Nói về tình người, không ai chẳng chán khổ ưa vui, bỏ khổ lấy vui. Vậy mà hiện nay có nhiều sự khổ đau cùng cực, nhưng vẫn không biết chán nản rời bỏ; Lại biết có niềm vui tột bực mà chẳng biết ưa thích nhận lấy. Như thế không phải rất mê lầm hay sao?
Sự khổ đau cùng cực chính là nơi thế giới Ta bà này, sinh–già–bệnh–chết đủ mọi bức bách.
Niềm vui tột bực chính là thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, có đầy đủ Y báo, Chánh báo thanh tịnh trang nghiêm.
Bậc cao đức ngày xưa, vì thấy chúng sinh mãi mê lầm không thấu suốt nguyên nhân đau khổ và an vui, nên mới so sánh giữa Ta bà và Tịnh độ. Nói rằng:
- Ở cõi này loài người bẩm thọ thân hình máu thịt, có sinh là có khổ; cõi kia thì chúng hữu tình đều hóa sinh nơi hoa sen, không còn sự khổ về sinh.
- Ở cõi này thời tiết đổi dời, con người lần lần đi đến cảnh già yếu; cõi kia không có sự thay đổi nóng–lạnh, chúng sinh không bị khổ suy già.
- Ở cõi này con người mang thân hữu lậu dễ sinh nhiều bệnh hoạn, cõi kia thì chúng sinh thân thể phước báo thanh tịnh, không có sự khổ về đau yếu.
- Ở cõi này ít ai sống đến bảy mươi, cơn vô thường mau chóng; cõi kia thì chúng sinh mạng sống đến kiếp vô lượng vô biên, không có sự khổ về chết.
- Ở cõi này con người bị sợi dây thân tình, ái luyến ràng buộc, chịu nỗi đau khổ vì chia lìa; nơi cõi kia chúng sinh đều là quyến thuộc Bồ đề, nên không bị khổ về ân tình chia cách.
- Ở cõi này có nhiều sự ganh ghét oán thù, nên khi gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não khổ đau; nơi cõi kia toàn bậc thiện nhân nên không có sự khổ về oan gia hội ngộ”.
- Ở cõi này con người phần nhiều nghèo khổ thiếu kém, tham cầu không thấy đủ; nơi cõi kia, sự thọ dụng về ăn, mặc, ở, các thứ trân báu đều được hóa hiện tự nhiên.
- Ở cõi này con người hình thể xấu xa, các căn không đủ; cõi kia chúng sinh tướng hảo trang nghiêm, thân thể có ánh sáng xinh đẹp.
- Ở cõi này chúng sinh xoay vần trong vòng sinh–tử; nơi cõi kia bậc thượng thiện nhân đều chứng Vô sinh pháp nhẫn” (lý thể chân như thật tướng xa lìa sinh diệt).
- Ở cõi này tu hành khó thành đạo quả. Nơi cõi kia mọi người tiến lên ngôi Bất thối chuyển dễ dàng”.
- Ở cõi này nhiều gò nổng hang hố, rừng rậm chông gai, đầy dẫy các tướng nhơ ác; nơi cõi kia vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa khoe bốn sắc.
- Ở cõi này rừng Ta La Song Thọ đã khuất bóng đức Phật, hội Long Hoa của Bồ tát Di Lặc còn xa diệu vợi; nơi cõi kia, Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.
- Ở cõi này chỉ mến danh lành của Bồ tát Quán Âm, Thế Chí; nơi cõi kia, chúng sinh thường làm bạn với các Ngài.
- Ở cõi này bọn ma cùng ngoại đạo làm não loạn người tu hành chân chánh; nơi cõi kia, chỉ thuần là sự giáo hoá của Phật, tà ma không còn dấu vết”.
- Ở cõi này tài sắc, âm thanh, danh lợi khiến người tu mê hoặc; nơi cõi kia có Y báo và Chánh báo thanh tịnh, hoàn toàn không có bóng người nữ.
- Ở cõi này ác thú, ma quái gào thét rùng rợn. Nơi cõi kia, chim, nước, cây rừng thường nói pháp mầu.
So sánh hai cõi, cảnh duyên hơn–kém nhau rất xa. Sự thù thắng của cõi Cực lạc thật không sao có thể kể hết!
Nay đã nói rõ đến như thế, vậy mà người đời vẫn mịt mờ, không biết ưa thích niềm vui Cực lạc, chán nản nỗi khổ ở Ta bà, bỏ đây về kia. Đó đều do tập khí hư vọng nhiều đời che đậy tự tâm, trí tuệ chẳng phát sinh, nên xét lý không sáng tỏ.
Than ôi! Người không lo xa ắt có buồn gần. Người đời đều biết có ngày sẽ chết, nhưng chẳng vì điều đó mà chọn lựa nơi tốt đẹp cho thân sau, thật là một lối đi rất sai lầm. Cho nên, Thế Tôn ra đời, dùng nhiều thứ phương tiện khuyên người niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ, đều là chỉ dạy mọi người một con đường đi.
Kinh A Di Đà nói:
“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe nói về Phật A Di Đà bèn chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày hoặc hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mắt.
Khi người ấy lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà”.
Một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày dốc hết lòng niệm Phật, còn được vãng sinh. Thì huống chi một tháng, một năm, cho đến trọn đời dồn hết tâm sức để niệm Phật, chẳng lẽø không được vãng sinh hay sao?
Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn nói:
“Nếu có chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, năm tội nghịch, mười điều ác. Do nghiệp ác, nên phải đọa vào đường ác. Nếu có thể chí tâm niệm Phật không dứt tiếng, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Bởi xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm mỗi niệm trừ được tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mạng chung thấy hoa sen vàng giống như mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh Cực lạc”.
Người tạo mười điều ác, chỉ trong khoảnh khắc niệm mười câu Phật, nương nguyện lực của Phật còn tiêu diệt tội lỗi được vãng sinh. Huống chi người có lòng tin chân chánh, niệm trăm câu, ngàn câu, muôn câu, cho đến niệm Phật nhiều vô số kể, mà không được tiêu diệt tội lỗi vãng sinh hay sao?
Thế nên, tôi khuyên tất cả người đời nên tranh thủ chút ít thời gian rảnh rỗi trong lúc bận rộn, mỗi ngày niệm Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc muôn câu. Niệm xong rồi thì điền vào vòng tròn, hồi hướng Tịnh độ. Một năm đã mãn, sau đó tính chung lại xem niệm Phật được mấy muôn câu, ghi vào trong sổ, thọ trì suốt đời, dần dần tích lũy Tịnh nghiệp. Người ấy hiện tại được ánh sáng của Phật chiếu soi, tội diệt–phước tăng, về sau được ba vị Thánh ở Tây phương tiếp dẫn sinh về Tịnh độ.
Hạnh chân thật, nguyện chân thật, nhân chân thật, quả chân thật. Nếu chịu tin theo đây mới là người bạn pháp chân thật.