Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Luan-Bao-Vuong-Tam-Muoi-Niem-Phat-Truc-Chi

Luận Bảo Vương Tam Muội
Niệm Phật Trực Chỉ

Lời Giới Thiệu


Phật giáo đến Việt Nam và chan hòa với dân tộc như nước với sữa. Trải dài suốt hơn 2000 năm lịch sử, tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào tâm huyết cốt tủy của người dân Việt, từ suy tư cho đến ngôn ngữ, nếp sống phong tục v.v... khía cạnh nào cũng bàng bạc mang chất liệu Phật giáo. Do đó có thể nói Phật giáo nằm trong lòng dân tộc, ươp thấm sâu đậm tâm hồn người Việt và đã trở thành truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân tộc.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh dân tộc Việt và Phật giáo, trải qua bao cuộc thăng trầm, lúc nào cũng gắn bó chung vai cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ non sông xây dựng đất nước, luôn luôn trong mọi hoàn cảnh hiện diện bên nhau, chia vui xẻ buồn. Nguồn sống của đạo Phật vô tận, đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt bền dai, tô đắp đất nước Việt Nam, tạo nên những bậc anh hùng yêu nước thương nòi như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Trần Nhân Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Trải v.v... đồng thời không ngừng cung ứng cho dân tộc Việt các tinh hoa phật chất để xây nền văn hóa và niềm tin vững bền. Cho dù đất nước trải qua mấy độ ngoại xâm nội loạn và thiểu số người vong bản bỏ khối dân tộc tin theo đạo Tây, quay lưng với đại khối dân tộc, từ chối niềm tin truyền thống ngàn đời của tổ tiên. Họ vứt bỏ kỷ cương của tổ quốc, từ chối tinh thần yêu nước thương nòi, khinh chê phụng thờ tổ tiên, hiếu kính cha mẹ. Họ cũng chẳng cần để tâm đến tinh thần đoàn kết dân tộc, phụng sự tổ quốc, nghĩa đồng bào. Họ đã từng hô hào “Thà mất nước, không thà mất Chúa”.

Tuy nghiệp dân vận nước liên hồi bất hạnh, đạo đức phong hóa suy vi, nhưng người hiền trong thiên hạ có tâm chí ưu thời mẫn thế nhìn về tương lai dân tộc tìm phương bảo vệ đất nước, phục hưng văn hóa đạo đức thì thời nào cũng có. Do đó kinh sách Phật giáo là một bộ phận trong đại thể văn hóa dân tộc vẫn được dịch thuật thành Việt văn, tuy chỉ bằng vào khả năng phương tiện hữu hạn với sức cố gắng cá nhân, chẳng khác như sao trời trong đêm trăng. Đành cam phận trong tình trạng nầy, lý do chính là các vị lãnh đạo quốc gia có lẽ không ý thức được tầm quan trọng của tạng kinh Việt ngữ đối với sự hướng dẫn quần chúng trong tinh thần Bi Trí Dũng của Phật giáo và cũng không ý thức nổi giáo lý đạo Phật có giàu khả năng bổ sung tô đắp cho nền văn hóa nước nhà phong phú tốt đẹp hơn lên nên họ không để tâm giúp đỡ công tác dịch thuật kinh Phật.

Nhìn lại với các dân tộc láng giềng, thì dân tộc ta gặp quá nhiều bất hạnh đắng cay. Các dân tộc láng giềng được các nhà vua giúp đỡ phương tiện tổ chức dịch thuật, nên nước nào cũng có tạng kinh của nước đó. Còn Việt Nam ta vốn xưng là 4000 năm văn hiến, và Phật giáo dính liền với sự dựng nước và giữ nước, làm phong phú văn hóa tư tưởng nước nhà đã sống trong lòng dân tộc trải đến hơn 2000 năm lịch sử. Vậy mà mãi đến ngày nay vẫn chưa có tạng kinh bằng Việt ngữ. Dẫu rằng ngày nay kinh sách Việt ngữ được dịch thuật khá nhiều, nhưng vẫn còn trong tình trạng phôi thai trong tiến trình hình thành Việt tạng, nếu so với tạng kinh Hán văn thì chẳng thấm vào đâu! Nghĩ rằng không ít người thao thức về việc hình thành đại tạng kinh Việt ngữ này.

Hiến trọn tấm lòng nhiệt tình với đạo pháp, bằng khả năng thâm nhập giáo lý Phật đà của mình, nay cư sĩ Minh Chánh chuyển ngữ Hán văn thành Việt văn Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ để kết duyên Bồ Đề cùng bạn đạo bốn phương. Tỳ kheo Quê Mùa tôi có mấy lời mộc mạc tán dương công đức dịch thuật, đồng thời giới thiệu đến thiện hữu gần xa.

Hoa Kỳ, Vu Lan Tân Tỵ, 2001
Tỳ Kheo Quê Mùa Thích Đức Niệm


KHUYÊN TU:

Tây phương quê cũ sớm quay về Hơi thở mạng người chớ trể mê! Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.

Nhất Nguyên Đại Sư