Phật Học Vấn Đáp


Nếu Cực Lạc là cõi tha thọ dụng thì tại sao phàm phu được vãng sanh về đó?
Nếu Cực Lạc là cõi tha thọ dụng thì tại sao phàm phu được vãng sanh về đó? Còn nếu Cực Lạc là cõi biến hóa thì tại sao Bồ tát Sơ địa trở lên (thánh nhân) lại sanh về đó? (3)

9/9/2022 5:54:26 PM

Các vị Bồ tát Tam hiền, Thanh văn, phàm phu chưa chứng được biến mãn chân như, chưa đoạn trừ được ngã chấp pháp chấp, tâm thức còn thô liệt, cõi Tịnh độ biến hiện không thể nào giống như cõi Tịnh độ vi diệu biến hiện từ tâm thức của các vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên. Thế nhưng, nhờ vào lực tăng thượng duyên của Bổn nguyện thù thắng của Đức Phật A Di Đà mà các Bồ tát Tam hiền, v.v…, tâm thức tuy thô liệt, vẫn có thể nhìn thấy cõi giới Tịnh độ vi diệu rộng lớn trang nghiêm giống như các Bồ tát Sơ địa trở lên nhìn thấy. Luận Phật Địa, v.v…, cho rằng các Bồ tát Sơ địa trở lên sanh về cõi tha thọ dụng, còn các Bồ tát Tam hiền trở xuống sanh về cõi biến hóa, là căn cứ vào phương diện tự lực để phán định khác nhau sự vãng sanh của các vị Bồ tát có sự khác biệt, chứ không căn cứ vào duyên lực thù thắng của Bổn nguyện.

Chẳng hạn như mắt phàm chỉ có thể nhìn thấy “chướng nội sắc”, chỉ nhìn thấy cõi Dục chứ không nhìn thấy cõi Sắc, chỉ có thể nhìn thấy vật ở cách khoảng (ly trung tri), chứ không nhìn thấy vật ở sát mắt (hợp trung tri), thế nhưng, phẩm Pháp Sư Công Đức trong Kinh Pháp Hoa nói rằng cặp mắt do cha mẹ sanh ra có thể nhìn thấy núi Tu di, cho đến thấy cả cõi trời A ca nị trá. Đây chẳng phải là mắt thường có thể nhìn thấy “chướng ngoại sắc”, và cõi trời A ca nị trá, v.v…, hay sao?

Kinh Giải Thâm MậtLuận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, nói: “Giống như người soi gương tự thấy mặt mình, nhân vì trong gương không có hình tượng, cho nên thấy được tỏ rõ nét mặt của mình. Đây là do phù trần căn hợp với nhãn căn cho nên thấy được nét mặt trong gương.” Đây chẳng phải là “hợp trung tri” (thấy vật ở sát mắt) hay sao?

Hiện nay, nếu nói nhìn thấy “chướng ngoại sắc” (cõi Sắc) thì đi ngược lại ý của luận, còn nếu nói không thấy thì lại đi ngược với ý của kinh. Cho nên biết rằng các luận sư phái Địa Luận phần lớn chỉ căn cứ vào “nhân duyên tự lực”, chứ không căn cứ vào “nhân duyên nguyện lực” thù thắng của chư Phật mà nói.

Sắc chất do “định tự tại” sanh ra không phải là sắc trần, nên mắt phàm phu không nhìn thấy được, nhưng sắc chất sanh ra bởi định tự tại phát xuất từ định lực của những bậc Đại uy đức thì mắt phàm có thể thấy được!

Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy. Do bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà khiến cho các bậc Bồ tát Tam hiền trở xuống được vãng sanh về cõi tha thọ dụng, không thể cho rằng không được vãng sanh. Lại như quán thứ chín trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Thân chân kim sắc của Phật A Di Đà cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, có tám vạn bốn ngàn tướng hảo.” Đây là thân thọ dụng của Phật A Di Đà mà các Bồ tát Tam hiền trở xuống không thể nhìn thấy được. Thế nhưng, đoạn kinh văn phía dưới lại nói: “Do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, những hành giả quán tưởng đều sẽ được thấy.” Do đây biết rằng hành giả nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà được thấy thân thọ dụng, và cũng nhờ nguyện lực của ngài mà được sanh về cõi thọ dụng.

Trong Luận Phật Địa cũng có câu hỏi tương tự: “Tịnh độ được đề cập ở phần trên dùng tịnh thức tối cực thanh tịnh làm thể tướng, tại sao trong pháp hội ở cõi đó lại có các bậc Thanh văn mà không mâu thuẫn ý nghĩa Tịnh độ? Mâu thuẫn chỗ nào? Các bậc Thanh văn cùng thấy cảnh giới mà Bồ tát thấy, vì thấy cùng cảnh giới nên nghe được diệu pháp.”

Một vị luận sư trả lời: “Có thể là nhờ thần lực của Đức Như Lai gia bị làm cho họ tạm thời được thấy nghe diệu pháp. Đây là do uy lực bất khả tư nghị của Đức Như Lai. Không thể cật vấn các vấn đề căn cơ, giai vị, trình độ, v.v…, được.”

Ý của vị luận sư này muốn nói rằng Đức Phật giảng Kinh Phật Địa ở cõi thọ dụng, các hàng Thanh văn, v.v…, được thấy cõi Tịnh độ đó, được nghe Kinh Phật Địa, đều là nhờ vào uy lực bất khả tư nghị của Đức Như Lai.

Hiện nay, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về việc nương vào Bổn nguyện bất khả tư nghị của Phật A Di Đà để được vãng sanh Cực Lạc thì đâu có gì lầm lỗi mà phải bắt bẻ?

Trích từ:  Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận. Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh


Thẻ
Cực Lạc        Vãng Sanh        Bồ Tát       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật