Home > Khai Thị Phật Học
Ý Nghĩa Hồng Danh Sám Hối
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Trí Giả đại sư dạy chúng ta muốn đem Phật pháp để vào tâm, chúng ta phải sám hối cho sạch nghiệp, vì nghiệp không sạch, pháp đem vào cũng không sử dụng được.

Muốn đem Phật pháp vào tâm, chúng ta phải sám hối

Theo Phật dạy, có pháp sám hối theo Nguyên thủy, theo Đại thừa, theo Thiền tông. Có nhiều pháp khác nhau, vì Phật nói tùy theo căn cơ của chúng sanh, tức tùy bệnh mà cho thuốc. Chúng sanh là bệnh nhân và Phật là đại lương y, bệnh phải sử dụng đúng thuốc. Cũng vậy, áp dụng pháp tu đúng thì nghiệp giảm, phước tăng; nhưng phước không tăng mà nghiệp tăng là uống lầm thuốc, vì không trị đúng bệnh. Vì vậy, vị thầy dạy pháp rất quan trọng cũng như thầy thuốc chẩn đoán đúng bệnh và cho đúng thuốc.

Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết pháp cho Bồ-tát mười phương, kinh gọi là Bồ-tát vi trần vân lai tập. Chư Bồ-tát này tới với Phật trong thiền định và họ đã hoàn toàn sạch nghiệp, nên tương thông với Phật một cách dễ dàng.

Trong khi các vị Thanh văn theo kinh nói là họ có mắt nhưng không thấy, hoặc nghe mà không nghe, tức nghe âm thanh nhưng không nghe được pháp. Còn Bồ-tát nghe pháp âm, nên nói rằng Phật thuyết kinh Hoa nghiêm trong 21 ngày.

Vì vậy theo kiến giải Đại thừa, Phật ngồi thiền định làm thinh, nhưng đó là pháp tịch diệt, vì nói ra là pháp phương tiện thì thích hợp với người này, nhưng không thích hợp với người khác.

Chính vì pháp tịch diệt không thể dùng lời nói chỉ dạy, nên sau thời Hoa nghiêm, Đức Phật định vào Niết-bàn, thì Trời Phạm thiên liền thỉnh Phật thuyết pháp. Kinh ghi là Phạm vương thỉnh Phật thuyết chân kinh. Đức Phật mới nghĩ rằng Ngài sẽ tùy người mà nói pháp, tức tùy theo trình độ của họ mà cho pháp tương ưng, ví như tùy theo bệnh mà cho thuốc.

Phật liền từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Lộc Uyển nói pháp Tứ Thánh đế cho năm anh em Kiều Trần Như. Vì vậy, tu theo Nguyên thủy, Tứ Thánh đế là gốc của đạo Phật. Những người này mang tính yểm ly là xuất thế, hay xuất gia, tức từ bỏ nhà đi tu, không làm ăn theo thế gian, không lập gia đình, tu đến chết thì thôi, vì họ thấy cuộc đời này là khổ. Họ nhận thấy Phật dạy Khổ đế rất đúng, ai chạy theo cuộc đời này, từ vua chúa cho đến thường dân, tất cả đều khổ. Phật mới dạy phương pháp dứt khổ và ra khỏi sinh tử không gì hơn Tứ Thánh đế, là pháp căn bản nhất.

Vì vậy, sám hối theo Nguyên thủy là sám hối tội căn. Họ sám hối bằng pháp tu Tứ niệm xứ quán để không lệ thuộc cuộc đời, không lệ thuộc cuộc sống, không lệ thuộc tình cảm, để tâm trống không, giải thoát, mới đem pháp Phật vô được.

Nhưng các Phật tử trong giảng đường này, tâm có sạch không, có thực tập pháp này không. Chắc chắn không được, vì quý vị còn phải làm ăn, phải quan hệ, nên tâm không thể dứt sạch nghiệp.

Vì vậy, pháp Tứ niệm xứ quán dành cho các thầy xuất gia tu pháp này rất thuận. Đầu tiên Phật bảo quán thân này bất tịnh, nên không quan tâm đến thân, không lo bồi dưỡng thân và nhìn người khác phái bất tịnh, là cái túi da đựng đồ ô uế. Đối với người tu thiệt thì thấy Phật dạy như vậy hoàn toàn đúng.

Nhưng người chưa thấy thân bất bịnh, Phật bảo họ ra bãi tha ma nhìn xác chết coi có phải nó bất tịnh hay không. Người đẹp mấy, sang mấy, xác chết của họ cũng rất ghê sợ, đó là sự thật của cuộc sống này.

Tôi có người quen, hai vợ chồng này xuất thân nghèo khổ, lên thành phố làm ăn phát đạt, trở thành giàu có mới hơn 30 tuổi. Bỗng ông chồng bị mụt ung thư trên mặt, di căn đến cuống họng rồi chết. Bà vợ thương chồng, ôm khóc không cho liệm, nhưng 3 ngày sau, bà bắt đầu sợ cái xác lạnh.

Phật dạy rất đúng. Phật bảo ra Thi lâm nhìn xác chết, có thương lắm cũng chỉ ôm được 3 ngày thôi. Nhưng Phật bảo nếu ôm xác chết đến 9 ngày thì phải sợ khiếp vía và sợ cho đến nhàm chán thân người, thân mình. Nhờ quán thân bất tịnh như vậy, tự nhiên tâm mình không còn lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc cuộc đời, không lệ thuộc ăn uống. Ai làm gì mình cũng không quan tâm, vì tâm hoàn toàn vắng lặng là sám hối sạch nghiệp, mới đem pháp Phật vô.

Nhưng qua Đại thừa có nhiều pháp khác nhau, vì mỗi người có hoàn cảnh riêng. Cuối cùng các thầy chọn Hồng danh sám hối làm pháp sám hối chung cho tất cả Tăng Ni, Phật tử. Có thể nói Hồng danh sám hối kết hợp từ Phật giáo Nguyên thủy đến Đại thừa, luôn cả Mật tông.

Điều quan trọng phải nhớ Phật nói ai muốn ra khỏi sinh tử và muốn thành Phật trong tương lai phải quy y Tam bảo. Vì vậy, Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim cang thừa là Mật tông cũng phải quy y Tam bảo.

Nhưng sau Tổ sư Thiền của Trung Hoa chủ trương không quy y Tam bảo. Họ chỉ sống theo thoại đầu, vì quy y Phật thì kẹt Phật, quy y Pháp thì kẹt Pháp và quy y Tăng thì kẹt Tăng. Vì vậy, người tu Thiền Tổ sư bỏ hết, gọi là giáo ngoại biệt truyền. Lý giáo ngoại biệt truyền tuy tốt, nhưng ít người làm được.

Vì vậy, ngoại trừ Tổ sư Thiền, tất cả các pháp môn khác đều phải quy y Tam bảo, nếu muốn trở thành đệ tử Phật. Cho nên, trong Hồng danh sám hối, đầu tiên chúng ta cũng quy y Tam bảo.

Có người hỏi không quy y Tam bảo, tu được không. Tôi nói ai tu cũng được, nhưng không quy y Phật thì Phật không công nhận là Phật tử. Vì quy y Phật là phát nguyện theo Phật, làm con Phật, Phật mới bảo lãnh cho mình. Ai cần Phật thì Phật hộ niệm. Không cần Phật thì tu gì cũng được, là ngoại đạo rồi.

Xác định mình là Phật tử thì có lợi gì. Trước nhất các vị Bồ-tát lớn nghĩ mình là con Phật và Bồ-tát lớn cũng là con Phật, nên mình và các Ngài là anh em. Các Ngài công nhận mình là anh em thì các Ngài trợ lực cho mình.

Theo kinh nghiệm, tôi có cảm giác mình là anh em với Bồ-tát, mà các Ngài là anh cả đắc đạo rồi, mình nhận là quyến thuộc Bồ-đề của các Ngài thì rất có lợi. Thật vậy, các vị Bồ-tát rất thương chúng sanh, các Ngài muốn làm những việc giúp đỡ chúng sanh, muốn khuyên dạy chúng sanh, nhưng các Ngài ở trong thế giới siêu hình, không mang thân tứ đại, nên không thể nói, không thể làm được cho chúng sanh. Tôi thay Bồ-tát nói pháp cho Phật tử, hay làm việc lợi lạc cho đạo, nên các Ngài hộ niệm cho tôi. Thí dụ cho dễ hiểu, tôi muốn xây Việt Nam Quốc Tự, Tăng Ni và Phật tử cũng muốn xây Việt Nam Quốc Tự, nên tôi khởi đầu việc xây dựng ngôi chùa này thì quý vị liền ủng hộ, đóng góp.

Chư Bồ-tát cũng vậy, các Ngài luôn hỗ trợ cho chúng ta khi ta làm những việc đồng với tâm nguyện của các Ngài. Vì vậy, từ các Bồ-tát cho đến ông bà tổ tiên theo đạo Phật, nhưng họ mất rồi, họ muốn cúng dường tôi cũng không được, vì họ vô hình, nên họ kêu con cháu họ cúng; con cháu có cùng huyết thống, cùng tần số với họ thì dễ dàng giao cảm với nhau. Thật vậy, có người thưa với tôi rằng vong hồn ba con về, kêu con cúng dường thầy để xây dựng ngôi chùa này. Có thể khẳng định rằng chư Phật và chư Bồ-tát trong mười phương trợ lực cho chúng ta, nên Phật sự mới thành công dễ dàng.

Hoặc có thiên tai xảy ra, Phật và Bồ-tát thương những người gặp nạn, nhưng các Ngài vô hình, không thể trực tiếp cứu giúp. Vì vậy, người nào phát tâm làm việc này thì trùng với ý muốn của các Ngài, nên các Ngài trợ lực.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ quy y Phật Pháp Tăng có lợi, nhưng mình phải làm thật. Còn quy y mà không làm theo Phật là đứa con ngỗ nghịch, nên Hộ pháp chẳng những không giúp đỡ mà còn quở trách. 

Có thể khẳng định quy y Tam bảo thì nhận được lực gia trì của Tam bảo, ta làm được nhiều việc tốt. Thật vậy, trong bài sám Quy mạng dạy: “Quy mạng thập phương Điều ngự sư, diễn dương thanh tịnh vi diệu pháp. Tam thừa, tứ quả giải thoát Tăng. Nguyện tứ từ bi ai nhiếp thọ”.

Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Tứ quả theo Thanh văn thừa là giải thoát Tăng gồm Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Nhưng theo Bồ-tát thừa, giải thoát Tăng là Bồ-tát Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa.

Khi chúng ta nhớ nghĩ đến giải thoát Tăng, các vị này hộ trì chúng ta. Theo kinh nghiệm của tôi, khi nghĩ việc tốt, tâm mình liền thanh tịnh. Còn nếu gặp thầy tu giả mà nghĩ tới họ khiến mình hận là đọa. Vì vậy, ta cần giải thoát Tăng để nương theo là hàng Tam thừa, tứ quả không cần cuộc sống này. Các Ngài gia bị cho ta là ta được an lành.

Hàng giải thoát Tăng không lệ thuộc cuộc sống, nên nghĩ đến các Ngài, mình giải thoát. Phàm Tăng còn kẹt ăn, mặc, ở; tuy không ăn nhiều, nhưng một ngày cũng phải có một bữa cơm, không ăn mặc sang trọng cũng phải có ba y. Trong khi hàng giải thoát Tăng không ăn cũng không sao, mặc vỏ cây cũng được. Có thể nói tu hành, nghĩ đến giải thoát Tăng, lòng chúng ta nhẹ.

Vì vậy, đạo tràng Pháp Hoa quy y, nhắm vô giải thoát Tăng. Nghiệp Tăng là tu sĩ giả, xin không được thì họ trở thành ác Tăng. Phàm Tăng cũng tạm được. Tốt nhất là quy y với Hiền Thánh Tăng.

Sau 3 câu quy y trong Hồng danh sám hối, chúng ta đọc Nam mô Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật có đủ 10 hiệu này. Hiền Thánh Tăng chưa đủ 10 hiệu, nên có việc làm được, việc chưa làm được. Phật thì việc gì Ngài cũng làm được và điều gì Ngài cũng biết.

Kế tiếp, chúng ta lạy 88 vị Phật là chính. Khởi đầu là Phổ Quang Phật và kết thúc là Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật.

Mở đầu là Phổ Quang Phật, Phổ Minh Phật và Phổ Tịnh Phật; ba vị Phật này rất quan trọng. Khi ta lạy Phổ Quang Phật, nghĩ đến Ngài thì ánh sáng trí tuệ của Ngài rọi về ta. Lạy Phật Phổ Quang, nhưng không tiếp nhận được ánh sáng trí tuệ của Ngài, vì ta chỉ lạy Phật bằng thân, bằng miệng, nhưng chưa lạy bằng tâm thành và chưa tập trung cao. Còn thân không lạy Phật, nhưng tâm thành đã lạy Phật là tu hành hơn nhau ở điểm này.

Riêng tôi, khi đến viếng Thánh tích Câu Thi Na, chiêm bái tượng Phật Niết-bàn, sự xúc động sâu kín trong lòng bỗng dâng trào. Tôi có cảm giác mình lạy Phật trăm ngàn lạy, dù tôi vẫn đứng yên nhìn Phật làm thinh, nhưng tâm thành đã lạy Ngài một cách thiết tha.

Có vị niệm Phật lần chuỗi nhập tâm, đã nói với tôi rằng lúc mới bắt đầu lần chuỗi, nhưng sau không lần chuỗi, không niệm Phật, vì họ đã niệm Phật bằng tâm. Thật vậy, niệm bằng tâm thì rất nhanh, nên không thể lần chuỗi kịp theo tâm niệm và cũng không thể niệm bằng miệng mà bắt kịp tâm niệm.

Và lạy Phật bằng tâm thì tâm mình và Phật giao nhau, nên tiếp nhận được ánh quang Phật, nhờ đó trí tuệ mình sáng ra. Đó là cách lạy Phật cao nhất tác động lòng mình thật yên tĩnh, sáng lên, nghĩa là sạch nghiệp. Vì vậy, mới lạy 3 vị Phật Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Tịnh, chúng ta đã sạch nghiệp. Lạy Hồng danh sám hối, đạt được thành quả như vậy sẽ nhận ra cái lý này.

Lạy Phật không có độ cảm, tất nhiên không thể tương thông với Phật. Tùy theo độ cảm cao hay thấp, nhiều hay ít khi lạy Phật sẽ tạo ra lực tương ưng cho ta tiến tu .

Khởi đầu chúng ta tập lạy Phật bằng thân, xưng danh Phật bằng miệng, nhưng cuối cùng ba nghiệp thân, khẩu, ý hợp nhất thì chỉ trong một giây mà niệm được cả ngàn Phật. Đó là thành quả cao tột của Phổ Hiền hạnh mà kinh ghi rằng: “Nhứt thân phục hiện sát trần thân. Nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật”. Nghĩa là nhập được Phổ Hiền hạnh thì có bao nhiêu Phật, ta có bấy nhiêu thân để lạy hết tất cả Phật.

Diễn tả lý này, trong truyện Tây du ký, Tề Thiên có 3 sợi lông sau ót của Bồ-tát Quan Âm cho. Ông chỉ lấy một sợi lông đó rồi thổi một cái là có vô số Tề Thiên hiện ra.

Lạy Hồng danh sám hối, chỉ mới lạy 3 vị Phật: Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Tịnh, tâm chúng ta liền thanh tịnh, ánh sáng trí tuệ trong lòng chúng ta bừng lên và lạy đầy đủ không sót vị Phật nào.

Nếu không được kết quả tốt đẹp như vậy, thực tế người ta lạy một nửa Hồng danh Phật, tuần sau lạy tiếp một nửa còn lại. Được vậy cũng tốt thôi.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, bắt đầu cũng lạy Phật bằng thân, xưng danh Phật bằng miệng, nhưng về sau, tôi dùng tâm lạy Phật, dùng thiền quán lạy Phật, nhận thấy có công đức nhanh hơn.

Vị Phật thứ 4, chúng ta lạy Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương. Vì tâm mình đã thanh tịnh khi lạy 3 vị Phật trước, nên lạy đến vị Phật này, mới nghe mùi hương lạ. Trước kia, khi chưa thâm nhập đạo tràng vô tướng, nghĩ thân mình là thùng phân, nên phải tắm cho sạch, mặc áo sạch để lên lạy Phật; đó là công thức cần làm trước khi lạy Phật. Nhưng đạt đến tâm lạy Phật cho ta  cảm giác nghe mùi hương lạ. Riêng tôi cảm giác có Phật, Bồ-tát tới, vì các Ngài có mùi hương.

Lạy Phật cũng có chư Thiên tới, nhưng họ khó tới, họ sợ mình vì mình là thùng phân, hay mình là hỏa diệm sơn, nghĩa là con người tham lam, ngu si, sân hận nặng quá, nên chư Thiên không dám gần, sợ mình lây nhiễm họ.

Vì vậy, ở chùa Huê Nghiêm, tôi không cho mọi người lên cao hơn tầng thứ 5, vì trên không gian cao của chùa để thỉnh chư Thiên xuống ngự.

Muốn tiếp cận chư Thiên, phải đoạn tham, sân, si. Họ tới được với mình thì mình nghe mùi hoa. Phật và Bồ-tát có mùi trầm, ở trong phòng nghe mùi này dù không đốt hương, tôi gọi đó là Thiên hương. Vì vậy, khi tâm thanh tịnh, chư Phật mới tới với ta và ta nghe được mùi hương.

Khi tu, bắt đầu chúng ta dùng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, tức phân biệt bằng các căn. Nhưng kinh Lăng nghiêm, Phật dạy lục căn hỗ dụng, nghĩa là nhập định, ta thấy bằng tai, nghe bằng mắt… ; mũi không ngửi mùi hương nhưng tâm nghe mùi hương. Thực tế cho thấy hai người cùng nhìn trời. Một người nói thấy Bồ-tát Quan Âm là thấy bằng tâm, người kia nói không thấy Quan Âm vì họ thấy bằng mắt.

Điều quan trọng trên bước đường tu, chúng ta không thấy bằng mắt, nhưng thấy bằng tâm mới thấy Phật được. Vì tâm chúng ta thanh tịnh mới tạo thành thế giới tương ưng với Phật. Còn thế giới của “Thức” là vọng tưởng điên đảo thì ban ngày nghĩ gì, làm gì, ban đêm ngủ thấy cái đó. Đó là thế giới ma quỷ, sống là người, chết là ma.

Có người nói tụng kinh một mình, nhưng cảm giác xung quanh có nhiều người tụng là ma tới nghe kinh. Tôi khuyên Phật tử nghe pháp, nên mời ông bà tổ tiên cũng đến nghe pháp. Họ không nghe được âm thanh, nhưng nghe qua tâm của con cháu khiến nghiệp họ nhẹ bớt, cũng tiêu tội và thoát kiếp khổ.

Tâm chúng ta nặng nề, vì ông bà tổ tiên oán hận nhiều, tác động làm ta khổ. Tôi có kinh nghiệm này. Mới tu, tôi thấy người thân chết, nên tôi thường mời họ sám hối, lần lần họ thoát kiếp khổ, tôi không còn thấy họ nữa.

Chúng ta tu có tiến bộ hay không, quan sát thực tế cuộc sống sẽ biết được. Nếu thường gặp việc trái ý nhiều, vì ác nghiệp mình nhiều, nên oan gia theo đòi. Nhưng chúng ta tu, oan gia sẽ để mình tu, vì Phật sẽ cho mình phước thì mình sẽ trả được nợ cho họ, nên tu hành có kết quả, người thù sẽ bớt lần.

Tụng và lạy Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương, nghe được mùi hương lạ; vì nghĩ đến vị Phật này thì Ngài tới với mình. Và Ngài tới thông qua tâm thanh tịnh của mình, nên chỉ có mình thấy mùi hương trầm, nghe mùi hương trầm.

Và lạy một loạt các vị Phật kế tiếp cho đến vị Phật thứ 54 là Thích Ca Mâu Ni. Nếu lạy đến đây thấy mệt và nghỉ, kỳ sau lạy tiếp là vì thiếu nhiệt tình, thiếu ý chí, nên người này không đi xa được.

Lạy Phật mà còn muốn lạy nữa thì sanh phước. Lạy Phật mà mệt, muốn nghỉ, không biết bao giờ được giải thoát. 

Pháp sám hối theo Phật giáo Nguyên thủy do chúng ta tu và đắc đạo thì tội tánh không có. Người ta dùng pháp Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán thọ thì khổ, quán pháp vô ngã. Quán thân tâm và tất cả các pháp đều không thật có và quán thuần thục như vậy thì đến Niết-bàn. Đó là pháp sám hối tự tâm, chỉ một mình ta đến Niết-bàn, còn ông bà, tổ tiên, người thân và những người oán, người ơn, chúng ta không quan tâm; nói cách khác, là tu trốn nợ.

Nhưng chuyển qua pháp tu của Đại thừa là trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ. Nếu Phật giáo chỉ tu trốn nợ là Phật giáo yếm thế, không thể tồn tại lâu dài. Vì vậy, theo Đại thừa, chúng ta tu phải trả bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn Tam bảo, ơn thí chủ đàn na, ơn quốc dân.

Phật dạy muốn trả bốn ơn, phải tu đắc đạo thì ông bà tổ tiên được siêu thoát và thí chủ cúng dường cũng được phước thọ.

Thể hiện ý này, chúng ta sám hối cho ông bà tổ tiên và Pháp giới chúng sanh. Vì vậy, chúng ta sám hối một mình, nhưng xung quanh có ông bà tổ tiên và oan gia trái chủ cũng tới. Điển hình như Ngộ Đạt giết oan Triệu Thố từ đời Hán mà đến đời Đường, linh hồn ông này cũng còn theo Ngộ Đạt đòi nợ.

Nếu tâm thanh tịnh, chúng ta sẽ cảm thấy chung quanh mình có vô số người vô hình, thậm chí có những người hữu hình mà chúng ta vừa nhìn thấy thì tự nhiên thương, hay ghét. Điều đó cho biết quá khứ mình đã từng có liên hệ với họ theo hướng thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Lễ Phật sám hối

Riêng tôi có kinh nghiệm này, thấy người thì tự tôi có cảm giác họ thân thiện hay oán ghét mình và tôi tùy theo đó có cách xử trí tương ưng. Và Phật dạy, với người thương, ta phải làm cho họ thương hơn, người chưa thương, phải làm cho họ thương ta và với người thù, phải chuyển hóa thành thương ta, nếu có cơ hội.

Vì vậy, Phật tử tu theo Đại thừa, lúc trước tu bỏ trốn cho quên, nhưng người thân hay oán hiện hữu trong tâm mình thì làm sao quên được. Phật dạy phải chuyển hóa mối quan hệ này. Chính cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật đã thể hiện rõ nét rằng Ngài giáo hóa viên mãn tất cả người thân và người thù.

Tu Hồng danh sám hối, lạy Phật, nhờ Phật huệ rọi để mình thấy được người thân hay người thù và có cách hóa giải. Áp dụng pháp tu này, tôi thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Vì tâm hồn yên tĩnh, tôi cảm giác được ở trong chùa có những người vô hình hiện hữu, hoặc nhìn núi sông, mưa nắng, tâm hồn mình có khi liên tưởng đến những người chết. Đó chính là mối quan hệ giữa tâm thức ta và tâm thức người có quan hệ mà họ đã lìa đời.

Cũng vậy, thể hiện mối tương quan tương duyên với Phật, trên bước đường tu, ta thấy Phật bằng độ cảm, bằng niềm tin. Vì có cảm mến Phật, đã trồng căn lành ở Phật, nên nay ta mới cảm Phật được và nhìn tượng Phật mà nghĩ đến Phật thật. Còn người ác nghiệp thấy tượng Phật thì sợ. Có người thấy tượng Phật muốn đập phá là ác ma. Cũng như các Phật tử đến đây nghe pháp được là nhờ đã trồng căn lành ở Phật.

Có thể khẳng định pháp Hồng danh sám hối mang lại hiệu quả cao, nhưng phải thực hiện đúng pháp.

Lạy Phật, xưng danh hiệu Phật và nghĩ đến Phật là tu ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đầu tiên nghĩ đến Phật, cảm thấy quý kính Phật, mới xưng danh Phật và lạy Phật được. Vì vậy, lạy Phật sanh công đức là quy mạng lễ, tức lạy Phật với tất cả sự kính trọng. Còn lạy Phật ngã mạn là lạy nhưng không phục, hay lạy lấy lệ, lạy một cách vô cảm. Thí dụ các thầy nhỏ lạy tôi, có người kính trọng tôi mà lạy, nhưng có người không ưa cũng lạy, vì thấy người bạn lạy. Tôi bảo họ đừng lạy, hay tôi tránh một bên, không cho lạy.

Đối với Đức Phật, dùng cả ba nghiệp thanh tịnh để lạy Phật, công đức mới sanh. Ba nghiệp thanh tịnh giúp mình dễ tập trung, nhưng thực chất lạy Phật là tâm quan trọng. Vì vậy, kính trọng Phật thật, thương Phật thật, thì chỉ ngồi yên, nhưng độ cảm Phật sâu, khiến mình cảm giác như đang lạy Phật. Riêng tôi, khi nghĩ nếu Phật pháp không còn, tôi cũng không thiết sống, nên công đức sanh. Tất cả cuộc đời tôi dành trọn vẹn cho Phật pháp, nhưng Phật pháp này theo kinh Pháp hoa là con người còn tin Phật, học hiểu giáo lý, thực hành giáo lý và chứng ngộ giáo lý là Phật pháp còn. Vì thế, nếu tôi xây dựng ngôi chùa này và giảng đường mà không sử dụng là lãng phí.

Xưa kia, Đức Phật thuyết pháp trong rừng. Ngày nay, chúng ta xây chùa để phục vụ con người mà quan trọng là con người có niềm tin, có căn lành và ta nuôi lớn căn lành của họ.              

Tiếp theo phần lễ lạy Phật, đến phần sám hối:

“Tất cả chư Pht trong ba đời
Vô lư
ợng thế giới khắp mười phương
Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh
Thành kính lễ lạy không hề sót”.

Đó là ba nghiệp thanh tịnh thì biến hóa không cùng. Xưng danh Phật, lạy Phật, tội của mình và tội của ông bà tổ tiên cũng tiêu theo.

Nhận thức sâu sắc lý này, tôi thường lạy Phật giùm người khác, tức mình vì tất cả Pháp giới chúng sanh đang đau khổ trên cuộc đời, cũng như người thân đang bị ở tù, mình lạy Phật thế cho họ.

Trong tháng Giêng này, mỗi ngày tôi lạy Phật thế cho hàng vạn người. Tôi có cả xấp giấy cầu an là tôi thay người mà lạy Phật với ba nghiệp thanh tịnh, chắc chắn họ được phước, giải được oan nghiệp của họ, thì người sống và người chết đều được lợi lạc.

Thật vậy, lúc mới tu, tôi cảm giác oan gia trái chủ có nhiều, nhưng tu được mười năm thì oan gia này giảm bớt, đúng như Phật dạy rằng tu hành đúng pháp thì người oán thù trở thành người thân thương. Thực tế tôi thấy người có thiện cảm với mình nhiều hơn, người ghét bớt lần. Đó là kết quả của pháp tu Hồng danh sám hối, xưng danh hiệu Phật mà lạy, chỉ mới đọc tên các Ngài, chưa biết Phật làm gì và kính trọng Phật thật, thì phước cũng sanh.

Nhưng bước thứ hai cao hơn, mình lạy được Báo thân Phật. Lạy tên Phật là lạy sanh thân Phật. Cao hơn, biết hành trạng Phật là lạy Báo thân Phật. Thí dụ cho dễ hiểu, nghe tên Trí Quảng, người có độ cảm biết tôi tu từ năm 1950 và biết tôi đã làm được gì cho đạo.

Lạy Phật có độ cảm từ sanh thân Phật lên Báo thân Phật là hành trạng Phật, tức thấy được quá trình tu hành của Phật khiến mình sanh kính trọng Ngài nhiều hơn. Đó chính là lạy Phật theo tinh thần Đại thừa.

Người tu Đại thừa theo Phật là theo Báo thân, tức làm theo Phật, vì  kính trọng Phật thôi chưa đủ. Phật nói rằng Ngài đã từng làm những việc lợi ích cho nhiều người, các ông cũng phải làm như vậy, nghĩa là ta biết được phước đức và trí tuệ của Phật gọi là Báo thân Phật.

Ta cũng có Báo thân, nhưng là nghiệp báo, nên hiện thân hôi dơ, xấu xí, bệnh hoạn, ngu dốt… Các Đức Phật khác thì mình không biết, nhưng biết Đức Phật Thích Ca đã hiện hữu trên cuộc đời này. Ngài cho biết trải qua vô lượng kiếp Ngài đã tu Bồ-tát đạo, nên kết thành Báo thân thông minh, tài giỏi, hảo tướng…, tức phước đức và trí tuệ của Phật Thích Ca đầy đủ viên mãn.

Vì vậy, trên thực tế, người thông minh hơn mình thì phải biết đời trước họ đã tu rồi. Theo Nguyên thủy, ai tu trước thì lớn, nhưng theo Đại thừa, ai có  trí tuệ hơn thì làm thầy, không căn cứ vào tuổi lớn nhỏ.

Theo Đại thừa, tôi 81 tuổi, nếu tái sanh lại, tôi là đứa bé. Đời này tôi là Hòa thượng Pháp sư, nhưng đời sau các thầy lớn tuổi hơn thì lúc đó tôi là tiểu. Nhưng nếu các thầy đắc đạo, biết tôi đã là Pháp sư tái sanh thì không dám xem thường chú tiểu này.

Đức Đạt-lai Lạt-ma tìm thầy của ông sanh lại chỗ nào, nhìn thấy đứa bé 5 tuổi nhưng nhận ra là thầy mình thì lạy. Thử hỏi ai là thầy của ai. Có câu chuyện kể rằng một vị trụ trì chết và tái sanh. Các vị Lạt-ma lớn tuổi tìm thấy cậu bé 5 tuổi. Cậu bé hỏi các ông đi đâu vậy. Thường đứa trẻ độ 5 tuổi, 6 tuổi còn nhớ được đời trước của nó. Các Lạt-ma nói chúng tôi tìm thầy của mình. Tiểu hỏi ông đó là ông nào và hỏi vị Lạt-ma già rằng sao ông xài xâu chuỗi của tôi, xâu chuỗi này có một hột nứt. Lạt-ma nghe vậy cảm thấy sợ, vì ông lấy chuỗi này xài, có một hột nứt nhưng ông không biết, còn ông nhỏ này lại biết.

Theo Đại thừa, người nào thông minh hơn, làm được nhiều việc hơn là người đó lớn. Kính trọng tuổi là việc bình thường. Thứ hai là kính trọng trí khôn. Thứ ba là kính trọng việc làm thánh thiện. Đức Phật đã nói sống 100 tuổi mà không làm được gì thì sống vô ích. Sống một ngày mà làm được việc tốt thì nên sống.

Trở lại việc lạy Phật, bắt đầu lạy sanh thân Phật, tuy có phước nhưng không nhiều. Bước hai, lạy Báo thân Phật là lạy hành trạng của Phật, tức lạy trí thông minh siêu tuyệt và đức hạnh cao tột của Phật và cảm nhận Phật từng cưu mang mình từ đời quá khứ.

Vì vậy, chúng ta lạy Phật là thấy Phật bằng niềm tin mới lạy. Có niềm tin, nghĩ đến Phật và thấy Phật, Phật mới hộ niệm. Phải nói đánh dấu mốc tu hành kể từ ngày ta có niềm tin và phải nuôi lớn niềm tin. Chúng ta có căn lành, có niềm tin mới tới chùa, nhưng nếu chẳng may gặp ông thầy không ra sao khiến ta chán nản, bỏ đạo. Chết niềm tin là điều đáng sợ nhất, gọi là nhứt-xiển-đề.

Người chưa tu còn có niềm tin, nhưng tu mà không đạt kết quả thì dễ bỏ tu. Điều này được thể hiện qua câu: “Nhứt niên Phật tại tiền. Nhị niên Phật thăng thiên. Tam niên Phật bất kiến”. Vì ta mới tu thường hết lòng, nhưng tu một năm rồi, ngày nào cũng tụng kinh đó, ăn ngủ giống như vậy, nên sanh tâm nhàm chán là mất niềm tin. Như đã nói mất niềm tin Phật là điều đáng sợ nhất. Không xuất gia thì thôi, nhưng quyết tâm xuất gia phải đi tới cùng.

Thực tế tôi thấy khi còn là cư sĩ, họ rất tinh tấn. Nhưng tu một năm bắt đầu nản, thì năm thứ hai làm biếng gọi là Phật thăng thiên và người này tu Bát quan trai, chờ Phật ngủ để họ ăn.

Có căn lành thì mình thấy Phật lúc nào cũng nhìn mình. Hòa thượng Thiện Hòa dạy tôi ở trong phòng kín một mình, nhưng phải thấy giống như đang ở đồng trống, ai cũng thấy mình, nên không được làm bậy.

Không có niềm tin sâu sắc với Phật, không tu đúng pháp thì đến năm thứ hai bắt đầu làm biếng, cho đến năm thứ ba, không còn thấy Phật.

Vì vậy, ráng tu, giữ gìn căn lành, làm căn lành mình mỗi ngày lớn thêm thì công đức sanh, thấy Phật gần hơn. Riêng tôi, mới tu thấy Phật xa, nhưng bây giờ thấy Phật gần hơn là gần trong suy nghĩ của tôi. Suy nghĩ của tôi gần suy nghĩ của Phật, vì càng đọc kinh Phật, thấy lời Phật dạy đúng với suy nghĩ của mình, nên ham tu.

Còn đọc kinh mà thấy kinh lỗi thời, rồi lên mạng coi đủ thứ chuyện tội lỗi, bậy bạ dễ tiêm nhiễm; trong khi chuyện đạo đức thì khó làm theo.

Tôi lúc nào cũng tụng kinh, không cần phải ở trước Phật mới tụng kinh. Người tụng kinh một chút xong, rồi cởi áo lễ, nói đủ thứ chuyện vô bổ, làm sao sanh công đức.

Lạy Phật xong, nhưng trong tâm còn Phật là gần Phật, nên thấy hạnh Phật, công đức Phật thì hạnh mình gần Phật. Làm sao biết được hạnh gần Phật. Thí dụ quý vị thấy tôi thì nghĩ đến Phật, nghe tôi nói thì nghĩ đến Phật, là tôi hơi giống Phật một chút rồi. Vì vậy, gần Phật là giống Phật.

Còn mình nói là đệ tử Phật, nhưng nhìn từ đầu đến chân không có gì giống Phật, lời nói cũng không giống Phật. Như vậy mình là đứa con ngỗ nghịch mà muốn Phật hộ niệm, không bao giờ được.

Giống Phật, không cầu Phật che chở, Phật cũng che chở. Thật vậy, các Phật sự tôi làm được đều nhờ Phật gia hộ.

Lạy Phật, thấy được Báo thân Phật là gần Phật và giai đoạn ba, thấy được Pháp thân Phật, tức chuyển hóa được thân tâm trở thành Hóa thân Phật.

Lạy Hồng danh sám hối, tôi lạy từ Phật Phổ Quang, Phật Phổ Minh, đến Phật Phổ Tịnh, tâm hướng thẳng về tuệ giác vĩ đại của ba vị Phật này khiến cho niềm tin bừng sáng trong đầu. Và lạy đến vị Phật cuối cùng là Phật Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà thì tôi trực nhận được Phật A Di Đà và Phật Thích Ca là một.

Ban đầu, lạy Phật thấy từng vị Phật riêng biệt, nhưng lạy đến Phật Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà thì nhận ra Phật A Di Đà không còn ở Tây phương, nghĩa là Báo thân Phật bao trùm khắp nơi, khắp Pháp giới, cho nên Ngài bao trùm cả chúng ta nữa khiến tôi cảm thấy an lành vô cùng.

Vì vậy, trong Pháp giới tạng thân của Phật có mình trong đó, nên mình ở trong thân Phật, được Phật che chở; nhưng kinh không nói như vậy mà nói rằng khi chết, vãng sanh chui vô bông sen, hay được Bồ-tát Đại Thế Chí ném bông sen cho mình và mình bước lên bông sen thì sen búp lại đưa về Tây phương Cực lạc,  ở đó tu, nghe pháp và chứng Vô sanh pháp nhẫn.

Thuở nhỏ, tôi nghe vậy cảm thấy thích và mỗi ngày niệm Phật từ 10 đến 50 xâu chuỗi để được Đức Đại Thế Chí cho bông sen, nên tôi thường niệm Phật cho đến trong giấc mơ cũng niệm Phật.

Theo tôi, lạy Hồng danh sám hối, lạy đến vị Phật Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà là mình đã hiện hữu trong Pháp thân Phật. Và Pháp thân Phật có tác động qua thân mình làm nghiệp của mình tiêu, vì pháp Phật có công năng rửa sạch nghiệp. Đó là kết quả tốt đẹp mà người lạy Hồng danh đúng nghĩa có được.

Bốn câu kệ mở đầu như đã nói ở trên là mười nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát được triển khai. Nương nguyện Phổ Hiền, hạnh Phổ Hiền giúp chúng ta thâm nhập Phật huệ.

Lạy đến Phật cuối cùng, thấy tất cả chư Phật mười phương và chúng ta thấy đầy đủ các Đức Phật rồi, thì tánh thấy của ta đều ở trước các vị Phật mười phương. Không phải là ta ở trước chư Phật, mà là tánh thấy của ta gắn kết với chư Phật. Và quan trọng là một niệm mà lạy được tất cả Phật mười phương.

Còn quý vị chỉ đọc suông: “Nhứt giả lễ kính chư Phật. Nhị giả xưng tán Như Lai. Tam giả quảng tu cúng dường. Tứ giả sám hối nghiệp chướng…” thì đọc hết mười nguyện Phổ Hiền là xong.

Nhưng một câu “Lễ kính chư Phật” nếu chỉ đọc thì chưa có gì. Đọc câu này, ta phải thấy tất cả Phật mười phương thì bấy giờ niềm tin của ta, tánh thấy của ta xuất hiện trước các Phật đó; nhờ vậy, một niệm tâm mà ta lạy đủ Phật, không sót; vì con người vật chất không đi xa được, nhưng tâm chúng ta, tánh chúng ta có khả năng đi khắp nơi vô cùng nhanh chóng, biến hóa không lường, gọi là xứng tánh khởi tu, hay tu ở tâm.

Thật vậy, tôi đi Ấn Độ bằng tâm thì tôi nghĩ đến Bồ Đề Đạo Tràng, nghĩ đến non Linh Thứu, tức thì tâm tôi tới đó liền, tánh thấy của tôi ở đó liền, nên ngồi đây mà đã đến đó.

Vì vậy, người tu có kết quả, nói rằng Tịnh độ tuy xa, nhưng không rời Ta-bà một bước là bằng tâm, bằng tánh nhận ra. Đạt được sở đắc này, sử dụng tâm mà tu, bằng tánh mà thấy; tu hơn nhau ở điểm này.

Tánh biến hóa không lường được thể hiện qua câu chuyện Tề Thiên được Đức Quan Âm cho ba sợi lông cắm sau ót. Nghĩa là Phật, Pháp, Tăng cấy vô đầu, vô ót mình thì ba nghiệp của mình trở thành thanh tịnh sẽ có tác dụng biến hóa vô cùng, không phải chỉ có có 72 thần công lực. Có vô số việc, hay có bao nhiêu việc, Tề Thiên đều giải quyết được.

Đức Phật Thích Ca biết được mọi việc và làm được tất cả việc, nên Ngài có tôn danh là Năng Nhân. Ai đáng độ thì Ngài độ. Với người chưa đáng độ, Ngài ví như trái non chưa ăn được, chưa độ vì họ chưa phát tâm.

Lạy Phật xong, chúng ta đọc kệ Phổ Hiền hạnh nguyện thì đầy đủ hơn là đọc mười hạnh Phổ Hiền. Có 60 bài kệ Phổ Hiền hạnh nguyện. Mở đầu, Bồ-tát Phổ Hiền cho biết rằng ba nghiệp thanh tịnh mới lễ Phật không sót. Không thanh tịnh thì lễ một Phật cũng không được.

“Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền
Phân thân hiện khắ
p trước Như Lai
Một thân lại hiện sát trần thân
Mỗi thân lạy khắp sát trần Phật…”

Nương theo lực Phổ Hiền, vì Ngài đã tu chứng được lực siêu nhiên và nhờ lực Phổ Hiền trợ giúp chúng ta, nên một thân này nhưng hiện được vô số thân là tâm mình biến hóa vô cùng. Vì vậy có bao nhiêu Phật, mình hiện đủ bấy nhiêu thân lễ lạy đủ không sót, dù thân chưa đi, vẫn ở yên một chỗ.


Từ Ngữ Phật Học Trong: Ý Nghĩa Hồng Danh Sám Hối