Phật Học Vấn Đáp


Ngày Vu-lan báo hiếu xuất xứ từ đâu và có ý nghĩa như thế nào theo quan niệm Phật giáo?
Ngày Vu lan báo hiếu xuất xứ từ đâu và có ý nghĩa như thế nào theo quan niệm Phật giáo?

11/2/2023 4:59:32 PM
Vu lan, có khi được gọi là Vu lan bồn, Ô lam bà noa, là âm Hán Việt của Phạn từ Ullambana, một chuyển ngữ của Avalambana, có nghĩa là bị treo ngược. Ngày Vu lan là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Trong ngày này, người ta thường cử hành nghi thức siêu độ cho cha mẹ, người thân từ nhiều đời, cho các vong nhân không nơi nương tựa; qua đó, ý nghĩa biết ơn, báo ơn cha mẹ thường được nêu bật. Âm Bồn trong Vu lan bồn bị hiểu lầm là cái chậu Vu lan, là đồ đựng lễ vật.

Đại sử thi Mahabharata (khá lâu trước thời kỳ Đức Phật) của Ấn Độ giáo có kể chuyện người con vào địa ngục cứu cha để ca ngợi đạo Hiếu. Ý niệm báo hiếu được Đức Phật thuyết giảng khá nhiều nơi, rải rác trong các kinh Tiểu bộ (Nikaya), ví dụ về bổn phận của con cái đối với cha mẹ trong Kinh Thiện Sinh (Singalovada sutta) và về gương báo hiếu của tiền thân Ngài trong các truyện Bổn Sinh (Jataka) …

Ý nghĩa sâu đậm về chữ Hiếu được triển khai mạnh mẽ trong một số kinh điển Đại thừa. Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 16 có đăng tải các kinh nói về biết ơn và đền ơn cha mẹ: Phật Thuyết Phụ Mẫu Nan Báo Kinh do Pháp sư An Thế Cao (thế kỷ II) dịch, Phật Thuyết Vu lan bồn Kinh do Tam tạng Trúc Pháp Hộ (thế kỷ III) dịch và hai kinh khuyết dịch được xem là đồng bản dị dịch của Kinh Phật Thuyết Vu la bồn. Ngoài ra, trong Kinh Tâm Địa Quán có phẩm Báo ân cũng có chủ đề về chữ Hiếu. Lại nữa, có đến sáu, bảy chục sớ chú bằng Hán ngữ về Kinh Phật Thuyết Vu lan bồn.

Trong Kinh Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo, nhân việc Đức Phật cúi lạy một đống xương khô bên đường, Ngài dạy Tôn giả A nan rằng đống xương này là tổ tông, cha mẹ nhiều đời trước của Ngài. Kế đến, Ngài nêu 10 ân đức của người mẹ đối với con, năm trường hợp người con bất hiếu với cha mẹ, nhấn mạnh ân đức cha mẹ là vô cùng to lớn, không thể nào báo đáp trọn được. Sau cùng, Ngài nêu các phương cách báo hiếu như cung phụng vật chất, an ủi tinh thần, khuyến hóa cha mẹ thực hành thiện pháp; vì cha mẹ mà giữ giới, bố thí, thi ích cho mọi người và truyền bá đạo Hiếu. Phẩm Báo ân trong Kinh Tâm Địa Quán ghi lại lời Đức Phật dạy về đạo Hiếu cho Bồ tát Di Lặc. Phẩm này nêu 10 đức của người mẹ đối với con và đại ý có tương đồng với 10 ân đức ở Kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo. Tiếp đó, Đức Phật nhấn mạnh rằng nếu hiếu dưỡng cha mẹ cũng chính là chân thành cúng hiến Như Lai và nhắc nhở rằng báo ân, thi ích cho chúng sinh tức là báo ân cho cha mẹ trong các đời quá khứ và cũng là báo ân Phật.

Kinh đặc biệt nói về Vu lan và là kinh quan trọng nhất về báo hiếu, báo ân là Kinh Phật Thuyết Vulan bồn (thường gọi là Kinh Vu lan). Kinh nêu rõ nghi thức cúng dường Phật, chư Tăng nhân ngày Tự tứ, tức là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, thời điểm chư Tăng chấm dứt ba tháng an cư kiết hạ, nhằm cầu an, cầu siêu cho cha mẹ đời hiện tại và bảy đời quá khứ cũng như cho mọi chúng sinh. Đặc biệt, phần duyên khởi của kinh là sự việc Tôn giả Mục kiền liên đắc thần thông, quán sát các cõi, thấy mẹ Ngài do ác nghiệp đang bị đọa làm quỷ đói; Ngài bèn đem cơm dâng mẹ nhưng mẹ Ngài không dùng được vì cơm hóa thành lửa. Quá thương xót mẹ, Ngài cầu cứu Đức Phật và được Phật dạy muốn cứu mẹ thì phải nhờ uy lực của chư Tăng qua việc chân thành thực hiện nghi thức cúng dường nói trên. Cuối cùng, mẹ của Tôn giả Mục kiền liên được thoát thân quỷ đói mà sinh lên cõi trời.

Các kinh nói trên, nhất là Kinh Vu lan được dịch và phổ biến đầu tiên ở Trung Quốc, phù hợp với giáo lý Khổng Mạnh và tín ngưỡng của nhân dân nên kinh rất được tôn trọng, nghi thức cúng dường Vu lan phát triển mạnh mẽ, đa dạng cùng với những biến tấu rườm rà có khi mang tính chất mê tín dị đoan. Thế rồi Kinh Vu lan và nghi thức Vu lan lan truyền ra các nước Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Ý nghĩa Vu lan được phát triển dần dần và ngày Rằm tháng Bảy âm lịch trở thành ngày truyền thống thiêng liêng của nhiều dân tộc; ngày biết ơn, báo ơn cha mẹ, ngày xá tội vong nhân, ngày cúng dường cho quỷ thần, cho cô hồn không nơi nương tựa…

Cũng nên ghi nhận thêm: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Kinh Vu lan không phải do ngài Trúc Pháp Hộ dịch, và còn nhiều điểm tồn nghi xung quanh kinh này cũng như một số kinh Đại thừa khác. Nhưng rõ ràng kinh phù hợp với giáo lý Phật giáo và đã tạo nên một truyền thống rộng rãi, tốt đẹp về đạo Hiếu, về tình người và sự kính mộ Tam bảo. Do đó, người Phật tử nên kính mộ, hành trì kinh và nỗ lực duy trì, phát huy truyền thống Vu lan.
Trích từ:  Vấn Đáp Phật Giáo. Trần Tuấn Mẫn



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật