Home > Khai Thị Phật Học > Su-Quan-Trong-Cua-Dinh--Hue
Sự Quan Trọng Của Định - Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Mấu chốt của sự học Phật ở tại ‘định’ – ‘huệ’. Kinh Kim Cang dạy: ‘Chẳng chấp vào tướng, như như chẳng động’ . Ðịnh tức là như như chẳng động, huệ tức là chẳng chấp vào tướng. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy Tu Bồ Ðề quan trọng nhất là hai câu này. Chúng ta cũng có thể dùng hai câu này để phản tỉnh, kiểm điểm mình có trí huệ hay chăng, mình có công phu hay chăng.

Nguyên nhân [khiến cho] học Phật chẳng thể thành tựu là vì chẳng có định, chẳng có huệ. Nói cách khác tức là mê hoặc điên đảo, trong kinh thường gọi là ‘người đáng thương xót’. Vì lúc khởi tâm động niệm có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, lúc đối xử với người khác vẫn còn tham, sân, si, mạn, vẫn còn đố kỵ, tạo ra nghiệp nhân của ba ác đạo. Bất luận là tham thiền, học kinh giáo, hay niệm Phật, có những hành vi này thì chẳng có cách chi để thoát ly luân hồi, đích thực là phải ghi nhớ lời dạy của Huệ Năng đại sư: ‘Người tu đạo chân chánh chẳng thấy lỗi người khác’, phải thấy lỗi của mình chứ chẳng thấy lỗi của người thế gian, đây là hai câu quý báu đại sư Huệ Năng dạy cho người đời sau. Nếu chẳng dụng công nơi việc này, đời này cũng sẽ giống như những đời trước, nhất định cũng sẽ luống qua. Tại sao lại luống qua? Vì nhịn chẳng được. Nếu chẳng nhẫn nhịn thì làm sao có định? Lục Ba La Mật cũng giống như đi lên sáu tầng lầu, nếu không lên tầng thứ ba thì chẳng có cách chi lên đến tầng thứ tư, chỉ có bố thí, trì giới, chẳng có nhẫn nhục thì làm sao tu hành thành công được? Cho nên thứ tự tu học Lục Ðộ là có nhẫn nhục, tinh tấn, mới được thiền định, có được định và huệ thì mới thành tựu. Người có định và huệ thì tâm lượng sẽ lớn, và sẽ tương ứng với tự tánh.

Niệm Phật vãng sanh cũng vậy, chẳng đạt đến tầng thứ sáu thì niệm Phật chẳng thể vãng sanh. Ðiều kiện thấp nhất của niệm Phật vãng sanh là công phu thành phiến (thành khối), nếu chẳng có định huệ thì công phu làm sao thành phiến được. Thành phiến nghĩa là thế nào? Lục Tổ nói rất hay: ‘chẳng thấy lỗi của người thế gian’, đây tức là hình dáng của công phu thành phiến. Vẫn còn thấy lỗi thế gian thì nhất định công phu chẳng thành phiến, tại vì trong tâm của bạn vẫn có phân biệt, chấp trước, vẫn còn chướng ngại.

Trong Niệm Phật đường vị sư chủ trì thường nói: ‘Buông xuống thân tâm thế giới’. Nếu bạn buông không nổi thì tâm sẽ chẳng thanh tịnh. Nhìn từ thế gian pháp, nếu mọi người đều có thể thấy lỗi lầm của mình, chẳng thấy lỗi người khác, mọi người trong thế gian sẽ có thể chung sống hòa bình, làm sao thế giới còn đấu tranh nữa! Xã hội nhất định sẽ tốt lành, may mắn, an hòa, thế giới nhất định sẽ đại đồng!

Những gì trong kinh nói đến chẳng phải niệm qua một lần là có công đức đâu, quan trọng là phải làm được những điều ấy, chỉ đọc mà chẳng làm thì không có ích gì cả. Lục Tổ dạy rất hay: ‘Việc lớn sanh tử, phước chẳng thể cứu, phải có định huệ mới có thể cứu; giải ngộ chẳng thể cứu, phải chứng ngộ mới cứu được’. Lúc còn tại thế thầy Lý thường dạy: ‘Người tu hành phải cải tâm’ (cải tâm nghĩa là cải thiện tâm niệm). Sửa đổi tâm rồi, hành vi tự nhiên sẽ thiện. Nếu chỉ sửa đổi trên hành vi, chẳng sửa đổi trong tâm thì chỉ là làm giả bộ bên ngoài, trong tâm vẫn còn vọng tưởng, chấp trước, cũng vẫn y như cũ, chẳng có ích chi, quan trọng là phải sửa đổi trong tâm.