Home > Khai Thị Phật Học > An-Duc-Cua-Bo-Tat-Dia-Tang-Doi-Voi-Toi
Ân Đức Của Bồ Tát Địa Tạng Đối Với Tôi
Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch


Mùa hạ năm dân quốc thứ 35, khi tôi đang theo học tại Phật học viện Lăng Nghiêm ở Thượng Hải, do ngủ muộn nên bị cảm nặng, tuy có y sĩ chẩn trị, nhưng chẳng bao lâu bịnh trở nặng, ho cả trăm ngày, một ngày ho cả chục lần, mỗi lần như vậy đờm ra không ngừng, cứ mỗi khi uống thuốc thì lại nôn mửa, kể cả chẩn xạ cũng không có hiệu quả, 3 bữa ăn chỉ húp được một ít nước cháo, ngoài ra các thức ăn khác không thể ăn được. Thêm nữa, mỗi tối lại phải lại trở mình liên tục không ngủ được, thống khổ thật khó chịu.

Trong thời gian ấy, có một bạn đồng học bàn chuyện đi đến thánh tích Cửu Hoa Sơn để sớm hôm lễ bái Đức Địa Tạng Bồ Tát, tôi tự nghĩ: “Cái sắc thân vô dụng này có thể chết ở Thượng Hải, sao ta không tham dự lễ bái Bồ Tát cho có ý nghĩa hơn?”. Rồi tôi quyết định tham gia hành hương với đại chúng, tinh thần phấn chấn, bất kể sự yếu đuối của thân thể, cứ theo chúng mà đi. Đương nhiên, trên đường đi khi thì xe, khi thì đi thuyền, tôi cũng không bỏ cuộc.

 Chúng tôi đi thuyền máy đến Nam Kinh, Vũ Hồ, còn lại đi thuyền máy, thuyền chèo, thẳng đến Đại Đồng, Thanh Thành. Tuy nhiên, đường thì dài, núi thì cao, trời lại nóng, nhưng tôi cũng không vì lao nhọc mà dừng nghĩ. Suốt đường đi, tôi tự nghĩ: “Nên mật niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, nhứt tâm kiên trì không dừng”. Do mỗi đoạn tiến tới thì mỗi đoạn lại gần với Địa Tạng Bồ Tát nên trong tâm càng thêm dõng mãnh và vui thích. Tuy mỗi ngày tôi chỉ uống vài chén sữa bò, mà thân tâm vẫn mạnh khỏe, có thể duy trì không bị suy sụp.

Khi thuyền đang cỡi sóng trên sông Trường Giang, hành khách phần lớn mệt và muốn ngủ, lúc ấy tôi đang mơ màng, bỗng thấy một vị tăng khổ hạnh đến bảo tôi rằng: “Bịnh ho của ông không phải lo, hãy ăn nhiều dưa tây, vì nó phẩm chất giải nhiệt, sẽ bớt bịnh”. Nói xong ông biến mất, chẳng bao lâu, có miếng dưa tây màu hồng trôi đến, tôi lấy tay vớt lên ăn, tức thì thân tâm được sướng khoái lạ thường. Chỉ vì, trong khi ngáy ngủ, nghe tiếng nói ấy tôi giật mình tỉnh giấc, thì người bạn đồng học đang cầm 1 quả dưa tây để ăn, tự nhiên tôi nhớ cảnh trong mộng, nên đưa tay xin ăn. Không ngờ trong đêm ấy tôi ngủ được 1 giấc yên lành, sáng ngày thì bịnh ho của tôi thuyên giảm rõ rệt, khiến tôi về sau cứ tiếp tục ăn cho đến hết bịnh. Đó là kỳ tích thứ nhất.  

Từ Đại Đồng đến Thanh Thành, phải đi qua 1 nhánh sông nhỏ khá dài và quanh co cả trăm đoạn. Có khi phải đi bằng bè do các bạn đồng môn lấy tre trúc để làm và chèo bằng tay, cho nên trước thì đi như bay, rồi gặp đoạn khúc khuỷu, lại thông với ruộng nên phải vác bộ mà đi rất vất vả. Riêng bịnh tật của tôi đã giảm nhiều thành ra không bận gì đến bạn đồng hành. Nhưng khi đến Thanh Thành, đêm đầu khi trú ở một ngôi chùa phía cửa Nam, tôi nổi lên một cơn ho rất dữ dội. Vài vị đồng học quan tâm, vì tôi mà hướng đến trước điện thờ nhục thân Bồ Tát Địa Tạng mà xin một quẻ xăm, trong đó nói rằng: “Biển lớn gặp cuồng phong, sóng to đánh vào thuyền, thân thuyền lại có sắt, không chìm nhưng phải sợ”. Cầu xong đem xăm đến cho tôi, xem xong tôi có chỗ sở ngộ, nên nói với họ rằng: “Trên suốt đường đi, tôi chưa từng dừng niệm Thánh hiệu của Bồ Tát nên trong tâm tôi ý chí rất mạnh vô cùng. Bây giờ, tuy có gặp nguy hiểm một chút, nhưng với lòng tự tin như có một thiết giáp hạm nên có thể vượt qua, xin đừng lo sợ gì”. Quả nhiên, đến nửa đêm cơn ho ấy lắng dịu, đến sáng bụng thấy đói, tôi ăn liền hai bát cháo lộc nai mới thấy no, khí lực thân thể cũng được tăng trưởng rất nhiều. Từ Thanh Thành đến núi Cửu Hoa còn 60 dặm đường núi, tôi đã không bị rớt lại phía sau mà còn đi mạnh lên phía trước. Đó là kỳ tích thứ 2.

Men theo đường núi để đi, chúng tôi từng đi qua các cảnh đẹp như chùa Long An quy mô vĩ đại, có 2 am Thánh bằng cỏ bồng: Một là Túc am, cảnh trí tuyệt vời với một cây cầu nhỏ. Hai là Đại Kiều am, trong có niên đại gần nhục thân Bồ Tát nhất. Chùa Cam Lộ ở dưới những bóng râm kín của rừng trúc, trong đó có chứa toàn bộ kinh tạng của 2 triều đại Đường, Tống, lại có Bán Tiêu Đình với những luồng gió mát rượi và trà nóng uống thấm lòng. Tại nơi này, chúng tôi đã dừng lại để tham bái và thưởng ngoạn phong cảnh, rồi quên mất thời gian vì muốn thỏa tình ngắm trăng hưởng gió. Sau cùng, chúng tôi đến lễ bái ở chùa Kỳ Viên, chính là nơi thiết pháp hội giảng kinh, chúng tôi tham gia thưởng ngoạn một hồi lâu, rồi cả đoàn mới đến nghỉ tại Cung Bách Tuế phía trước.

Lần đầu tiên được ở lại Thánh địa. chúng tôi rất hạnh phúc, thấy mình có duyên lành. Vị Giám viện tiếp đãi chúng tôi 1 cách ân cần, chu đáo, đầy đủ. Chúng tôi được ăn ngủ thoải mái đến nổi không biết phải dùng lời nào để diễn tả. Ban ngày khi thức dậy, bạn đồng học đã lên chương trình lễ bái Thánh địa Bồ Tát, sáng hôm đó tôi nghĩ mình đã chịu bao khổ nhọc cả ngàn dặm để được đến Thánh địa, đâu phải vì muốn dưỡng bịnh nên tôi theo họ mặc hậu đắp y, bắt đầu từ chùa Hóa Thành chúng tôi hướng lên Thần Quang Lãnh, nơi có thờ nhục thân Bồ Tát mà nhất bộ nhất bái. Vừa đi vừa lễ, tôi liên tưởng đến các vị trưởng lão với tinh thần kiên cố nhất bộ nhất bái đảnh lễ Tứ Đại Danh Sơn và không khỏi xấu hổ với các Ngài vì hành động của mình làm sao biểu thị được lòng kính ngưỡng và báo đáp ân đức của Bồ Tát trong muôn một.

Nhất bộ nhất bái cho đến cửa Nam Thiên, đi qua điện Thập Vương dưới bóng rừng tùng, mới bắt đầu đến các bệ đá dẫn đường lên tháp Bồ Tát. Tôi rất mệt, hơi thở như trâu, mồ hôi ra như mưa, chỉ có tâm tỉnh như cảnh, thân nhẹ như gió, kinh mạch như được thông thoát, danh hiệu Phật như quét trừ tâm cảnh thật không có cách nào hình dung được, vì rất sướng khoái khi nghĩ đến được trước tháp của Bồ Tát. Tiếp tục đảnh lễ 48 lạy, tinh thần và thân thể như sáng khoái, tất cả mệt nhọc như không còn, kể cả bịnh ho hen đã làm khổ tôi cũng tiêu mất. Đây chính là kỳ tích thứ 3.  Ở vài ngày trên Cửu Hoa Sơn, tôi đảnh lễ khắp các thánh tích đạo tràng, bái kiến không ít tôn tượng nhục thân của các vị Tổ sư. Lên đến ngọn Thiên Thai, rừng Địa Tạng là nơi cao nhất thắng cảnh thật đẹp, có 1 tuyến đường treo 84000 chiếc chuông u minh, có một chiếc cầu treo rất hiểm băng qua, chúng tôi cũng lên không bỏ sót.

Khi về đến Thượng Hải, nghỉ lại mình được khỏe mạnh, bịnh tật không còn thì ai có thể tưởng là trước đây bịnh đi không nổi? Được như vậy là do ai ban cho? Ai giúp mình đến được? Mới biết là do sức từ bi gia hộ của Bồ Tát Địa Tạng, mới biết là do ân điển của Bồ Tát Địa Tạng. Nếu không như vậy, có lẻ tôi đã chết bịnh ở Thượng Hải rồi.
NAM MÔ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT _ (Phật giáo Tín Tấn Hội – kỷ niệm năm 49).

 
Trích từ: Truyện Linh Ứng Của Địa Tạng Vương Bồ Tát