Phật Học Vấn Đáp


Phật giáo hạn định ngày ăn một bữa, há chẳng phải là ép buộc con người tổn hại thân thể ư?
Đối với chuyện giữa trưa ăn một bữa, tôi đã từng xem lời giải thích trong Phật Học Vấn Đáp, mà cũng từng thỉnh giáo mấy vị pháp sư. Tự nhiên mỗi chuyện đều có lý do, tôi nghĩ chuyện này có mối quan hệ gì với thiện ác. Phong tục Trung Quốc từ xưa là ngày ăn ba bữa, Phật giáo hạn định ngày ăn một bữa, há chẳng phải là ép buộc con người tổn hại thân thể ư? (Trầm Tử Lương hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 44

5/14/2024 10:51:21 AM
Đối với câu hỏi này, ông đã xem lời giải thích, mà cũng đã nghe lời [các pháp sư] giảng giải, chẳng cần kẻ tầm thường phải rườm lời nhắc lại nữa! Chỉ có hai điều ông bắt bẻ “ép người” và “chẳng hợp phong tục từ xưa của Trung Quốc”, dựa vào đó để bài bác. Do tiên sinh nghi nơi ấy, nên tôi liền vâng lời phúc đáp chỗ ấy. Nhà Phật tuy có quy định giữa trưa ăn một bữa, người nào có thể giữ thì tuân thủ, kẻ chẳng thể giữ thì tùy ý. Trọn chẳng phải là mỗi giáo đồ đều phải hành như thế, há có chuyện ép buộc! Dẫu là người đã thọ Bồ Tát đại giới, trong kinh văn dạy về giới luật cũng chỉ hạn định [giữ giới không ăn quá Ngọ] trong sáu ngày. Chỉ có người hiểu lợi ích của việc này, và hiểu rõ lý vệ sinh, phần nhiều tự động giữ quy định ngày ăn một bữa. Đây là [lời đáp cho câu vấn nạn] thứ nhất. Vũ trụ to lớn, Lý Sự muôn mối, có lẽ chẳng nên viện lẽ Trung Quốc có hay không [phong tục ấy] để phân định thiện ác. Trung Quốc thời cổ có chuyện giết người tuẫn táng, nay có nên vâng theo hay chăng? Huống chi, [cổ nhân] coi ăn một bữa là quý, Trung Quốc thời cổ có lệ ăn như thế. Theo thiên Lễ Khí trong sách Lễ Ký, trong chương “dĩ thiểu vi quý” (coi ít là quý) có câu: “Thiên tử nhất thực, chư hầu tái, đại phu sĩ tam, thực lực vô số” (thiên tử ăn một bữa, chư hầu hai bữa, các quan ăn ba bữa, những người thường dân thì không có hạn định). Theo ý chung của các vị chú giải, câu này có nghĩa là bậc cao quý, đức dầy, chú trọng ăn vừa no, [coi đó] là một nết tốt, chẳng quan tâm đến vị ngon của thức ăn. Ôi! Từ lúc đả đảo Khổng gia điếm[i], văn hóa Trung Quốc hoàn toàn mất sạch! Đây là [lời đáp cho câu vấn nạn] thứ hai.
 
[i] Đây là khẩu hiệu của các nhà tân học quá khích như Hồ Thích, Trương Độc Tú trong phong trào Ngũ Tứ chủ trương xóa bỏ cái học cũ, phế bỏ Khổng Mạnh. “Đả đảo Khổng gia điếm” là “đả đảo tiệm buôn của nhà họ Khổng”.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật