Phật Học Vấn Đáp


Tại sao quy y các thầy ban pháp hiệu theo tông phái? Như vậy thì còn chấp tướng phải không?
Gần đây, tứ chúng học Phật, hễ quy y một vị thầy, ắt mong được ban một pháp hiệu. Pháp hiệu lại còn phải có chữ định cho từng thế hệ trong tông phái . Chữ đặt trong kệ truyền tông phái vốn là theo tông phổ của thế tục. Xưa kia, các vị đệ tử của đức Thích Ca như Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Tu Bạt Đà La v.v... đều chiếu theo tên họ vốn có [để xưng hô], trọn chẳng ban pháp hiệu theo pháp phái. Phật pháp truyền sang phương Đông, thoạt đầu, Tăng Già vẫn dùng tên họ thế tục, về sau, có thể là lấy theo họ của thầy. Đời Tấn, pháp sư Đạo An đề xướng bỏ họ ngoài đời, theo họ Thích của đức Thích Ca. Sư có nói: Do sau bản kinh A Hàm được dịch vào đời Hán, có những câu như: “Bốn con sông đổ vào biển, chẳng còn tên sông nữa” v.v... [từ đấy tăng nhân Trung Quốc] mới thật sự phổ biến thói quen bỏ tên họ gốc (tên họ ngoài đời). Khi ấy, chẳng những chưa có tự phái (kệ truyền thừa của pháp phái) mà giữa thầy và trò, pháp hiệu cũng ưa dùng lại một chữ, như Cao Phong và Trung Phong là theo lệ ấy. Sau thời Triệu Tống (Bắc Tống), các phái đặt kệ truyền pháp rất phổ biến, hai chúng xuất gia cũng không ra ngoài lệ ấy, nên sau khi xuất gia, bỏ họ ngoài đời, lập phổ hệ mới, không khỏi hùa theo thói tục, muốn cho môn hộ, hệ phái chẳng ngày càng suy vi, há có được chăng? Có nên trừ khử tận gốc thói quen hèn tệ thuộc loại vô minh này hay không? (Triệu Siêu hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 50

5/14/2024 11:00:26 AM
Chuyện này xưa kia Ngẫu Ích đại sư đã từng nói tới, nhưng tới nay vẫn chẳng thay đổi. Luận theo phương diện Quyền, đối với ý nghĩa và tông chỉ của kinh luật, trọn chẳng có mâu thuẫn gì. Thuận theo lối xưa, hay theo kiểu hiện thời, dường như chẳng cần chấp nhặt. Hễ chấp thì chỗ nào cũng bị chướng ngại. Nếu cứ ắt phải trở lại lối cổ, há phải chỉ có chuyện này? Ngày nay, chuyện cơm áo, cư trụ của Tăng Già đều trở thành đề tài tranh luận. [Có những người khảo cứu thấy] thời đức Phật chẳng mặc áo hải thanh, thức ăn phải đi xin, chẳng ở trong chùa miếu, trừ những điều này ra, những chuyện vụn vặt còn nhiều hơn nữa, không thể kể xiết! Tôi trộm cho rằng: Đối với phương diện chất lượng, hãy nên nương theo kinh, đối với phương diện ứng dụng, chỉ cần không tổn hại đại thể, thuận theo cõi đời mà diễn biến cũng chẳng trở ngại gì. Còn như nói “do vậy sẽ tạo thành môn hộ”, dường như không phải thảy đều như thế, hoạn quan Mạnh Tử, Mạnh Tử xứ Ngô, Mạnh Tử người đất Trâu[i], tên vốn giống nhau, há có kết thành bè phái ư? Tử Tang Hộ, Mạnh Tử Phản, Tử Cầm Trương[ii], tên họ mỗi người mỗi khác, chẳng trở ngại tâm đầu ý hợp! Lại nghi [cách đặt pháp hiệu theo pháp phái] có phải là thói quen hèn kém do vô minh hay không, cố nhiên đây là một thói quen, nhưng nó chẳng dính dáng gì đến vô minh cả!
 
[i] Nguyên văn “tự nhân Mạnh Tử, Ngô Mạnh Tử, Trâu nhân Mạnh Tử” : Đây là ba nhân vật có cùng chữ Mạnh trong tên họ: Tự nhân Mạnh Tử được nhắc tới trong bài Cảng Bá của thiên Nhĩ Nhã kinh Thi: “Tự nhân Mạnh Tử, vi tác thử thi, phàm bách quân tử, kính nhi thính chi” (hoạn quan Mạnh Tử, làm bài thơ này, quân tử đi qua, kính xin nghe lấy). Theo lệ cổ, người cùng họ không thể lấy nhau, Lỗ Chiêu Công muốn lấy người con gái xứ Ngô làm vợ, nhưng cô ta cũng họ Cơ giống như nhà vua, vua bèn đổi họ cô ta thành Ngô, vì cô là con đầu lòng trong nhà nên vua đặt tên cho cô ta là Ngô Mạnh Tử. Khổng Tử phê phán: “Quân thủ ư Ngô, vị đồng tánh, vị chi Ngô Mạnh Tử, quân nhi tri lễ, thục bất tri lễ” (Vua lấy con gái đất Ngô, vì cô ta cùng họ, bèn gọi cô ta là Ngô Mạnh Tử, vua mà biết lễ thì còn ai mà chẳng biết lễ nữa). Mạnh Tử đất Trâu chính là Mạnh Kha, tự Tử Dư, quê ở Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, là người kế nghiệp Khổng Tử.
[ii] Đây là tên ba nhân vật do Trang Tử đặt ra trong thiên Đại Tông Sư sách Nam Hoa Kinh. Trang Tử viết: “Tử Tang Hộ, Mạnh Tử Phản, Tử Cầm Trương ba người trò chuyện, bảo: ‘Ai có thể lấy vô tâm để kết giao với nhau, giúp nhau mà chẳng lộ dấu vết? Ai có thể vượt khỏi ngoại vật, nhảy vào chỗ vô cùng, quên hết sanh mạng, không biết nơi đâu là cùng tận?’ Ba người nhìn nhau cười, trong bụng cảm thấy rất hợp nhau, bèn kết làm bạn”.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật