Home > Khai Thị Niệm Phật > Khai-thi-2-Phat-that-thanh-minh-bao-an
Khai thị 2: Phật thất thanh minh báo ân
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch


 Khai thị 2: Phật thất thanh minh báo ân

1. Khẩn thiết, hoan hỷ, không lìa danh hiệu Phật

Quý vị liên hữu thân mến, A Di Đà Phật! Chúng ta hiện tại bắt đầu đi vào giai đoạn tu hành Phật thất Thanh minh, mong quý vị dùng tâm khẩn thiết, tâm hoan hỷ để tu hành pháp môn niệm Phật bảy ngày, tốt nhất nên xem niệm Phật thất như là bắt đầu lại một đời sống mới. Chúng ta bình thường dùng tán tâm niệm Phật, trong thời gian Phật thất phải dùng chuyên tâm niệm Phật, sau đó đến nhất tâm niệm Phật. Vì sao phải hoan hỷ? Vì có thể niệm Phật được, lại có thể tham gia niệm Phật bảy ngày, là nhờ bản thân bạn có đại phước báo, căn lành sâu dầy, rất nhiều người không được mà bạn được, cho nên phải hoan hỷ. Đồng thời lúc niệm Phật phải đem tâm niệm của bạn và danh hiệu Phật gắn liền với nhau, tạo thành một khối. Danh hiệu Phật chính là bản thân bạn, bản thân bạn chính là danh hiệu Phật, tâm của bạn phải tương ứng với danh hiệu của Phật A Di Đà. Ở trên Phật điện niệm Phật, ở trong trai đường niệm Phật, lúc ngủ cũng niệm, khi đi làm lễ cũng niệm, cho đến khi rửa tay cũng niệm, dù niệm thầm hay niệm ra tiếng trong tâm lúc nào cũng có danh hiệu Phật.

2. Trí tuệ vô lượng

Ý nghĩa Phật A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang, tức là thọ mạng vô lượng và ánh sáng vô lượng. Phật A Di Đà có thể ở trong khoảng thời gian dài vô tận, tiếp dẫn chúng sinh vô lượng, cho nên gọi là vô lượng thọ, hay dùng trí tuệ vô biên và lòng từ bi vô tỉ, chiếu cố đến chúng sinh trong biển khổ vô cùng, cho nên gọi là vô lượng quang. Lúc chúng ta niệm Phật, trong tâm phải tương ưng với từ bi và trí tuệ, cũng tức là phải tương ưng với vô lượng quang của Phật A Di Đà, tâm của chúng ta vĩnh viễn không được xa lìa trí tuệ và từ bi. Tâm của chúng ta cũng vĩnh viễn không được xa lìa danh hiệu Phật A Di Đà, đó cũng là vô lượng thọ.

3. Không một không hai, sinh mạng vô thường

Lúc niệm Phật, Phật A Di Đà với chúng ta hiệp làm một, không một không hai, cũng không phải một cũng không phải hai. Bởi vì ngay lúc chúng ta niệm Phật, Phật A Di Đà là danh hiệu Phật mà chúng ta phải niệm, cho nên không phải là một, thế nhưng lúc niệm Phật A Di Đà, tâm chúng ta với Phật A Di Đà hợp làm một, cho nên không phải một cũng không phải hai.

Chúng ta cùng niệm Phật chung với người một chỗ, cũng là không một không hai. Bởi vì mọi người cùng niệm Phật A Di Đà, bạn niệm Phật A Di Đà của bạn, tôi niệm Phật A Di Đà của tôi, mà không phải cá nhân nào niệm; thế nhưng mọi người ở một chỗ cùng chung niệm Phật A Di Đà, trong tâm chỉ có một Phật A Di Đà chung, cho nên cũng không thể tách rời được.

Nếu thể nghiệm được đạo lý này, chúng ta có thể tin tưởng đang lúc bản thân mình tham gia Phật thất niệm Phật, những oán thân trái chủ của chúng ta, cha mẹ và thân hữu của chúng ta hiện còn, tiên vong quyến thuộc của chúng ta cũng với chúng ta không một không hai, cũng với chúng ta niệm Phật một chỗ. Chúng ta được lợi ích về niệm Phật, họ cũng được lợi ích về niệm Phật, cho nên Phật thất Thanh minh báo ân, một mặt tự mình được công đức tu hành, đồng thời cũng đem công đức tu hành này chia cho thân hữu trái chủ của chúng ta. Dù là người còn sống hay đã chết họ đều nhờ công đức niệm Phật của chúng ta mà hưởng được lợi ích rất lớn.

Trong quá trình tu hành Phật thất kỳ này, điều cần nhất là yêu cầu quý vị không nên nói chuyện, cho đến cũng không nên đối thoại với chính mình, chỉ chuyên tâm niệm Phật. Đồng thời phải lợi dụng thời gian nhàn rỗi, vừa niệm Phật vừa lễ Phật, mỗi ngày ít lắm cũng phải được 300 lạy. Hy vọng quý vị không nên lãng phí thời gian, sinh mạng vô thường, thời gian có hạn.

4. Tham gia Phật thất chính thật là báo ân

Tham gia tu hành Phật thất Thanh minh là vì báo ân, vậy báo ân ai? Phật dạy có bốn ân, Thanh minh chủ yếu là báo ân cha mẹ và ân chúng sinh.

Người Trung Quốc trong một năm thông thường có ba lần cúng tổ tiên: Thanh minh, Trung nguyên và Tết. Đây chính là uống nước nhớ nguồn, biểu đạt tấm lòng đối với tổ tiên, biểu thị sự tưởng nhớ và lòng biết ơn.

Đây chính là phong tục tập quán của dân tộc Trung Hoa do lịch sử tạo thành. Người Trung Quốc xem trọng việc cúng tổ tiên nên ấn định một năm ba tiết như vậy. Đối với Ấn Độ và Âu Mỹ thì không như thế. Như trước đây có một vị cư sĩ quốc tịch Mỹ tham dự Phật thất tại Nông Thiền tự, nếu đem việc cúng tế Thanh minh mà nói với ông ta thì không thích hợp lắm, thế nhưng lấy phong tục của người Trung Quốc để nói thì Thanh minh báo ân là rất trọng yếu. Phật giáo từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc đã không phế bỏ phong tục tập quán của người Trung Quốc, trái lại còn thích ứng với văn hóa bản địa của Trung Quốc, tín đồ Phật giáo cũng tế tự tổ tiên giống như người Trung Quốc vậy.

Người Trung Quốc bình thường chỉ biết cúng tế một lần vào dịp Tết, như vậy có tác dụng không? Có, đấy chính là một loại thăm hỏi đối với tiên vong quyến thuộc, cho đến đối với những cô hồn vất vưởng biểu thị sự quan tâm, cho nên có tác dụng, thế nhưng không phải là nhiều lắm. Nếu có thể vận dụng Phật pháp để siêu độ tiên vong, thì mới có tác dụng lớn lao chân chính. Bởi vì dùng Phật pháp để hóa giải phiền não, oán kết trong tâm của họ, khiến họ có thể ly khai quỷ đạo mà sớm sinh về thiện đạo, hoặc sinh thiên quốc, hoặc vãng sinh Tịnh độ cõi Phật. Đem công đức niệm Phật và năng lực niệm Phật của chúng ta hồi hướng cho họ, đồng thời cũng dẫn dắt họ cùng niệm Phật, giúp cho tiên vong quyến thuộc và những cô hồn không người thờ cúng được siêu sinh lìa khổ. Đó chính là dùng Phật pháp để làm Phật sự siêu độ, so với việc biểu lộ bằng hình thức lễ cúng tảo mộ hoặc đốt giấy tiền vàng bạc v.v… có tác dụng hơn nhiều.

Cho nên, chúng ta gặp lúc tiết Thanh minh, dùng công đức tu hành Phật thất để báo ân, có lợi cho người chết mà cũng có ích cho người sống, mới là hữu dụng chân thật. Bao quát cả chúng sinh hữu hình và vô hình đều được lợi ích. Họ từ vô thủy đến nay đối với chúng ta đều có ân, cho nên cũng dùng công đức niệm Phật để hồi hướng cho họ, đồng thời cũng dùng oai lực Tam bảo dẫn dắt họ cùng tu hành.

Tôi xin hỏi quý vị, hiện tại có bao nhiêu chúng sinh tham gia Phật thất này? Người thì không có bao nhiêu, đang nghe tôi khai thị không đến 1000 vị. Thế nhưng, quý vị có thấy không? Trên vách tường chúng ta thấy có cả ngàn bài vị thờ, lại thêm hàng trăm ngọn đèn. Trên mỗi bài vị, mỗi ngọn đèn, có viết một tên người, biết bao nhiêu là tên, viết rất nhiều lịch đại oán thân trái chủ, còn viết cả lịch kiếp oán thân trái chủ và cô hồn không người thờ cúng. Cho nên, chúng ta phải biết, ngày nay tại chỗ niệm Phật này, không chỉ có một số người chúng ta, còn có vô số chúng sinh mà mắt thịt không thể thấy được, cũng đang niệm Phật nghe pháp. Nếu oán thân trái chủ đã chuyển sinh và không đến được, cũng sẽ do công đức niệm Phật của chúng ta mà được lợi ích.

5. Ý nghĩa và công năng của siêu độ

Hiện tại tôi cũng căn cứ Phật pháp giới thiệu với quý vị về ý nghĩa siêu độ chúng sinh, công năng siêu độ chúng sinh.

Ý nghĩa siêu độ là dùng Phật pháp thanh tịnh hóa giải khổ nạn chúng sinh, khiến cho chúng sinh ra khỏi biển khổ phiền não sinh về Tịnh độ Phật quốc. Mục đích chúng ta tu học Phật pháp chính là muốn từ bờ khổ nạn bên này siêu độ đến bờ giải thoát bên kia. Nhiều người hiểu lầm cho là Phật pháp chỉ siêu độ người chết, siêu độ vong linh, kỳ thật Phật pháp tuy có công năng độ vong, nhưng tác dụng lớn nhất của nó là siêu độ người sống tu hành Phật pháp. Tu hành Phật pháp thì có thể từ trong ngu si, vô minh, phiền não đạt được giải thoát. Dùng năng lực tu hành giới định tuệ, có thể khiến cho chúng ta từ phàm phu sinh tử đạt đến cảnh giới Bồ tát, Phật bất sinh bất tử, đó mới là siêu độ chân chính.

Công đức siêu độ có cạn có sâu. Trên đường tu hành Phật pháp, đi một bước là siêu độ một bước, đi hai bước là siêu độ hai bước. Chúng ta mỗi khi niệm một câu danh hiệu Phật thì ở trong biển khổ di chuyển đến bờ một bước. Cho nên, tín đồ Phật giáo trong địa vị phàm phu là đang siêu độ, Phật Bồ tát trong địa vị Thánh giả là đã siêu độ. Chúng ta mỗi khi niệm một câu danh hiệu Phật đều đang siêu độ chính mình. Tổ tiên hoặc oán thân trái chủ của chúng ta, cho đến những cô hồn vô tự đối với chúng ta có duyên nhờ sự niệm Phật của chúng ta mà được lợi ích, được siêu độ. Đó là chúng ta báo ân, kết duyên, hoàn nguyện, có sự quan tâm, cũng tức là thực hành đạo Bồ tát tự lợi lợi tha. Dùng Phật pháp để trợ giúp vong linh, khiến cho họ nghe được Phật pháp, cũng có thể được tâm ý khai mở, phát sinh trí tuệ, cầu sinh Tịnh độ Phật quốc. Đó gọi là siêu độ chúng sinh.

Từ quan điểm Phật pháp để lý giải, chúng sinh đều ở trong ngũ thú lục đạo từ sinh đến tử, tử rồi lại sinh, gọi là sinh tử lưu chuyển, không phải vĩnh viễn làm quỷ, không phải vĩnh viễn làm người, cũng không phải vĩnh viễn làm súc sinh, hay làm thiên thần. Bởi vì người phải chết, ngũ thú chúng sinh đều phải chết. Họ chết rồi sau này làm gì? Đi chuyển sinh. Chuyển sinh đến đâu? Là y theo nghiệp nhân của chính họ từ vô thủy đến nay, mà sinh đến chỗ phải sinh. Nhân duyên lành thì sinh đến chỗ lành, nhân duyên ác thì sinh đến chỗã xấu. Nếu tu nhân duyên Bồ đề vô lậu, nương nhờ nguyện lực của Phật thì sẽ sinh về Tịnh độ cõi Phật. Chiếu theo lời giảng trên thì tổ tiên của chúng ta, oán thân trái chủ lịch kiếp không nhất định đều ở trong quỷ thú. Bởi vì từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta với rất nhiều chúng sinh phát sinh quan hệ ân oán với nhau. Cho nên, chúng ta vẫn không biết được có bao nhiêu chúng sinh có quan hệ với chúng ta ở trong quỷ đạo, thần đạo hoặc thiên đạo, và chúng ta cũng không biết có bao nhiêu oán thân trái chủ ở trong địa ngục đạo và súc sinh đạo. Để báo ân họ, chúng ta nhất định phải dùng Phật pháp, đem công đức tu học Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, hộ trì Phật pháp để hồi hướng cho họ, khiến cho họ được lợi ích, có thể lìa khổ được vui.

6. Quỷ và thần

Chúng sinh thuộc quỷ đạo chia làm ba loại: vô tài, thiểu tài và đa tài. Vô tài vô phước là ngạ quỷ không có tự do. Thiểu tài thiểu lực là quỷ thần nương gá nơi cỏ cây. Đa tài đại phước là quỷ thần tự do đại lực. Quỷ không tự do là chúng sinh ở địa ngục. Nhưng cũng có một số quỷ thần, tuy không có phước báo, nhưng cũng không có tội báo lớn lắm. Hoặc giả có một loại linh thể, chúng có tội báo và phước báo vẫn chưa có thọ báo, đang đợi nhân duyên đi thọ báo, vẫn ở trong vòng quỷ đạo. Những hồn ma này lơ lửng ở không trung, trôi nổi tại nhân gian mà mắt thịt của người không thể nhìn thấy được. Những quỷ thần nầy rất dễ kết duyên với người, có một số cũng quấy phá người. Do đó, nếu chúng ta dùng Phật pháp kết duyên với họ, đối với họ có lợi ích rất lớn, giúp họ sau khi tâm ý khai mở có thể được siêu độ.

Quỷ thần tự do và không tự do ở chỗ là quỷ thần phước báo lớn thì phạm vi tự do của họ lớn tương đương. Quỷ Trung Quốc có thể đi Mỹ quốc, quỷ Mỹ quốc cũng có thể đến Đài Loan. Họ có một số thần thông lực muốn đi đâu liền đến đó. Nhưng có một số quỷ thần phước đức kém, chỉ có thể ở địa phương, chẳng hạn họ ở Bắc Đầu chỉ có thể hoạt động ở khu vực Bắc Đầu. Như ở thành phố Đài Bắc có một khu vực 20 mươi năm về trước là pháp trường xử bắn phạm nhân, hiện nay nơi này đã xây dựng một cơ quan lớn, các nhân viên nhà nước lúc mới dọn đến phát hiện rất nhiều chuyện, chẳng hạn như không ai khởi động thang máy, tự động nó đi lên đi xuống. Có người nghe trong phòng trống có tiếng dọn đồ đạc, ngoài ra có những lúc đột nhiên cúp điện, cũng có lúc nghe tiếng hô khẩu lệnh, tiếng súng bắn, miêu tả đủ thứ chuyện kỳ lạ, do đó có người muốn tôi đến đó xem thử. Tôi đã đến một lần rồi và tin rằng đối với những linh thể đó sẽ có được một ít trợ giúp. Bởi vì tôi đến đó niệm Phật A Di Đà, mời họ về Nông Thiền Tự tham gia niệm Phật thất Thanh minh. Chúng ta dùng công đức niệm Phật để siêu độ họ và kết thiện duyên với họ.

Họ rất đáng thương, vì không có xác thân cho nên rất khó lưu lại đây bảy ngày mà không phải đi. Lúc quý vị niệm Phật, tuy muốn dừng vọng tưởng, nhưng tâm vẫn cứ trôi nổi bên ngoài, cũng như hồn ma trôi nổi Đông Tây, mà thân thể thì vẫn đang ở đây niệm Phật vậy. Thế nhưng, những quỷ thần này rất đáng thương, niệm được vài câu Phật, nghe được vài câu Phật pháp, chỉ một thoáng là bay đi mất. Do phước báo của họ không lớn bằng chúng ta, chính bản thân họ cũng không có biện pháp nào, vẫn phải nhờ chúng ta dùng công đức niệm Phật hồi hướng cho họ. Qua đó đủ biết, nếu chúng ta lúc sống biết niệm Phật, tự tu tự độ là tốt nhất, để đợi chết rồi sau đó nhờ người nhà siêu độ thì cũng giống như những người kia vậy. Phật nói: “Thân người khó được”, chỉ có thân người mới thực sự có đủ điều kiện tu tập.

Tôi ở phương Tây, đối với người phương Tây không nói như vậy, bởi vì quỷ phương Tây không có tiết Thanh minh, cũng không mong người nhà cúng tế, nguyên nhân là họ đã thành tập quán, cho nên sẽ không có vấn đề. Thế nhưng, quỷ thần của Trung Quốc thì không như vậy. Người Trung Quốc có tập quán của người Trung Quốc, đến lúc Thanh minh bạn không cúng tế cho họ, họ cũng sẽ thắc mắc. Phong tục tập quán và tín ngưỡng nhân gian của Trung Quốc, khiến cho linh thể của một số người đã chết mà vẫn chưa chuyển sinh, hoặc làm chúng sinh ở trong quỷ đạo, thiết tha mong đợi người sống chăm lo cho họ. Cho nên, người Trung Quốc có tiết Thanh minh, đặc biệt còn có thuyết mở cửa ngục rằm tháng 7 âm lịch nữa.

Tôi giảng hôm nay, không chỉ thăm hỏi an ủi vong linh, mà cũng muốn khuyến khích mọi người dùng tu hành Phật pháp để báo ân tổ tiên, báo ân chúng sinh, và dùng công đức thuyết pháp, nghe pháp, niệm Phật để siêu độ họ.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
5.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
6.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
7.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
11.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
13.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch