Home > Khai Thị Phật Học
Nghiêm Trì Giới Luật
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Đối với công phu tu đạo, việc đầu tiên là phải trì giới. Giới là gốc của đạo Bồ Đề vô thượng. Do giới mà sanh định. Do định mà phát huệ. Nếu không trì giới mà muốn tu hành thì không thể được. Kinh Lăng Nghiêm nói đến việc đức Phật răn nhắc chúng ta về bốn hạnh thanh tịnh. Chẳng trì giới mà muốn tu chánh định thì không thể nào thoát khỏi trần lao. Lại nữa, dầu hiện tại có phát sanh trí huệ hay thiền định, nhưng vẫn bị lạc vào tà ma ngoại đạo. Vì vậy, biết rõ việc trì giới rất quan trọng. Người trì giới luôn được chư long thần ủng hộ, tà ma ngoại đạo kính phục nể sợ. Người phá giới thì qủy gọi là kẻ cướp, nên chúng thường đi theo xóa dấu chân họ.

Xưa kia, nơi cạnh vương thành của nước Kế Tân, có một ngôi già lam. Gần đó có một con rồng độc, thường hiện ra hại người địa phương. Thế nên, năm trăm vị A La Hán trong chùa đó hợp lại nhau, dùng lực thiền định để đuổi con rồng độc này đi, nhưng không thể được. Sau này, có một vị tăng chưa từng biết đến thiền định, mà chỉ nói với con rồng độc câu:

- Nầy Hiền Thiện ! Xin hãy rời khỏi chỗ này.

Nghe thế, rồng độc liền bay đi nơi khác. Chúng tăng A La Hán hỏi vị tăng kia rằng dùng thần thông gì mà đuổi được rồng độc. Vị tăng kia đáp:

- Tôi không biết dùng thần lực thiền định, nhưng chỉ chân chánh trì giới cẩn mật. Hộ trì giới khinh cũng như giới trọng.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem, lực thiền định của năm trăm vị A La Hán, không thể sánh bằng một vị tăng nghiêm thủ giới luật.

Có người bảo rằng Lục Tổ thường dạy:

- Tâm bình thì nhọc gì trì giới. Tâm hạnh chất trực thì cần gì tham thiền ?

Tôi xin hỏi rằng quý vị đã đạt đến tâm bình và chất trực chưa ? Nếu có một cô hằng nga thân hồng lõa thể ôm chầm lấy mình, quý vị có động tâm không ? Nếu có người vô cớ nhục mạ đánh đập, quý vị có sanh tâm sân hận không ? Quý vị có thể không sanh tâm phân biệt oán thân thương ghét, thị phi mình người không ? Thuần thục làm được như thế thì mới nên to tiếng. Bằng ngược lại, chớ nói lời trống rỗng.
 
Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân