a. Ðạo dưỡng sinh
Người xưa dạy chúng ta: ‘Buổi sáng phải ăn cho tốt, buổi trưa phải ăn cho no, buổi tối phải ăn ít’. Ðây là đạo dưỡng sinh và cũng là một nguyên tắc của sự hấp thụ dinh dưỡng. Chân chánh biết đạo dưỡng sinh nói theo nhà Phật thì phải biết ‘dưỡng tâm’, vì tâm có thể sanh ra rất nhiều pháp, tâm là pháp năng sanh (pháp có thể sanh), thân là pháp sở sanh (pháp được sanh), cho nên tâm thanh tịnh thì thân sẽ thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ thanh tịnh, đây là một đạo lý nhất định. Nhưng rất ít người trong thế gian hiểu được đạo lý này, vẫn ráng sức tìm cầu để bù đắp dinh dưỡng từ bên ngoài.
Người tu hành chân chánh đối với dinh dưỡng cho thân thể không tìm cầu ở bên ngoài mà hoàn toàn hướng về bên trong. Trong kinh nói người trên cõi Sắc Giới trở lên dùng ‘thiền duyệt’ làm thức ăn, thiền duyệt là từ tự tánh lưu xuất, không phải cầu được từ bên ngoài. Cho nên đức Phật nói năm thứ ‘tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ’ đều có thể bỏ được. Năm thứ này được gọi là ‘ngũ cái’ (năm thứ che đậy), nó che phủ tâm tánh, trí huệ, đức năng của chúng ta, làm cho trí huệ, đức năng của chúng ta không thể hiện tiền. Năm thứ này là dục vọng, nếu sanh tâm tham đắm năm thứ này thì phiền não chỉ gia tăng mà không giảm bớt, làm sao đoạn dứt phiền não được?
Ðức Phật dạy đệ tử nhất định đừng phân biệt, chấp trước đối với thức ăn. Ngày xưa lúc đức Phật còn tại thế đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy, vả lại chỉ cho phép đi khất thực bảy nhà, nếu bảy nhà này cho không đủ hay không cho thì phải đi về tu thiền định. Cách làm này là để giúp chúng ta khắc phục dục vọng, tâm tham, và phiền não; chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Vì chúng ta có thân thể cho nên phải [ăn uống để] hấp thụ dinh dưỡng, không thể không duy trì sự khỏe mạnh của thân thể. Nếu thân thể không khỏe mạnh, phải nhờ người khác săn sóc, cư ngụ trong đạo tràng cũng phải làm nhọc [chúng] thường trụ, như vậy không tốt. Nhưng phải hiểu đạo lý khỏe mạnh là do tâm thanh tịnh. Ðối với mình tuyệt đối phải giữ tâm cho được thanh tịnh, thanh tịnh vô vi; đối với người, với sự, với vật cần phải có tâm đại từ đại bi, vô sở bất vi (không từ khước làm bất cứ thứ gì), được vậy chúng ta mới có thể dùng hành động để phục vụ đại chúng, giúp đỡ đại chúng. Ðây đều là lời thánh nhân thế gian và xuất thế gian chỉ dạy cho chúng ta.
b. Khống chế và chiếm lấy
Nhưng ái tâm (tâm thương mến) là nghĩa vụ, nhất định không được chiếm lấy. Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, tâm này của phàm phu cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm lấy ở trong. Mỗi [khi khởi lên một] tâm niệm [gì] đều muốn điều khiển, khống chế, chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: ‘năng sở giai không, liễu bất khả đắc’ (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ ‘bất khả đắc’ (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ ‘bất khả đắc’ là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái năng được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.
Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì bạn sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì ‘giải thoát’ tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của bạn được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lý do việc gì chúng ta cũng buông xuống không được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là ‘có năng đắc, có sở đắc’, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu cho nên sinh sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.
Chư Phật Như lai ứng hóa trong thế gian, tất cả những việc làm, hành động đều là ‘Phật sự trong mộng, đạo tràng như bóng trăng dưới nước’. Ðạo tràng được xây dựng càng lớn, càng huy hoàng, người giác ngộ đều xem là hoa trong gương, ánh trăng dưới nước, không có chút gì chấp trước, keo tham, như vậy mới được đại tự tại, đó mới là sự hưởng thọ cao độ. Trong sanh hoạt đối với tất cả người và vật nếu có những sự thọ dụng, tuyệt đối không được khống chế, đừng có tâm niệm chiếm lấy, như vậy mới sống một đời sống của Phật, Bồ Tát; sự khác biệt của phàm phu và Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Phàm phu thì mỗi tâm niệm đều muốn khống chế, điều khiển người khác, mỗi tâm niệm đều muốn chiếm lấy tất cả, cho nên trong tâm cứ lo được, lo mất, âu lo phiền não vĩnh viễn không dứt, sống trong những ngày tháng như vậy rất khổ sở.
Còn chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi nhất định viên mãn hàm nhiếp ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác’. Bất cứ một điều trong năm chữ này đều chứa đựng bốn điều kia, như vậy mới là ‘một là tất cả, tất cả là một’. Nếu tâm từ bi không thanh tịnh, không bình đẳng thì đây là một trong bốn loại ‘ái duyên từ bi’ nói trong Phật pháp. Ðây là từ bi của phàm phu, vẫn còn khống chế, chiếm lấy, không có bỏ hết tất cả yêu cầu, đòi hỏi, đây không phải là đại từ đại bi. ‘Ái duyên từ bi’ hướng lên trên là ‘chúng sanh duyên từ bi’, ‘pháp duyên từ bi’, lên nữa là ‘vô duyên từ bi’, đại từ đại bi tức là ‘vô duyên từ bi’. Vô duyên tức là không điều kiện, không yêu cầu đòi hỏi, không có chiếm lấy, không có khống chế, đó là đại từ đại bi của chư Phật và Pháp Thân Ðại Sĩ. ‘Vô duyên từ bi’ có đầy đủ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Nếu chúng ta dùng tâm này để xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với sự vật, thế thì trong lúc xử sự, đối người, tiếp vật đã chứng quả rồi. Giống như ‘nhập đại giải thoát môn’ (vào cửa giải thoát to lớn) nói trong kinh Hoa Nghiêm, thế thì thành Phật rồi. Chữ đại ở đây cũng có nghĩa là Ðại thừa, cửa giải thoát nhỏ là A La Hán, bậc thánh của Tiểu Thừa.
c. Ðọc kinh nghe pháp quan trọng
Chúng ta là phàm phu, nghiệp chướng, tập khí, phiền não vô cùng sâu nặng, rất khó đoạn dứt, chỉ có dùng phương pháp giác ngộ mới có thể đoạn dứt. Vì vậy cho nên đọc kinh, nghe pháp vô cùng quan trọng, một ngày cũng không thể gián đoạn. Chúng ta không phải là người có thượng căn, lợi trí (đầu óc lanh lợi bén nhạy), không thể chỉ lắng nghe, học tập trong một thời gian ngắn mà có thể khai ngộ. Người trung và hạ căn muốn đạt được ích lợi ngay trong một đời, chỉ có phương pháp duy nhất là đọc kinh, nghe pháp, huân tu trong thời gian dài mới có thể khế nhập vào cảnh giới ‘nhập Phật pháp’ nói trong kinh Hoa Nghiêm. Nhập Phật pháp tức là giác ngộ, đây là đạt được lợi ích chân thật.
d. Quản sự bận tâm
Tôi là một người phàm, là người căn tánh trung hạ, hôm nay có được chút đỉnh thành tựu này, có được chút đỉnh trí huệ này đều là do đọc kinh, giảng kinh hằng ngày trong suốt bốn mươi mấy năm qua. Có một số đại đức cũng giảng kinh nhưng ngoài việc giảng kinh ra họ còn phải quản sự (quản lý sự việc); quản sự phải lo lắng, bận tâm, ít nhiều cũng gây ra chướng ngại cho mình. Duyên phần của tôi trong đời này rất thù thắng, cả đời ‘không quản lý người, không quản lý sự việc, không quản lý tiền bạc’, cho nên sự việc trong thế tục đối với tôi không gây chướng ngại, mới có được chút đỉnh thành tựu này, đây cũng là việc tôi hiện thân thuyết pháp làm gương cho mọi người.
Người như thế nào có thể quản lý sự việc? Phải có tâm thanh tịnh. Cho nên ngày xưa những vị quản sự trong chùa chiền, tòng lâm đều là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa tái lai. Chúng ta không phải thánh nhân ứng hóa, chúng ta đích thực là phàm phu. Nếu phàm phu đi làm việc tức là xả kỷ vị nhân (hy sinh mình để phục vụ cho người khác) thế thì cũng đáng được ngưỡng mộ, kính phục. Tuy hy sinh định huệ của mình để phục vụ đại chúng, nhưng nhất định phải giữ giới cho được thanh tịnh, đây mới là tu phước báo chân chánh. [Giữ] giới thanh tịnh tức là chăm sóc phục vụ cho đại chúng đúng như lý, như pháp, không có tâm riêng tư, dùng tâm chân thành, lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ hết thảy đại chúng tu học đàng hoàng.
Hàn Quán Trưởng là hạng người này, bà không phải là Phật, Bồ Tát hóa thân đến, bà sáng lập xây dựng đạo tràng, thành tựu cho đại chúng, có ân đức rất lớn đối với chúng ta. Chúng ta báo đáp cho bà được thể hiện [một cách trọn vẹn] lúc bà lâm chung, chúng ta tiễn đưa bà vãng sanh, đây là báo ân một cách trọn vẹn, lớn lao. Nhưng duyên như vầy rất khó được, không phải người nào cũng có duyên phần tốt như vậy, cơ hội tốt như vậy. Nếu bà không vãng sanh được thì đời sau sẽ hưởng phước báo to lớn, làm quốc vương đại thần, trưởng giả cự phú. Nhưng phước báo ở thế gian cho dù làm đến Ðại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương thì vẫn còn ở trong vòng lục đạo luân hồi, thoát không khỏi tam giới, cho nên phước báo như vậy chẳng rốt ráo viên mãn. Ngày nay chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch thì chỉ có vãng sanh bất thoái thành Phật mới là chân thực [rốt ráo, viên mãn].
d. Học sống qua ngày
Tu học tức là học làm thế nào sống qua ngày, biết làm thế nào đối với mình, đối với người. Ðối với mình tuyệt đối phải thanh tịnh, từ bi, chuyên tu chuyên hoằng; đối với người nhất định phải chân thành, thanh tịnh, từ bi, phải làm được vô duyên [từ bi], không có điều kiện. Nhất định đừng có tâm niệm khống chế [bắt buộc người ta luôn luôn phải làm theo ý của mình], đừng giữ tâm niệm chiếm lấy, đối với tất cả mọi người, mọi sự, mọi vật, phải buông bỏ hết tất cả yêu cầu, đòi hỏi, đây là trí huệ, đây là công đức, sánh với phước đức còn thù thắng hơn nhiều. Hy vọng mọi người đều khích lệ khuyến tấn lẫn nhau, y giáo phụng hành.
B. LUẬN SỰ TỬ SANH TRỌNG ĐẠI