người ngu nhái vua.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Món Nợ Nửa Đồng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Khắc Dấu Tìm Bát
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Lấy Thịt Đền Thịt
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Muốn Cầu Thêm Con
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Lên Lầu Mài Dao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Gấm Bao Áo Rách
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ