1. Chẳng tham tịnh cảnh.
2. Chẳng tham cứu câu “người niệm Phật là ai?”
3. Chẳng trừ vọng tưởng
4. Chẳng cầu nhất tâm.
Chỉ cốt chí thành khẩn thiết, mỗi ngày hạn định số câu niệm Phật nhiều ít, niệm cho đến chết thì nhất định sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Cần biết rằng mỗi ngày hạn định số câu niệm Phật nhiều hay ít, rồi niệm cho đến chết thì đấy chính là chí thành, khẩn thiết, mới có thể báo đáp ân sáu phương chư Phật đã khuyên lơn, khen ngợi, hộ niệm; báo đáp ơn đức Bổn Sư Thích Ca thuyết pháp trong đời ác, báo ân Phật A Di Ðà đại nguyện phổ độ. Nay nếu người niệm Phật không có bốn yếu quyết này thì nhất định sẽ chẳng niệm Phật thành công.
Nếu tham tịnh cảnh thì nhất định sẽ coi sự nhẹ nhàng, an vui trong khi tịnh tọa là kỳ đặc, cực lực coi chuyện trì danh là tầm thường. Nếu tham cứu câu “người niệm Phật là ai?” thì nhất định sẽ coi chuyện khai ngộ, thông minh mới là kỳ đặc, xem chuyện thấy Phật vãng sanh là tầm thường. Hễ trừ vọng tưởng thì sẽ nhất định coi biệt pháp xảo niệm là kỳ đặc, xem chuyện ròng rặt niệm Phật ghi số là chuyện tầm thường. Còn nếu cầu Nhất Tâm thì nhất định sẽ coi nhất tâm bất loạn là kỳ đặc, xem chuyện mở miệng tán niệm là chuyện tầm thường. Lấy chánh làm tà, lấy sai làm đúng, chẳng phải là điên đảo quá mức hay sao? Bốn căn bịnh lớn ấy hễ phạm phải đôi chút ắt sẽ khó vãng sanh.
Nói “chẳng cầu nhất tâm” ắt sẽ có kẻ nghi ngờ: “Nhất tâm bất loạn là giáo thuyết dạy trong kinh Di Ðà. Tán tâm niệm Phật là điều bị tổ sư quở trách, sao lại bảo là lấy chánh làm tà, lấy sai làm đúng?”
Xin đáp: “Ðáng tiếc là ông chưa thường niệm Phật lâu ngày. Nếu thường niệm Phật lâu ngày thì ắt sẽ biết là nhất tâm bất loạn quyết định là do tán tâm niệm Phật mà thành, lẽ đâu lại coi là chuyện tầm thường! Nếu đã chẳng tán tâm niệm Phật từ trước thì làm sao thành tựu nổi nhất tâm? Nếu ai quả thực có thể thường tán tâm niệm Phật lâu ngày chẳng lui sụt thì sẽ tự nhiên thành tựu nhất tâm.
Ví như nho sĩ có mấy ai thành tựu được ngay tài văn chương, chẳng mấy ai là không phải đọc sách trước đã. Như vậy chẳng phải là lấy chánh làm tà, lấy sai làm đúng hay sao? Chẳng đọc sách trước thì làm sao kết thành tài văn chương; cho nên phải chịu đọc sách trước đã thì mới thành tài văn chương được nổi!
Ví như học nghề phải từ bỡ ngỡ cho đến khi thuần thục, hễ thuần thục rồi thì mới thành khéo. Không ai là chẳng phải chịu học nghề trước rồi mới thành thợ khéo sau!
Tán niệm với số câu nhất định mà còn chẳng chịu học thì sao mà thành tựu nổi nhất tâm bất loạn cho được! Tu học như vậy thì khác gì cây không rễ lại muốn tươi tốt, chim không cánh lại muốn bay được! Xin hãy suy nghĩ kỹ càng, xin hãy suy nghĩ kỹ lưỡng!
Tôi từng thấy nhiều vị thầy khác cứ đem chuyện Nhất Tâm Bất Loạn làm nản chí không ít kẻ học nhân, cứ bảo họ đời này nếu chẳng đạt được nhất tâm thì đừng mơ tưởng Tây Phương nữa. Ðó đều là vì thuyết pháp nhưng chẳng biết sự dễ, việc khó vậy! Tán tâm niệm Phật là dễ, nhất tâm là khó. Bỏ cái dễ lấy cái khó há chẳng phải là bàn xằng hay sao?
Chẳng trừ vọng tưởng là vì vọng tưởng chính là pháp thuộc về ý, bậc thánh nhân đã đạt quả vị còn khó trừ được, huống hồ là kẻ phàm phu làm sao có thể trừ được vọng tưởng ngay từ đầu nổi? Vì thế tôi có bài kệ như sau:
Cảm Phật thâm ân, tụng Phật danh,
Bất tu diệu quán, bất tham tâm
Nhậm bằng ý địa đa tư tưởng
Thệ đảo luân châu động khẩu thần
(Tạm dịch:
Cảm Phật ân sâu, niệm Phật danh
Chẳng cần diệu quán, chẳng tham Thiền
Mặc cho ý khởi bao tư tưởng
Thề lần xâu chuỗi, niệm liên miên)
Cần phải biết rằng: Phàm phu tu hành hoàn toàn nhờ vào thân, khẩu, ý chí thành thì tự nhiên công phu sẽ chẳng luống uổng! Bởi thế, sách Trực Chỉ viết:
“Nếu có thể dốc trọn thân miệng mà niệm thì chẳng cần biết là tán niệm hay không, chỉ cốt đừng gián đoạn thì sẽ tự có thể đạt được Nhất Tâm, mà cũng có thể gọi là Nhất Tâm. Chỉ lấy việc thực hành chẳng thôi nghỉ làm chừng, cho nên chẳng phải lo tâm tán loạn chi hết. Xưng danh là khẩu nghiệp thanh tịnh, lần chuỗi là thân nghiệp thanh tịnh, tâm ghi nhớ số lần niệm chính là ý nghiệp thanh tịnh; đích xác là tam nghiệp thanh tịnh. Thật là đại pháp môn cực viên đốn, cực thẳng tắt vậy!”
Bởi thế, các vị Thiện Ðạo, Vĩnh Minh cực lực nhấn mạnh việc ghi số. Cả hai vị Tổ đều là hóa thân của Phật Di Ðà nên quyết phải lấy lời dạy của hai vị làm căn cứ vậy!
Ta nên biết rằng một pháp môn Trì Danh: xét về công năng thì chú trọng ở việc mang theo hoặc chướng đi vãng sanh, xét về địa vị thì đặt nặng vấn đề “hoành siêu” (vượt ngang ra khỏi tam giới). Sáu phương chư Phật, Bổn Sư Thích Ca cùng cạn lời khuyên nên tin tưởng pháp môn Tịnh Ðộ chính là vì lẽ này, mà nói chung cũng là nhờ vào đại nguyện phổ độ của đức Di Ðà! Chúng sanh đời mạt chướng nặng tâm loạn muốn được ngay trong đời này thoát khổ mà lại bỏ pháp Trì Danh ghi số thì quyết sẽ không còn môn nào nữa!
Ngoài ra, các pháp vượt tam giới theo chiều dọc khác (thụ siêu) đều cần phải đoạn sạch tham, sân thì mới hòng liễu sanh thoát tử. Vì vậy, nhà Thiền nói: “Hễ còn mảy may nghĩ nhớ thì thành nghiệp nhân của tam đồ”; đó là bởi tự lực khó thành vậy! Tôi từng thấy các vị sư khác khinh người niệm Phật, nói: “Lúc ngươi niệm Phật là có vọng tưởng, cho nên chắc chắn là vô dụng!” Tiếc là những kẻ học đạo ấy chưa lãnh hội nổi yếu chỉ của Tịnh Tông nên chẳng biết đối đáp cách nào. Tôi bèn hỏi ngay:
“Ông chẳng niệm Phật thì có vọng tưởng hay không?” Ðáp: “Không vọng tưởng”.
Tôi lại hỏi: “Nếu ông đã không có vọng tưởng thì không niệm Phật sẽ có ích gì không?”
Họ không đáp được. Tôi liền bảo:
“[Ðối với người] chẳng niệm Phật, nếu đã không có vọng tưởng thì niệm Phật thật chẳng có công dụng gì. Ví như trong đêm tối om, nếu không có vầng trăng sáng thì không có đám phù vân cũng chẳng hề gì!
Ðối với người niệm Phật còn có vọng tưởng thì niệm Phật thật sự có công dụng lớn. Ví như giữa ban ngày, do vầng thái dương rực rỡ nên dẫu có tầng tầng phù vân cũng chẳng ngăn trở được ánh mặt trời chiếu tỏa khắp nơi, khiến cho người trong khắp đại địa đều được thọ dụng.
Bởi thế, ngài Linh Phong mới nói: “Tin sâu xa, nguyện khẩn thiết mà niệm Phật thì ngay trong lúc niệm Phật nếu như tâm có nhiều vọng tưởng thì đấy chính là Hạ Phẩm Hạ Sanh. Tuy là Hạ Phẩm Hạ Sanh nhưng cũng chẳng trở ngại chi chuyện được ở cùng một chỗ với các bậc thượng thiện nhân, cùng thọ hưởng pháp lạc”, đấy há chẳng phải là công dụng lớn lao hay sao? Vì vậy, tôi có bài kệ như sau:
Nhất cú Di Ðà pháp trung vương
Tạp niệm phân phân dã bất phương
Vạn lý phù vân già hách nhật,
Nhân gian xứ xứ hữu dư quang
(Tạm dịch:
Một câu Di Ðà vua vạn pháp
Tạp niệm rối bời chẳng trở ngại
Muôn dặm phù vân che Thái Dương
Chốn chốn nhân gian vẫn rạng ngời!)
Lại có kệ rằng:
Tán loạn trì danh đại hữu công
U đồ mông chiếu tất giai thông
Mạc linh Phật nhật Tây sơn lạc
Na phạ mê vân bách lý trùng
(Tạm dịch:
Tán loạn trì danh công lớn thay
U đồ được chiếu thảy đều khai
Ðừng cho Phật nhật chìm sau núi
Nào sợ mây mê trăm dặm dài)
Người nhiều vọng tưởng mà chịu ghi số niệm Phật thì nhất định là hạng tín nguyện kiên cố nên sẽ quyết định vãng sanh, đấy chính là đại nhân duyên “nhiều thiện căn, phước đức”. Kẻ không niệm Phật dẫu bảo là không có vọng tưởng, nhưng nào có phải là không vọng tưởng mà chính là suốt cả toàn thân đều là vọng tưởng mà chẳng tự biết đó thôi!
Tiếc là không ít người lầm lạc, chẳng lãnh hội nổi giáo nghĩa “nhất tâm bất loạn” của kinh Di Ðà nên lắm kẻ niệm Phật bị thối thất. Ý kinh dạy: Chỉ cốt một dạ trì danh, chẳng bị tham, sân, vọng tưởng nhiễu loạn thì đấy chính là Nhất Tâm Bất Loạn; chứ kinh chẳng dạy ta phải đoạn sạch vọng tưởng thì mới được gọi là Nhất Tâm Bất Loạn.
Nếu ai đã đoạn sạch vọng tưởng thì xét về địa vị, người ấy đã phải là bậc A La Hán. Từ ngàn xưa đến nay, các bậc đại tổ sư có mấy vị đã chứng đắc được như thế? Ðạt được đến địa vị ấy thì nhiều vị được liễu sanh thoát tử, toàn là cậy vào nguyện lực rộng sâu của chính mình nên mới có thể mang theo hoặc chướng đi vãng sanh, chẳng hạn như đại sư Trí Giả là một minh chứng. Ðối với bậc đã thuộc vào địa vị Ngũ Phẩm thì mang theo nghiệp đi vãng sanh còn dễ hiểu được, chứ còn như kẻ phàm nhân hiện thời: nghiệp chướng quá nặng, công hạnh quá cạn thì làm sao đoạn sạch vọng tưởng cho nổi?
Phổ Hiền Bồ Tát dạy người phát nguyện: “Nguyện con lúc lâm chung, trừ sạch các chướng ngại”;đại sư Từ Vân dạy người phát nguyện: “Nguyện lúc mạng sắp dứt, tâm chẳng bị điên đảo”. Ðấy toàn là lúc bình thời niệm Phật chẳng hề cầu không vọng tưởng vậy. Nay sao ta lại chẳng chịu khuyên người khác trước hết hãy niệm Phật cho nhiều, lại cứ một bề bức bách người khác phải trừ sạch vọng tưởng trước đã? Nhận đầu là đuôi, điên đảo quá sức! Kinh dạy: “Nếu ông chẳng thể niệm đức Phật kia thì hãy nên xưng A Di Ðà Phật. Chí tâm như thế khiến cho chẳng ngớt tiếng, hễ đầy đủ mười niệm thì liền được vãng sanh”. Nếu tâm chẳng thể niệm nổi (niệm ở đây là quán tưởng tịnh cảnh và Phật thân theo các pháp quán đã dạy trong Quán kinh) thì tâm ấy đã tán loạn đến cùng cực. Miệng xưng mười niệm mà được vãng sanh chính là mang theo hoặc nghiệp đi vãng sanh. Bởi thế, ngài Tây Trai mới đề thơ như sau:
Hồn phi tâm tán loạn
Phật hiệu tội tiêu dung
Liên thước như sơ nhật
Tây thăng Cực Lạc cung
(Tạm dịch:
Hồn bay, tâm tán loạn
Nhờ Phật hiệu tội tiêu
Sen sáng mặt trời mọc.
Về Tây, ngự Cực Lạc)
Kinh còn dạy: “Ðời Mạt Pháp ức ức người tu hành, nhưng hiếm có một ai đắc đạo. Chỉ có ai nhờ vào niệm Phật thì đều được độ thoát”. Ðời Mạt Pháp ức ức người tu hành nhưng hiếm có một ai đắc đạo chính là chỉ người hiện thời vọng tưởng rối bời; còn “chỉ có ai nhờ vào niệm Phật thì đều được độ thoát” chính là kẻ mang theo hoặc chướng đi vãng sanh. Nếu thật sự phải đoạn sạch vọng tưởng mới gọi là Nhất Tâm Bất Loạn, mới được vãng sanh Tây Phương thì làm sao nuốt cho trôi đạo lý trong câu kinh vừa dẫn trên đây? Ta mới thấy là chúng sanh đời mạt nghiệp chướng quá nặng, mà công năng cứu đời của pháp này càng rõ ràng vậy; thậm chí cậy vào đại nguyện của Phật Di Ðà gia bị nên chúng sanh mới có thể mang nghiệp hoặc đi vãng sanh nổi! Âu cũng là do chúng sanh đã kết duyên sâu nặng cùng đức Di Ðà. “Ðịnh số niệm Phật, chẳng trừ vọng tưởng” giống như khi bị giặc cướp công thành, chỉ cốt bên trong giữ chắc không suy suyển thì giặc sẽ tự nhiên tan lui; chứ chẳng cần phải dạy người phải trừ tan giặc cướp trước! Nếu phải trừ giặc trước thì chỉ e do nội lực chẳng đủ nên còn bị mắc hại là đằng khác! Cũng giống như thế, người niệm Phật phải trừ vọng tưởng trước thì càng trừ, vọng tưởng càng nhiều.
Xin phụng cáo cùng bậc hữu duyên: Chỉ cốt lập chí quyết định, ghi số trì danh, chẳng quản là vọng tưởng hay không vọng tưởng. Cần phải biết là pháp môn tu hành có pháp ngang, pháp dọc. Các tông khác thoát tam giới theo chiều dọc, phải đoạn vọng tưởng thì mới được thành. Tịnh tông vượt ngang, vẫn có thể mang theo hoặc nghiệp đi vãng sanh. Bởi vậy, người niệm Phật chẳng luận là tán loạn nhiều hay ít, chỉ cốt tin sâu, nguyện thiết sẽ quyết định vãng sanh! Mang theo hoặc nghiệp là Ngang, đoạn vọng là Dọc. Bỏ Ngang chọn Dọc chẳng phải là trái nghịch nghĩa lý lắm ư?
Chẳng tham cứu câu “người niệm Phật là ai?” là như trong các kinh có dạy: “Tâm niệm Phật thì tâm là Phật; tâm chẳng niệm Phật thì tâm chẳng phải là Phật”. Kinh cũng dạy: Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Tâm này chẳng làm Phật thì tâm này chẳng là Phật. Người niệm Phật hiểu phân minh cái tâm bổn lai của chính mình, hiểu: niệm Phật A Di Ðà ở phương Tây là nương cậy vào Phật Di Ðà ở phương Tây để hiển lộ cái tâm bổn lai của chính mình. Trong niệm niệm, tâm ta hướng về Phật; trong niệm niệm Phật hướng đến tâm ta; tâm lẫn Phật hệt như nhau, tâm và Phật cùng một thể: cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn! Bởi thế, sách Yếu Giải viết:
“Rời lìa cái tâm Vô Lượng Quang Thọ nhất niệm hiện tiền thì không còn chỗ nào để có danh hiệu A Di Ðà Phật, mà lìa ngoài danh hiệu A Di Ðà Phật thì không còn biết nhờ vào đâu để chứng triệt để được cái tâm Vô
Lượng Quang Thọ nhất niệm hiện tiền được nữa!”
Khi niệm Phật mà còn thắc mắc là ai đang niệm thì chính là trên đầu chồng thêm một cái đầu nữa, đang cưỡi lừa còn đi kiếm lừa. Do đó, ngài Linh Phong mới quở: “Cứ cho tham thoại đầu là kỳ đặc, niệm Phật là tầm thường; vứt châu Như Ý, tranh nhau ngói gạch, thật đáng thương thay!” Ðại sư Kiên Mật nói: “Lúc kiếp trược hưng thạnh, chúng sanh cấu chướng nặng nề, đừng vừa trì danh vừa tham thoại đầu. Tham kèm thêm thoại đầu thì sóng Trược Trí càng trào dâng, nhất định sẽ khởi lên tà kiến!” Ðấy đều là những lời cứu cấp! Nếu như chẳng tin ắt sẽ dứt mất huệ mạng, ắt đọa tam đồ chịu khổ vô tận, trái nghịch chư Phật!
Xin chớ nghe lời các thầy khác khiến cho câu thoại đầu chữ “Ai” đó phá nát tâm bi triệt để của đức Phật ta và pháp môn đại phương tiện Chấp Trì Danh Hiệu. Kẻ tham thoại đầu đã tham chẳng đến nơi mà niệm cũng chẳng khởi. Ví dù có tham cứu được đến nơi đi nữa cũng vẫn là quỷ giữ thây, hễ vô minh vừa động đôi chút đã thiêu cạn nước cả bốn đại hải; chẳng bằng kẻ chẳng tham thoại đầu, trong mỗi niệm đều biết thẹn hổ, chuyên niệm A Di Ðà, chóng thoát khỏi tam giới.
Ðại sư Kiên Mật dạy: “Tịnh Ðộ chẳng thể lẫn với Thiền cơ. Ý kiến mới trái nghịch đôi chút thì cả hai môn đều bị phá!” Quả nhiên, quả nhiên! Niệm Phật là đường thẳng, tham câu thoại đầu chữ “Ai” là đường cong. Bỏ đường thẳng đi theo đường cong thì chẳng phải là đui mù hay sao? Tôi có những bài kệ khuyên các vị đồng học như sau:
Tổ sư khuyến nhữ mạc tham thùy
Ðịnh yếu tham thùy tất khiết khuy
Ấu tử bất thính từ phụ giáo
Tương thâu tha bảo phạm vương truy
(Dịch ý: Tổ sư khuyên ngươi đừng tham cứu câu “Người niệm Phật là ai?” Nếu cứ tham cứu sẽ bị thiệt thòi. Trẻ nhỏ chẳng nghe lời dạy của từ phụ cứ toan trộm lấy của báu của người khác sẽ bị vua truy bắt)
Phật danh bổn xuất tự tâm điền
Cánh vấn thị thùy thực khả liên
Bảo tạng phân minh thân tự đắc
Tái hành cầu khất tức si điên
(Phật hiệu phát xuất tự tâm điền
Còn hỏi là ai thật đáng thương!
Tạng báu phân minh mình tự được
Lại còn xin xỏ, quá khùng điên!)
Thảng ư Tịnh Ðộ thực vô duyên
Cánh khứ tham thùy diệc bất thiên
Chỉ khủng“thùy” tự tham bất triệt
Tử vương nhất đáo tiện mang nhiên
(Nếu như Tịnh Ðộ thật vô duyên
Dẫu có tham Thiền cũng chẳng nên
Chỉ sợ chữ “ai” tham chửa thấu
Tử vương đã tới, dạ kinh phiền)
“Thùy” tự phân minh thị trực đề
Lãn xưng Phật giả tối tương nghi
Ðạt Ma thân giáng nguyên nhân thử
Chỉ phạ kim nhân bị quỷ mê
(Dịch ý: Chỉ tham cứu phân minh câu thoại đầu chữ “Ai” (tức là câu “Ai là người niệm Phật”) thì đó là cách tốt nhất dành cho những người lười niệm Phật. Tổ Ðạt Ma đích thân thị hiện nơi Ðông Ðộ cũng là do nguyên nhân này, chỉ sợ người tham cứu bị phiền não làm mê hoặc mà thôi!)
Dẫu có bàn luận Bát Nhã cả ngàn lần thì tính nóng vẫn khó dằn nên tôi mới làm những bài kệ như vậy để nhắc nhở những người cùng hạnh; đột nhiên có kẻ khác trách tôi thiếu đạo lý vì: người xuất gia mà nóng nảy thì coi sao được? Tôi đã là Phật tử thì dĩ nhiên phải thuận theo lời Phật dạy, nếu nghe có kẻ chống báng lời Phật làm sao không nổi nóng cho được! Pháp môn Niệm Phật phổ độ bị một câu thoại đầu chữ “Ai” đó cản trở thì ngay đến các vị tổ sư của Tịnh Tông cũng nổi nóng nữa là! Bởi vậy, trong đời mạt này mới có bao nhiêu là sách vở được lưu truyền để quở trách những kẻ tà Thiền hoặc là để phá những thói tệ của đại chúng. Nếu như chẳng nổi nóng thì Tịnh Tông sẽ bị chà sát đất, chúng ta cùng chúng sanh sẽ vĩnh viễn không có cách thoát khổ. Bởi thế, tôi mới thỉnh sư Thông Trí chứng minh cho tôi. Ngài mở rộng lòng đại từ bi, viết tiếp thêm mấy bài kệ như sau:
Trì danh bổn thị Thích Ca tuyên,
Hà khổ tham “thùy” bối Phật ngôn
Mạc vị tham thùy kỳ đặc sự
Ty hào hệ niệm ác duyên khiên
(Trì Danh là do chính đức Phật Thích Ca dạy ra, sao lại phải mất công tham câu thoại đầu chữ “Ai” để đến nỗi trái nghịch lời Phật. Ðừng có bảo tham thoại đầu câu ấy mới là kỳ đặc; hễ có mảy may ý niệm trói buộc thì sẽ bị ác duyên lôi kéo!)
Thanh Triết Công lão Tông môn tượng
Tham thoại thiền tư tứ thập niên
Tử hậu nhưng nhiên sanh phú quý
Chư quân hà bất tế tư nhiên
(Ngài Triết Công đời Thanh là bậc long tượng trong nhà Thiền, từng tham thoại đầu, tu Thiền suốt bốn mươi năm, chết đi vẫn bị sanh vào nhà phú quý!
Sao quý vị chẳng nghĩ kỹ cho?)
Di Ðà thùy thủ lập hoa trì
Tàm quý si nhi do bất tri
Cánh dục tham “thùy” sanh Tịnh Ðộ
Khủng cô Phật nguyện tự hồ đồ
(Phật Di Ðà đứng xòe tay [tiếp dẫn người vãng sanh] bên ao hoa sen. Thẹn cho kẻ si mê đã chẳng hay biết, lại còn toan lấy việc tham câu thoại đầu chữ “Ai” để vãng sanh Tịnh Ðộ. Chỉ sợ làm như vậy thì là đã cô phụ đại nguyện của Phật vì tự mình hồ đồ [mà chẳng được vãng sanh])
Cùng tử phiêu bồng lịch hữu niên
Y châu chỉ xuất thượng mang nhiên
Quy gia chánh thị Trì Danh lộ
Mông đổng thiền hòa nhưng dục “thùy”!
(Ðứa con đói nghèo phiêu bạt đã nhiều năm, đến khi có người chỉ cho hạt châu đeo nơi vạt áo vẫn cứ ngơ ngác. Ðường để về được đến nhà chính là con đường Trì Danh, nhưng kẻ học Thiền u mê vẫn cứ muốn tham cứu công án chữ “Ai”)
Chẳng tham tịnh cảnh vì tịnh cảnh chính là pháp thuộc về Tứ Thiền, Bát Ðịnh; đó là những pháp Thiên Tiểu. Nếu người niệm Phật tham đắm tịnh cảnh thì chính là đã quay lưng với Ðại Thừa để hướng theo Tiểu Thừa, bỏ lực dụng Diệu Hữu để nhận lấy cái thể Thiên Không, có đáng gọi là kỳ đặc đâu? Có khác chi chỗ nước tù đọng chẳng thể là nơi rồng ẩn náu; còn trong cảnh giới Ðại Thừa thì toàn thể đại dụng nằm ngay trong một câu A Di Ðà mênh mông bát ngát như là biển cả, không có con rồng nào là chẳng thích sống trong ấy! Giáo lý phân minh như thế không cần biện luận nữa!
Tôi hay nghe các vị thầy khác thường khai thị vào lúc Chỉ Tịnh trong khi niệm Phật như sau: “Ðây là dấu hiệu tốt, ai nấy nên chú tâm quán sát kỹ”. Coi chuyện không cần thiết là kỳ đặc rồi bỏ lửng câu niệm A Di Ðà Phật; do suy nghĩ lầm lạc nên hương chẳng thèm thắp, Phật chẳng thèm niệm, thật là đáng thương thay! Niệm Phật nhiều ngày chẳng coi vào đâu, mới dưỡng tịnh đôi chút đã khen là hay, chẳng phải là đã trái nghịch ý chỉ “ChấpTrì Danh Hiệu, Nhớ Phật, Niệm Phật” kinh đã dạy hay sao?
Chỉ Tịnh trong lúc Niệm Phật cũng chỉ giống như khi đi đường đã lâu, thấy mỏi mệt bèn tạm nghỉ mà thôi. Nếu coi đó là điều hay thì chẳng phải là đã cô phụ đức từ phụ Di Ðà suốt cả ngày mong ngóng chúng ta trên đài sen hay sao? Khai thị như thế thì Thiền và Tịnh chẳng phù hợp nhau, cả hai pháp môn đều bị phá tan cả. Ðáng tiếc là pháp môn thắng dị “vạn người tu vạn người vãng sanh” bị biến thành pháp hắc ám giường đồng, cột sắt! Xưng danh là động, ngồi yên là tịnh, bỏ động giữ tịnh chẳng phải là bịnh tà hay sao?
Nếu như đại chúng chẳng chê bỏ lời tôi thì xin nguyện cùng trừ bốn bịnh, cùng học cách ghi số niệm Phật của các vị Thiện Ðạo và Vĩnh Minh: mỗi ngày niệm một vạn câu hoặc là mấy vạn, tận lực mà hành thì nhất định sẽ vãng sanh. Kẻ hậu học Cổ Côn này cảm kích bạn bè đã cực lực hộ trì khiến cho việc khắc kinh Di Ðà lên đá cũng như các tâm nguyện khác được hoàn thành nên mới soạn sách này để tỏ bày chí nguyện phá sạch bốn bịnh. Vì thế, vào một ngày mùa Thu năm Quang Tự thứ bảy, tại chùa Hộ Quốc, nơi viện Di Ðà, kính đốt bốn mươi tám lọn hương trên cánh tay để cúng dường Phật A Di Ðà, chí tâm phát nguyện:
- Nguyện cho cuốn sách tầm thường này của con được lưu truyền khắp nơi chẳng dứt, diệt trừ tội khiên nhiều đời của con, đoạn trừ bốn thứ nghi hoặc của người đời, ai nấy y theo sách này tu hành đều chóng được viên thành Tịnh nghiệp. Giả sử có những kẻ thấy nghe chẳng tin thì cũng nguyện cho họ cùng được sanh về Lạc Quốc.
Nguyện đem công đức này hồi hướng, trên thì nguyện cho: Thánh thọ vô cương, thường hưởng phước lộc; dưới thì nguyện nhân dân an vui, vĩnh viễn xa rời tai ách, lại nguyện cho tứ ân tam hữu pháp giới chúng sanh cùng sanh Cực Lạc. Ngửa mong những vị đồng học hiện tiền, thiện nam tín nữ, hết thảy những ai hữu duyên chớ nề bỉ lậu, cùng nhiếp thọ cả. Lại nói kệ rằng:
Tôi ở trong luân hồi
Chịu khổ chẳng tính nổi
Nay gặp Ðại Pháp Môn
Quyết định dốc hết sức
Ngày niệm sáu vạn câu
Mặc kệ vọng tưởng loạn
Niệm đến chết làm hạn
Nhờ Phật đoạn vọng tưởng
Sanh biên địa Cực Lạc
Hoặc dự vào hạ phẩm
Ðều được liễu sanh tử
Không còn tám khổ nạn
Xin khuyên các thiện hữu
Nên sớm hiểu Niệm Phật
Ðừng tham duyên thế gian
Từ tối lại vào tối
Tôi nhớ lúc tại gia
Làm lắm việc ngỗ nghịch
Chẳng nhờ các thâm ân
Ắt sẽ đọa địa ngục
Vì vậy, khởi chơn tâm
Liều mạng khen Tịnh Ðộ
Khen mà được người nghe
Diệt tội con khi trước
Phật luôn đại từ bi
Khiến con hết ngu bướng
Chưa chứng đắc biện tài
Thuyết pháp như rồng, hổ
Ðể báo các ân sâu
Ðể cứu tam đồ khổ
Nếu như chẳng vừa lòng
Ðành đợi được bổ xứ
Ở trong cõi Tây Phương
Con cảm ân đại chúng
Ðược mãn nguyện Thạch Kinh (khắc kinh trên đá)
Vì thế soạn sách này
Ðể đáp tạ, lễ hiến
Kính nguyện người hành theo
Chớ đừng cải biến nữa
Ắt sanh về Tây phương
Sớm gặp mặt Di Ðà
Con trong lúc giải thất 1
Cực lực cạn lòng viết
Nhờ Phật lực gia hộ
Soạn thành Tứ Yếu Quyết
Ðại cư sĩ Phúc An
Viết tựa và giúp in
Phổ nguyện người thấy nghe
Ðồng sanh cõi Cực Lạc
Ai cáo các đồng học
Thương tấm lòng của tôi
Xin chớ có xem thường
Quyển Tứ Yếu Quyết này
Nếu con nói dối trá
Lôi hỏa ắt thiêu thân
Nếu thật hợp ý Phật
Lâm chung quyết vãng sanh