Tông Trách Thiền Sư, người ở Tương Dương, mồ côi cha thuở còn bé. Mẹ là Trần thị, bồng về nương ở nhà người cậu nuôi cho đến khôn lớn. Lúc thiếu thời ngài học Nho, rộng thông các sách thế tục. Khi đến hai mươi chín tuổi, lễ Trường Lô Tú Thiền sư cầu xin xuất gia. Sau thời gian học tập kinh luật, ngài tham thiền chưa bao lâu đã đến cảnh giới đại triệt đại ngộ.

Trong niên hiệu Nguyên Hựu đời Tống, thiền sư được thầy truyền y bát, giao cho trụ trì chùa Trường Lô. Nghĩ đến công sanh dưỡng, ngài lập ngôi tịnh thất ở phía Đông phương trượng, rước mẹ về phụng dưỡng. Kế đó Thiền Sư họp chúng làm lễ xuống tóc xuất gia cho thân mẫu, khuyên bà chuyên tâm niệm Phật. Bảy năm sau, một đêm ngài nằm mơ thấy thân mẫu sắc tướng tươi đẹp trong sáng như ngọc. Sáng ra, khi thiền sư sang thăm viếng, bà bẹ bảo: "Hôm nay, tôi được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc!". Rồi trong trạng thái không bịnh, bà ngồi niệm Phật mà vãng sanh.

Từ đó, bước đạo đã vững, ân sâu đã đền, nghĩ đến sự độ sanh, thiền sư tuân theo quy củ ở Lô Sơn, chiêu tập số đông Tăng tục, lập ra Liên Hoa Thắng Hội. Theo pháp nghi tu hạnh, các liên hữu trước tiên quán tưởng, kế đó trì danh, và sau hồi hướng phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Ngài có làm bài văn khuyến đạo như sau:

"Mảng nghe: Lấy tâm có niệm mà niệm Phật, lấy sự có sanh để cầu sanh, là chỗ sơ thất của người chấp Thường. Cho không niệm Phật là vô niệm, cho không cầu sanh là vô sanh, là điều lầm lạc của hàng tà kiến. Niệm Di Đà mà không niệm, sanh Cực Lạc mà không sanh, đó mới là thật là Đệ Nhất Nghĩa Môn.

Thế nên, chỗ lý thật tế, tất không vương nhiễm một mảy trần. Dù niệm Phật cầu sanh, trên không thấy thật có Phật A Di Đà để niệm, dưới không chấp thật có cảnh tịnh độ để sanh. Bởi Phật tướng và tịnh cảnh đều là chân không như huyễn. Nhưng trong hành môn Phật sự, quyết chẳng thể bỏ một pháp. Cho nên nhiếp các căn để trì danh, chính là yếu thuật về nguồn, là niệm Phật tam muội, là mở đường vãng sanh lên ngôi Bất thối vậy. Biết được lý này, tuy trọn ngày niệm Phật, vẫn không trái với ý nghĩa niệm vô niệm. Tuy hớn hở cầu sanh, mà thích hợp với tông chỉ vô sanh. Rõ được nghĩa đây, thì phàm cùng thánh đều ở ngôi vị của mình, mà đạo cảm ứng giao thông. Đông và Tây chẳng qua lại nhau, mà thức thần về định cảnh.

Kinh dạy: "Nếu kẻ nào nghe nói A Di Đà Phật, niệm giữ danh hiệu, cho đến người ấy khi lâm chung lòng không điên đảo, liền được sanh về quốc độ Cực Lạc của Phật A Di Đà". Xét nghĩ: Đức Thích Ca với Di Đà, tuy chia ra hai môn chiết phục và nhiếp thọ hiện ở hai cảnh Uế Độ cùng Tịnh Bang, đâu phải bản ý hai ngài cho cảnh Cực Lạc báu mầu là đáng ưa, cảnh Ta bà nhơ ác là đáng chán! „y cũng bởi, kẻ mới phát tâm vào đạo, sức an nhẫn chưa thuần, nên phải quyền mở cảnh đẹp vui, để làm duyên tăng tiến đó thôi!

Tại sao thế? — Ta Bà quốc độ, đức Thích ca đã nhập diệt, Phật Di Lặc chưa giáng sanh. Miền Cực Lạc liên bang, đấng A Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp. — Ta Bà quốc độ, đức Quán Âm, Thế Chí, luống khát ngưỡng danh lành. Miền Cực Lạc liên bang, hai vị Bồ Tát ở trên, đều là bạn tốt. — Ta Bà quốc độ, các ma khuấy động, làm não loạn người tu. Miền Cực Lạc Liên Bang, trong ánh đại quang minh, quyết không ma sự. — Ta Bà quốc độ, tiếng tà khiến loạn, sắc đẹp mê tâm. Miền Cực Lạc liên Bang, chim nước rừng cây đều tuyên pháp diệu. Chánh báo và y báo nơi ấy đẹp mầu thanh tịnh, không có ngưòi nữ, toàn chất kỳ trân. Thế thì duyên tu hành dễ thuận, không chi hơn cõi Tây Phương, lầm lạc sanh tâm nghi báng! Xin lấy theo thường tình sau để nghị luận.

Người mộ đạo ở phương này, ai chẳng thích cảnh chùa am yên tĩnh, chán nơi nhà tục rộn phiền? Cho nên khi thấy có kẻ nào bỏ tục xuất gia, thì ân cần khen ngợi! Nhưng nỗi khổ ở Ta Bà, đâu chỉ những sự rộn phiền của nhà thế tục; niềm vui miền Cực Lạc, há duy riêng cảnh thanh tịnh ở chùa am? Biết xuất gia là tốt, mà không nguyện vãng sanh, đó là điều lầm thứ nhất. — cõi này, người học đạo muôn dặm nhọc siêng, đi xa tìm bậc tri thức để cầu tỏ ngộ huyền tâm, giải quyết sự sống chết. Nơi miền kia, đức A Di Đà Thế Tôn nghiệp sắc tâm thù thắng sức bi nguyện rộng sâu, một phen diễn nói viên âm, người nghe đều tỏ ngộ. Chẳng nài xa nhọc tham phỏng bậc tri thức, mà không muốn cầu vãng sanh để thấy Phật, đó là điều lầm thứ hai. — cõi này, người học đạo đều ưa chuộng ở cảnh tòng lâm pháp quyến đông nhiều, những chùa chiền ít chúng thì không muốn nương tựa. Nơi miền kia bậc nhất sanh bổ xứ rất đông đảo, các hàng Thượng Thiện nhân đều câu hội về một nơi. Muốn gần gũi tòng lâm, mà không mến hải chúng thanh tịnh, đó là điều lầm thứ ba. — cõi này, tuổi thượng thọ không qúa một trăm, xét lại khi thơ ấu dại khờ, lúc suy già yếu, sự hôn mê ngủ nghỉ, đã chiếm hơn phân nửa. Vả lại, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm, hàng thanh văn còn muội lúc ra thai, tấc bóng nghìn vàng mười phần mất chín, mà chưa lên ngôi Bất Thối thật đáng kinh lòng! Nơi miền kia, chúng sanh tuổi thọ vô biên, một phen gởi chất thai sen, đã thoát ly sự khổ sanh già, bịnh chết, thẳng lên ngôi Bất Thối, liên tục tu hành cho đến chi chứng qủa đại Bồ Đề. Cam nổi chìm giữa Ta Bà mạng sống ngắn ngủi, mê mờ không cầu miền Cực Lạc vui đẹp trường xuân, đó là điều lầm thứ tư. Nơi cõi này, hành giả nếu là bậc Bồ Tát đã lên ngôi Bất Thối, chứng qủa Vô Sanh, không động dục trong cảnh dục, chẳng nhiễm trần giữa mùi trần, mới có thể khởi lòng từ vô duyên, vận đức bi đồng thể, qua lại chốn trần lao, hòa lẫn cùng ngũ trược. Nếu như đôi chút tương ưng, đã cho mình thoát khỏi lầm mê, không còn thối chuyển, vội chê bai Tịnh độ, đắm luyến Ta Bà. Những kẻ ấy, đến khi nhắm mắt, lại trở về không, y cũ luân hồi, ngang vai hàng súc thú, gần gũi chốn tam đồ. Không biết sự lượng mình, dám sánh với đại quyền Bồ Tát, đó là điều lầm thứ năm.

Cho nên kinh nói: "Phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia!" Những kẻ không tin lời thành thật của sáu phương chư Phật, chẳng nguyện cầu sanh về Liên Bang, há chẳng phải mê lầm ư? Nếu như tin lời Phật mà cầu về Tịnh Độ, thì sóng kiếp trược không còn nhận đắm, dây trần giới chẳng thể buộc ràng, từ bỏ tám khổ ở nhân gian, dứt hẳn năm suy nơi thiên thượng, danh từ ác đạo hãy không nghe, canh đọa tam đồ đâu có vướng! Khi về cõi ấy, quy y một thể Tam Bảo Phụng sự mười phương như lai, Phật quang chiếu thân, tiêu trừ muôn hoặc. Chừng đó, nếm mùi vui pháp vị, chứng trọn đủ lục thông, hiện ba mươi hai ứng thân đi vào lục đạo, nhập hằng hà sa tam muội độ khắp căn mê. Rồi tự tại rưới nước định cõi Tam Thiên, dẫn chúng sanh nơi hỏa trạch, sự mình lợi người thảy đều viên mãn. Thế thì cầu Tịnh Độ là yếu môn giải thoát, niệm Di Đà là đường tắt tu hành. Cho nên kinh giáo liễu nghĩa thượng thừa, thảy đều chỉ về Tịnh độ các bậc Hiền sau Thánh trước, mình người đồng nguyện vãng sanh. Phàm muốn độ người, phải chăng trước nên tự độ đó ư?

Than ôi! Người không lo xa, tất có buồn gần một khi mất thân người, muôn kiếp sau hối hận! Tha thiết mong đại chúng đều phát tâm niệm Phật từ ngàn cho đến muôn câu, rồi hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc. Xin đồng kết bạn pháp minh nơi kim địa, về thắng hội Liên Trì, nương tựa cùng tu, mãn Bồ Đề Nguyện. Từ đây, dong thuyền theo nước thuận, lại thêm sức chèo buồm. Thế mười vạn ức đường xa, tất đến nơi chẳng nhọc vậy!".

Một đêm, Tông Trách nằm mơi thấy có vị khăn đen áo trắng, phong mạo thanh đẹp, tuổi độ ba mươi, đến vòng tay thưa rằng: "Tôi muốn vào Liên Hoa Thắng Hội, xin ngài ghi tên cho!". Thiền sư, liền lấy sổ bộ ra, rồi hỏi: "Hiền giả tên họ chi? "Đáp: "Tôi là Phổ Huệ". Khi thấy ghi xong, lại nói: "Gia huynh cũng cầu xin thự danh". Hỏi: "Xin cho biết tên họ của lịnh huynh?" Đáp: "Anh tôi tên là Phổ Hiền!"! Nói đoạn liền ẩn. Sau thiền sư đem điềm mộng ấy thuận lại, các bậc tôn túc bảo: "Trong phẩm Ly Thế Gian, Kinh Hoa Nghiêm có hai vị Bồ Tát Phổ Hiền, Phổ Huệ, giúp Phật tuyên dương chánh pháp. Nay ông lập Liên Hoa Thắng Hội để lợi lạc quần sanh, nên thầm cảm hai vị Đại Sĩ đến xin ghi tên, để tỏ lòng tán trợ!" Nghe nói, ngài để tên hai vị Bồ Tát vào hàng hội thủ. Từ đó, xa gần đều cảm hóa hưởng ứng. Về sau, khi lâm chung, thiền sư đã niệm Phật vãng sanh với nhiều điềm lành.
 

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Phát Tâm Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phật Giáo Tin Có Diêm Vương Không...?
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Khuyên Phát Tâm Niệm Phật
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Bậc đã ngộ đạt mà còn cầu sanh Tịnh Độ
Đời Dao Tần, Duy Tắc Thiền sư Thiên Như

Làm Thế Nào Mới Được Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Người Mới Phát Tâm Học Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang