Home > Khai Thị Phật Học
Có Nên Ðể Cho Trẻ Em Tự Do Phát Triển Chăng?
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


"Thiên địa chi đại,

Tứ hải chi khoan,

Vô kỳ bất hữu."

Nghĩa là:

"Trời đất rộng lớn,

Bốn biển mênh mang,

Chuyện lạ đầy dẫy."

Thế giới có vô số những chuyện đặc biệt, kỳ dị mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Song chuyện gì cũng một phần là do trời tạo, một phần là do người tạo. Trời tạo mà người không làm gì cũng không thành công; người làm mà trời không tạo thì cũng không có căn bản. Cho nên, trên đời chuyện gì cũng tương đối, có thiện có ác, có âm có dương, có đúng có sai, có tốt có xấu; đó là pháp đối đãi.

Vì là pháp đối đãi, nếu người biết làm thì điều xấu có thể biến thành điều tốt, nếu người không biết làm thì tốt cũng trở thành xấu! Cũng vậy, người biết dụng công thì lúc âm khí cực thạnh cũng có thể biến hóa thành dương khí, và lúc dương khí hết sức cang cường cũng có thể làm cho điều hòa. Âm thuộc về tĩnh, về nhu; còn dương thì thuộc về động, về cương; cho nên điều tốt điều xấu đều do con người làm ra. Cổ nhân nói:

"Cận chu giả xích,

Cận mặc giả hắc,

Nhiễm ư lam tắc lam,

Nhiễm ư hoàng tắc hoàng."

Nghĩa là:

"Gần son thì đỏ,

Gần mực thì đen,

Nhuộm xanh thì xanh,

Nhuộm vàng thì vàng."

Ở nước Trung Hoa có một vị Á Thánh tên là Mạnh Tử. Lúc còn nhỏ, cha mất sớm, chỉ có mẹ nuôi dưỡng Ngài. Lúc đầu, nhà của Ngài cạnh nhà người đồ tể. Vì còn nhỏ, tai nghe mắt thấy chuyện gì cũng dễ tiêm nhiễm, cho nên Ngài ngày ngày học cách người đồ tể thọc huyết trâu, dê. Mẹ của Ngài thấy vậy thì biết rằng nếu để Ngài tự do phát triển thì tương lai nhất định Ngài sẽ trở thành một tên đồ tể. Vì vậy bà lập tức dọn nhà đi, và dọn tới bên cạnh nghĩa địa.

Bấy giờ Mạnh Tử lại học cách người coi mộ: quét đất, thắp nhang, dâng hoa, cúng tế người chết. Mẹ Ngài lúc đó mới nghĩ rằng: "Không xong rồi! Con nít mà để cho phát triển tự do thì tương lai con mình sẽ trở thành kẻ coi mộ chớ có lợi gì?" Bởi vậy lần thứ hai bà lại dời nhà đi nữa. Lần này, bà dọn nhà tới bên cạnh trường học.

Ở cạnh trường học, ngày ngày Mạnh Tử tận tụy bắt chước những học sinh ở đó: lên lớp chào thầy, về nhà lễ cha mẹ. Tuy nhà không có tiền, nhưng Mạnh Tử ra sức học hành; đối với việc đọc sách, đi, đứng, lễ, nghĩa, ông rất thành thạo. Mẹ Ngài thấy như vậy bèn quyết định sẽ ở đó luôn vì hễ con của bà bắt chước kẻ đọc sách thì tương lai sẽ thành đạt.

Nhưng không lâu thì Mạnh Tử nổi tính phá phách, ngỗ nghịch, không còn muốn học nữa. Một hôm, mẹ Ngài đang lúc dệt tơ, thấy con đi học mà bỏ ngang về nhà thì liền cắt khung cửi, khiến dây tơ dứt làm hai đoạn. Mạnh Tử thấy vậy liền nghĩ rằng: "Khung cửi đứt, không còn dệt được, tất sinh kế nhà mình sẽ khó khăn, bởi mọi sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào nghề dệt vải này." Cho nên Ngài mới hỏi mẹ rằng: "Tại sao mẹ lại cắt khung cửi như vậy?"

Bà trả lời: "Con nay chẳng chịu học hành thì cũng giống như khung cửi không còn dệt được nữa vậy!" Mạnh Tử nghe xong hết sức hổ thẹn, quyết chí dụng công học hành. Về sau, Ngài trở thành một vị đại thánh nhân của Nho học.

Ởấ nước Mỹ này, tôi không thể nói rằng tự do phát triển là hoàn toàn không đúng. Song, nếu tự do phát triển thái quá thì đó là một điều sai lầm. Quan niệm này nếu tồn tại thì sẽ nuôi dưỡng hậu hoạn. Trẻ con cũng giống như cây non đang độ lớn; nếu cây đâm chồi nảy nhánh loạn xạ tất cần phải cắt tỉa đi thì tương lai cây mới mọc thẳng, cũng như trẻ con phải được dạy dỗ chu đáo thì mới có thể trở nên trụ cột của quốc gia sau này!

Nếu con trẻ có tật viết tay trái thì không thuận tiện cho lắm. Tay mặt thuộc về tánh nhu thuần, tay trái thuộc về tánh cương cường; tay mặt là âm, tay trái là dương. Nếu trong nhà có con em viết tay trái thì tốt nhất nên sửa lại, để viết tay phải thì thuận hơn. Cũng giống như đi nhiễu Phật thì đi từ bên phải qua, mọi thứ đều từ bên tay phải mà bắt đầu, đó mới hợp với bản tánh, mới linh hoạt được. Con em thuận tay trái thì tánh tình ít nhiều có đặc tính cương cường.

Tôi đề nghị với các bậc làm cha mẹ rằng hễ con cái có điểm nào sai lầm thì nên cấp thời sửa đổi lỗi lầm của chúng. Ðể tự do phát triển thì tương lai chúng sẽ biến thành "hippy, " lưu manh, du đãng. Khi đó chúng ta phải làm gì? Có câu:

"Dưỡng bất giáo phụ chi quá,

Giáo bất nghiêm sư chi đọa."

Nghĩa là:

" Nuôi mà không dạy là lỗi của cha,

Dạy mà không nghiêm là thiếu sót của thầy."

Chẳng lẽ chúng ta không cẩn thận ngăn ngừa sao? Nếu muốn nói đến chân chính tự do phát triển thì phải bỏ trẻ con vào núi cao rừng hoang, không có câu thúc gì cả, cho chúng tự do sinh tồn giống như thảo mộc tự nhiên sinh trưởng vậy. Nếu không thì không thể đề cập tới "tự do phát triển" được. Nếu cho rằng chìu theo ý trẻ con muốn là tự do phát triển, thì đó là một quan niệm sai lầm. Trẻ con làm đúng thì cổ võ, khích lệ để cho chúng tiếp tục làm; nếu chúng làm sai thì mình phải chấn chỉnh để chúng tiến tới điều chánh, điều thiện. Ðể nhân loại tiếp tục sinh tồn trong xã hội này, mình phải duy trì hành động có trí huệ; không thể dùng lầm danh từ "tự do phát triển" này được.

Khi để trẻ con tự do phóng túng, thì trong tương lai chúng sẽ biến thành những thanh thiếu niên hư hỏng, hết sức bạo ngược, cang cường. Chúng không thể thành người anh tuấn mà sẽ là những phần tử hư hỏng của xã hội. Nếu đất nước thiếu những bậc lương đống, anh tài thì hậu quả thật khó lường được vậy!



Từ Ngữ Phật Học Trong: Có Nên Ðể Cho Trẻ Em Tự Do Phát Triển Chăng?