Đường Lên Quả Vị Thập Trụ
Hòa Thượng Thích Huyền Vi

Hôm nay sang tuần thứ 2 trong mùa an cư nhập hạ, Thầy sẽ khai thị cho đại chúng về quả vị Thập Trụ. Muốn đạt được quả vị Thập Trụ này, tức là có mười (10) điểm phải trụ, phải nắm vững trong tâm của mình. Nói một cách khác là có mười (10) cá tánh nhấp nhô liên tục trong cuộc sống của mình và phải làm thế nào cho chúng được an định ?  Chữ trụ ở đây được hiểu an định, là ngự trị, không cho lay động, không cho loạn. Nếu tâm không trụ, bị giao động, là sẽ gây rắc rối cho con đường tu chứng của chúng ta.

Nghĩa đen chữ trụ là ở an nhiên bền chắc một nơi nào đó, một địa điểm nào, nhưng ở đây nghĩa bóng của Thập Trụ tức là mười loại chơn tâm của chính mình. Cái định nằm trong cái định, chớ không phải cái định tương đối  với cái loạn. Trong an định mà còn đối với thiền định đối với tán loạn là cái định ấy còn yếu lắm. Định là không tán loạn ngay trong cái loạn, mới thật là định.

1. Phát tâm trụ: Tâm chúng ta lúc nào cũng rộng mở vào cửa thiện, sáng suốt làm việc lành, gọi là phát tâm bồ đề. Làm việc gì cũng nên nói:A Di Đà Phật cám ơn huynh, chúng ta phát bồ đề tâm để mà lo việc đó. Định nghĩa chữ phát tâm này là cởi mở tâm thiện để làm việc lành, ngõ hầu an ở, trụ vào cho được quả vị Phật, tức là tìm được sự giác ngộ hoàn toàn. Cũng có nghĩa là ở trong cái trụ đó, nó không còn có một cái gì gọi là sai lầm si mê.

Tuy vậy con đường trụ đó vẫn chưa thật hoàn toàn sáng suốt, mà ta còn phải tiến lên cho đến Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, cuối cùng là Viên Giác. Chúng ta nên phát tâm thật sự để tu hành, chứ không nên  phát tâm tìm cầu phước báo ở cõi người, cõi trời, cho đến không còn cái tâm tìm cầu chứng A La Hán,Thanh Văn, Duyên Giác, hay Quyền Thừa Bồ Tát, Chỉ nên phát tâm Bồ Đề tới tối Thượng Thừa, tức là nguyện cho tất cả chúng sanh đồng đạt được vô thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác (Anuttara Samyak sambuddha). Rộng mở tâm như vậy mới được gọi là phát tâm Phật.

Không muốn làm Thanh Văn, Duyên Giác và cũng không muốn tu để tìm cầu phước báo ở cõi người, hoặc ở cõi trời, ấy là phát tâm trụ.

Ở trong mỗi loài, mỗi người, cái tánh giác hay linh giác tiến lên hoặc trở thành giác ngộ hoàn toàn tức là địa vị Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì tâm mình bình đẳng một cách hết sức trung trực. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mình phải hiểu và nhận định cho rõ ràng để đưa mình thực hành đến chỗ siêu việt, mà điểm này không thể nói được, không thể giải thích được. Chẳng hạn như vạn vật  cỏ, cây, sắt, đá, cũng có tánh giác, mặc dầu thấy đó là vật vô tri. Nói như thế thì khó có ai hiểu, khó có ai tin, nhưng đó là chơn lý, khi con người mình hoàn toàn sáng suốt giác ngộ thì mới biết tâm trụ nơi đâu.

2. Trị Địa Trụ: Phật tánh của chúng ta, chơn tâm của chúng ta luôn luôn đối trị với tâm vọng tưởng. Bất cứ giờ phút nào cái tâm vọng cũng có thể nổi lên bởi vì mình còn mang tâm  chúng sanh, tâm phàm, tâm chưa giác ngộ. Do đó mà mỗi ngày Thầy thường nhắc nhở Tăng, Ni trong Tự Viện, hễ một khi chợt nhận biết được một vọng tâm nào nổi lên, là chúng ta phải chiến đấu đến cùng, và phải chiến đấu như thế nào ? Nghĩa là quý vị phải nhất tâm niệm Phật, niệm đến khi nào không còn thấy mình niệm mà miệng vẫn niệm, tai vẫn nghe tiếng niệm. Được như vậy mới diệt được những làn sóng vọng tưởng trùng trùng điệp điệp trào lên. Nói thì dễ nhưng áp dụng cho đúng mức thì không phải là dễ. Tuy nhiên khó, mà thực hành được thì mới thật là vi diệu, và phải thường xuyên thực hành cho đến khi nào mình hàng phục được hết các tâm phiền não, tâm vọng tưởng, thì tự nhiên tâm chánh niệm, tâm chơn chánh hiễn lộ. Lúc đó mình mới bước vào được Trị Địa Trụ.

3. Tu Hành Trụ: Tức là thật hành liên tục khi thấy sóng vọng tâm dấy lên xao xuyến, buồn buồn, nghi ngờ chuyện gì đó là liền niệm Phật ngay. Nếu tâm của mình có chiều hướng ngã mạn cống cao thì phải niệm Phật ngay, hoặc giả mỗi khi làm việc gì đều cho là mình hay hơn những vị khác, không ai có thể làm được việc này ngoài mình mà thôi, kể cả trong chuyện tu hành cũng thế, không chịu nghe lời huynh đệ chỉ dẫn, mà ngay cả Thầy Tổ dạy bảo khuyên lơn cũng không nghe. Bất cứ làm việc gì cũng chấp chặt cái ý kiến của mình, người như vậy chưa phải là tu hành trụ, mình phải chịu khó sửa ba nghiệp (thân, miệng và ý) cho được nhất như thì tu ở đâu, trụ ở đâu, hành ở đâu cũng thanh tịnh, đó mới gọi là tu hành trụ.

4. Sanh Quý Trụ: Sanh tức là sinh ra, nảy nở luôn luôn, quý là tôn quý, trụ là ở một nơi an ổn vững chắc. Sanh quý trụ là phát tâm Bồ Đề cao thượng, tâm Phật, tâm sáng suốt của mình luôn luôn phát triển từ những nơi cao quý như:Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, Viên Giác. Những điều cao quý phát triển luôn luôn ở trong tánh giác của mỗi chúng ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng mỗi sát na. Phải làm cho tâm an trụ, nẩy nở chơn tánh.  Có như vậy đó mới gọi là chơn không diệu hữu. Tâm của mình nằm trong quả vị Thập Trụ coi như tối tôn quý. 

Phát tâm trụ, trị địa trụ, tu hành trụ, và sanh quý trụ là bốn quả vị trụ được gọi là Nhập Thánh Thai, tức là vào trong thai thánh. Nói về sanh quý trụ thầy nhắc cho quý vị thêm ở điểm này là tâm lúc nào cũng trụ ở trong cái gọi là phát triển luôn luôn để ngộ nhập với Như Lai Tạng tánh của mỗi người, làm sao cho nó trụ được một nơi và thể nhập với Phật tánh là một.

5. Phương tiện cụ túc trụ: Mình còn đang tu, còn mang thân tứ đại, cần giữ cái tâm sáng để mà trụ vào công việc làm coi như là phương tiện cụ túc. Trong tất cả những phật sự mà có hình thức này nọ đều là phương tiện không phải rốt ráo; nhưng phi phương tiện bất thành cứu cánh, cho nên cần phải cố gắng làm sao cho đi đúng với đạo lý để được sáng suốt giác ngộ giải thoát. Khi ra làm đạo mà thiếu phương tiện thì khó thành công trên mọi mặt, mà muốn dùng phương tiện để độ sanh thì điều trước tiên Thầy khuyên quý vị phải tu hành cho được rốt ráo, phải có đầy đủ trí tuệ, đầy đủ khả năng hành đạo lúc đó mới giải quyết được tất cả mà không phải vấp ngã.

Vì sao? Vì người có trí tuệ làm bất cứ việc cũng đều có suy nghĩ, cân nhắc đắn đo kỹ lưỡng, lúc nào cũng sợ lợi mình hại người, rủi ro vô thường có đến mình không kịp trả thì phải mang nợ đến kiếp sau, hoặc kiếp sau nữa thì là một tai hại lớn cho người xuất gia. Thế cho nên dù cho có bá thiên phương tiện độ đời cũng đừng để bị kẹt vào gút mắc. Đừng nên chấp chặt một việc gì rồi đôi khi trở thành tâm bệnh mà không hay, do đó không thể nào độ được người khác. Làm gì cũng tùy trường hợp, tùy căn cơ mình đáp ứng, phải tính toán xem hoàn cảnh như thế nào để mình ứng phó cho thích hợp cả đôi bên, thì đó mới gọi là ra làm đạo độ sanh. Kết quả mới đi đến cụ túc viên mãn, và chúng ta hãy cố gắng dùng cái văn (nghe) huệ sẵn có của mình. Muốn có văn huệ thì nên chịu khó xem sách, nghe giảng pháp hoặc đến tận nơi có giảng sư thuyết pháp, hoặc nghe băng cassette, và đọc sách tức là tự mình học, nhờ như thế mới giúp cho chúng ta tiến lên được trên đường Thập Trụ.

Cho nên trong bài này Thầy giảng cho quý vị biết chữ phương tiện cụ túc là như thế, làm gì thì làm nhưng việc học, việc tu Thầy muốn quý vị xếp nó vào hàng đầu. Có học mới có pháp để giảng dạy, không học thì làm gì có vốn liếng chữ nghĩa mà ra giảng giải đạo lý, cũng như có tu thì tâm mới thanh tịnh, an trụ và giác ngộ, mới giúp được cho chúng sanh tiến trên con đường giải thoát giống như chúng ta vậy.

6. Chánh Tâm Trụ: Tâm trụ đã là chánh, mà chánh ở trong cái chánh, trụ ở trong cái trụ, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, tâm luôn luôn ở trong ba điểm chính. Tuy nói là ba nhưng là một, một mà ba, có nghĩa là tâm luôn luôn chí thành, lúc nào cũng phát nguyện rộng lớn ở trong các sự việc, và đem hết tâm nguyện làm thì việc đó sẽ thành công viên mãn,  gọi đó là chánh tâm trụ.

Chẳng hạn như việc trồng cây cũng thế. Chúng ta phải ra sức trồng cho đúng phương pháp, đúng cách thức đâu ra đó đàng hoàng thì bông hoa mới có thể nở đẹp, đâm cành nảy lá xum xuê, còn bằng ngược lại mình không chăm  sóc cho kỹ lưỡng thì sẽ bị sâu ăn, rầy phá hư hại. Trong những việc tầm thường như vậy, mà mình không thể làm được thì đừng nói đến chánh tâm trụ để mà hành trì hay tu hành chi khác.

Bất cứ làm việc gì cũng phải nhất tâm, kể cả sự tu niệm cũng vậy. Khi niệm  Phật ta biết ta niệm Phật, đó là nhất tâm, khi tham thiền cũng phải định tâm để tham thiền, đó cũng gọi là nhất tâm tham thiền. Quý vị cố gắng làm sao hạ thủ công phu tu hành cho trí tuệ mỗi ngày, mỗi ngày được tăng trưởng mới luôn luôn (nhật tân, nhật tân hựu nhật tân). Quả vị nầy đòi hỏi chúng ta giữ chánh niệm từ mọi sự việc thường thường trước mắt hàng ngày cho đến việc tu hành đều phải có tâm chí thành, còn gọi chánh tâm để được nhất như trước sau như một.

7. Bất Thoái Trụ: Không bao giờ để cho chánh tâm của mình lay động, thoái chuyển, thì ở trong quả vị bất thoái trụ này có chia ra ba điểm nhỏ giải nghĩa rõ ràng.

a. Vị bất thoái.
b. Hành bất thoái và,
c. Niệm bất thoái.

a. Vị bất thoái: Tâm mình sáng suốt tới mức độ nào, tinh tấn tới cở nào đó thì nên cố gắng giữ luôn như vậy đừng cho nó thoái chuyển, và hàng ngày chúng ta càng phải làm cho nó tăng tiến thêm lên. Có được như vậy thì mới gọi là quả vị bất thoái chuyển.

Trong kinh A Di Đà có chữ A Bệ Bạt Trí (Avaivartika) tức là người nào được sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Đà là không bao giờ thoái chuyển, lúc nào cũng có tâm niệm tiến lên dù cho có làm người dân ở cõi Phật A Di Đà, rồi nhờ thần lực đó mà tu hành thêm cho đúng mức để đi lên tới Hạ Phẩm Hạ Sanh, Hạ Phẩm Trung Sanh, Hạ Phẩm Thượng Sanh, Trung Phẩm Hạ Sanh, Trung Phẩm Trung Sanh, Trung Phẩm Thượng Sanh, đến phần cuối cùng sẽ đạt được Thượng Phẩm Hạ Sanh, Thượng Phẩm Trung Sanh, Thượng Phẩm Thượng Sanh, như vậy gọi là bất thoái chuyển.

b. Hành bất thoái: Hành là công hạnh, hay là thực hành không bao giờ thoái chuyển. Chỉ có làm cho tăng chứ không có thoái, nhưng quý vị ở đây khổ lắm, có lúc thì coi như hành được quá, mặc dầu là chưa tới cái rốt ráo ở chuyện hành, nhưng mà làm một đổi rồi quen, chuông mõ đánh được rồi, tụng niệm coi bộ được rồi, thì bắt đầu sanh tâm làm biếng rồi còn nói lý, "mình tu đâu phải chỉ là chuyện tụng kinh, mình tu cho giác ngộ chớ tụng kinh làm gì ngồi cho đau lưng nhưng cũng chẳng được gì hết".

Quý vị nghĩ như vậy là đi sai lệch hết. Thầy thường hay nói  mỗi một việc gì cũng phải làm cho nhất tâm từ việc lớn cho đến việc nhỏ, kể cả việc dùng điểm tâm sáng, hay độ ngọ vào buổi trưa. Mỗi khi bưng chén cơm lên phải nghĩ đến ta đang sống trong pháp hội đạo tràng, phải ăn trong thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn thì mới đạt được quả vị giác ngộ, và luôn luôn phải hành bất thoái chuyển. Chớ đừng nghĩ như chuyện thế gian ăn cho no qua ngày mà thôi người tu mà suy nghĩ không đúng là sẽ đi sai với đạo pháp.    

c. Niệm bất thoái: Niệm là một lúc nhớ tưởng niệm. Trong câu nầy phải hiểu là đừng bao giờ cho chánh niệm thoái chuyển. Nhất tâm niệm làm sao cho được thành Phật, hay tối thiểu cũng thành một vị Bồ Tát dầu cho khổ đến đâu có tan xương nát thịt cũng đừng thoái chuyển đó mới gọi là niệm bất thoái, cũng như bây giờ đây chúng ta thọ giáo pháp của Phật, người thọ Sadi mười giới (10), người thọ Thức Xoa Ma Na Ni 296 giới, người thọ Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới. Tại sao phải thọ như vậy để làm gì? Vì Đức Phật đã dạy người tu lúc nào cũng cần giữ chánh niệm. 

Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi oai nghi cần phải nghiêm trang thanh tịnh. Trong đạo tràng và ngoài đạo tràng cũng thế, những công việc gì có ý định làm là bất cứ lúc nào cũng suy nghĩ cho đúng chánh pháp, làm cho đúng chánh pháp, hợp sự thật thì đó là niệm bất thoái chuyển. Tâm Bồ Đề không bao giờ bị thoái chuyển lay động, không bao giờ bị lu mờ giải đãi biếng nhác, đó gọi là tâm Phật, tâm bất thoái trụ.

8. Đồng Chơn Trụ: Tâm luôn luôn lúc nào cũng giữ cho thanh tịnh như như. Hai chữ đồng chơn này có nghĩa là vô phân biệt. Sống trong cuộc đời này tâm chúng ta lúc nào cũng phân biệt quá nhiều thành ra cứ sống trong điên đảo, vọng tưởng, theo duyên phân biệt. Thường thường chữ đồng được hiểu là con, đồng nam, đồng nữ ; bởi vì trẻ con sống trong hồn nhiên, trong sạch, ngây thơ, chưa vướng bụi trần nên không có phân biệt, cho nên việc tu hành của những vị đồng tử này dễ tu dễ chứng, thế mới được gọi là đồng chơn nhập đạo. (Đây chỉ cho những vị ấu niên chưa từng lập gia đình mới được gọi là đồng chơn nhập đạo, còn như quý vị lớn tuổi đã từng có gia thất, sau mới vào tu, thì gọi đó là bán thế xuất gia). Tâm  vì bị vướng mắc phân biệt rất nhiều, vì thế sự tu hành khó đạt được kết quả mong muốn. Những vị này bị cái trí thế gian xen tạp nhiều quá, trong đạo còn gọi trí này là thế trí biện thông nạn, làm cho người đó khó tu hành, vậy phải làm sao chuyển trí thế gian nầy thành ra trí xuất thế gian thì mới giúp ích được cho đạo pháp, giúp ích cho chúng sanh, mà chính bản thân mình mới tu tiến được.

Đã là người xuất  gia, hãy cố gắng giữ cho cái tâm bất nhiễm thế duyên, thì không còn phân biệt nữa. Đừng bao giờ nghĩ người này là đáng thương, người kia là đáng ghét, cái này tốt, cái kia xấu, cái này đẹp, cái kia không đẹp, như vậy mới được gọi là đồng chơn trụ.

9. Pháp Vương Tử Trụ: Là cái tâm trụ giống như người con của đấng giác ngộ rồi coi như là tu hành cũng khá cao, cho nên ở trong sách phân tách thì đến cái trụ thứ chín (9) này gọi là xuất thánh thai, tức là giác ngộ hoàn toàn. Đây chỉ cho Phật mà Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, cho nên mới có cái quả vị mang tên là Pháp Vương Tử Trụ. Vì vậy nói cái tâm của mình lúc nào cũng như là con ruột của Phật đó, mới được gọi là Phật tử, vì người cha giác ngộ, người con cũng giác ngộ theo.

Tử nghĩa là con, con của giòng họ Thích là phải sáng suốt chiến đấu với phiền não trong con người của mình, phải chuyển phiền não thành bồ đề, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng cái gươm trí tuệ để chặt đứt những cơn sân hận,  giận tức, phiền não. Do vậy trong đạo Phật có chữ sát sanh, nghĩa đúng là vậy đó, chứ không phải sát sanh là giết hại sinh vật. Nhờ sát sanh đúng nghĩa  như vậy, cho nên những cơn phiền não giảm thiểu dần dần. Nếu chúng ta không tự biết để điều phục sát hại được  phiền não, giận tức thì phải nhờ đến huynh đệ, Thầy Tổ giúp dùm.

Quý vị phải có kim cang tâm để đập mạnh nó may ra mới đạt được sự mầu nhiệm, mới có thể nhập vào quả vị cuối cùng của Thập Trụ là Quán đảnh trụ.

10. Quán Đảnh Trụ:  Nghĩa đen là rưới nước cam lồ trên đầu, hay là ma đảnh thọ ký, hay xoa trên đầu ; nhưng nghĩa đạo thì lại là cái tâm của mình lúc bấy giờ coi như là chắc chắn, như Thầy đã nói là đạt được chánh đạo thật sự chứ không phải đạt cái ma chướng đạo, đó mới gọi là quán đảnh.

Cũng như hồi xưa bên Ấn Độ hễ mỗi lần có một vị hoàng tử lên ngôi thì họ phải làm lễ quán đảnh. Quán đảnh có nghĩa là tuyên dương và làm phép rưới nước, hay là một vị Bà La Môn giáo chánh tông đến để làm lễ quán đảnh rưới nước. Sau này đạo Phật của chúng ta đổi chữ quán đảnh lại là thọ ký, vì thọ ký nghe dễ hiểu hơn là quán đảnh nhưng ý nghĩa cũng giống như vậy.

Thọ ký nói cho đủ là thọ bồ đề chi ký, tức là trao lại để mà ghi nhớ cái giác ngộ ở ngay thời điểm đó, coi như là hoàn toàn giác ngộ. Vì vậy cho nên  quán đảnh trụ, giống như là thọ ký ở đầu, như Phật thọ ký ở trong kinh Pháp Hoa khi Đức Phật thọ ký cho 1250 vị Tỳ Kheo, hoặc là thọ ký cho 500 vị A La Hán v.v.....

Còn nghĩa chữ thọ ký ở đây tức là mình biết khi mình tu có sự giác ngộ, sự đạt đạo trong thời gian nào, hoặc là kiếp số nào lúc đó hoàn toàn giác ngộ. Như đức Phật thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất tới một a tăng kỳ kiếp nào đó sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, thọ mười hai tiểu kiếp, cõi nước tên Ly Cấu, đất bằng lưu ly có tám đường giao thông, dây bằng vàng ròng giăng 2 bên đường. Mé đường có hàng cây bảy báu, nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp.

Sau khi Phật Hoa Quang diệt độ chánh pháp trụ lại trong đời ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ đời cũng ba mươi hai tiểu kiếp, hay là các vị khác cũng vậy. Nơi đây nếu chúng ta hiểu sâu vào lý thì không phải chỉ có một đức Phật hay là có một vị thầy hoặc xoa trên đầu, hoặc rưới nước trên đầu để thọ ký, mà chính nhờ vào cái sự tu hành của mình thì có thể đoán được trong thời gian nào số kiếp nào mình cũng sẽ có sáng suốt giác ngộ để độ chúng sanh ở cái quốc độ nào, ở cõi nước nào.

Còn như bây giờ đây nói thực tế cũng là thọ ký. Chẳng hạn như quý vị đây, khi tu tập được một thời gian mà thầy tổ thấy rằng quý vị có khả năng ra làm đạo, đi độ sanh ở quốc độ này hay quốc độ kia, thì tự nhiên thầy sẽ nhắc nhở quý vị cho ra trụ trì một ngôi chùa để thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Đây cũng là một điểm thọ ký, nhưng mà thọ ký hiện tại, còn thọ ký mầu nhiệm là do tự tâm của mình tu hành mà đạt được, đó mới gọi là quả vị Thập Trụ, có nghĩa là cái tâm của mình sẽ giác ngộ trong đó là có tha tâm thông, hoặc là túc mạng thông, biết được tất cả những cái gì thì đó kêu là lý đạo cũng gọi là thọ ký.

Nói tóm lại quả vị thập trụ là một trong năm quả vị thập tín và chỉ cần đem  lòng chánh tín mà tin. Qua thập trụ tức là bước vào Phật tánh, rồi mới bước lên thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa tức là Bồ Tát, Đẳng Giác, Diệu Giác, Viên Giác.  

Tóm lại mười quả vị này tuy chia làm mười chớ thiệt là chỉ có một, vì nếu nói một thì khó thấy thế nào là quả vị. Tuy nhiên quả vị mà mình còn nói mười, nói một được thì quả vị đó còn trong tương đối, không phải là quả vị giác ngộ tuyệt đối. Tuy mình không chính thức nhờ vào quả vị, mà nhờ vào cái giảng giải nghe, suy nghĩ, tu, để cho cái của mình nương theo đó mà thâm nhập mới tiến tới chỗ chứng ngộ đạo quả. Vậy cho nên mới phải chia ra nhiều thập và địa vị. Nói về đốn giáo, thì không có chia ra nhiều bậc gì hết, coi như nghe rồi là tâm tỏ ngộ, tâm bừng sáng giác ngộ hoàn toàn.

Biết như thế để quý vị cố gắng trong thời gian chín tuần cấm túc, ba tháng an cư mỗi ngày làm sao quý vị sống với mấy cái tâm thập trụ, sống được như vậy thì thời gian chúng ta tu tập cửu tuần cấm túc, tam ngoạt an cư (chín tuần ở một chỗ, ba tháng ở một nơi) thì có thể mình biết được mình tu tới đâu và tới một mức độ nào, sang năm cũng vào ba tháng mùa hạ  quý vị cố gắng làm sao điều phục thân tâm cho được nhất như hơn năm cũ, Thầy bảo đảm là trong thời gian ngắn quý vị sẽ đạt được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngày xưa thời Đức Phật còn tại thế đa số đều là Thánh Tăng cho nên những vị nầy khi nghe Phật giảng pháp có một lần là được chứng ngộ liền không cần biên chép gì cả (đó là thời chánh pháp) một câu văn, ngàn người ngộ.

Qua thời tượng pháp thì cũng còn hơn phân nửa, hàng Thánh Tăng khi nghe Phật giảng pháp thì được chứng thánh quả liền.

Bây giờ là thời mạt pháp, rất hiếm có người được chứng quả thánh như vậy, phải dùng phương tiện thu băng nghe đi nghe lại nhiều lần mới có thể thực hành đúng được. Có điểm nào chưa hiểu phải hỏi lại Thầy Tổ cho rõ ràng, thính vấn (nghe, hỏi) Phật Pháp nhân duyên, chớ nghe sơ qua một lần bỏ đó rồi một năm sau mới đem ra nghe lại thì biết đến bao giờ mới hành cho đúng để mà đạt được quả thánh.

Thầy nói cho quý vị biết, nếu như quý vị không lần lượt đi từ phát tâm trụ, trị địa trụ, tu hành trụ, rồi sanh quý trụ, cuối cùng là phương tiện cụ túc trụ, thì khó tiến lên được. Thầy lúc nào cũng nhắc nhở quý vị từng giây, từng phút luôn luôn phải điều phục thân tâm xem chừng coi con "trâu nghiệp" của mình đi tới đâu rồi? Nó có thuần thục nghe lời chủ chưa hay thỉnh thoảng vẫn còn đi lạc đường. Những lúc như vậy quý vị phải niệm Phật liền liền, điều phục cho tâm an ổn lại. Khi đó hành giả mới biết được mình giác ngộ tới đâu, và sự tu hành của mình đi đến đâu.

Nói tóm lại nếu đạt được quả vị Thập Trụ này thì hành giả có thể tiến lên thêm một bậc nữa đó là Thập Hạnh. 
 
Trích từ: Những Dòng Sữa Mẹ Tập 2
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 2, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
2 Diệu Nghĩa Thành Phật Của Hoa Nghiêm Nhất Thừa, Thanh Khâu Sa Môn Kiến Đăng Chi Tải Về
3 Diệu Nghĩa Thành Phật Của Hoa Nghiêm Nhất Thừa, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về
4 Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Quyển 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
5 Kinh Hoa Nghiêm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Đọc Tiếp
6 A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn Tập 2, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Đại Trí Độ Luận Tập 2, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu Tải Về
8 Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 2, Thượng Tọa Thích Phước Thái Tải Về
9 Pháp Uyển Châu Lâm - Tập 2, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản Tải Về
10 Tiểu Sử Danh Tăng Tập 2, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn Tải Về
11 Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 2, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
12 Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải, Đời Tống, Tỳ Kheo Giới Hoàn chùa Bạch Liên Tải Về
13 Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Quyển 4, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
14 Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Quyển 2, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
15 Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Quyển 3, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về

Thập Hiệu Như Lai
Tỳ Kheo Thích Thông Huệ

Luận Về Quả Vị Thập Tín
Hòa Thượng Thích Huyền Vi

Tiến Lên Quả Vị Thập Hạnh
Hòa Thượng Thích Huyền Vi

Tiến Đến Quả Vị Thập Hồi Hướng
Hòa Thượng Thích Huyền Vi

Hành Thập Độ Đến Quả Vị Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Huyền Vi