Home > Khai Thị Niệm Phật > Chang-The-Noi--Khong-Co-Tinh-Do
Chẳng Thể Nói Không Có Tịnh Độ
Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


Có người nói rằng: “Tâm mình là Tịnh độ, không còn có Cực Lạc Tịnh độ nào ở ngoài mười muôn ức cõi nước nữa”. Thuyết “duy tâm” này vốn xuất xứ từ trong kinh, quả thật không sai. Song, việc dẫn ra làm căn cứ thì lại hiểu sai ý của lời nói đó.

Xét ra, ngay nơi tâm là cảnh, rốt cuộc không có cảnh ở ngoài tâm, cũng không có tâm ở ngoài cảnh. Cảnh đã toàn là tâm thì cần gì cứ chấp tâm mà bỏ cảnh, bỏ cảnh mà nói về tâm, thế là chưa thấu suốt về tâm. Có người lại nói: “Cảnh Tịnh độ được thấy lúc lâm chung đều là tự tâm, cho nên không có Tịnh độ”. Chẳng xét những người niệm Phật vãng sinh từ xưa đến nay, khi họ lâm chung có Thánh chúng đến đón rước cùng các thứ thiên nhạc, hương lạ, tràng phan, lầu gác v.v… chỉ một mình họ nhìn thấy, có thể nói là tự tâm. Nhưng cùng một lúc mọi người đều thấy cảnh ấy, có người nghe thấy thiên nhạc văng vẳng đi về hướng Tây, có mùi hương lạ còn lại trong nhà nhiều ngày không tan. Xét ra, thiên nhạc chẳng đi về hướng khác mà lại đi về phương Tây, người đó đã mất mà mùi hương vẫn còn, có thể bảo rằng không có Tịnh độ chăng?

Thiền sư Viên Chiếu Bản, người ta thấy Ngài được nêu danh nơi phẩm sen, lẽ nào lấy tâm người khác làm tâm của ngài Viên Chiếu Bản sao?

Lại thử hỏi: “Người lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra, đó chẳng phải là tâm sao?”.

Đáp: Đó là tâm

- Người đó có đọa địa ngục không?

Đáp: Có đọa

Xét ra, đã đọa địa ngục thì địa ngục rõ ràng là có, mà chỉ riêng Tịnh độ lại không có sao? Người mà tâm hiện ra địa ngục, bị đọa vào địa ngục là có thật. Vậy, người tâm hiện ra Tịnh độ, chẳng sinh ở Tịnh độ sao?

Thà nói có như núi Tu-di, chớ nói không như hạt cải. Cần phải cẩn trọng với điều này!
 
Trích từ: Tịnh Độ Vựng Ngữ

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chẳng Thể Nói Không Có Tịnh Độ