Home > Khai Thị Phật Học > Niem-Phat-Giong-Nhu--Goi-Ðien-Thoai
Niệm Phật Giống Như Gọi Ðiện Thoại
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Nếu mình không gọi điện thoại, đâu ai trả lời.

Niệm niệm chân thành niệm niệm thông,

Mặc mặc cảm ứng, mặc mặc trung.

Trực chỉ sơn cùng thủy tận xứ,

Tiêu dao Pháp giới nhậm Tây Ðông.

Nghĩa là:

Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt,

Lặng lặng cảm ứng, lặng trung dung.

Ðến khi núi mòn sông cạn hết,

Tiêu diêu Pháp giới khắp Ðông Tây.

Không biết quý vị có liễu ngộ được chân nghĩa của bài kệ vừa rồi hay chăng?

"Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt, " chữ niệm đầu tiên nói lên ý niệm do tâm phát ra. Chữ niệm thứ hai là chỉ ý niệm do miệng thốt ra. Nếu chỉ có ý niệm thứ nhì, tức là ý "niệm" phát ra từ nơi miệng thì không còn là ý niệm chân thành. Cho nên tâm khẩu cần phải chân thành khi niệm danh hiệu Phật Bồ tát. Chúng ta cần niệm đến chỗ tâm và miệng hợp nhất, một mà không hai. Chúng ta không thể tùy tiện mà niệm, cũng không thể niệm một cách tán loạn, và càng không nên niệm một cách tạp nhạp với nhiều vọng tưởng của mình. Nếu mình làm được như vậy thì mới gọi là chân thành được.

Có được ý niệm chân thành thì nhất định sẽ được cảm ứng. Cảm ứng đó là gì? Là sự tương thông giữa tâm phàm phu của mình với tâm sáng lạng của chư Phật Bồ tát. Ðó gọi là:

Quang quang tương chiếu;

Khổng khổng tương thông.

Nghĩa là:

Ánh sáng này chiếu ánh sáng kia;

Lỗ lông này thông lỗ lông kia.

Tại sao có được cảm ứng như vậy? Giống như khi gọi điện thoại, bên này có quay số, bên kia mới trả lời. Niệm danh hiệu Bồ tát cũng vậy, sẽ có lúc Bồ tát hỏi mình rằng: "Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các vị cần điều chi?" Lúc đó mình cầu gì sẽ được nấy. Nếu thiếu thành tâm thì cũng như điện thoại có năm số, mà mình chỉ quay có ba số rồi ngừng tay, làm sao đường dây có thể thông được. Niệm danh hiệu Bồ tát cũng vậy, nếu mình niệm một chốc rồi ngừng lại, đó là thiếu thành tâm. Nhất định không có chuyện cảm thông được.

Chỉ ai có cảm ứng mới nhận biết sự "quang quang tương chiếu" này. Cũng như khi gọi điện thoại, phải nhấc ống nghe lên mới nghe rõ người bên kia đầu dây. Vì phàm phu không sao thấy được luồng sóng qua lại của điện thoại nên bài kệ nói rằng: "Im lặng cảm ứng, im lặng trung dung."

Còn nói đến: "Núi mòn, sông cạn hết" là chỗ mà "Bách xích can đầu trùng tiến bộ. Tán thủ thiên không biệt hữu thiên." Nghĩa là: Ðầu sào trăm trượng cứ bước tiếp. Duỗi tay trời sập: một trời mới. ý nói rằng: ở nơi đầu sào trăm trượng, mình buông tay thì ngoài trời kia còn có bầu trời khác. Khi mình niệm đến chỗ sơn cùng thủy tận, thì lúc đó mình niệm mà không niệm bởi vì niệm và mình đã thành một khối. Ðó là lúc mình có thể "Tiêu dao Pháp giới, nhậm Tây Ðông." Thí dụ khi mình muốn vãng sinh Cực lạc thế giới thì tức khắc được như ý. Nếu muốn "đảo giá từ hàng, " trở lại độ chúng sinh thì mình cũng có thể ứng nghiệm; từ thế giới Cực lạc mà trở lại thế giới Ta bà, hoặc đến tất cả Pháp giới khác. Không chỗ nào mình muốn tới mà chẳng đặng, nên nói rằng "nhậm Ðông Tây" chính là:

Nhất như ý, nhất thiết như ý.

Nhất tự tại, nhất thiết tự tại.

Nghĩa là:

Một việc như ý, muôn việc như ý,

Một việc tự tại, muôn việc tự tại.

Cho nên người học Phật lúc nào cũng phải chân thành. Nếu mình không như vậy tức là hư ngụy, là thứ: "Khai không hoa, bất kết quả" tức là nụ hoa giả có nở ra cũng không sao kết trái được. Học Phật cần nhất là đừng tự dối mình.

Thêm vào đó, cổ nhân lại có câu: "Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân." Nghĩa rằng người quân tử thì tìm đáp án nơi chính mình, dựa vào năng lực của mình, còn kẻ tiểu nhân thì nương tựa, cầu cạnh kẻ khác. Chúng ta không thể có tâm ỷ lại, phải biết rằng sự cảm ứng là tự mình chiêu cảm lấy, không do nơi khác. Có người nói: "Niệm Phật để được sinh Tịnh độ; như vậy nhờ Phật mới được tiếp dẫn." Câu nầy có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Tại sao vậy? Bởi vì thuyết tiếp dẫn do đối căn cơ mà lập. Ðối với chúng sinh còn đầy lòng tham, luôn hy vọng chỉ dùng ít sức mà hoạch kết quả lớn; hay thích cho vay ít lấy lãi nhiều, thánh nhân do đó phải tùy cơ ứng biến, nói rằng Phật lực tiếp dẫn với mục đích là muốn chúng sinh nỗ lực niệm Phật. Kỳ thật kẻ niệm danh hiệu Phật Bồ tát mà được vãng sinh Tịnh độ đều hoàn toàn do dựa vào sức lực của chính họ.

Niệm Phật nào phải do Phật niệm giúp mình đâu! Khi muốn niệm danh hiệu Bồ tát, có phải là ý niệm đó xuất phát từ Bồ tát không? Nếu không thì làm sao gọi là nhờ vào tha lực được? Ðây giống như là Phật và Bồ tát phóng quang gia bị cho mình. Ðó cũng là sự cảm ứng do công đức mình niệm Phật Bồ tát. Ðem chuyện gọi điện thoại ra ví dụ thêm lần nữa, nếu mình không nhấc điện thoại quay số thì đâu ai có thể tiếp chuyện cùng mình? Niệm Phật cũng đồng đạo lý như vậy.

Kỳ thật, tâm niệm hy vọng Phật tiếp dẫn mình vãng sinh Tịnh Ðộ thực ra là tâm tham, tâm ỷ lại, là cái tâm mình không muốn có. Khi tu hành, phải tự dựa vào năng lực của mình, phấn chấn tinh thần, dũng mãnh tinh tấn; phải biết quả báo không phải là kẻ khác mang đến mình. Cho nên niệm Phật không thể nói rằng nhờ Phật lực tiếp dẫn được.

Cổ nhân có câu: "Tướng tướng bổn vô chủng, nam nhi đương tự cường." Nghĩa rằng các vị tướng không phải sinh ra đã thành, kẻ nam nhi phải tự lực tự cường. Chúng ta học Phật cũng phải có tâm khí như vậy:

Phật đà bổn vô chủng,

Chúng sinh đương tự cường.

Nghĩa là:

Ðức Phật không do chủng tộc nào thành,

Chúng sinh phải tự lực tự cường.

Nếu không như vậy suốt ngày cứ ỷ lại vào uy lực của Phật thì cũng như là những người con của tỷ phú, ỷ lại nơi di sản của ông cha mình, rồi rốt cuộc tự mình sẽ hại mình mà thôi. Cho nên quý vị mau mau tỉnh ngộ.

Giảng ngày 16 tháng 6 năm 1985