Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Lien-Tong-Bao-Giam

Lời Ngỏ


Chúng sinh vốn sẵn đủ trí tuệ, đức tướng của Như Lai, nhưng vì mê lầm lãng quên tánh biết sáng suốt nơi chính mình, chạy theo vọng tưởng trần lao, gây tạo các thứ nghiệp nên luân hồi trong sáu nẻo. Làm nghiệp lành thì sinh nơi cõi A tu la, Người, Trời; gây nghiệp ác thì đọa vào Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Rốt cuộc, chỉ là khổ thôi!

Đức Phật từ bi vô hạn, xuất hiện nơi đời, chỉ dạy vô lượng pháp môn để cứu thoát chúng sinh đang chìm đắm trong biển khổ sinh tử mênh mông, đặt để lên bến bờ Niết bàn an vui giải thoát.

Pháp môn tuy nhiều nhưng tìm một pháp ổn thỏa, thẳng tắt, thích hợp mọi căn cơ thì không gì hơn niệm Phật. Trên từ hàng Bồ tát Đẳng giác, dưới đến kẻ phàm phu dẫy đầy phiền não, đều tin tưởng hướng về. Pháp tu này, người trí quyết tâm niệm Phật hiện đời vào sâu Tam muội, kẻ ngu chỉ cần mười niệm thành công về nơi chín phẩm.

Thế nên, bao đời chư vị Tổ sư, Cao tăng, Đại đức, trước tác soạn thuật, hoằng dương Tịnh Độ, sách luận rất nhiều, nhằm để nối tiếp tâm nguyện Phật, dẫn dắt muôn loài đồng về cõi Tịnh. Trong đó, quyển Liên Tông Bảo Giám do Đại sư Ưu Đàm soạn thuật được xem là chiếc thuyền lớn của việc xiển dương Tịnh nghiệp.

Sách này là chiếc gương quý báu soi sáng cho người niệm Phật, khiến ai nấy đều thấu rõ đường lối tu hành, nhận chân được giá trị lớn lao của pháp môn Tịnh Độ, phá tan mê lầm, bỏ tà về chánh, chống đỡ ngôi nhà Phật pháp trong lúc nguy nan, xua tan mây mù u ám, để mặt trời trí tuệ Phật soi sáng muôn nơi, chúng sinh đều thấm nhuần mưa pháp.

Tôi lúc mới vào đạo, đã xem qua Mấy Điệu Sen Thanh do Hòa Thượng Thiền Tâm phiên dịch nên biết được đại khái phần nào giá trị của bộ Liên Tông Bảo Giám. Vả lại, nhận thấy tài liệu về Tịnh Độ ở Việt Nam chưa nhiều, nơi lòng ấp ủ tâm nguyện mong muốn góp sức vào việc phiên dịch để phổ biến. Vào năm 2002, nhân lúc an cư tại trường Hạ chùa Bửu Liên (Quận Bình Thạnh), tôi gặp thầy Minh Thành, được biết thầy thông thạo về Hán cổ nên mong thầy phát tâm chuyển ngữ những bộ sách Tịnh Độ trong Hán tạng sang Việt văn. Từ đó, các huynh đệ đồng lòng góp sức, những dịch phẩm lần lượt ra đời. Đến khi có được trong tay bộ Liên Tông Bảo Giám bằng chữ Hán, chúng tôi quyết tâm phiên dịch sang tiếng Việt nhằm đem lại lợi ích rộng sâu cho người tu Tịnh nghiệp. Thời gian trải qua ba năm, lúc hoàn thành, tôi cầm bản thảo xem đi xem lại năm bảy lượt, nơi lòng dâng tràn niềm cảm xúc sâu xa khi đọc đến đoạn: "Đời vua Nguyên Thành Tông, xuất hiện nhóm người mạo danh Liên tông, làm

điều tà vạy, bẻ cong chánh pháp, gây loạn trong nước. Triều đình ban chiếu chỉ nghiêm cấm Liên tông hoằng hóa. Đại sư Ưu Đàm đem hết tâm tư soạn thuật mười quyển Liên Tông Bảo Giám, kính cẩn tự phát tâm lập nguyện, y theo số chữ trong ấy, mỗi chữ lạy ba lạy, mỗi lạy tụng tâm chú Lăng Nghiêm một lần, xưng tôn hiệu Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát ba lần. Ngài tha thiết mong chư Phật xót thương gia hộ, khiến cho tà ma ngoại đạo quy y, chân thừa được lưu bố rộng rãi. Sau đó, Ngài đích thân lên kinh đô, vượt đường xa ngàn dặm, không ngại gian khổ, đem sách này dâng lên Hoàng đế. Nhà vua xem xong khen ngợi, bãi bỏ lệnh cũ, cho phép in ấn lưu hành rộng rãi".

Thật tôn kính biết bao! Đại sư Ưu Đàm ý chí ngất trời, dùng mắt tuệ viết nên sách này, tâm thành cùng cực, vì pháp quên cả thân mạng, quyền uy không khiếp phục, dốc sức mở bày chánh pháp, dẫn dắt mọi người đồng về nẻo giác. Với tâm này, nên Sư mới đạt thành chí nguyện như thế!

Chúng tôi chỉ mong những ai có duyên đọc qua, hoặc thấy hoặc nghe, bao người tu tập pháp môn Tịnh Độ đều là bạn sen thân thiết với chúng tôi, cùng nhau quyết tâm tu hành, dốc sức niệm Phật không thối chuyển, để đền đáp phần nào công ơn sâu nặng của Phật, Tổ.

Dịch phẩm hoàn thành dưới sự chứng minh của Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh (viện chủ chùa Vạn Đức), sự tận tâm giúp đỡ của Đại Đức Thích Chân Tính (Trụ trì chùa Hoằng Pháp) cùng chư pháp hữu Đại Đức Tâm Huệ, Phật tử Tâm Hoa, Hoằng Trạng... biết bao tấm lòng vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh nên công việc sớm được thành tựu.

Trong khi phiên dịch, không sao tránh khỏi sai lầm sơ thất, mong chư tôn đức niệm tình chỉ dạy cho. Thành kính tri ân vô lượng!

Chùa Huệ Viễn, 14/10/2008

Thích Pháp Đăng kính ghi