1. Phật:

Chữ Phật phải hiểu theo bốn khía cạnh: Sự, lý, nhân, quả.

1.1. Ước về Sự: Phật là hiệu chung của mười phương tam thế hết thảy chư Phật. Nói chính xác, Phật là một trong mười hiệu của chư Phật Thế Tôn. Trong kinh này, chữ Phật riêng chỉ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

1.2. Ước theo Lý: Phật gọi đủ theo tiếng Phạn là Phật Ðà, thường dịch là Giác Giả (bậc giác ngộ) hay còn dịch là Ðại Giác. Giác bao hàm ba nghĩa: tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn.

Hiểu theo nghĩa thông thường, Giác là giác ngộ, hàm nghĩa Phật là người giác ngộ. Thế sao không dịch là Giác Nhân mà lại dịch là Giác Giả? Chữ Giả có nghĩa rộng hơn, ngụ ý bao gồm hết thảy hữu tình chứ không chỉ hạn cuộc trong loài người. Kinh nói: “Phàm hết thảy những ai có tâm (tri giác) đều sẽ có thể thành Phật”. Bởi thế, nếu dịch là Giác Nhân thì hóa ra chỉ riêng nhân loại mới có khả năng thành Phật! Trong kinh Pháp Hoa nói: long nữ tám tuổi thành Phật, chẳng lẽ lại gọi vị Phật ấy là giác long hay sao?

Vị thánh nhân ấy giác ngộ chân lý vũ trụ và thật tướng của nhân sinh. Chân lý vũ trụ và Thật Tướng của nhân sinh thật ra chẳng ngoài duyên khởi tánh không. Hết thảy hữu tình mê muội nơi duyên khởi tánh không, nhận lầm vũ trụ thật có vạn pháp, thân do tứ đại giả hợp là thật có, nên mê say đắm đuối, trầm luân sanh tử. Ðức Phật nhận thức minh bạch duyên khởi tánh không nên đốn phá vô minh, siêu xuất sanh tử.

- Tự Giác: ngoài thì giác ngộ hết thảy các pháp đều là huyễn hóa, vô thường, là pháp sanh diệt; trong thì nhận rõ ai nấy đều có Phật tánh thường trụ bất sanh bất diệt.

- Giác Tha: chúng sanh chẳng được giải thoát chỉ vì chưa giác ngộ, Ðức Phật chẳng nỡ riêng mình thọ hưởng sự giải thoát an vui mà bỏ mặc chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử. Vì thế, Ngài vận dụng mọi phương tiện thiện xảo để khiến đại địa chúng sanh đều được giác ngộ như mình.

- Giác Hạnh Viên Mãn: Tự Giác là huệ mãn, Giác Tha là phước mãn.

* Huệ mãn là từ lúc ban sơ phát Bồ Ðề tâm, nương vào Thỉ Giác trí (3) để đoạn trừ trọn vẹn ba thứ kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, chứng ngộ trọn vẹn ba trí, thấu rõ nguồn cội bản tâm nên trí huệ viên mãn. Ðó là “huệ mãn”.

* Phước mãn là sau khi tự giác, bèn nương vào tối thượng thừa, chỉ lấy việc lợi sanh làm sự nghiệp, lấy hoằng pháp làm việc nhà, trải ba A-tăng-kỳ kiếp tu trọn lục độ, vạn hạnh, khai thị pháp giới hữu tình, công đức viên mãn nên gọi là “phước mãn”.  

Tự Giác là khác với phàm phu si mê bất giác, Giác Tha là khác với Nhị Thừa chỉ chuyên tự giác; Giác Hạnh Viên Mãn là khác với Bồ Tát chỉ mới đạt phần chứng (chứng ngộ chưa trọn vẹn). Nói cách khác, thành đạo là tự giác, giáo hóa chúng sanh là giác tha, tự giác và giác tha đạt đến mức triệt để tối cực nên gọi là “giác hạnh viên mãn”.

Hơn nữa, tự giác là luận trên phương diện Lý Trí, giác tha là luận về phương diện Bi hạnh, giác mãn là “tri hành hợp nhất”, lấy tự lợi, lợi tha, phước huệ viên mãn làm mục đích duy nhất.

Vì sao chỉ mình Ðức Phật đầy đủ ba ý nghĩa giác ngộ ấy? Vì Nhị Thừa thiên chấp Thiên Không chân lý nên tự giác chưa viên mãn, công đức của Bồ Tát chưa trọn vẹn (phước chưa đủ), đồng thời vẫn còn chút phần vi tế vô minh, sở chứng chưa viên mãn (huệ chưa viên mãn) nên chẳng thể sánh bằng Phật được!

1.3. Ước về nhân: chữ Nhân chỉ nhân địa (quá trình tu nhân, ở đây chỉ nhân địa hiện tại).

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật trong vô lượng kiếp nhiều như vi trần từ trước, do vì giáo hóa chúng sanh cõi này nên thị hiện tu nhân trong cõi Sa Bà. Ðức Thế Tôn đã thị hiện giáng sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni làm thái tử dòng họ Thích Ca. Năm mười chín tuổi, thị hiện xuất gia, sáu năm tu hành khổ hạnh tại núi Già Da (tại thôn Tư Na, ở phía nam sông Ni Liên Thiền), hàng phục ma quân, thành đạo, giáo hóa chúng sanh. Ðến rằm tháng Hai năm Ngài tám mươi tuổi, cơ duyên hóa độ đã mãn, bèn thị hiện Niết Bàn tại rừng Ta La Song Thọ.

1.4. Ước về Quả: tức là rốt ráo chứng đắc cực quả A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Trong phần giảng về kinh văn, sẽ giải thích tỉ mỉ ý nghĩa chữ A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.

2. “Thuyết”:

Có nghĩa là giảng nói. Ý nói: kinh này do chính nơi kim khẩu của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết.

Thuyết còn có nghĩa là Duyệt (vui vẻ). Thấy đã đến lúc cơ duyên thành thục để diễn nói bản hoài cứu độ chúng sanh, biết rõ chúng sanh đời mạt sẽ do pháp môn này mà được độ thoát, cho nên Phật vui sướng, không ai thỉnh mà tự giảng ra bản kinh này.

3. A Di Ðà:

Dịch là Vô Lượng Quang hay Vô Lượng Thọ. Ðức Phật ấy quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng. Thật ra công đức, trí huệ, thần thông v.v... của Ngài mỗi mỗi đều vô lượng, nhưng ở đây lấy quang minh và thọ lượng làm tiêu biểu.

Có hai thứ vô lượng: Vô lượng vô lượng (nghĩa là vô lượng tuyệt đối, hoàn toàn không thể nào tính đếm được) và hữu lượng vô lượng (vô lượng có thể tính đếm được, tức là một con số rất lớn như kinh Hoa Nghiêm một trăm lạc xoa (một trăm ngàn) là một câu chi, câu chi lần câu chi làm một a du đa.... cho đến a tăng kỳ lần a tăng kỳ làm một a tăng kỳ chuyển. A tăng kỳ chuyển lần a tăng kỳ chuyển làm một vô lượng. Như vậy, con số vô lượng rất lớn, nhưng vẫn là hữu hạn vì vẫn có thể tính đếm được).

Pháp Thân của Phật A Di Ðà vô thỉ vô chung (không có khởi đầu, không có kết thúc), Báo Thân của Ngài hữu thỉ vô chung, đều thực sự là “vô lượng vô lượng”. Còn như Ứng Thân của Phật, ứng hiện tùy theo căn cơ, khi duyên hóa độ đã hết liền diệt. Ðó là hữu thỉ hữu chung. Ứng Thân của Phật A Di Ðà tuy thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nhưng vẫn có ngày nhập diệt, đó là ý nghĩa của chữ “hữu lượng vô lượng”.

Pháp Thân của Phật A Di Ðà thường trụ bất biến, đấy chính là ý nghĩa “vô lượng thọ”. Căn Bản Trí của Phật chiếu khắp mười phương; đấy chính là ý nghĩa “vô lượng quang”. Như vậy, vô lượng thọ và vô lượng quang của Phật cũng là kết quả của sự tu tập. Kinh chép, trong quá khứ vô lượng vô biên kiếp về trước, tỳ kheo Pháp Tạng từng làm Chuyển Luân Thánh Vương, nghe đức Thế Tự Tại Vương Phật thuyết pháp, bèn phát nguyện xuất gia, được đặt pháp danh là Pháp Tạng, phát bốn mươi tám nguyện, tận lực tu tập những hạnh khó làm trong vô lượng kiếp nhằm trang nghiêm y báo và chánh báo của cõi Phật. Do đó, đến khi nhân viên quả mãn, thành Ðẳng Chánh Giác, Ngài cảm được thọ lượng, quang minh mỗi thứ đều vô lượng, nên được hiệu là A Di Ðà.

Lại nữa, lúc chúng ta niệm Phật, từng câu phân minh, tương ứng với Phật, đó chính là ý nghĩa chữ Quang. Từng câu không gián đoạn, nhất tâm bất loạn, đấy chính là ý nghĩa chữ Thọ. Quang là trí của Như Lai, Thọ là lý của Như Lai. Trí chiếu soi Lý, Lý hiển thị Trí, Lý - Trí nhất như, quang - thọ chẳng hai. Tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ, niệm niệm chiếu soi cùng tột, niệm Phật đến mức như thế thì Quang lẫn Thọ luôn hiển hiện nơi tự tâm.

Nếu phán định theo thuyết Lục Tức Thành Phật của tông Thiên Thai thì:

- Chúng sanh luôn sẵn đủ Quang lẫn Thọ nơi tự tâm nhưng mê muội chẳng hề chứng biết. Ðấy gọi là Xứng Lý Tức Quang Thọ (tức là chỉ có Quang lẫn Thọ về mặt Lý, chưa thực sự chứng ngộ).

- Nghe hiểu pháp môn Tịnh Ðộ, hiểu ý nghĩa của danh hiệu Phật A Di Ðà. Ðấy là Danh Tự Tức Quang Thọ.

- Ðã nghe biết, tin hiểu, bèn chấp trì danh hiệu, đấy là Quán Hạnh Tức Quang Thọ. 

- Những phiền não, cấu trược thuộc về phần thô đã đoạn thì gọi là Tương Tự Tức Quang Thọ.

- Phá được một phần vô minh, hiển hiện tự tánh Phật, thì gọi là Phần Chứng Tức Quang Thọ.

- Phá sạch toàn bộ vô minh, lý trí viên mãn đến cùng cực, đấy là Cứu Cánh Tức Quang Thọ.

4. Kinh:

Gọi đủ là Khế Kinh, tiếng Phạn là Tu Ða La. Khế nghĩa là “khế hợp” (phù hợp, tương xứng), bao hàm ý nghĩa: Trên khế hợp với đạo lý của chư Phật đã nói, dưới khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh được độ.

Chữ Kinh có năm nghĩa:

- Xuất sanh: Nếu chúng sanh tu hành đúng theo lời Phật dạy thì sẽ sanh khởi được tất cả nhân quả của thiện pháp. Ðấy là ý nghĩa của chữ Xuất Sanh. 

- Hiển thị: Kinh của Ðức Phật thuyết có khả năng chỉ rõ các pháp xuất thế gian, sự, lý, tánh, tướng, nhân, quả, tu, chứng v.v... Ðấy là ý nghĩa của Hiển Thị. 

- Dũng tuyền (suối phun): Mỗi một chữ trong kinh chứa đựng hết thảy pháp, dung hàm vô lượng nghĩa, như nước vọt ra từ mạch suối, dù có dùng bao nhiêu vẫn chẳng cạn. Ðấy là ý nghĩa của Dũng Tuyền.

- Thằng mặc (mực thước): Kinh Phật giảng giải đạo lý khiến cho chúng sanh phân biệt được đâu là tà, đâu là chánh, hiểu rõ sự lý, biết nhân rõ quả, bỏ ác tu thiện, như thợ mộc dùng dây nhúng mực để đo lường sự cong ngay của cây gỗ trước khi cưa đục cho đúng.

- Kết man (kết thành tràng hoa): Kết man là dùng chỉ xỏ các bông hoa thành tràng để tạo ra vật trang sức đẹp đẽ. Kinh Phật xuyên suốt sự, lý, nhân quả, khiến chúng chẳng bị lạc mất. Ðấy là ý nghĩa của chữ Kết Man.

Thông thường, chữ Kinh thường được hiểu theo nghĩa “quán nhiếp thường pháp”:

- Quán là xâu kết lại, dính kết lại theo thứ tự, là thâu tóm, hệ thống hóa, tập hợp lại những pháp đã thuyết giảng, chẳng để bị tản mác.

- Nhiếp là giống như nam châm hút mạt sắt. Kinh điển có công năng thu hút những chúng sanh có khả năng hóa độ chẳng để cho họ bị đọa lạc.

- Thường là đạo lý chẳng biến đổi trong suốt cả ba đời. Những pháp Phật đã thuyết đều phát xuất từ lòng đại bi vô tận, giảng ra những pháp phù hợp với pháp tánh, bàn luận đến những điểm cùng tột vi diệu của chân lý, nên thường gọi là “xứng tánh cực đàm”. Những pháp đức Phật đã giảng đều là lý chân nghĩa thật, dẫu ngàn đời muôn kiếp, vĩnh viễn chẳng thể thay đổi được, nên gọi là Thường.

- Pháp nghĩa là mười pháp giới đều phải tuân theo khuôn phép ấy. 

Kinh còn có thể hiểu là đường lối; nghĩa là Kinh chính là con đường để tu hành thành Phật. Có thuyết nói Kinh còn có nghĩa là thuyền bè, ngụ ý: kinh Phật có thể dẫn dắt, độ chúng sanh vượt khỏi biển sanh tử.

Kinh Phật được gọi là “Khế Kinh” vì gồm đủ bốn điều khế hợp: khế sự, khế lý, khế giáo, khế cơ.

a. Khế sự:

Ðức Phật dùng Phương Tiện Quyền Trí giảng giải nhân quả của trời người, các pháp tu chứng của Nhị Thừa v.v... đều tương xứng với sự tướng thế tục, nên gọi là Khế Sự.

b. Khế lý: 

Phật dùng Thật Trí giảng ra đệ nhất đế lý. Bất cứ điều nào Ðức Phật đã giảng xét về sự hay lý đều xứng hợp với Ðệ Nhất Nghĩa Ðế nên gọi là Khế Lý.

c. Khế giáo:

Khế giáo là dù thị hiện trong cõi ngũ trược ác thế để thuyết pháp lợi sanh, chúng sanh căn tánh ương ngạnh khó độ, những giáo pháp của Ðức Phật đã thuyết đều hoàn toàn giống hệt như những giáo pháp của mười phương chư Phật đã thuyết.

Trong hội Hoa Nghiêm, khi chư Bồ Tát trước sự chứng minh của Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca, giảng về thứ tự tu chứng Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng v.v... xong thì có các đại Bồ Tát nhiều như số vi trần trong bất khả thuyết các cõi Phật ở mười phương, đồng danh đồng hiệu hiện ra tán dương: “Lành thay! Lành thay! Hàng Phật tử các ông! Nói ra những pháp chân thật chẳng dối... Trong cõi nước của chúng tôi cũng thuyết pháp này, thậm chí văn tự, danh tự, câu chữ cũng đều tương đồng”.

d. Khế cơ:

Cơ là căn cơ của chúng sanh. Căn tánh của chúng sanh tuy có đại, tiểu bất đồng, nhưng cứ nương theo kinh tu tập thì không ai là chẳng được lợi ích. Ðấy gọi là “khế cơ”.

Trong tựa đề Phật Thuyết A Di Ðà Kinh đây, Phật là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là vị đã chứng cực quả, là chủ thể thuyết pháp. A Di Ðà là Cực Lạc giáo chủ, là bậc chứng ngộ cực quả được đề cập đến. Phật Thích Ca và Phật Di Ðà cùng chứng cực quả, vì sao Phật Thích Ca lại phải thuyết ra pháp này để xưng tán Phật A Di Ðà? Ðó là vì cõi Sa Bà uế ác, y báo lẫn chánh báo cõi này đều do vọng tưởng hoặc nghiệp chiêu cảm, huyễn khởi sanh tử vô cùng, khó tìm được chỗ cậy nhờ, nương tựa. Dù đức Phật Thích Ca mẫn niệm ứng cơ nhiếp hóa, nhưng khi duyên hóa độ đã hết, liền nhập diệt, chúng sanh không cách nào gặp gỡ được nữa. Còn y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều là do những công đức sẵn có trong bản tâm thanh tịnh hiển hiện, hữu tình, vô tình cõi Cực Lạc đều thuyết pháp bất tuyệt. Chúng sanh nghe pháp ấy tăng trưởng đạo tâm, phiền não tiêu trừ, quyết chứng Bồ Ðề. Bởi những lẽ ấy, Phật Thích Ca phải tán dương cõi Cực Lạc và Phật A Di Ðà, đấng giáo chủ cõi ấy, để chúng sanh phát tâm ưa thích, nhàm chán sanh tử, phát nguyện vãng sanh, vĩnh thoát khổ hải.
 
Trích từ: Kinh A Di Đà Hợp Giải
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

Trích Dẫn Kinh A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà Ra Ni
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Lược Giải Kinh A Di Đà
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang