Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Muoi-Phuong-Tinh-Do-Va-Dau-Suat-Tinh-Do

Mười Phương Tịnh Độ Và Đâu Suất Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trong mười phương quốc độ, có vô số cõi Phật mầu đẹp tinh sạch trang nghiêm, chẳng hạn như thế giới Tịnh Lưu Ly trong Kinh Dược Sư, thế giới Chúng Hương và Diệu Hỷ trong Kinh Duy Ma Cật. Nhưng tại sao ta không niệm danh hiệu chư Phật để cầu sanh về các Tịnh Độ ở mười phương, lại chỉ phát nguyện sanh về Cực Lạc? - Trong ấy có ba nguyên do:

1. Do sự giới thiệu khuyên dạy của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bảo nên cầu sanh về cõi Cực Lạc. Theo lời cổ đức, thì ngoài sự kiện cõi Cực Lạc có nhiều duyên nhiệm mầu thích hợp cho việc nhiếp hóa căn cơ ở các cõi Uế Độ, đức Bổn Sư không muốn thuyết minh nhiều về những Tịnh Độ khác, sợ e chúng sanh khởi niệm so sánh phân vân, tâm không qui nhứt. Do việc đủ duyên nhiệm mầu để nhiếp hóa, mà không những riêng ở tại cõi Ta Bà, các chúng sanh ở vô số thế giới trong mười phương đều cầu về Cực Lạc.

2. Do đức A Di Đà Thế Tôn có 48 lời thệ rộng lớn trang nghiêm cõi Tịnh Độ, nguyện tiếp dẫn từ bậc Bồ Tát, cho đến hàng phàm phu nhiều tội ác.

3. Do vì chúng sanh ở cõi này có nhân duyên lớn với Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc. Điều minh chứng là khi các Phật tử gặp nhau đều chào mừng bằng câu A Di Đà Phật và lúc bị tai nạn thường niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.

Bởi những lẽ trên, mà cõi Cực Lạc có những điểm ưu thắng để cầu sanh hơn các Tịnh Độ ở mười phương.

- Về Đâu Suất Tịnh Độ, Phương Luân cư sĩ, một vị uyên bác về Phật học đã trình bày ý kiến của ông như sau:

Tại thế giới này, về phương trên có cung trời Đâu Suất nội viện, do đức Di Lặc Bồ Tát làm chủ. Nơi ấy cũng tốt đẹp trang nghiêm, đức Di Lặc hằng thuyết pháp, chư thượng thiện câu hội tu hành, nên gọi là Đâu Suất Tịnh Độ. Trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh và Hạ Sanh, đức Thích Tôn cũng giới thiệu quốc độ ấy rất tinh tường và khuyên nên cầu sanh. Sở dĩ có sự giới thiệu đó, bởi bản ý đức Thích Tôn muốn cho hành giả trước theo Di Lặc Bồ Tát học tập, tương lai lại theo ngài hạ sanh mà được đắc quả trong ba hội Long Hoa. Điều này chính do đức Bổn Sư khuyến tán, nhân đó người tu Phật cũng có nhiều vị cầu về Đâu Suất Tịnh Độ. Hơn nữa, Di Lặc Bồ Tát từng nói luận Du Già Sư Địa, Ngài là thỉ tổ của tông Duy Thức. Thế nên người tu về Duy Thức Tông phần nhiều đều có tâm nguyện cầu sanh Đâu Suất, cho chỗ tu hành tiến đến mức cao thâm. Đối với việc này, người cầu sanh Cực Lạc chỉ có tán thán đức Thích Tôn lòng từ bi vô lượng, khéo mở nhiều phương tiện độ sanh. Lại cũng tán dương những vị cầu về Đâu Suất tâm háo học không chán mỏi, ý nguyện trở xuống cõi trược để hóa độ rất tinh thành. Nhưng Đâu Suất nội viện chưa là cảnh tối thắng, và chẳng phải chỗ thành đạt chắc chắn cho những kẻ căn cơ trung, hạ. Bởi trong ấy có ba sự kiện:

1. Đâu Suất nội viện về y báo chẳng trang nghiêm rộng lớn nhiệm mầu bằng Cực Lạc. Về chánh báo lại cũng kém hơn, vì ở Tây Phương hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, vô lượng bậc Nhứt Sanh Bổ Xứ Bồ Tát giúp thêm phần khuyến tấn dắt dìu. Vả lại ở Cực Lạc dân chúng thọ mạng vô biên, là chỗ nương về tốt đẹp an ổn nhứt.

2. Đức Di Lặc không có bản nguyện tiếp dẫn như Phật A Di Đà sanh về Đâu Suất hoàn toàn nhờ tự lực, sợ e khi lâm chung bịnh khổ hôn mê, không nắm vững kết quả.

3. Đâu Suất nội viện rất khó vãng sanh. Như khi xưa Huyền Giác đại sư giới hạnh trang nghiêm, tham thiền ngộ đạo, thông suốt tam tạng đến chỗ sâu mầu. Khi lâm chung Ngài hội hàng đệ tử lại, làm kệ phó chúc xong, bỗng ngửa mặt lên hư không nói: "Lạ này, ta đã phát nguyện sanh về Đâu Suất nội viện, sao nay lại làm vị thiên chủ ở cung trời Dạ Ma?" Đệ tử thưa hỏi, Ngài bảo: "Chẳng phải việc các ngươi hiểu được." Giây lát lại nói: "Trên trời tân khách thật đông nhiều!" Nói xong liền tịch.

Lại sau khi Phật diệt độ chín trăm năm, ở xứ Thiên Trúc có ba vị Bồ Tát huynh đệ với nhau, là Vô Trước, Thế Thân và Sư Tử Giác, tu môn Nhật Quang Định đồng phát nguyện sanh Đâu Suất nội viện. Ba người cùng ước hẹn, ai sanh lên trước phải xuống báo tin cho hay. Sau Sư Tử Giác mãn phần trước, trải qua ba năm tuyệt vô âm tín. Kế đó ngài Thế Thân viên tịch rồi cũng bặt tin luôn. Hai năm sau vào một buổi chiều tối, ngài Vô Trước đang ngồi giảng kinh, bỗng thấy giữa hư không ánh sáng chói lòa, một vị thiên tử áo mão trang nghiêm hiện xuống, tự xưng mình là Thế Thân, bảo đã được sanh lên Đâu Suất nội viện. Ngài Vô Trước hỏi: "Tại sao đến bây giờ mới cho hay?" Thế Thân đáp: "Em vừa sanh lên, được đức Di Lặc xoa đảnh thuyết pháp, nghe pháp xong đi nhiễu ba vòng rồi xuống đây liền. Bởi thời gian tại Đâu Suất một ngày đêm, ở dưới này đến bốn trăm năm, nên thành ra làm cho anh nhọc lòng chờ đợi." Vô Trước lại hỏi: "Còn Sư Tử Giác ở đâu?" - Đáp: "Trong khi em đi nhiễu, nhìn ra thấy Sư Tử Giác lạc vào ngoại viện, đang say mê theo thiên nhạc."

Như ngài Huyền Giác là bậc cao tăng, ngài Sư Tử Giác là hàng Bồ Tát, mà một vị chỉ lên đến cung trời thứ ba, một vị tuy lên được cung trời thứ tư, nhưng lại lạc vào ngoại viện, bị cảnh ngũ dục thắng diệu làm mê. Những bậc cao minh như thế mà còn không đạt được kết quả sanh về Đâu Suất Tịnh Độ, thì kẻ căn cơ dung thường, tất chưa dễ chiếm phần hy vọng. Nhớ lại khi xưa Bạch Lạc Thiên từng đề thi rằng:

Có người đi biển lại thần châu
Nói thấy cung viên hải đảo mầu
Thật đẹp, tiên đồng tay trỏ bảo:
Sẽ chờ Bạch Lạc bước lên lầu.
Đã mến không môn, chẳng học tiên
Chuyện ni e cũng việc hư truyền
Bồng Lai chẳng phải nơi ta ở
Về chỉ về cung Đâu Suất Thiên.

Bạch Lạc Thiên trước học tiên cầu về Bồng Lai, sau lại bỏ tiên học Phật cầu về Đâu Suất. Đến lúc tuổi già, ông lại niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc. Đây có thể gọi là càng suy gẫm lựa chọn, càng đi đến chỗ tinh vi vậy.
 

Trích từ: Niệm Phật Thập Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về