Home > Khai Thị Niệm Phật > Bon-Nguyen
Bổn Nguyện
Thượng Nhân Pháp Nhiên | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch


Đoạn văn diễn bày: Đức Như Lai Di Đà không chọn các pháp tu khác làm Bổn nguyện, mà chỉ duy nhất chọn pháp Niệm Phật làm Bổn nguyện vãng sanh.

“Kinh Vô Lượng Thọ” ghi: “Giả như khi Con thành Phật, chúng sanh nào trong mười phương chí tâm tin tưởng vui thích muốn sanh về thế giới của Con, dù chỉ niệm mười niệm mà không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác”.

Trong “Quán Niệm Pháp Môn” trích dẫn đoạn văn trên như sau: “Nếu Con thành Phật, chúng sanh nào trong mười phương nguyện sanh về thế giới của Con, nên xưng niệm danh hiệu của Con tối thiểu mười niệm, nương vào nguyện lực của Con, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh Giác”.

Tương tợ, trong “Vãng Sanh Lễ Tán” cũng trích dẫn đoạn văn trên như sau: “Nếu Con thành Phật, chúng sanh nào trong mười phương xưng niệm danh hiệu của Con tối thiểu chỉ mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh Giác”.

Hiện giờ, đức Phật ấy đã thành Phật, do thế chúng ta cần hiểu rõ rằng, Bổn nguyện – lời thề vĩ đại ấy, không một chút dối trá; tức là, bất cứ chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu của Ngài, tất nhiên sẽ được vãng sanh.

Nói thêm rằng: Hết thảy chư Phật, mỗi vị đều có nguyện chung và nguyện riêng. Nguyện chung chính là “Tứ hoằng thệ nguyện”, về nguyện riêng, như đức Phật Thích Ca có Năm trăm đại nguyện, đức Phật Dược Sư có Mười hai thượng nguyện; hiện tại, Bốn mươi tám Đại nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ chính là nguyện riêng của đức Phật A Di Đà vậy.

Hỏi: Đức Như Lai Di Đà phát thệ nguyện này vào thời gian nào, vào thời đức Phật nào?

Đáp: “Kinh Vô Lượng Thọ” ghi: “Đức Phật bảo A Nan rằng, vào thời quá khứ thật quá lâu xa, không thể tính toán là bao nhiêu kiếp, thời ấy có đức Như Lai Đỉnh Quang thị hiện ra đời, giáo hoá độ thoát vô lượng chúng sanh đều chứng đạt đạo quả, rồi Ngài mới diệt độ. Kế đến, có đức Như Lai danh hiệu Quang Viễn… Kế đến có đức Như Lai danh hiệu Xử Thế, các đức Phật tuần tự như thế đến Năm mươi ba vị, và các Ngài đều đã tịch diệt. Bấy giờ, đức Như Lai danh hiệu Thế Tự Tại Vương ứng hiện, trong thời gian này có vị quốc vương được nghe đức Phật thuyết pháp, tâm tư khai mở, hỷ lạc dâng trào liền phát tâm Vô thượng Bồ Đề, lìa bỏ ngôi vua xa lánh trần tục xuất gia làm Sa-môn, đạo hiệu là Pháp Tạng. Ngài vốn là bậc trí đức siêu phàm, sau khi tu học một thời gian, Ngài đến hầu đức Như Lai Thế Tự Tại Vương… Đức Phật Thế Tự Tại Vương vì Tỷ-kheo Pháp Tạng mà giảng rộng về Hai trăm mười ức thế giới của chư Phật, mọi sự kiện thiện ác của hàng Trời, Người; mọi sự tốt đẹp, thô xấu của các thế giới ấy theo tâm nguyện của Tỷ-kheo Pháp Tạng đều được hiện bày rất rõ ràng. Bấy giờ, Tỷ-kheo Pháp Tạng được nghe đức Phật thuyết minh các thế giới trang nghiêm thanh tịnh, sau khi đã thấy rõ, Tỷ-kheo liền phát tâm nguyện thù thắng Vô Thượng. Kể từ đây, tâm niệm của Tỷ-kheo hoàn toàn thanh tịnh, ý thức không chấp thủ vướng mắc bất cứ điều gì, trong thế gian không ai có thể sánh bằng. Với hạnh nguyện thanh tịnh ấy, Tỷ-kheo Pháp Tạng tinh tấn trải qua Năm kiếp tu quán kiến lập một cõi Phật trang nghiêm thù thắng. A Nan bạch đức Phật rằng: Đức Phật ở thế giới ấy có thọ mạng dài bao lâu?- Đức Phật bảo: Thọ mạng của đức Phật ấy dài lâu đến Bốn mươi hai kiếp. Bấy giờ, Tỷ-kheo Pháp Tạng thâu nhiếp những pháp tu thanh tịnh của Hai trăm mười ức thế giới vi diệu của chư Phật”.

Lại nữa, “kinh Đại A Di Đà”[[7]] ghi: “Khi đức Phật Lâu-Di-Cắng-La[[8]] thuyết giảng Kinh xong, tâm niệm Tỷ-kheo Đàm-Ma-Ca[[9]] được thanh tịnh, chứng đắc thiên nhãn, tự mình thấy rõ mọi sự kiện thiện ác của hàng Trời-Người và mọi sự tốt đẹp thô xấu của Hai trăm mười ức thế giới ấy, liền theo sở nguyện lựa chọn một thế giới theo như kinh Nhị Thập Tứ Nguyện[[10]] diễn tả”.

Ở trên, hai từ “Lựa-chọn” chính là ý nghĩa “Chọn lấy và Buông bỏ”. Tức là, trong Hai trăm mười ức thế giới của chư Phật, buông bỏ hàng Trời-Người ác độc mà chọn lấy hàng Trời-Người hiền thiện; đồng thời, buông bỏ mọi sự thô xấu của các thế giới mà chọn lấy mọi sự tốt đẹp trong các thế giới ấy. Ý nghĩa hai từ “Lựa-chọn” trong Kinh Đại A Di Đà cũng như hai Kinh[[11]] kia là như thế. Nghĩa là “Sử-dụng” các pháp tu thanh tịnh và các sự tốt đẹp trong Hai trăm mười ức thế giới của chư Phật. “Lựa-chọn” và “Sử-dụng” trên âm thanh thì sai khác, nhưng trên ý nghĩa thì giống nhau, chúng ta cứ dựa theo đây để hiểu.

Dưới đây sẽ luận bàn về ý nghĩa “Lựa chọn” và “Sử dụng” các Đại nguyện tiêu biểu cho 48 Đại nguyện:

– Nguyện thứ nhất, “Nguyện không có ba đường ác dữ”: Tức là, khi được thấy rõ trong Hai trăm mười ức thế giới, mà trong các thế giới ấy, hoặc có ba đường ác dữ hay không có ba đường ác dữ, thì chọn bỏ các thế giới có ba đường ác dữ và thô xấu, mà chọn lấy các thế giới không có ba đường ác dữ và tốt đẹp; như thế được gọi là “Lựa chọn”.

– Nguyện thứ hai, “Nguyện không tái sanh vào ba đường ác dữ”: Tức là, ở trong các thế giới của chư Phật, dù các thế giới ấy không có ba đường ác dữ, nhưng khi thọ mạng của hàng Trời-Người chấm dứt, có thể tái sanh vào các thế giới có ba đường ác dữ, hay không có ba đường ác dữ, thì chọn bỏ tái sanh vào các thế giới có ba đường ác dữ và thô xấu, mà chọn lấy tái sanh vào các thế giới không có ba đường ác dữ và tốt đẹp; như thế được gọi là “Lựa chọn”.

– Nguyện thứ ba, “Nguyện tất cả sắc thân màu vàng ròng”: Tức là, ở trong các thế giới của chư Phật, hoặc có một thế giới mà thân thể của hàng Trời – Người có hai màu vàng-trắng sai khác; hoặc có một thế giới mà thân thể của hàng Trời-Người chỉ thuần màu vàng ròng, thì chọn bỏ thế giới mà thân thể hàng Trời-Người có hai màu vàng-trắng thô xấu sai khác, mà chọn lấy thế giới mà thân thể của hàng Trời-Người chỉ một màu vàng ròng tốt đẹp mà thôi; như thế được gọi là “Lựa chọn”.

– Nguyện thứ tư, “Nguyện không có đẹp-xấu sai khác”: Tức là, ở trong các thế giới của chư Phật, hoặc có một số thế giới mà thân thể của hàng Trời-Người đẹp-xấu khác nhau, hoặc có một số thế giới mà thân thể của hàng Trời-Người hoàn toàn giống nhau, không có sự đẹp-xấu sai khác, thì chọn bỏ các thế giới có hàng Trời-Người đẹp-xấu khác nhau, mà chọn lấy thế giới có hàng Trời-Người hoàn toàn tốt đẹp giống nhau; như thế được gọi là “Lựa chọn”.

– Cho đến nguyện thứ mười tám, “Nguyện niệm Phật được vãng sanh”: Tức là, ở trong các thế giới của chư Phật, hoặc có thế giới lấy tu Bố thí để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy tu Trì Giới để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy tu Nhẫn nhục để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy tu Tinh tấn để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy tu Thiền định để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy tu Trí tuệ để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy phát tâm Bồ Đề để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy xưng niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật) để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy trì Kinh để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy trì Chú để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới lấy việc xây dựng chùa tháp tạc tượng, cúng dường thực phẩm cho hàng Sa-môn, cho đến các việc phụng sự Sư trưởng, hiếu dưỡng cha mẹ v.v… để cầu vãng sanh, hoặc có thế giới chỉ xưng niệm danh hiệu đức Phật của thế giới ấy để cầu vãng sanh, hoặc tu tập một hạnh tương xứng với đức Phật của thế giới ấy để cầu vãng sanh, hoặc trong thế giới ấy chỉ có một đức Phật lấy tu tập nhiều hạnh của Ngài để cầu vãng sanh, hoặc trong thế giới ấy có nhiều đức Phật lấy tu tập một hạnh mà dung thông với chư Phật ấy để cầu vãng sanh; tóm lại, các pháp tu tập để cầu vãng sanh Tương tợ như thế có rất nhiều phương diện, không thể nói hết được. Bây giờ, chọn bỏ các hạnh từ Bố thí, Trì Giới cho đến hiếu dưỡng Cha mẹ mà chỉ chọn lấy “Chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”; như thế được gọi là “Lựa chọn”. Tựu trung, ở trên vừa luận bàn về ý nghĩa “Lựa chọn” của năm Đại nguyện tiêu biểu, các Đại nguyện còn lại dựa theo đây để hiểu.

Hỏi: Tổng quát để nói, trong các Đại nguyện thì chọn bỏ sự thô xấu mà chọn lấy sự tốt đẹp, điều này khá rõ rồi. Còn, tại sao trong Đại nguyện thứ mười tám lại chọn bỏ hết thảy các pháp, mà chỉ duy nhất chọn lấy pháp Niệm Phật làm Bổn nguyện vãng sanh?

Đáp: Ý của đức Phật thì khó hiểu rõ được, không có thể tự ý giải thích; tuy nhiên, tại đây thử dùng ý nghĩa của hai cặp thuật ngữ này để giải bày, một là “Thắng-Liệt”, hai là “Nan-Dị”.

Trước hết, bàn về ý nghĩa “Hơn-Kém” (Thắng-Liệt): Niệm Phật là “Hơn”, các hạnh khác là “Kém”, tại sao như thế?- Bởi Danh hiệu là chỗ quy tụ vô lượng công đức; nghĩa là, hết thảy những công đức nội-chứng như: Bốn trí, Ba thân, Mười lực, Bốn Vô-uý v.v… và, tất cả các công đức ngoại-dụng như: Tướng hảo, Hào quang, Thuyết pháp, Lợi ích chúng sanh v.v… đều quy tụ trong Danh hiệu đức Phật A Di Đà; vì vậy, công đức của danh hiệu rất tối ưu, nên gọi là “Hơn”. Ngược lai, các hạnh khác chỉ chiếm một phần các công đức trên, chính thế được gọi là “Kém”. Tương tợ, như các tên gọi trong phạm vi nhà cửa thì hết thảy đồ dùng trong nhà đều được thâu nhiếp dưới đòn dong và hai mái nhà, nếu xét riêng từng cái, như đòn dong, cột nhà v.v… thì không có khả năng thấu nhiếp hết thảy đồ đạc trong nhà. Qua trên để thấy rằng, công đức danh hiệu đức Phật A Di Đà là thù thắng vượt trội công đức của hết thảy pháp tu khác; chính thế, cần “Bỏ Kém-Lấy Hơn” làm Bổn nguyện.

Kế đến, bàn về ý nghĩa “Khó-Dễ” (Nan-Dị): Niệm Phật (A Di Đà) là pháp tu “Dễ”, tu các pháp khác là “Khó”, vì thế trong “Vãng Sanh Lễ Tán” ghi:

“Hỏi: Tại sao không khuyến khích tu Quán mà khẳng định phải tinh chuyên niệm danh hiệu đức Phật, là bởi ý nghĩa gì?

Đáp: Bởi lẽ, chúng sanh vốn có nghiệp chướng quá sâu nặng, đối tượng để Quán thì rất vi tế, tâm thức thì luôn vọng động và nông cạn, nên tu Quán khó có kết quả. Do thế, bậc Đại Thánh (Phật) với lòng bi mẫn của mình, khẳng định và khích lệ hành giả hãy tinh chuyên niệm danh hiệu đức Phật, chính vì niệm danh hiệu là “Dễ”, và nếu niệm liên tục thì sẽ được vãng sanh”.

Lại nữa ”Vãng Sanh Yếu Tập” ghi:

“Hỏi: Hết thảy các pháp tu thiện, pháp nào cũng có lợi ích, pháp nào cũng có thể cầu vãng sanh, tại sao chỉ khích lệ duy nhất pháp Niệm Phật?

Đáp:Vấn đề khích lệ pháp môn Niệm Phật không hẳn phủ nhận mọi pháp tu vi diệu khác; chỉ vì pháp Niệm Phật không phân biệt nam-nữ, giàu-nghèo; không luận là thời gian, không gian hay duyên sự gì; không kể là đang đi-đứng-nằm-ngồi, tất cả mọi trường hợp đều tu tập được không trở ngại; kể cả đến giờ phút lâm chung, pháp tu thuận tiện nhất cho việc cầu nguyện vãng sanh thì không có pháp nào bằng pháp Niệm Phật.”

Thế nên, cần hiểu rằng Niệm Phật là “Dễ”, vì thích ứng với mọi căn cơ; còn các pháp tu khác là “Khó”, vì không dung nhiếp mọi căn cơ. Qua đây, để giúp hết thảy chúng sanh “Bình đẳng vãng sanh” thì phải “Bỏ Khó-Lấy Dễ” làm Bổn nguyện.

Giả như lấy việc “Tạo tượng, xây dựng chùa tháp” làm Bổn nguyện, thì hạng bần cùng nghèo khó tuyệt đối không thể hy vọng được vãng sanh; hơn nữa, người giàu sang thì rất ít mà kẻ nghèo hèn thì chiếm đa phần.

Giả như lấy “Trí tuệ tài cao” làm Bổn nguyện, thì hạn trí hèn ngu độn tuyệt đối không thể hy vọng được vãng sanh; hơn nữa, người trí thì rất ít mà kẻ ngu si thì chiếm đa phần.

Giả như lấy việc “Nghe nhiều thấy rộng” làm Bổn nguyện, thì hạng nghe ít thấy ít tuyệt đối không thể hy vọng được vãng sanh; hơn nữa, người nghe nhiều thì ít mà kẻ nghe ít thì chiếm đa phần.

Giả như lấy việc “Trì Giới, trì Luật” làm Bổn nguyện, thì hạng phá giới, không thọ giới tuyệt đối không thể hy vọng được vãng sanh; hơn nữa, người trì Giới thì rất ít mà kẻ phá giới, không thọ giới thì chiếm đa phần.

Qua trên, các pháp tu tập khác theo đây để hiểu. Tóm lại, chúng ta cần hiểu rằng, lấy các pháp tu vừa kể trên làm Bổn nguyện, hy vọng được vãng sanh thì rất hạn hữu, mà nhất định không được vãng sanh thì chiếm đa phần.

Thế nên, xưa kia Tỷ-kheo Pháp Tạng – Như Lai Di Đà, với tâm từ bi bình đẳng thúc đẩy, muốn hoá độ hết thảy chúng sanh, nên Ngài không dạy lấy các pháp tu Tạo tượng, xây dựng chùa tháp v.v… làm Bổn nguyện tu tập, mà chỉ dạy lấy một pháp “Xưng niệm danh hiệu đức Phật” làm Bổn nguyện tu tập. Chính thế, trong “Ngũ Hội Pháp Sự Tán” Thiền sư Pháp Chiếu ghi:

“Đức Phật ấy vốn lập nguyện rộng:
Ai niệm tên Tôi, Tôi đến đón,
Không kể bần cùng hay phú quý,
Không kể trí hèn hay thông thái,
Không kể đa văn, giữ tịnh giới,
Không kể phá giới tội nặng sâu,
Chỉ cần hồi tâm chuyên niệm Phật,
Sỏi đá có thể biến thành vàng”.

Hỏi: Sự lập nguyện của hết thảy chư vị Bồ Tát, thì có những vị đã thành tựu, cũng có những vị chưa thành tựu; tuy vậy, chưa cứu xét Bốn mươi tám Đại nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng là đã thành tựu hay chưa?

Đáp: Tất cả Đại nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng, nguyện nào cũng đã thành tựu, sao vậy?- Bởi lẽ, tại thế giới Cực Lạc không có ba đường ác dữ, nên biết rằng, “Nguyện không có ba đường ác dữ” đã thành tựu. Tại sao biết được?- Vì đoạn văn ghi nguyện ấy đã thành tựu rằng: “Cũng không có các tai nạn của ba đường Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh”. Lại nữa, sau khi thọ mạng của hàng Trời-Người trong thế giới ấy kết thúc cũng không tái sanh vào ba đường ác dữ, nên biết rằng, “Nguyện không tái sanh vào ba đường ác dữ” đã thành tựu. Tại sao biết được?- Vì đoạn văn ghi nguyện ấy đã thành tựu rằng: “Hơn nữa, các vị Bồ Tát ấy cho đến khi thành Phật cũng không còn tái sanh vào con đường ác dữ”. Lại nữa, hàng Trời-Người ở thế giới Cực Lạc không có một vị nào là không đầy đủ Ba mươi hai tướng tốt, nên biết rằng, “Nguyện đủ Ba mươi hai tướng tốt” đã thành tựu. Tại sao biết được?- Vì đoạn văn ghi nguyện ấy đã thành tựu rằng: “Ai vãng sanh về thế giới ấy thì tất cả đều đầy đủ Ba mươi hai tướng tốt”. Như thế, từ Đại nguyện đầu tiên – “Nguyện không có ba đường ác dữ” đến nguyện cuối cùng – “Nguyện chứng Ba pháp nhẫn”, tất cả thệ nguyện ấy đều đã thành tựu. Do vậy, Đại nguyện thứ mười tám – “Nguyện người Niệm Phật được vãng sanh” há độc nhất không được thành tựu hay sao?- Qua đây, hết thảy người niệm Phật đều được vãng sanh. Tại sao biết được?- Vì đoạn văn ghi về “Nguyện người niệm Phật được vãng sanh” ấy đã thành tựu rằng: “Có những chúng sanh được nghe danh hiệu đức Phật ấy, khởi tâm tin tưởng hoan hỷ, dù chỉ niệm một niệm rồi chân thành hồi hướng nguyện cầu vãng sanh về thế giới của đức Phật đó, liền được vãng sanh chứng quả Bất thối chuyển”. Phàm trong Bốn mươi tám Đại nguyện để trang nghiêm Tịnh Độ Cực Lạc, như hồ sen báu, lầu gác báu v.v… không có sự kiện gì là không do nguyện lực, sao lại có thể nghi ngờ độc nhất “Nguyện người niệm Phật được vãng sanh”? Hơn nữa, khi kết thúc mỗi thệ nguyện đều có lời này: “…Nếu không như thế thì Con không giữ ngôi Chánh giác”, và đức Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp (Đại kiếp); như vậy, thệ nguyện thành Phật của Ngài đã thành tựu viên mãn, và mỗi mỗi câu thệ nguyện của Ngài không thể là hư dối. Chính thế, Đại sư Thiện Đạo bảo: “Đức Phật ấy hiện nay đã thành Phật tại thế giới ấy, cho nên biết rằng Bổn nguyện thâm trọng đó không chút hư dối, nếu chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu Ngài thì tất nhiên được vãng sanh”.

Hỏi: Kinh gọi là “Thập Niệm”, giải thích là “Thập Thanh”, ý nghĩa của Niệm và Thanh là như thế nào?

Đáp: Niệm và Thanh là giống nhau. Tại sao biết được? – Vì đoạn văn trong Hạ phẩm Hạ sanh của “Quán Kinh” ghi: “Khiến tiếng niệm, xưng “Nam mô A Di Đà Phật” không gián đoạn đầy đủ trong mười niệm; nhờ xưng danh hiệu đức Phật nên trong từng niệm trừ diệt được những tội nặng trong đường sanh tử tám mươi ức kiếp”. Căn cứ vào đoạn văn này, thì ý nghĩa của Thanh và Niệm đã quá rõ; tức là, Thanh chính là Niệm, Niệm chính là Thanh. Thêm nữa, “kinh Đại Tập Nguyệt Tạng” ghi: “Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ”. Pháp sư Hoài Cảm chú thích: “Niệm lớn tức lớn tiếng niệm Phật, niệm nhỏ tức nhỏ tiếng niệm Phật”. Thế nên, “Niệm” là xướng lên, cất tiếng lên vậy.

Hỏi: Kinh gọi là “Nãi chí” (Cho đến), giải thích là “Hạ chí” (Dưới đến), ý nghĩa đó như thế nào?

Đáp: Ý nghĩa của Nãi chí và Hạ chí là giống nhau. Khế Kinh bảo: “Nãi chí” là ý nghĩa từ Nhiều giảm xuống Ít; Nhiều là trên từ suốt đời, Ít là dưới đến mười tiếng (niệm) hay một tiếng v.v…

Giải thích rằng: “Hạ chí” là ý nghĩa Dưới đối với Trên; Dưới là dưới đến mười tiếng hay một tiếng v.v… Trên là trên từ suốt đời; chữ Trên và Dưới được sử dụng đối nhau trong Kinh khá nhiều. Như ở “Nguyện Túc Mạng Thông” ghi: “Giả như Con được thành Phật mà hàng Trời-Người trong thế giới của Con không chứng Túc mạng thông, “Cho đến” không biết rõ nhân quả trong trăm ngàn ức vô số kiếp, thì Con không giữ ngôi Chánh giác”. Tương tợ, trong các Đại nguyện về “Ngũ thần thông”, “Hào quang”, “Thọ mạng” v.v… nguyện nào cũng dùng thuật ngữ “Hạ chí”, là ý nghĩa từ Nhiều giảm đến Ít, lấy Dưới đối nghĩa với Trên. Qua trích dẫn tám Đại nguyện trên cho chúng ta thấy rằng, ý nghĩa “Nãi chí” và “Hạ chí” chỉ là một; do vậy, tại đây Đại sư Thiện Đạo sử dụng thuật ngữ “Hạ chí” thì không có sự trái nghĩa.

Tuy nhiên, ý kiến của Đại sư Thiện Đạo và các Đại sư khác có sự bất đồng; sự giải thích của các Đại sư thì mang tính riêng biệt, đó là: “Nguyện người niệm mười niệm được vãng sanh”; chỉ riêng ý kiến của Đại sư Thiện Đạo thì mang tính tổng quát, đó là: “Nguyện người Niệm Phật được vãng sanh”. Xét về “Nguyện người niệm mười niệm được vãng sanh” mang tính riêng biệt của các Đại sư, thì ý nghĩa không rốt ráo; bởi lẽ, vì Trên thì bỏ mất suốt đời niệm Phật, Dưới thì bỏ mất niệm Phật một niệm. Xét về “Nguyện người Niệm Phật được vãng sanh” mang tính tổng quát của Đại sư Thiện Đạo, thì ý nghĩa thật rốt ráo; bởi lẽ, vì Trên thì lấy cả suốt đời niệm Phật, Dưới thì lấy cả chỉ niệm Phật một niệm.

————————–

[7] Kinh Đại A Di Đà: Tức kinh Phật thuyết A Di Đà, 2 quyển, do Chi Khiêm đời Ngô dịch. Nói đủ là kinh Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo. Ngoài ra, lại có kinh Đại A Di Đà, 2 quyển, do Vương Nhật Hựu soạn vào đời Triệu Tống.

[8]]Đức Phật Lâu-Di-Cắng-La: Tức đức Phật Thế Tự Tại Vương.

[9] Tỷ-kheo Đà-Ma-Ca: Tức Tỷ-kheo Pháp Tạng.

[10] Kinh Nhị Thập Tứ Nguyện: Tương đương với kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, 4 quyển, do Chi Lâu Ca Sấm dịch đời Hậu Hán (gọi tắt là kinh Bình Đẳng Giác). Hai Kinh này với kinh Đại A Di Đà được dịch trước kinh Vô Lượng Thọ, trong ba Kinh này chỉ lược ghi 24 lời nguyện của Tỷ-kheo Pháp Tạng mà thôi.

[11] Hai Kinh: Tức kinh Nhị Thập Tứ Nguyện và kinh Bình Đẳng Giác.
 

Trích từ: Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Cực Lạc Thù Thắng, Hòa Thượng Thích Hân Hiền, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
5.    Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
6.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Tâm Như Trí Thủ Toàn Tập, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
16.    Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập, Khuyết Danh, Việt Dịch
17.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
18.    Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập, Pháp Nhiên Thượng Nhân | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
19.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
20.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch